Chuyện tình đẹp như cổ tích của cô giáo khiếm thị

Thứ Năm, 29/10/2015, 08:00
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ trên phố Lạc Trung (Hà Nội), cô giáo khiếm thị Đỗ Lê Na chia sẻ: "Nhiều khi mình vẫn nghĩ hạnh phúc mà mình đang nắm giữ như một giấc mơ vậy". Từng bị bỏ rơi trong Bệnh viện Khe Sanh (Quảng Trị) từ khi mới lọt lòng, lên một tuổi, mắt sáng bỗng dưng mờ dần rồi không nhìn thấy hẳn.
Không chịu đầu hàng số phận, Lê Na quyết tâm học và thi đỗ vào khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội rồi sau đó trở thành giáo viên của trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Nhưng điều đặc biệt nhất ở cô giáo khiếm thị Lê Na là đã "sở hữu" được trái tim của một người đàn ông sáng mắt. Cái kết của tình yêu đẹp ấy là mái ấm gia đình và đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh.

Sóng gió tuổi thơ

Nhớ lại thời thơ ấu của mình, đôi mắt cô giáo Lê Na ngấn lệ: "Mình không được may mắn như nhiều đứa trẻ khác vì mình bị bỏ rơi ngay từ khi vừa mới cất tiếng khóc chào đời. Thấy mình đáng thương, mẹ Thủy đã mang về nuôi. Mẹ Thủy là nữ y tá trong Bệnh viện Khe Sanh. Khi quyết định nuôi mình, mẹ đã có 3 con nên cũng gặp rất nhiều khó khăn". Do thị lực yếu nên đến tuổi đi học Lê Na cũng chỉ được học dự thính chứ không được là học sinh chính thức của bất cứ lớp nào.

Giáo viên nào cũng lo nếu nhận một cô bé khiếm thị sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của lớp mình. Lê Na đã khóc rất nhiều, cô bé nói với mẹ: "Con thèm đi học lắm. Mẹ làm cách nào xin các cô cho con học đi. Con hứa sẽ học giỏi như các bạn mắt sáng". Biết con ham học nhưng vì không nơi nào dám nhận nên mẹ Thủy cũng đành bất lực.

Hy vọng đã tắt ngấm thì may mắn thay trong một lần đoàn văn nghệ khiếm thị của Trường Nguyễn Đình Chiểu về quê Na biểu diễn. Na đã tha thiết nhờ mẹ lên gặp lãnh đạo của trường xin cho em được đi học. Cuối cùng, nguyện vọng của em đã được lãnh đạo của Trường Nguyễn Đình Chiểu chấp nhận.

Thỏa nguyện ước mơ được tới trường, những ngày tháng ấy Lê Na đã dốc hết sức cho việc học hành. Không chỉ học giỏi môn văn mà Lê Na còn có năng khiếu làm thơ từ hồi nhỏ. Lê Na thường xuyên nghe chương trình Tiếng thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Bản thân Na cũng có nhiều bài thơ được đọc trên chương trình này.

Cô giáo khiếm thị Đỗ Lê Na.

Cô giáo Lê Na nhớ lại: "Năm 2001, nhờ có nhà báo Đặng Quang Thương và Hội sinh viên tình nguyện mà Trường Nguyễn Đình Chiểu ra được tờ báo tường "Hoa Nắng". Cũng nhờ có tờ báo tường này mà những vần thơ mình làm ra được nhiều bạn bè biết tới. Nhiều người đã gửi thư kết bạn với mình. Từ đó mình thấy cuộc đời đáng sống hơn".

Nhờ sự nỗ lực không ngừng nên nhiều năm liền liên tiếp Lê Na đạt học sinh giỏi của Trường Nguyễn Đình Chiểu. Cô cũng là người khiếm thị đầu tiên được tuyển thẳng vào khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Từ duyên thơ bén duyên chồng vợ

Cô giáo Lê Na chia sẻ: "Mình không phải là người dễ đầu hàng số phận nhưng cũng không phải là người không biết mình đang ở trong hoàn cảnh nào. Thế nên được đi học, được trở thành cô giáo đã là niềm hạnh phúc quá lớn lao đối với mình. Mình không mong muốn gì hơn. Mình còn thậm chí không dám màng tới một mái ấm gia đình. Kể cả là một mái ấm với một người khiếm thị cùng cảnh ngộ. Ai mà ngờ được sau này mình lại lập gia đình với một người đàn ông sáng mắt chứ".

