Đi từ sáng tới trưa ở Mường Vang

Thứ Bảy, 24/01/2015, 07:00
“…Bao nhiêu câu chuyện thêu dệt về những thầy mo Mường. Nào là chỉ với một dúm muối, một đôi đũa, một nhành cây…, họ có thể “bó” cho đôi vợ chồng nọ đang đứng trước nguy cơ tan vỡ trở nên quyến luyến, khăng khít như thuở ban đầu. Nhưng cũng với dúm muối ấy, họ lại có thể khiến nó chia rẽ cặp tình nhân đang say nhau như điếu đổ bỗng trở nên hờ hững, nhạt phai mà chia ly đôi ngả. Đi từ sáng tới trưa ở Mường Vang mới nhận ra xứ Mường không chỉ có thế…”.

Xứ Mường huyền bí

Trước khi đặt chân tới Mường Vang, tôi đã hình dung về vùng đất này theo lời một bài ca cổ: Bốn bề rừng rậm núi nguy nga/ Nước hát chim ca cảnh thái hòa/ Man mác trời mây bày trăm vẻ/ Dập dìu hoa lá thác ngân nga. Mường Vang trong hình dung của tôi đầy huyền bí với câu chuyện về vị quan lang không tai, về nhan sắc khuynh đảo của hoa hậu Quách Thị Tẻo. Lại cả những câu chuyện liêu trai diễn ra trong hiện tại đầy màu sắc li kỳ về  việc đầu thai, kiếp trước, kiếp sau… Tất cả tạo trong hình dung của tôi về một Mường Vang xa ngái, lạ lẫm và biết bao điều phải kiêng dè, e ngại…

Cũng như những người miền xuôi hóng chuyện khác, tôi đã từng nghe người ta kể nhiều về phép thuật nèm, chài (bùa mê, ngải lú) thần bí. Trong hình dung của tôi, hình ảnh của những ông thầy mo Mán, mo Mường dưới những tán rừng vẫn giữ nguyên nét huyền bí, có thể bắt vía người tiếp chuyện. Bao nhiêu câu chuyện thêu dệt về những thầy mo Mường. Nào là chỉ với một dúm muối, một đôi đũa, một nhành cây…, họ có thể “bó” cho đôi vợ chồng nọ đang đứng trước nguy cơ tan vỡ trở nên quyến luyến, khăng khít như thuở ban đầu. Nhưng cũng với dúm muối ấy, họ lại có thể khiến nó chia rẽ cặp tình nhân đang say nhau như điếu đổ bỗng trở nên hờ hững, nhạt phai mà chia ly đôi ngả. Rồi chuyện chỉ với một chiếc kim, một mảnh sắt quấn sợi chỉ ngũ sắc, họ có thể giết chết kẻ thù địch bằng những lời chú bí hiểm… Những câu chuyện rùng rợn ấy được người kể kèm theo những lời thề độc nhằm bảo đảm tính xác thực. Cứ như thế, những câu chuyện ngăn tôi với thủ phủ đất Mường bằng một bức màn huyền bí dù ông bà tôi tới đây từ những năm bốn mươi của thế kỉ trước và tôi được sinh ra nơi vũ trụ Mường.

Trước khi đặt chân tới Mường Vang, câu chuyện tôi nghe nhiều nhất là chuyện về thầy Minh ở xã Văn Sơn. Chuyện kể rằng giếng nước cổ tại xóm Trào quanh năm nước đầy và trong vắt. Toàn bộ người dân xóm này đều lấy nước từ giếng nước cổ về nhà sinh hoạt. Bên trong giếng nước cổ có cặp ba ba sinh sống. Chúng kết bạn trăm năm với nhau, lặn ngụp nơi giếng cổ nhưng không hề khiến nguồn nước nơi giếng này vẩn đục.

Rồi một ngày kia, nước tràn miệng giếng. Một trong hai vị tình nhân đó ra khỏi giếng rong chơi. Người dân trong xóm thấy chú ba ba lớn liền bắt đem bán, lập tức, nước trong giếng cổ đổi màu. Thay vì nguồn nước trong vắt, lành lẽ, nó chuyển màu đục.

Theo lời anh Luyến và nhiều người dân xóm Chiềng ở Mường Vó khẳng định thì: sau khi một trong hai con ba ba bị bắt đi, nước trong giếng chuyển màu đục, đỏ nhờ như màu máu. Người dân tại xóm… kể trên không có nước để sinh hoạt đã đành. Thêm vào đó, họ lại lo nghĩ tới những điềm gở có thể giáng tới sau đó. Dân trong xóm bèn mời thầy Minh (một thầy mo có tiếng ở xã Văn Sơn) tới cúng giải. Lạ thay, sau cúng giải của thầy Minh, nước giếng dần trong trở lại. Câu chuyện về thầy Minh, về đôi ba ba trong giếng cổ đã được truyền tới tai tôi như thế.

Như những người vừa có chút kiêng dè, vừa có nhiều mối nghi hoặc về sức mạnh thần bí của những thầy mo Mường, chúng tôi tìm tới nhà bố Bắp (còn được gọi là bố Nghĩa) tại xóm Bắc, xã Xuất Hóa của xứ Mường Vang.

Bố Bắp vốn là hậu duệ của nhà lang Quách Văn nơi xứ Mường xưa. Gia đình Quách Văn nhà “bố” theo nghề thầy mo, cúng ngải với tâm nguyện: chỉ làm những điều phúc lộc, thiện lành. “Bố” ưu tiên cúng giải, giúp cho những người trục trặc chuyện hôn nhân, chuyện mất của… Người phương xa gặp chuyện khó tới nhờ cậy miễn là không có tâm ác là “bố” sẵn lòng giúp ngay… Chúng tôi tới thăm nhà “bố Bắp” ban đầu theo chỉ dẫn này.

