Xe "oai"
Tối 10-12, một chiếc xe biển xanh (biển kiểm soát công vụ) gây tai nạn rồi chạy trốn. Đám đông thanh niên bức xúc truy đuổi tới cùng và trút cơn giận vào tài xế bằng quyền cước. Tài xế này có dấu hiệu sử dụng rượu bia và mất kiểm soát bản thân. Thật may, tài xế chỉ bị thương.
Cần phải nói rõ, việc truy đuổi xe vi phạm không phải của thanh niên. Hơn nữa, không ai có quyền trút giận bằng quyền cước vào người vi phạm. Trách nhiệm xử lý đương nhiên phải do cơ quan quản lý theo các quy định pháp luật.
![]() |
Minh họa của Lê Tâm. |
Việc trên, tài xế và nạn nhân đã giải quyết theo hướng hòa giải. Nhưng đây đâu phải là chuyện riêng cá nhân hai người với nhau. Đây là vấn đề an toàn của xã hội. Khi thói lạm dụng quyền ưu tiên của xe công vụ trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Gặp xe biển xanh là ai cũng né cho lành. Biển "oai" mà. Chả phải đầu cũng phải tai. Đặc quyền ngầm định này không nằm trong bất kỳ văn bản nào.
Luật Giao thông đường bộ chỉ rõ quyền ưu tiên của một số loại xe trong điều 22 như sau: "… khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên"
Như vậy, theo quy định của pháp luật, xe đi làm nhiệm vụ (biển xanh, biển đỏ) mà không có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định thì vẫn phải tuân thủ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
Thế là rõ, khi không có nhiệm vụ đặc biệt thì xe "oai" cũng phải tuân thủ pháp luật như xe thường. Giấy trắng mực đen chẳng bao giờ sai. Cái sai nằm trong thói quen thích oai và sợ oai. Lâu dần, thói lạm quyền lại hình thành một đặc quyền ngầm định.
Tuy bất thành văn nhưng sự lạm quyền lại sống một cách oai vệ. Thực sự đó là hiện tượng gây quá nhiều phiền toái trên con đường thực hiện mong muốn "công bằng" và "văn minh".
Cái biển xanh chả khác gì "miễn tử kim bài". Thế thì ai chẳng muốn. Thực tế, nhiều đối tượng tìm cách làm giả biển xanh. Không chỉ ở biển xanh, những kẻ gian lận đã chế tác những logo giả các cơ quan báo chí và coi như "lá bùa hộ mệnh" khi lưu thông.
Lại còn sinh ra hiện tượng "mượn" xe tư nhân rồi gắn biển công vụ nữa. Những cái biển "oai" không bị xử nghiêm sẽ trở nên một thứ hình ảnh xấu xí và xói mòn chữ "tín" của nhà quản lý.
Xã hội văn minh bao nhiêu thì mọi quyền ưu tiên cần phải giảm bớt bấy nhiêu. Sự công bằng chỉ có khi mọi đối tượng đều được tôn trọng. Sự tôn trọng chỉ tồn tại được trong nền văn hóa mạnh. Văn hóa chưa đủ mạnh thì luật phải đủ nghiêm.
Trên tàu điện ngầm ở các nước phát triển bao giờ cũng có ghế ưu tiên cho người già, người khuyết tật ở vị trí thuận tiện. Ghế đó thường trống vì không ai tự tiện ngồi vào. Không lạm dụng là sự tôn trọng chính mình.
Còn bạn, bạn đã bao giờ tự hào khi mượn cái "oai" không phải của mình chưa?