Ấn Độ:

"Mafia nước" tung hoành

Chủ Nhật, 08/05/2016, 15:27
Nắng nóng bỏng da cháy thịt là hiện tượng thời tiết thường thấy tại Ấn Độ trước khi bước vào mùa mưa, song năm nay đất nước đông dân thứ nhì thế giới lại phải chứng kiến nhiệt độ tăng cao một cách bất thường sớm hơn mọi năm. Nắng nóng đỉnh điểm (45-50 độ C) trải dài trên toàn bộ lãnh thổ, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân từ Hyderabad tới Kolkata.


Theo hãng thông tấn AP ngày 26/4, trận nắng nóng đầu mùa những ngày cuối tháng Tư đã cướp đi mạng sống của gần 200 người, có hàng chục vụ tử vong tại Orissa, Andhra Pradesh và Telangana.

Dự báo đợt nắng nóng còn kéo dài trong hai tháng tới, nhiều khu vực của Ấn Độ, bao gồm cả thủ đô New Delhi, sẽ gặp phải tình trạng thiếu nước sử dụng. Theo công bố của tổ chức Water Aid, hiện toàn Ấn Độ có 76 triệu người thiếu nước sạch, con số cao nhất thế giới.

Nắng nóng khiến người dân phải chật vật kiếm nước.

Tờ Times of India trích lời giới quan chức thủ đô New Delhi cho biết, lượng nước tại đập Tehri (bang Uttarakhand) hiện đã ở mức thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Do đó, sắp tới chính quyền có thể sẽ phải cắt giảm lượng nước cung cấp cho người dân. Nước từ đập Tehri cung cấp cho Delhi với khối lượng 240- 250 triệu gallon (1 gallon= 3,78 lít) một ngày, được phân bổ cho tất cả các vùng phía đông và một phần vùng phía nam Delhi. Vì vậy nếu quả thực nguồn cung cấp nước tại đập này bị giảm thì Delhi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Bà Mamta sống tại khu ngoại ô Sangam Vihar của Delhi cho biết, nhiều cư dân ở đây đều đang phải dùng nguồn nước lấy từ các giếng sắp khô hạn và những xe thùng chở nước miễn phí của chính phủ cách 15 ngày sẽ đến 1 lần. Những chiếc xe thùng cung cấp nước miễn phí chính là nỗ lực mà chính phủ Ấn Độ giúp người dân không bị bọn "mafia nước" móc túi khi chúng buộc cộng đồng phải mua nước với giá cắt cổ.

"Tình trạng thiếu nước hiện nay là hậu quả của việc quản lý yếu kém từ phía nhà nước cũng như sự thông đồng giữa quan chức và các "mafia nước"- Ông Vijender Gupta, thành viên của Hội đồng lập pháp MLA cho biết. Trong khi thiếu nước đang làm khổ người dân, thì đã có nhiều doanh nhân, những "mafia nước", lợi dụng cơ hội này để kiếm tiền phi pháp bằng cách bán nguồn nước có được thông qua đào giếng trái phép hay chiếm giữ các nguồn nước chính thức với giá cao để thu lợi từ tiền chênh lệch. Đặc biệt hơn, hoạt động làm ăn kiếm lời này của "mafia nước" thường có sự móc nối với quan chức chính phủ, hay chính quyền các cấp, tờ The Guardian đưa tin.

Ông Dinesh Mohaniya, đại biểu của vùng Sangam Vihar trong Hội đồng thành phố Delhi nói: "Việc làm ăn này thật vô đạo đức. Sau hơn 65 năm giành độc lập mà chúng ta không thể cung cấp đủ nước uống cho người dân, thậm chí là những người ngay tại thủ đô, thì thật là xấu hổ".

Ruộng đồng nhiều nơi ở Ấn Độ khô nứt nẻ.

Ông Mohaniya cho biết thêm, hiện lượng xe cung cấp nước miễn phí đến vùng Sangam Vihar đã tăng, các giếng khoan đã được lắp đường ống và được đặt dưới sự kiểm soát của cộng đồng dân cư. Hệ thống đường ống dẫn nước cũng đã được mở rộng, tầm phục vụ bao phủ 70% dân số khu vực. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người bị buộc phải mua nguồn nước tư nhân giá cao.

Theo lời kể của cô Lalita Yadav, một người dân phải mua nước cho biết, mỗi tháng gia đình cô thu nhập 8.604 rupee (90 bảng Anh tương đương 3 triệu VND), nhưng  đã phải chi tới 1.912 rupee (20 bảng Anh) để mua nước giếng của một "mafia nước".

"Với số tiền trên, tôi có thể cho con mình đến học ở một trường tốt hơn. Nhưng nếu chúng tôi phàn nàn, thì "mafia" sẽ cắt nước nguồn. Đối với họ, đây chỉ là một phi vụ kinh doanh chụp giật", cô Yadav nói. Om Prakash, một người bán nước địa phương cho biết, ông thu từ 48 tới 96 rupee một tháng từ việc bán nước cho 100 hộ gia đình trong khu vực, nhưng ông không cho rằng mình đang trục lợi và nói, giá bán của ông đã rất "hữu nghị". "Tôi cho rằng mình đang cung cấp một dịch vụ công ích", ông Prakash nói.

Theo tiết lộ của tờ Times of India, hiện nay thậm chí cả những hộ dân tại Delhi đã có hệ thống đường ống nước thì họ cũng chỉ được cấp nước vài giờ một ngày. Tại nhiều vùng nông thôn khác, tình trạng tồi tệ hơn rất nhiều. Tờ India Today có viết "Hàng ngàn nông dân ở nhiều vùng miền đang tuyệt vọng do hạn hán kéo dài, có đến vài chục ngàn vật nuôi đã chết, mùa màng thất thu do sông hồ cạn kiệt và đất trồng thì nứt nẻ do…thiếu nước". Tình trạng của dân chúng càng bi đát bao nhiêu thì "mafia nước" càng hốt bạc bấy nhiêu.

Trường Vân (tổng hợp)
.
.
.