Ba gian nhà sàn của “bố Bắp” tọa lạc trên mảnh đất có đến hàng nghìn mét vuông.

Trong ba gian nhà đó, chúng tôi đặc biệt chú ý tới ngôi nhà nhỏ nhất, được làm bằng gỗ mà theo lời “bố” nó có hàng trăm năm tuổi. Nơi vách nhà có treo rất nhiều xương trâu, sừng bò – đặc điểm khiến ngôi nhà được bao bọc bởi bức màn đầy huyền bí. Theo chân “bố Bắp” lên màn thang, chúng tôi dần gỡ bỏ mọi ma mị, huyền bí, kiêng dè. Tiếp chúng tôi là một “bố Bắp” cởi mở, hóm hỉnh, tinh anh. Người đàn ông của những câu chuyện về sức mạnh tâm linh huyền bí tận tình giới thiệu những vật cổ mà ông cất công, quyết tâm lấy về với mong muốn mãnh liệt: Chúng là của Mường. Chúng không thể để lấy đi khỏi vùng Mường. Đó là chiếc sập gỗ gụ của vị quan lang không tai xưa được triều đình Huế ban thưởng. Là chiêng đồng, ché đồng, là chiếc tẩu vua hình rồng được khắc, chạm cầu kỳ…

Tìm tới nhà “bố Bắp” với cảm giác kiêng dè về sức mạnh tâm linh kì bí, chúng tôi được gặp một người con của bản, của Mường yêu tha thiết văn hóa dân tộc mình cùng bộ sưu tập đồ đồng cổ xưa không hề nhỏ.

Xứ Mường thân tình

Xuyên qua bức màn huyền bí, chúng tôi tới Mường Vó. Đón chúng tôi không phải nhà Lang quyền thế hay thầy mo Mường huyền bí. Đón chúng tôi là những người con của bản Mường giản dị, thân tình.

Mưu sinh với quán nước mía nhỏ tại gốc đa xã Chiềng Vang, vợ chồng anh Luyến, chị Thoa đã dành cho chúng tôi tình cảm thân tình của người miền núi đón khách. Lần đầu tiên gặp chúng tôi - những kẻ lang thang dừng chân nơi quán nhà anh chị kiếm ngụm nước giải khát. Gió đồng quạt mát, tình người chân thành đã xóa bỏ hoàn toàn những vương vất, ám ảnh về xứ Mường kì bí, ma mị được sinh ra trước đó. Lần đầu tiên trong cuộc di chuyển trong cõi nhân sinh tới ba mươi năm, tôi hiểu sâu sắc hơn về hai tiếng “đồng bào” mà mình đã quen nghe trước đó. Khách đường xa lang thang hứa một cuộc gặp một đi không trở lại.

Trái với vẻ nghi ngại, ngờ vực, anh chị tiếp chúng tôi như tiếp những đứa em lâu ngày về thăm nhà. Biết chúng tôi đi tìm những nghệ nhân Mường lặng thầm lưu giữ vốn văn hóa dân gian nơi bản Mường với cuộc mưu sinh chộn rộn, chị cho đứa con gái nhỏ đưa chúng tôi đi. Chú sơn ca nhỏ bé đưa tôi đi dưới tán cây, trong ánh nắng chan hòa. Tôi gặp trên đường đi những gương mặt mang nụ cười thân thiện. Đi trong bản Mường lần đầu tiên đặt chân tới mà thể như về quê hương, bản quán thân thuộc của chính mình.

Chú sơn ca và tôi dừng chân ở căn nhà sàn giản dị của mế Diện – một con người mang đến cho tôi bài ca đẹp đẽ, khó quên. Mế Diện năm nay mới ngoài năm mươi tuổi. Ở mế Diện là hình ảnh về người phụ nữ Mường có sắc, có tài, có sự vĩ đại của một con người vượt qua những sóng gió, bất hạnh của cuộc đời để vui sống bình thản, hữu ích với hạnh phúc đời thường giản dị. Mẹ mế Diện mất sớm khi mế mới có 11 tuổi.

Cũng trong năm đó, mế Diện bị tai nạn lao động khiến bàn tay trái bị cụt tới ngang nửa cánh tay. Cuộc sống, sự khéo léo của người con gái Mường không chỉ dừng lại ở đó. Với bàn tay phải còn lại, mế vẫn ngồi vào khung cửi, dệt chăn, dệt cạp váy… để dùng, để có thêm đồng ra, đồng vào cùng gia đình. Bao nhiêu năm, từ bé con 11 tuổi mất bàn tay trái, mế Diện vẫn lặng lẽ làm việc, lặng lẽ dệt truyền nét văn hóa của dân tộc mình. Trò chuyện với chúng tôi, mế không nói gì tới khó khăn mà bàn tay trái mang tới. Như một bản nhạc sâu lắng, trong trẻo nơi bản Mường, mế Diện hát với chúng tôi bài ca về lòng yêu sống mạnh mẽ, lay động nhất.

Trong khi chú sơn ca nhỏ dẫn chúng tôi thăm làng, thăm xóm, gác chuyện mưu sinh, anh Luyến xăm xắm đi chợ, đãi chúng tôi bữa cơm thân mật. Bữa cơm có canh lá sắn muối chua mà anh hái về từ nương nhà mình rồi chính tay anh muối chua.

Chia tay mế Diện, chia tay anh Luyến, chị Thoa, chúng tôi mang về ăm ắp niềm vui. Xứ Mường thân tình gọi tôi về trong chuyến đi sắp tới!

Nhung Nguyễn
.
.
.