Để Tết Trung thu được trọn vẹn
Lâu rồi, khi điều kiện sống đã đủ đầy, bánh Trung thu không còn là mơ ước của những đứa trẻ mỗi độ heo may về. Người ta mua bánh nướng, bánh dẻo để ngắm, bày trên bàn thờ tổ tiên hay làm đẹp mâm cỗ đêm rước đèn hơn là giá trị ẩm thực của nó.
Vì quy trình làm bánh khá thủ công nên mấy năm trở lại đây, ngoài các doanh nghiệp có uy tín thì các khách sạn, nhà hàng, các cơ sở tư nhân cũng đều tranh thủ làm bánh để tận thu trong một thời gian ngắn. Công nghệ thông tin hỗ trợ tích cực bằng cách quảng cáo sản phẩm lên các trang mạng xã hội, ai muốn mua hàng chỉ việc gọi điện hay nhắn tin, hàng sẽ mang đến tận cửa nhà.
Rồi các lớp tập làm bánh trung thu cũng ra đời. 5-7 cháu thiếu nhi là thành một lớp. Nguyên liệu làm bánh không thiếu trên thị trường, các loại khuôn bánh sinh động, nhiều mẫu vui mắt cũng không thiếu. Các phụ huynh thấy con có niềm vui lao động, lại có sản phẩm mang về thì trong lòng cũng vui lây.
Bánh trung thu có vô số chủng loại và thể hiện đẳng cấp của mình một cách rõ ràng. Còn nhớ dịp Trung thu cách đây 2 năm, một khách sạn lớn tung ra thị trường loại bánh khiến nhiều người choáng váng bởi nó được hét với giá gần 12 triệu đồng/hộp.
Vượt qua tất cả những suy nghĩ của mọi người về một loại bánh truyền thống, hộp bánh này có thêm nguyên liệu là vàng. Tất nhiên, với những hộp bánh này, mục đích của nó dùng làm quà biếu để đẹp lòng cấp trên chứ có ai dám bỏ tiền ra thử đâu mà biết nó ngon hay bổ dưỡng tới cỡ nào.
Đỉnh điểm của sự khôi hài về bánh trung thu phải nói tới một nước cũng đón Tết trung thu như chúng ta. Vấn đề bánh trung thu không đơn giản là quà biếu nữa mà còn là những tài sản có giá trị, liên quan đến nạn tham nhũng, xà xẻo công quỹ. Đến nỗi, chính phủ nước này phải ra lệnh cấm các quan chức dùng tiền công quỹ mua bánh trung thu với giá xa xỉ làm quà tặng nhằm ngăn ngừa nạn hối lộ. Trước đó, không ít quan chức tại nước này đã lợi dụng dùng tiền chùa để mua những chiếc bánh có mức giá khủng khiếp (2.600 USD/chiếc), thậm chí có cả bánh trung thu đúc bằng vàng và bạc thật làm quà biếu cấp trên…
Đấy là nói về dòng bánh trung thu mà người ta quen miệng gọi là bánh vip, bánh cao cấp, bánh quý tộc. Đối lập với dòng bánh này mà báo chí gần đây nói rất nhiều, đó là bánh rẻ tiền dành cho nhà nghèo. Tất nhiên, nguyên liệu của các loại bánh này cũng vô cùng rẻ và bán công khai ở các chợ đầu mối.
Thôi thì đủ các loại bánh được làm từ bột sắn, bột ngô trộn với hương liệu đậm đặc rồi bán với giá 10.000 - 12.000đồng/chiếc. Đừng bao giờ hỏi người bán về nguồn gốc xuất xứ hay hạn sử dụng và nếu những chiếc bánh này qua miệng trôi xuống bụng, hậu quả xảy ra cũng là điều khó tránh.
Minh họa: Tả Từ. |
Đến hẹn lại lên, để việc bày bán bánh trung thu không lấn chiếm vỉa hè, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, Sở Giao thông vận tải đã ra quy định chỉ được dựng ki ốt dưới các tòa nhà trong khu đô thị, cấm dựng ki ốt trên các tuyến phố. Ấy vậy mà dọc nhiều phố trung tâm, vẫn rất nhiều ki ốt dựng theo một dãy dài mà chưa bị xử lý. Nhiều ki ốt nói rằng họ được quận, phường cho phép nên… đương nhiên được tồn tại. Cái sự trống đánh xuôi, kèn thổi ngược là vậy đấy.
Chưa hết, Sở Công thương phối hợp với liên ngành vào cuộc, thành lập nhiều đoàn kiểm tra, lập kế hoạch chi tiết để thanh, kiểm tra các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, thời gian bắt đầu từ ngày 14/8 đến 27/9. Cũng như mọi năm, vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là mối quan tâm của mỗi người dân và cơ quan chức năng.
Thực tế, vì "lợi nhuận", có nhà sản xuất, kinh doanh vẫn bất chấp các quy định về an toàn thực phẩm, cố tình vi phạm. Cả việc này cũng mang tính hình thức vì các loại bánh rởm vẫn bán trên thị trường, còn việc thanh, kiểm tra chỉ làm qua loa cho có.
Không có bánh nướng bánh dẻo, Tết Trung thu hẳn sẽ mất vui. Nhưng dùng bánh không đảm bảo chất lượng để rồi chuốc họa vào thân thì thật đáng buồn. Mong mọi người hãy cẩn trọng để không trở thành nạn nhân của những người làm ăn chộp giật, gian dối.