Để tấm bằng đại học thật sự có ý nghĩa

Chủ Nhật, 24/04/2016, 14:52
Đến hôm nay, gần một năm đã trôi qua, nhưng kỳ thi quốc gia hai trong một vẫn còn là "ác mộng" với các thí sinh được coi là "chuột bạch" cho cuộc đổi mới này. Tất nhiên, cái mới dù tiến bộ đến mấy nhưng vẫn bộc lộ những bước loạng quạng khi đi vào cuộc sống. 


Nhiều gia đình có con em dự thi như ngồi trên chảo lửa đến tận ngày cuối cùng nộp hồ sơ xét tuyển sau khi đã "nộp vào, rút ra" ở một số trường như một cuộc chơi chứng khoán bất đắc dĩ.

Và hậu quả đầu tiên của cái sự "nộp vào, rút ra" đó, tôi tin là rất nhiều thí sinh đã không được theo học ngôi trường mà mình từng mơ ước, từng kỳ vọng. Họ nộp hồ sơ cốt để được đỗ vào một trường nào đó cho bằng bạn, bằng bè, cho bố mẹ không bị mất sĩ diện với thiên hạ dù sau này, mảnh bằng đại học đó không biết có là chìa khóa để vào đời hay không.

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Mấy năm mài quần trên giảng đường tốn không biết bao nhiêu tiền bạc, sức lực, thời gian nhưng bi kịch cay đắng nhất là cầm tấm bằng đi xin việc. Trong hành trình gian nan và mờ mịt ấy, có người may mắn, kẻ khác trắng tay. Một hội thảo khoa học mới đây cho thấy, trung bình mỗi quý có thêm gần 25.000 người tốt nghiệp đại học và sau đại học thất nghiệp. Chua xót hơn, nếu thanh niên theo đuổi các nghề hàn lâm thì càng lên cao số lượng người thất nghiệp càng nhiều.

Vấn đề này hoàn toàn không mới và được các chuyên gia giáo dục đã bàn nhiều về các giải pháp hữu hiệu trong các hội thảo khoa học. Song, có một nguyên nhân khá thuyết phục, lý giải cho hiện trạng trên, đó là nền kinh tế tri thức của Việt Nam vẫn chỉ trong giai đoạn phát triển ban đầu, chưa tạo ra một lực lượng nhân lực chất lượng cao có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của các công ty, tập đoàn đa quốc gia có quy mô lớn. Do đó, cần đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể đáp ứng các nhu cầu trên bởi đang có sự vênh nhau rất lớn giữa kiến thức đào tạo ở trường lớp với yêu cầu thực tế của công việc.

Khi tốt nghiệp đại học gặp những bế tắc như vậy thì việc học nghề, học cao đẳng lại mang một ý nghĩa tích cực khác. Một chuyên gia kinh tế thẳng thắn nhận định: Nếu theo đuổi học nghề thì khi đạt đến trình độ nào đó, số người thất nghiệp sẽ ít đi rất nhiều. Đây là điều đáng cảnh báo trong việc lựa chọn ngành nghề, bậc học để học. Đây cũng là một hình thức để có thể thay đổi tư tưởng trọng bằng cấp, chuyển hướng đào tạo nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Mới đây, một bạn trẻ tên là Lê Hải Sơn, 27 tuổi, quê Thanh Hóa đã viết bài "Học đại học để làm gì?" trên trang facebook cá nhân khiến rất nhiều người quan tâm. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có 11.000 lượt thích, 1.300 bình luận cùng hàng nghìn lượt chia sẻ. Sơn đã có những năm tháng miệt mài trên ghế giảng đường, nhưng rồi chính từ những bài học cay đắng của mình, cậu đã thẳng thắn nhận định đó là sai lầm. Hãy nghe Sơn trải lòng:

"…Tôi đã tiêu phí phạm hàng trăm triệu trong 4 năm đi học, tôi học chuyên ngành mà tôi chẳng nghĩ là nó có tương lai gì đối với cá nhân tôi, nhưng tôi vẫn đi học, vì dù sao tốt nghiệp cấp 3 xong và đỗ đại học cũng là bước ngoặt của mỗi đời người, tuy rất đáng trân trọng nhưng sau này tôi mới thấy đó thật sự sai lầm.

Suy cho cùng, tấm bằng đại học nó chẳng có trách nhiệm gì với bạn cả. Nó không phải là tấm vé lên "chuyến bay vinh quang". Nó chỉ chứng minh bạn là một con người bình thường như bao người khác! Nếu bạn không có đam mê hoặc không có cơ sở để sử dụng nó, hãy cất nó đi hoặc treo lên như một bức tranh kỷ niệm.

Tôi nói vậy không phải là khuyên các bạn đừng học đại học, mà muốn nói với các bạn rằng hãy chọn nghề thật kỹ. Học gì? Sau này ra trường có hướng đi tiếp theo hay không? Đừng nghĩ tới chuyện may rủi rằng ra trường biết đâu xin được việc, vì cuộc đời không bao giờ có chuyện "giá như".

Một mùa thi lại về. Mong các bạn trẻ sẽ có quyết định sáng suốt để những năm tháng tiếp theo, các bạn có một tương lai tốt đẹp và không ân hận về những lựa chọn của mình.

Tuấn Nguyễn
.
.
.