Thư viện "tình quê" của vợ chồng ông giáo già
1. Đến đường Yên Đỗ (phường Yên Đỗ, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai), nhắc đến tên vợ chồng cụ Trần Xuân Hạ (86 tuổi) và cụ Trần Thị Minh Sơn (73 tuổi), không ai không biết. Người lớn thì tấm tắc ngợi khen, kể về tấm lòng nhân ái, những việc làm thiện nguyện của vợ chồng cụ.
Trẻ em thì bảo thích thú khi được gặp các cụ, bởi những câu chuyện đời, chuyện nghề cứ xoay vòng trong câu chuyện kể với các em. Đặc biệt, sách là một niềm đam mê lớn với các cụ nên các em cũng được… hưởng theo.
Ngồi trò chuyện, cụ Hạ bảo, bây giờ dù tuổi đã cao, mắt cũng không được rõ như trước, nhưng vợ chồng cụ vẫn giữ thói quen đọc sách hằng ngày. Đó là sự đam mê, là niềm vui của tuổi già.
Dù tuổi đã cao nhưng cụ Hạ vẫn duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày. |
Chính nhờ nuôi dưỡng đam mê đọc sách mà vợ chồng cụ có một số lượng lớn các đầu sách do tự sưu tầm hoặc được bạn bè tặng. Cũng vì đam mê sách ngay từ nhỏ mà cách đây 6 năm, vợ chồng cụ tự bỏ tiền túi tích cóp bao nhiêu năm để thành lập hai thư viện “Tình quê” ở nơi các cụ sinh ra và lớn lên để phục vụ miễn phí cho người dân.
Cụ Hạ vốn sinh ra ở xã Nhơn Khánh (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) nhưng do điều kiện công tác, cụ phải xa quê lên dạy học ở tỉnh Gia Lai. Cả cuộc đời gắn với nghề giáo, cụ hiểu được giá trị của sách, của tri thức.
Bởi vậy, lúc về hưu, khi con cái đã trưởng thành, vợ chồng cụ dù tuổi cao nhưng vẫn đau đáu một nỗi niềm là phải làm điều gì đó thiết thực cho quê hương, cho thế hệ trẻ bây giờ. Suy nghĩ cứ thôi thúc, đến năm 2012, cụ quyết định đem hết số tiền đã tích cóp, dành dụm được bấy lâu nay, về quê mua đất, xây dựng thư viện miễn phí mang tên “Tình quê” tại thôn Hiếu An (xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn), mảnh đất nơi mình sinh ra.
Chưa đầy một năm sau, vợ chồng cụ xây tiếp một thư viện “Tình quê” miễn phí khác tại thôn Chánh An (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), đây là quê của cụ Sơn.
“Tôi vốn là giáo viên nên rất quý chữ nghĩa. Tôi nghĩ những thư viện nho nhỏ này sẽ phần nào giúp các cháu mở mang kiến thức, giúp nông dân tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tôi còn nghĩ, nơi nào có nhiều người đọc sách chắc chắn nơi đó sẽ ít có tội phạm.
Chúng ta có thể nghèo về vật chất nhưng không thể nghèo về tri thức. Thư viện sẽ là nơi mọi người, bất kể lứa tuổi hay nghề nghiệp, có thể đến đây đọc sách tiếp thêm kiến thức. Đây cũng là một món quà nhỏ mà vợ chồng tôi muốn gửi tặng để tri ân quê hương mình”, cụ Hạ tâm sự.
2. Thư viện “Tình quê” ở thôn Chánh An nằm nép mình bên cánh đồng lúa xanh tươi ở giữa xã Mỹ Chánh. Tấm biển tên thư viện cũng được treo một cách khiêm tốn. Nhưng những sinh hoạt về văn hóa đọc của trẻ em và người nông dân lam lũ ở đây mang một sức sống lạ lùng. Không gian yên bình từ bao đời nay bỗng trở nên náo nhiệt cả một làng quê nghèo mà việc đọc sách, yêu sách trước đây là một thứ gì đó xa lạ, xa xỉ với nhiều người.
