Độc đáo lễ hội đánh cá của người Mường

Thứ Tư, 25/02/2015, 10:00
Nói đến lễ hội đánh bắt cá người ta thường nghĩ tới những miền sông nước. Thế nhưng ở nơi "thâm sơn cùng cốc" (Lỗ Sơn, Tân Lạc, Hòa Bình) ấy đang gìn giữ lễ hội "đánh cá" hết sức độc đáo. Nó như thể hiện lòng tôn kính với các vị thần linh, là dịp dân làng gần gũi nhau hơn, thắt chặt tình đoàn kết bản làng. Lễ hội "Đánh bắt cá suối" của người Mường tuy đơn giản mộc mạc nhưng lại mang tính cộng đồng rất cao.

Trong những ngày này bếp của các mế lúc nào cũng đỏ lửa, mọi người trong nhà tạm gác tất cả công việc ruộng nương, họ tập trung đánh bắt cá và ăn uống. Khắp trong bản ngoài nương đâu đâu cũng rộn ràng tiếng cười đùa của trẻ nhỏ, tiếng gọi nhau đi chung chén rượu xuân của các bậc cao niên. Họ bảo rằng, lễ hội đánh cá này là lớn nhất trong năm, là lúc mà mọi người an hưởng "lộc" của trời ban. Và, cũng là lúc họ cùng nhau cầu nguyện thần linh cho một năm mới mưa thuận gió hòa, thú về rừng nhiều hơn, cá tụ suối đông hơn.

Đã lâu lắm rồi, những buổi lễ đánh cá Lỗ Sơn thường do nhà Lang (tầng lớp cao nhất trong xã hội của người Mường) tổ chức. Cứ đến những ngày đã định, nhà Lang dẫn theo Ậu người giúp việc cùng các xâu - nõ và nhân dân đi tới con suối lớn của bản để tập trung đánh cá. Dụng cụ đánh bắt đã được chuẩn bị từ trước như: lưới, vó, chài… và dụng cụ quan trọng nhất là bè mảng (được làm từ những cây nứa to kết lại). Sau khi làm lễ thần linh, nhà Lang bơi mảng ra giữa dòng, đánh tiếng cồng hiệu lệnh. Người đứng đầu này sẽ được quăng mẻ chài đầu tiên, sau đó mọi người mới được bắt đầu đánh bắt cá.

Con suối bắt đầu rộn ràng tiếng cười nói, nhộn nhịp chài lưới cho đến khi nghe hiệu lệnh kết thúc của nhà Lang. Nhà Lang sẽ lấy những con cá to nhất, ngon nhất mà mọi người đánh bắt được. Các nhóm đánh bắt được nhiều cá đều phải trích ra một phần cho nhà Lang rồi mới chia cho nhau. Điều đặc biệt hơn cả là những người đánh bắt được cá sẽ chia cho những người hôm đó không bắt được con nào. Đó là nét đẹp, sự đặc biệt của lễ hội đánh bắt cá này.

Gìn gi như tài sn vô giá

Ngày nay lễ hội đánh bắt cá được chia làm hai phần Lễ và Hội. Những bậc cao niên, người có học rộng tài cao sẽ xem phong thủy, ngày tốt, ngày đẹp sau đó định ngày giờ mở hội. Thầy mo là người quan trọng nhất trong phần lễ, ông vận trang phục đồ cúng khá cầu kỳ, áo thụng đen, mũ tai én, thắt lưng xanh, chuông, quạt và những thẻ tre nhỏ có khắc những ký hiệu để gieo quẻ. Đồng thời mọi người chuẩn bị đồ lễ gồm năm mâm cơm cúng trong đó có thịt lợn, tim, gan, lòng… của lợn được bày biện khá cầu kỳ trên mâm được lót bằng lá chuối. Món được coi là chủ đạo và không thể thiếu là một con cá to nướng chín bằng kẹp tre trên than củi…

Thầy mo cất lên tiếng hát cả làng như im bặt, chốc chốc lại rung tiếng chuông khiến cả không gian thêm phần linh thiêng. Lời thầy mo như để mời thần linh về chứng tỏ lòng tôn kính của bà con dân Mường, dự bữa cơm do bà con dâng lên cảm ơn một năm no đủ. Cầu chúc mùa màng thuận lợi, mưa thuận gió hòa.

