Xây mộ "chờ" cho người đang sống

Thứ Sáu, 17/06/2016, 16:06
Tổ chức đám cưới chỉ 2 ngày trong tháng và dành quỹ đất, tiền bạc để "xây nhà" chuẩn bị cho những người sắp mất là những quy ước độc đáo chỉ có ở thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. "Cuộc cách mạng" về nếp sống nông thôn mới ấy đã được người dân nơi đây nhiệt tình ủng hộ. Không những thế, nhiều người còn tự hào, coi đó là "đặc sản" có một không hai của quê hương mình.

Việc đại hỷ tổ chức chỉ 2 ngày trong tháng

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong quy ước văn hóa xã hội của thị trấn Yên Lạc có ghi, đám cưới chỉ được tổ chức vào hai ngày trong tháng là mồng 2 và 16 (âm lịch). Quy ước văn hóa xã hội này đã đi vào cuộc sống của bà con nơi đây từ nhiều năm trước. Sở dĩ có cuộc "cách mạng" này là xuất phát từ thực tế đời sống khi mà nhiều người dân phải lao đao với chuyện dựng vợ gả chồng cho con. Bên cạnh đó những người đi dự "chuyện đại hỷ" tâm trạng cũng không mấy vui vẻ, thoải mái. Vì với họ chuyện đó chẳng khác nào việc trả nợ miệng. 

Trước kia, khi chưa có quy ước, đám cưới có thể diễn ra bất kỳ ngày nào trong tháng, thậm chí có người đến mùa cưới hỏi thời gian đi ăn cỗ choán hết cả thời gian đi làm. Việc này thực sự rất ảnh hưởng tới hiệu quả lao động của nhiều người dân. Hơn nữa, việc cưới hỏi trong thời đại mới, điều kiện khá giả hơn nên thường rất rình rang. Có nhà làm tới vài trăm mâm cỗ, tổ chức tới mấy ngày. Từ thực tế đó, chính quyền địa phương đã quyết định làm một cuộc cách mạng. Đó cũng là một điểm nhấn làm nên sự khác biệt không đâu có của thị trấn Yên Lạc.

Một đám cưới được tổ chức giản dị ở Yên Lạc.

Không chỉ hạn chế ngày tổ chức đám cưới mà trong quy ước xã hội của Yên Lạc còn quy định: trong đám cưới không được chơi nhạc sống, không được dùng đèn nhấp nháy, cấm hút thuốc lá và đánh bạc… Quy ước này được áp dụng với tất cả mọi thành phần không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn. Quy ước này được người dân nhiệt liệt ủng hộ, bởi theo họ như vậy là tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc. 

Bà Nguyễn Thị An, tổ 5, thị trấn Yên Lạc chia sẻ: "Nói thế này cho cô chú dễ hiểu nhé. Nếu như trước kia mỗi tháng có thể phải đi dự tới chục cái đám cưới, tổ chức vào chục ngày khác nhau. Thì nay, vẫn là từng đó đám cưới nhưng chỉ mất khoảng 2 ngày thôi. Như vậy chả phải là tiết kiệm được rất nhiều thời gian sao”.

Về phần gia chủ, tiết kiệm là điều mà ai cũng thấy. Bình thường một gia đình tổ chức đám cưới cho con cái mình ít cũng phải trăm mâm mới đủ cỗ. Nhưng bây giờ chỉ cần vài chục mâm thôi cũng là nhiều lắm rồi. Bà Nguyễn Thị Đông khoe: "Như gia đình tôi đây này có tới 5 người con. Nếu mà cứ tổ chức đám cưới theo kiểu cũ có khi đến bây giờ cũng chưa trả hết nợ".

Về cơ bản những quy ước tiến bộ này được hầu hết người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, một số thanh niên thì lại bày tỏ sự tiếc nuối. Bởi với họ, ngày cưới bao giờ cũng là ngày trọng đại nhất nên ai cũng muốn tổ chức hoành tráng nhất, vui vẻ nhất. 

"Nếu không có quy ước này thì bọn em có thể chọn ngày cưới, chủ yếu là vào ngày cuối tuần. Chỉ có tổ chức vào những ngày đó thì bạn bè và khách khứa ở xa mới có thể về dự đông đủ. Chứ còn tổ chức vào hai ngày đã quy định nhiều khi là hên xui. Nếu chẳng may rơi vào ngày thứ thì đám cưới sẽ vắng hơn" - Phạm Văn Đông, tổ 3, thị trấn Yên Lạc chia sẻ. 

Ngoài ra, trong quy ước của thị trấn còn quy định cô dâu không được mặc váy cưới mà chỉ được mặc áo tân thời. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì nhiều người dân nơi đây đã bày tỏ rằng đó là quy định quá khắt khe và có vẻ không phù hợp lắm với xã hội hiện đại. Sau đó, quy ước đã được nới lỏng với những cô dâu lấy chồng thiên hạ và đến nay thì nó đã được nới tới cả những cô dâu lấy chồng địa phương. "Thôi thì ngày cưới là ngày vui nhất của các cháu, cái gì hợp lý thì mình làm, còn cái gì hà khắc quá cũng nên xóa bỏ" - bà An tâm sự.