Nhiều học sinh rất thích đọc sách ở thư viện “Tình quê”. |
Thư viện này rộng chừng 60m2, với hơn 4.000 đầu sách. Để thư viện hoạt động hiệu quả, vợ chồng cụ Hạ tự bỏ tiền ra thuê người túc trực, mở cửa đón bạn đọc đến thư viện mỗi ngày với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Không gian thư viện được bố trí với dãy bàn ghế để học sinh và người dân địa phương đến đọc sách miễn phí.
Dạo quanh các tủ sách ở đây, chúng tôi tận mắt chứng kiến sự phong phú của nó. Thư viện có đủ mọi thể loại, từ thơ ca, văn xuôi, các tác phẩm lớn của những tác giả nổi danh trong nước và quốc tế.
Thế nhưng đầu sách chiếm số lượng lớn trong thư viện là sách phục vụ cho thiếu nhi, học sinh và sách khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, bí quyết chăn nuôi.
Theo ông Võ Thái Châu (63 tuổi, ở thôn Chánh An, người trông coi thư viện), những ngày cuối tuần thư viện rất đông đúc, bởi các em học sinh được nghỉ học, tìm đến đây đọc sách. Đặc biệt, dịp hè thư viện lúc nào cũng nhộp nhịp học sinh ra vào.
Ông Châu giới thiệu về thư viện “Tình quê”. |
Hằng ngày, các cụ già về hưu trong địa phương tìm đến thư viện đọc thơ, trò chuyện, nhiều nhất là các bác nông dân đọc các sách hướng dẫn quy trình sản xuất các loại cây và nuôi con đặc sản. Nhờ đọc sách, nhiều người dân ở địa phương được tiếp cận kiến thức để áp dụng vào đồng ruộng hay chuyển dịch cơ cấu sản xuất.
Ông Võ Văn Biền (54 tuổi, ở thôn Chánh An) bảo, 6 năm nay thường xuyên đến mượn sách ở thư viện “Tình quê” này để đọc. Trong đó, nhiều quyển sách dạy kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt rất bổ ích đối với nông dân vì không phải cái gì mình cũng biết nên phải nhờ sách để tham khảo thêm. Cũng nhờ đọc sách, áp dụng được tiến bộ kỹ thuật mà 4 năm liền, năm nào ông nuôi gà cũng thu lợi nhuận, chứ không bấp bênh như trước đây.
Đang say sưa với cuốn truyện cổ tích, Nguyễn Trần Bảo Nam (học sinh lớp 2, Trường Tiểu học số 2 Mỹ Chánh) vui vẻ cho biết: “Ở đây tụi cháu không có tiền để mua truyện về đọc nên ngày nghỉ học, cháu lại đến thư viện.
Hôm nào đọc chưa xong, bác Châu cho mượn về nhà đọc tiếp nên cháu thích lắm. Các thầy cô cũng khuyến khích đến đây đọc sách vì sách bổ ích. Ở làng có thư viện với nhiều sách như thế này làm cháu rất vui”.
Cũng giống như ở thôn Chánh An, thư viện “Tình quê” ở thôn Hiếu An cũng được trang bày gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ. Chị Nguyễn Thị Thu Yến (26 tuổi, ở thôn Hiếu An, người trông coi thư viện) bảo, trước đây ai muốn đọc sách thì tự mua hoặc lên thư viện trung tâm xã nhưng số lượng sách cũng hạn chế.
Từ ngày có thư viện này, người dân trong thôn, nhất là các em học sinh thường xuyên đến đây đọc sách, mở mang kiến thức và giải trí. Buổi tối, đây cũng là nơi các bạn sinh viên mở lớp dạy thêm cho học sinh cũng như tổ chức các sinh hoạt văn hóa, đoàn thể. Vào những ngày nghỉ lễ hay cuối tuần, bạn đọc đến thư viện đông hơn.
Với chị Yến, được vào trông coi thư viện “Tình quê” này là một điều may mắn. Trước đây, người chị của Yến sau khi học ra trường không có việc làm nên được nhận vào trông coi thư viện này.
Cách đây gần hai năm, chị của Yến đã có việc làm nên việc trông coi thư viện được giao lại cho Yến. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên với mức thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng là điều chị Yến mơ ước. Số tiền này có thể giúp chị trang trải cuộc sống gia đình, phụ giúp cha mẹ lo cho đứa em nhỏ ăn học.
