chuyện lạ thế giới số 201
Ðau đầu vì... cái tên
Pháp không hạn chế sự lựa chọn việc đặt tên của cha mẹ cho con cái họ, với điều kiện tên đó không gây phiền phức đến lợi ích của đứa trẻ và không bị các thành viên khác trong gia đình phản đối vì lý do danh tiếng. Nhưng mới đây, các công tố viên của Pháp đã phải đau đầu khi quyết định có nên chấp nhận cái tên Jihad cho một cậu bé ở thành phố Toulouse. Tại sao vậy?
Có lẽ vì 2 từ “Jihad" và “jihadists” khá giống nhau. Từ "jihadists" thường được sử dụng để mô tả các chiến binh Hồi giáo như những người thực hiện các cuộc tấn công khủng bố dưới cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS). Hơn nữa, Pháp liên tục bị những cuộc tấn công khủng bố tồi tệ nhất ở châu Âu trong những năm gần đây. Cụ thể từ đầu năm 2015, các chiến binh Hồi giáo đã giết hơn 230 người ở Pháp, nơi hiện vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp.
"Jihad" theo tiếng Ảrập có nghĩa là "nỗ lực" hoặc "đấu tranh", không chỉ mang nghĩa là "chiến binh thần thánh". Và có thể bố mẹ cậu bé chọn cái tên Jihad với mong muốn con mình luôn nỗ lực trong cuộc sống chăng? Bởi trước đó, các cậu bé khác ở Pháp đã được phép giữ cái tên này. Còn cậu bé ở Toulouse vừa được sinh hồi tháng 8 năm nay.
Năm 2013, một bà mẹ ở thành phố Nimes, Pháp nhận án tù treo 1 tháng và khoản tiền phạt 2.000 euro sau khi đưa cậu con trai 3 tuổi, cũng có tên là Jihad, tới trường trong chiếc áo phông có in dòng chữ “Tôi là một trái bom” và “Jihad, sinh ngày 11-9”. Tuy nhiên, bà mẹ này bị phạt vì chiếc áo phông “khiêu khích”, nhắc đến vụ khủng bố ngày 11-9 ở Mỹ, chứ không phải vì đặt tên con là “Jihad”.
Hiện chưa rõ cậu bé có được tòa cho nhận cái tên Jihad do cha mẹ đặt cho hay không. (KB)
Ðôi giày đắt nhất thế giới
Nó được nhà thiết kế người Anh Debbie Wingham tạo ra. Đôi giày có giá 15,1 triệu USD khiến nhiều người “hoa mắt chóng mặt” vì không biết có điểm gì đặc biệt?
Trước tiên, đó là đôi giày được thiết kế theo màu sắc yêu thích của khách hàng và được làm thủ công, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Người thợ phải mất hàng trăm giờ để hoàn thành nó. Gót giày được đính các viên kim cương màu hồng và xanh rất hiếm. Nó được sơn màu bằng vàng 24 cara.
Debbie Wingham không những nổi tiếng với những tác phẩm sang chảnh và quý phái dành cho những người nổi tiếng, hoàng gia với những đôi giày cao gót, mà còn là nhà thiết kế của trang phục Red Diamond Abaya - sản phẩm may mặc đắt nhất thế giới hiện nay. (BC)
Sinh vật ngoài hành tinh?
Một sinh vật “ngoài hành tinh" vừa được tài khoản Gandis chia sẻ trên trang Facebook khiến nhiều người hoảng sợ.
Một người đùa: "Tôi sẽ đốt ngôi nhà nếu nhìn thấy con vật này trong nhà mình".
Con vật có cánh với nhiều xúc tu lông vươn dài và cơ thể màu cam nổi bật trông rất bắt mắt mà Gandis quay ở Indonesia thực sự không nguy hiểm và đáng sợ như vẻ bề ngoài của nó.
Theo một báo cáo của lazerhorse.org, con vật không làm hại con người, nhưng nó có thể gây hại cho cây lựu. Thực ra nó là một con sâu bướm Creatonotos gangis, được tìm thấy ở Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka, Nhật Bản, Thái Lan, New Guinea và Queensland.
Những xúc tu kỳ quặc của nó được sử dụng để thu hút bạn tình, khi chúng phóng ra pheromone hydroxydanaidal qua các cơ quan có mùi. Các xúc tu và pheremones của nó được tạo ra bằng cách ăn thức ăn có chứa alkaloids pyrrolizidine cao. Loài bướm đêm này có sải cánh dài khoảng 4cm.
Các nhà nghiên cứu cho biết 3/4 côn trùng bay đã bị tiêu diệt trong vòng 30 năm qua. Côn trùng bao gồm ong và bướm ở 63 khu bảo tồn thiên nhiên Đức đã giảm 76% kể từ năm 1989 và hơn 80% vào mùa hè. Và có thể quần thể côn trùng giảm do vùng đất nông nghiệp đẫm thuốc trừ sâu. (AK)
Sophia - công dân đặc biệt nhất của Ảrập Xêút
Sophia, một robot hình người thông minh, đã được cấp quyền công dân ở Ảrập Xêút. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp cho một robot “quyền công dân” cao quý dành riêng cho con người.
Theo tờ Fortune, Robot Sophia được trao quyền công dân tại sự kiện Sáng kiến Đầu tư tương lai ở thủ đô Riyadh.
Robot Sophia được tạo ra bởi David Hanson, nhà sáng lập Hanson Robotics ở Hồng Kông, người được biết đến với việc tạo ra những con robot có vẻ ngoài và hành động giống con người. Sophia được tạo hình giống nữ minh tinh Audrey Hepburn.
Việc Sophia được nhận “quyền công dân” cho thấy những lo ngại rằng robot AI có thể là một mối đe dọa tồn tại đối với con người hoàn toàn có cơ sở (?).(AD)