Xóm chài ngày cuối năm

Thứ Hai, 23/01/2017, 16:23
Nằm khép mình dưới chân cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), xóm chài duy nhất còn lại của thành phố những ngày cuối năm dường như lặng lẽ hơn. Vài chiếc thuyền nhỏ rách nát, vài thân phận cũng chẳng hơn gì một con đò, nằm gom vào nhau để đón một thoáng hơi xuân sắp tràn về.


Những cuộc đời trôi

Chiếc thuyền nhỏ chông chênh, cả đời oằn mình che chở nắng mưa, gió giông cho người chủ, qua  mấy chục mùa Tết nay đã "lão hóa" xơ xác. Và tay lưới đã cũ mòn theo con nước, theo cuồng quay của năm tháng vẫn luôn là tài sản quý nhất của những người dân xóm chài.

Thế hệ này già đi rồi chết như cánh lục bình vô thường, như con tôm con tép nhỏ bé giữa dòng nước mênh mông đục ngầu. Sẽ chẳng có ai nhớ về họ, đã từng tồn tại cả một cuộc đời trên thế gian ở mạn sông này.

Bà Hai cặm cụi nấu ăn trong chiếc thuyền mục ruỗng.

Con cháu họ sinh ra, đói rách, thất học lại kế nghiệp đời cha mẹ, lại nổi trôi. Và cứ thế, những mùa xuân đến và đi, mang buồn vui theo con nước lớn ròng.

Chiều buông, khi mặt trời vừa rám vàng trên sông là lúc cha con ông Nguyễn Ngọc Liêm (75 tuổi) lại chuẩn bị cho một đêm mưu sinh chòng chành giữa sông nước mênh mông. Vốn liếng của cha con chỉ có tay lưới, cái chài. Còn lại tất cả phụ thuộc vào sự may rủi của sông nước.

Mỗi ngày nước lên xuống hai lần, buổi trưa và buổi tối. Nước xuống là họ lại tất tả chèo thuyền đi thả lưới, giăng câu. Xong thì về chờ chiều muộn nước lớn chèo thuyền đi thu hoạch. Công việc kiếm ăn chỉ có thế, bền bỉ và tẻ nhạt.

Gần hết đời người bám đò bám bến, ông Liêm quen thuộc con sông Sài Gòn này đến mức, không cần nhìn đồng hồ cũng biết khi nào nước lên, nước xuống. Ông quen mỗi cây cọc, mỗi nhánh lục bình trôi về rồi lại trôi đi. Và ông quen cả tiếng thì thầm gọi bầy của đàn cá giữa đêm đen tĩnh lặng.

Ngày thường khúc sông này nhộn nhịp vì có hai cây cầu xe cộ qua lại đông đúc là cầu Bình Triệu và Bình Lợi. Nhưng ngày Tết thì vắng tanh, buồn đến nao lòng. Ông Liêm cho biết, vào khoảng từ 26 Tết trở đi là dòng người lưu thông qua cầu thưa thớt dần, âm thanh ầm ào náo động của xe cộ chợt im bặt. Lúc ấy, dòng sông cô đơn và dân xóm chài cũng cô đơn.

Sinh con ra giữa bộn bề sông nước, cố gắng lắm mới lo nổi ngày hai bữa cơm. Nên, con trai của ông Liêm đã nối nghiệp theo cha từ thuở "tóc để chỏm". Con nhà nòi, Nguyễn Anh Ngọc biết bơi khi mới 6 tuổi, biết quăng chài năm lên 10 và có biệt tài đoán con nước, bắt luồng cá không hề thua kém cha mình.

Kỹ thuật chài lưới trên sông chỗ sâu chỗ nông, nơi lở nơi bồi là cực kỳ khó. Nếu không thông thạo, không nắm chắc luồng lạch lưới sẽ mắc vào cọc rách bung. Với dân chài nghèo như cha con ông Liêm, việc hỏng tay lưới coi như mất mát một tài sản lớn, không có tiền sắm mới thì cả nhà chết đói.