Mối duyên tiền định ấy được bắt đầu từ duyên thơ. Cô gái Lê Na yêu thơ và trải lòng mình qua những vần thơ được đọc trên sóng phát thanh. Ở một nơi xa xôi cũng có một thầy giáo trẻ rất yêu thơ, mỗi tối đều dành thời gian để nghe chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Lê Na đã "sở hữu" được trái tim của một người đàn ông sáng mắt.

Ngồi cạnh vợ, thầy giáo Lê Trọng Hùng kể: "Hồi đó tôi rất thích bài thơ "Xa rồi cổ tích" và biết được tác giả là một cô gái khiếm thị. Không hiểu sao trong tôi cứ thôi thúc muốn được gặp và làm bạn với cô gái đó. Bởi vì nghe thơ thấy tâm hồn cô ấy thật đẹp". Nói rồi anh Hùng hào hứng đọc lại những vần thơ trong bài "Xa rồi cổ tích" của vợ mình ngày đó: "Cổ tích xưa trốn trong quả thị vàng/ Nay hoang mang con kiếm tìm kỷ niệm/ Thuở còn ba cổ tích còn hiển hiện/ Ấm lòng con bên mỗi bữa cơm chiều".

Như sự sắp đặt của ông trời, mấy năm sau, từ Lào Cai, thầy Hùng tham gia một lớp học Luật dưới Hà Nội. Trong lớp học có mấy người khiếm thị nên thầy Hùng đã lân la hỏi chuyện và xin thông tin về Lê Na. Sau khi có số điện thoại, thầy Hùng đã gọi và làm quen Lê Na. Càng nói chuyện thầy Hùng càng cảm thấy gần gũi và tâm đầu hợp ý với cô sinh viên năm thứ nhất khoa Văn và tình yêu đến lúc nào không hay. Cứ tưởng khi mình tỏ tình thì người yêu sẽ rất hạnh phúc nhưng không ngờ thầy Hùng lại bị Lê Na từ chối.

Lê Na kể: "Thực ra anh Hùng không phải là người sáng mắt đầu tiên thể hiện tình cảm với mình. Hồi đó mình làm tờ ''Hoa nắng'' được đài TNVN đưa tin nên cũng có nhiều bạn thể hiện sự quý mến và muốn đặt vấn đề đi lại nhưng mình đều từ chối. Mình nghĩ mình mắt mũi thế này khó có thể làm tốt vai trò của một người vợ, một người mẹ. Và mình dự định sau này sẽ nhận một người con để nuôi chứ không lấy chồng". Vì suy nghĩ ấy nên Lê Na nhất định chối từ tình cảm của thầy giáo trẻ. Cô tìm cách tránh mặt để anh nguôi ngoai dần. Thế nhưng ngọn lửa tình yêu trong thầy Hùng ngày càng bùng cháy.

Cuối cùng thì Lê Na đã không thể cưỡng lại được tấm chân tình lớn lao ấy. "Chúng mình yêu nhau vấp phải sự phản đối kịch liệt của cả hai bên gia đình. Ai cũng tưởng chỉ có phía gia đình anh Hùng mới là những người phản đối nhưng mẹ mình phản ứng với chuyện này cũng không kém. Đã thế hồi đó nhiều bạn của mẹ mình còn nói thêm vào, rằng nhà anh Hùng ở Lào Cai gần Trung Quốc, không cẩn thận lại bị lừa bán sang đó.

Càng thế mẹ mình càng phản đối kịch liệt hơn. Mãi cho đến tận sau này khi mình dẫn anh ấy về nhà cho mẹ gặp mặt, gặp rồi, thấy anh ấy chân chất nên mẹ mình mới yên tâm cho hai đứa yêu nhau. Nhưng chúng mình đi đâu, làm gì mẹ cũng cho các em giám sát" - cô giáo Lê Na nhớ lại.
Cậu con trai đầu lòng kháu khỉnh là kết quả của mối tình đẹp giữa Lê Na và Trọng Hùng.