Trong thời gian thầy mo làm lễ, bà con trong bản kéo nhau đến ngày một đông, dụng cụ đánh bắt cá đã được sẵn sàng. Những dụng cụ này được người dân chuẩn bị từ nhiều hôm trước. Bên cạnh những người có tài bơi lặn thì các nhóm đánh bắt cá cũng phải tìm những người hợp nhau về tuổi tác, vía mới mong thu hoạch được nhiều cá. Lưới chài rách mang ra vá lại, đơm, đó, kha, vợt, giỏ được sửa chữa cẩn thận. Khắp trong làng rộn ràng tiếng chặt nứa, chặt che làm mảng, tiếp dóc sửa vó sửa nơm, tiếng hò nhau tìm bạn. Người ở xa thì đến sớm, cứ hai người chung nhau một mảng, lưng đeo giỏ, lưới chài vắt vai.

Khi buổi lễ kết thúc, chiếc mảng của làng được bốn thanh niên trai tráng chưa có vợ khênh ra suối. Người quăng mẻ lưới đầu tiên được coi như "công dân ưu tú" của bản trong năm vừa qua. Thường là những người làm ăn khấm khá, có sức khỏe và đặc biệt phải có đạo đức. Người quăng mẻ cá đầu tiên là rất quan trọng, người Mường quan niệm rằng nếu mẻ cá đầu tiên có cá ắt năm đó sẽ làm ăn phát đạt, mưa thuận gió hòa.

Mẻ lưới đầu tiên kéo lên cũng là lúc đồng loạt nhân dân quăng chài, thả vó. Cảnh tượng nhộn nhịp người quăng kẻ kéo, rồi có cả những người phi thân lao xuống suối kiểm tra vó, kiểm tra lưới. Có những người lặn cả vài phút dưới độ sâu hơn chục mét luồn lách vào tận những hốc đá để đuổi cá vào lưới của mình. Có những con cá to, người lặn dùng thanh tre vót nhọn xiên vào mang cá, thậm chí dùng tay móc thẳng vào hai bên mang cá. Khi họ ngoi lên ném cá lên mảng là tiếng hoan hô, hò reo của bà con lại vang rộn. 

Ở Tân Vượng nổi tiếng có ông Kình, người được mệnh danh là vua sát cá trong bản. Ông Kình có thể lặn tới 5 phút dưới độ sâu 12 mét, dùng tay không bắt những con cá nặng cả chục cân như thể cá nằm trong chậu vậy.

Phần lễ quan trọng trước ngày hội.

Cứ như vậy cả dòng suối như náo loạn, tiếng hò reo hoan hô khi có người bắt được cá to. Rồi tiếng đập nước đuổi cá, tiếng than thở khi bắt hụt cá. Rồi cả tiếng trống tiếng chiêng bà con mang theo cổ vũ…

Mặt trời lặn dần xuống núi, tiếng hò reo cũng thưa dần, lần lượt những chiếc mảng đánh cá nối đuôi nhau vào bờ. Dụng cụ được sắp xếp cẩn thận, cá được xâu lại. Họ cùng nhau lên những bãi đất trống để chia nhau chiến lợi phẩm. Những con cá to ngon sẽ được ban tổ chức nhắm từ khi vừa bắt. Chúng sẽ được mang về trung tâm của xã, buổi tối hôm đó sẽ là một bữa đại tiệc, sẽ có những phần thưởng cho những người bắt được nhiều cá nhất.

Những ngày này nhà nào cũng đỏ lửa, khắp bản đâu cũng dậy mùi cá nướng thơm đượm mùi hạt de, rồi mùi cá nấu măng chua nựng hạt dổi. Tiếng người cụng ly mừng cho một năm mới đầy may mắn. Lễ hội đánh cá của người Mường thật mộc mạc nhưng lại là lòng thành kính đối với các vị thần linh. Mọi người được gần gũi thắt chặt tình đoàn kết bản làng.

Song Anh
.
.
.