Còn với ông Châu, quanh năm lam lũ với mấy sào ruộng cũng chỉ đắp đổi qua ngày, nhưng từ khi được nhận vào trông coi thư viện, cuộc sống gia đình ông đỡ vất vả hơn. Cũng nhờ thế mà hằng ngày ông được tiếp xúc với sách, đọc sách và trở thành người “nghiện” sách từ lúc nào không biết.
Ở hai thư viện “Tình quê” này, cứ một năm lại nhận sách mới hai lần. Sách được nhận từ tỉnh Gia Lai gửi về, rồi từ các con của cụ Hạ ở TP Hồ Chí Minh gửi ra. Nhiều người còn mang sách của mình góp tặng thư viện, để mọi người có cơ hội cùng đọc, cùng chia sẻ và góp phần làm cho số đầu sách của thư viện được tăng lên.
Ngoài sách mới, hai thư viện còn thường xuyên trao đổi sách cho nhau để tăng thêm sự phong phú, phục vụ được nhiều bạn đọc. Tất cả mọi việc đều với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc đến với mọi người.
3. Không chỉ mở thư viện, vợ chồng cụ Hạ còn quan tâm chăm lo những học sinh con nhà nghèo hiếu học. Hằng năm, riêng hai xã Nhơn Khánh và Mỹ Chánh, vợ chồng cụ dành 50 suất quà, mỗi suất trị giá 300.000 đồng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi; đồng thời mở quỹ khuyến học động viên các em học sinh thi đỗ điểm cao vào các trường đại học.
Ngoài ra, cứ đến ngày 12 tháng chạp âm lịch, vợ chồng cụ về quê tặng quà cho các cụ già neo đơn, tàn tật ở địa phương, như một cách cảm thông và chia sẻ với những mảnh đời thiếu may mắn.
Ở phường Yên Đỗ, vợ chồng cụ Hạ cũng tổ chức những đợt tặng quà cho các em nhỏ, những mảnh đời khốn khó nhân các ngày lễ tết trong năm. Điều đặc biệt, vợ chồng cụ luôn lên kế hoạch rất bài bản để “chiêu dụ” các em nhỏ đọc sách.
Các cụ kể chuyện rồi đọc sách cho các em nghe để các em thấy được sự thú vị, hấp dẫn từ sách. Cụ Hạ bảo, chính bản thân mình cũng phải học hỏi không ngừng nên luôn tìm tòi, đọc những cuốn sách mới. Và hơn hết là biết sống theo những điều tích cực, nhân văn chắt góp được từ sách.
“Văn hóa đọc hiện đang bị chìm lắng bởi sự phát triển mạnh mẽ và tiện lợi của các phương tiện thông tin. Vì thế, vợ chồng tôi làm những việc này nhằm củng cố và duy trì văn hóa đọc, tiếp thêm tri thức, truyền thêm ngọn lửa của tinh thần ham học hỏi cho lớp trẻ.
Bởi mỗi cuốn sách đều là một phần quý báu trong kho tàng tri thức nhân loại. Đọc sách không chỉ giúp người đọc được nâng cao hiểu biết, rèn luyện năng lực ngôn ngữ mà còn là thói quen tốt giúp mỗi người hoàn thiện mình hơn”, cụ Hạ chia sẻ.
Trong khi nhiều thư viện lớn đang thiếu vắng bạn đọc, văn hóa đọc hầu như bị lãng quên thì việc mở thư viện phục vụ miễn phí cũng như lôi kéo trẻ em đọc sách của vợ chồng cụ Hạ ở miền quê nghèo thật đáng trân quý.
Đây thực sự là một việc làm đậm tính nhân văn, góp phần tạo thói quen đọc sách cho đông đảo người dân và cho thế hệ trẻ vùng nông thôn. Cụ bảo, dù khó khăn mấy cũng ráng giữ gìn và phát triển hai thư viện “Tình quê” ở quê nhà, với tâm niệm: “Văn hóa đọc không bao giờ mất, có sách là sẽ có tri thức”.