Anh Ngọc bần thần kể: "Vào độ mùa này năm ngoái, hai cha con tôi đang "nghe cá" ở đoạn sông trên cầu Bình Triệu thì bất ngờ có cơn gió thổi mạnh, làm chiếc ghe lật úp. Theo phản xạ, chúng tôi nhảy ra bơi vào bờ nhưng nghĩ tiếc tay lưới quá nên ông già tôi lặn xuống để vớt. Mãi không thấy ông ngoi lên, tôi liền lao xuống tìm. Cha tìm lưới, con tìm cha, cứ quần cả 5 phút giữa đêm đen đặc quánh. Cuối cùng, cũng thấy ông nhô lên và ông khóc, vì không cứu được tay lưới".

Phải nửa tháng sau tích cóp vay mượn cha con anh Ngọc mới mua được tấm lưới mới, coi như Tết năm ngoái trắng vốn, không còn đồng nào.

Ông Liêm là người lớn tuổi nhất xóm chài với thâm niên 70 năm lênh đênh trên sông nước. 7 tuổi, ba mẹ mất, ông phải đi ở đợ cho nhà người ta rồi được nhận làm con nuôi, hành nghề đan lưới, đánh cá. Ông lấy vợ sinh được 7 người con nhưng 4 người qua đời vì trúng gió độc sông nước.

Những đứa còn lại bấu víu vào nhau lớn lên nhờ tay lưới và con đò. Con út ông lập gia đình ngay trên dòng sông này, sinh được ba người con thì 2 đứa đã "ra đi". Anh Ngọc nghẹn ngào: "Lúc đó nghĩ "trời sinh voi, trời sinh cỏ", chỉ cần lo cho chúng no bụng là được còn học hành thì không cần.

Tuổi thơ của chúng quanh quẩn bên mạn đò, biết chạy thì lên bờ chơi. Sống trên thuyền, đêm xuống lạnh co ro, phía dưới nước bốc mùi hôi, thế mà mãi rồi thành quen. Không ngờ nó lại là nơi phát sinh nhiều bệnh tật khiến bọn nhỏ ra đi quá sớm".

Công việc mưu sinh của người dân xóm chài âm thầm đi qua mùa xuân.

Mỗi ngày, nước trên sông càng ô nhiễm, cá tôm ngày một cạn kiệt nên việc đánh bắt khó khăn, thu nhập chẳng được là bao.

Ông Liêm thở dài: "Khoảng hơn chục năm trước, cá tôm trên đoạn sông này đầy nhóc. Chỉ cần vài ba tay lưới, quăng mấy lượt chài là đầy khoang thuyền, mà lại toàn cá to. Nay khổ cực, trắng đêm cũng chỉ kiếm đủ tiền cơm áo qua ngày. Không bám trụ được với nghề, nhiều gia đình đã phải bỏ lên bờ kiếm việc khác, sống đời vô gia cư "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường".

Nguồn cá tự nhiên ngày một giảm, những người đánh cá trong xóm chài nay phải sống nhờ những con cá phóng sinh vô tình mắc vào lưới. Dù biết bắt những con cá ấy là "mắc tội" nhưng họ cũng đành nhắm mắt mà làm thôi.

Giao thừa trên sóng nước

Sống cả đời trên đò, thứ quý nhất là nước, còn điện, lửa cũng chỉ là thứ yếu đối với những thân phận vạn đò. Chỉ cần nước để uống và nấu ăn thôi còn tắm giặt cứ việc nhảy ùm xuống sông vẫy vùng một lúc là sạch bay tất cả. Bà Hai, ông Liêm vẫn một mình một đò với chiếc đèn dầu le lói.

Trên bến sông, hóa ra cảnh tượng ấy lại khiến người ta nao lòng nhất. Nó vô tình trở thành điều gì đó vừa trầm lắng, vừa buồn lại vừa đẹp xoáy vào quá khứ mỗi con người xa xứ, hoài niệm về dĩ vãng một thời.

Bà Hai cổ hủ đến mức, người ta cho nối điện để mắc chiếc bóng vào cho sáng sủa nhưng mà từ chối ngay. Bà bảo cả đời sống đèn dầu quen rồi, điện vào sáng quá khó chịu. Hơn nữa, sông nước mênh mông thế này "nó giật cho cái thì chết".