Được mẹ Lê Na chấp nhận, hai người lại tiếp tục gặp phải sự cản trở quyết liệt từ phía gia đình của thầy Hùng. Thầy Hùng là con trai út trong gia đình có 5 anh chị em, lại được mẹ thương yêu và kỳ vọng nhất. Thế nên khi nghe tin con trai mình yêu một người con gái bị khiếm thị, bà đã phản đối kịch liệt. Bà không chửi bới, không gào thét ngăn cấm con mà chỉ suốt ngày thở dài.

Chính điều này đã khiến thầy Hùng càng cảm thấy thương mẹ hơn. Nhưng tự bản thân mình thầy Hùng lại dùng chiến dịch "mưa dầm thấm lâu". Bất kể khi nào có cơ hội, thầy đều kể cho mẹ nghe về người yêu của mình. Thầy bảo rằng, cô ấy có thể khiếm khuyết về cơ thể nhưng tâm hồn lại rất đáng trân trọng. Và khi Lê Na chuẩn bị tốt nghiệp thì cũng là lúc thầy Hùng xin nghỉ dạy học ở Lào Cai xuống Hà Nội thuê nhà chờ người yêu ra trường. Đến lúc này thì cả hai bên gia đình đều thấy không gì có thể ngăn cản được tình yêu giữa hai người. Họ đành chấp nhận tổ chức đám cưới cho đôi trẻ.

Đang từ thầy giáo dạy sinh, hóa trên Lào Cai, xuống Hà Nội phải chật vật lắm thầy Hùng mới xin được vào làm giáo viên tại trường PTCS Xã Đàn. Giờ đây, ngoài những giờ lên lớp, thầy Hùng còn đi nghiền thuốc thuê cho người ta để lấy tiền trả nợ.

Thầy khoe: "Hai năm trước, nhờ hai bên gia đình nội ngoại, chúng tôi đã mua được căn nhà này. Dù nó không được vuông vắn, lại ở trong một con ngõ sâu nhưng với vợ chồng tôi như thế là quá đủ rồi. Hiện vẫn còn vay nợ nhiều lắm nên cứ có việc gì có thể làm thêm là tôi đều làm hết".

Hằng ngày, thầy Hùng vẫn thường làm những việc của một người phụ nữ như: sáng sớm tranh thủ đi chợ rồi mới yên tâm đến trường. Thầy bảo: "Vợ mình nấu ăn rất ngon, chỉ có điều cô ấy không thể tự đi chợ được nên mình làm thay. Về cơ bản cô ấy là người rất tự lập nên ngay cả việc chăm sóc con cô ấy cũng muốn tự mình làm". Hai năm sau ngày cưới, vợ chồng cô giáo Lê Na đã đón chào đứa con trai đầu lòng.

Không chỉ đảm việc nhà, cô giáo Lê Na còn là một giáo viên dạy giỏi của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Hiện cô đang cùng với đồng nghiệp của mình tiếp tục hoàn thiện thư viện sách nói cho các em khiếm thị.

Cô chia sẻ: "Với những người khiếm thị như bọn mình thì đài là phương tiện hữu hiệu nhất để tiếp cận tri thức. Bạn cứ thử tưởng tượng một quyển sách giáo khoa bình thường có thể rất nhỏ gọn nhưng nếu nó chuyển sang chữ nổi để những người khiếm thị bọn mình đọc được nó sẽ mất rất nhiều giấy, như thế rất tốn kém. Thế nên cách tốt nhất là làm thư viện sách nói cho các em. Đến đó các em có thể nghe những tác phẩm văn học và nhiều kiến thức khác nữa".

Cô Lê Na tâm niệm, ông trời không lấy của ai tất cả. Cô có thể bị thiệt thòi hơn nhiều người khác vì không có được đôi mắt sáng nhưng bù lại cô được toại nguyện ước mơ trở thành cô giáo. Cô có được người chồng yêu thương mình hết lòng và một người con trai khỏe mạnh, thông minh. Thứ hạnh phúc ấy không phải người khiếm thị nào cũng may mắn có được.

Phong Anh
.
.
.