Đời chài lưới, nhặt nhạnh con tôm con tép để sống và sinh con đẻ cái, đã trở thành cái nghiệp không thể thay đổi được với mỗi thân phận nổi trôi trên nhánh sông này. Cả cuộc đời, họ đã cảm nhận hết cái khổ, nguy hiểm cũng như việc sống tạm bợ trên sông.

Hầu hết đàn ông đều mắc bệnh đau khớp do ngâm mình lâu dưới nước. Đàn bà bị bệnh phụ khoa, da liễu, hô hấp... Tuy nhiên, nỗi đau thân xác chưa bằng nỗi đau tinh thần về danh phận làm người mà đời con cái họ được sinh ra sau này.

Đây là xóm chài cuối cùng còn lại, chẳng biết khi nào sẽ bị xóa sổ.

Sau một đêm mưu sinh, những người quăng chài lại neo đò trở về ven chân cầu Bình Lợi nghỉ ngơi. Ở đó, họ còn một đò khác dùng làm giường và nơi nấu ăn, nhưng cũng vào loại "đồ cổ" mục ruỗng chỉ chống chọi với nắng còn mưa thì như ngoài trời.

Chúng tôi ghé thăm thuyền của bà Lê Thị Hai (65 tuổi), mà phải ngồi thật nhẹ, đứng lên thật khẽ, vì nó đã "lung lay" như hàm răng của bà. Bà Hai dùng vài tấm tôn dựng thành mái, che mưa, chắn nắng và để khi ngồi không phải đụng đầu.

Bà Hai suy nghĩ rất tích cực về thân phận và hoàn cảnh của mình: "Năm tháng dãi nắng dầm mưa, đến người còn mục nữa huống hồ tôn, gỗ. Thế nên, mấy chiếc ghe ở xóm chài không cái nào ra hồn. Cái thì rách nát, chắp vá, cái mục đến độ sóng lăn tăn một chút là nước ập vào. Đồ đạc lúc nào cũng ướt nhèm, mốc xanh".

Bà Hai quê gốc ở Tiền Giang. Sau khi góa chồng, bà ôm đứa con gái phiêu dạt khắp nơi, làm đủ thứ nghề. Sau bà nhận ra, đời bà sinh ra ở sông nước nên chỉ phù hợp với con nước mà thôi. Vậy là bà sắm chiếc đò cũ, làm nghề vớt ve chai trôi sông.

Con gái lớn lên bờ làm công nhân, rồi lấy chồng. Còn mình bà lẻ loi, cô độc sớm khuya làm bạn với con đò. Buồn nhất là khi Tết đến, mọi người hối hả trở về quê, mấy chiếc đò hàng xóm bên cạnh cũng về nốt. Vậy là chỉ còn đò của bà và gia đình ông Liêm ở lại đón giao thừa. Bà Hai nhớ, đêm giao thừa năm ngoái, bà cũng ham hố chống gậy lên cầu Bình Lợi ngắm pháo hoa người ta bắn đỏ rực một góc trời.

Không gian thành phố lúc ấy vắng lặng, yên bình đến thảng thốt. Ngoài đường chỉ có vài bóng xe, dòng nước dưới chân cầu chảy lững lờ như đang chờ đợi một vị khách đặc biệt nào đó. Bà đứng bên mạn cầu một hồi thật lâu thì có một nhóm thanh niên tình nguyện đi ngang cho bà một bịch quà Tết. Sau đó còn gửi lời chúc thật dễ thương đến bà.

Giờ bà bị thoái hóa khớp gối không lên cầu được, nhưng bà sẽ chèo đò ra giữa sông để ngắm trời đất. Nghe nói năm nay thành phố không bắn pháo hoa, thì bà cũng chẳng bận tâm, bởi bà quan niệm, giao thừa là thời khắc để người ta cầu chúc cho nhau về năm mới, để lắng mình lại sau những bộn bề cuộc sống. Bà sẽ thưởng thức đêm giao thừa đặc biệt trên sóng nước, sẽ thức trọn vẹn để suy nghĩ, mừng vui với cuộc đời.

Ngọc Thiện
.
.
.