Vào những tháng cao điểm của mùa cưới như tháng 9, 10, 11 địa phương dành thêm 2 ngày nữa là ngày mồng 10 và 22 cho các gia chủ tổ chức đám cưới cho con em mình. Nếu có dịp về Yên Lạc vào 2 ngày mồng 2 và 16 sẽ thấy nơi đây như trẩy hội.

Xây mộ "chờ" cho người đang sống

Yên Lạc không chỉ "đặc sản" với việc tổ chức đám cưới chỉ 2 ngày trong tháng mà còn là nơi duy nhất ở Bắc Bộ được chính quyền địa phương dành quỹ đất và tiền xây mộ cho những người sắp mất.


Cận cảnh một ngôi mộ chờ. 

Trong nghĩa địa của thị trấn không chỉ có những ngôi mộ đã mồ yên mả đẹp, khói hương nghi ngút mà bên cạnh đó còn có cả những ngôi mộ xây sẵn nằm ngay ngắn ngay lối vào. Chuyện xây mộ sẵn cho những người… đang sống quả là xưa nay hiếm. Đằng sau mỗi tấm bia mộ đều được đánh số thứ tự. Ai mất trước sẽ được chôn ở những ngôi mộ đầu, lần lượt theo hàng theo lối. Những ngôi mộ "thiếu chủ" lộ thiên, mùa mưa nước dềnh lên tạo cảm giác ớn lạnh. 

Bà Dương Thị Hạnh (thị trấn Yên Lạc) chia sẻ: "Cô chú không quen nhìn chắc sẽ thấy sợ đúng không, chứ người dân chúng tôi ở đây quen quá rồi. Ở Yên Lạc, mỗi thôn sẽ có một nghĩa trang. Tại mỗi một nghĩa trang thường có khoảng 100 ngôi mộ xây sẵn. Tất cả các ngôi mộ đều có diện tích bằng nhau, chiều dài là 2 mét". 

Bà Hạnh cũng giải thích thêm: "Những ngôi mộ đó đều do chính quyền địa phương đứng ra xây. Nguồn quỹ là do các nhà hảo tâm ủng hộ. Làm như thế sẽ tiết kiệm được quỹ đất cho địa phương. Bởi vì trên thực tế nhiều nơi họ đào mộ phân tán, không tập trung nên cũng gây ảnh hưởng tới môi trường và lãng phí".

Những ngôi mộ chờ được đánh thứ tự theo hàng ngang.

Đồng quan điểm với bà Hạnh, ông Tâm cho biết: "Ở đây, cứ khoảng 3 năm người ta sẽ cải táng nên thời gian đầu địa phương sẽ xây 40 ngôi mộ "chờ". Các ngôi mộ đó sẽ được đánh theo số thứ tự từ 1 đến 40. Đến thời điểm cải táng, người nào được chôn ở những ngôi mộ đầu sẽ được đưa sang một địa điểm khác. Những người mất sau đó sẽ được chôn chính vào những ngôi mộ mới được chuyển đi".

Khi được hỏi tại sao lại có quy định đó, ông Nguyễn Văn Đại, chủ nhiệm HTX Vĩnh Tiên chia sẻ: "Việc xây sẵn mồ mả thế này sẽ không có sự phân biệt giàu nghèo. Tâm lý "gà ghét nhau tiếng gáy", ví dụ nhà có điều kiện xây mộ to, người nghèo hơn không có điều kiện nhưng cũng vẫn cố dấn vì không muốn ông bà tổ tiên mình thua kém người khác. Vì thế việc xây mồ mả trước đó rất tốn kém và không cần thiết. Từ khi có quy ước này đã giúp tiết kiệm được rất nhiều, hơn nữa lại rất bình đẳng. Chính vì thế, việc xây dựng mồ mả cho người đang sống được đưa vào quy định như một hương ước".

Cũng theo quy ước của thị trấn Yên Lạc, việc cải táng chỉ được thực hiện vào 2 tháng mùa khô là tháng 9, tháng 10 và diễn ra trong các ngày mồng 2, mồng 10, 16, 22. Riêng tháng 12 chỉ được cải táng vào một ngày duy nhất là ngày mồng 2.

Hỏi ai là người khởi xướng cho ý tưởng độc đáo có một không hai này thì được bà con cho biết đó là ông Phạm Quang Tiệp, nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Lạc. Trò chuyện với phóng viên, ông Tiệp cho biết: "Sở dĩ tôi nghĩ ra ý tưởng đó là vì hằng ngày phải chứng kiến nhiều thanh niên rượu chè, say xỉn. Nhiều gia đình có đám hiếu, đám hỉ thì tổ chức rềnh rang, nhiêu khê rất tốn kém. Cứ để tình trạng đó kéo dài tôi nghĩ rất không ổn nên đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng đã đưa ra quy định đó. Người đồng tình rất nhiều nhưng phản đối cũng không ít. Tuy nhiên, cuối cùng cái gì có lợi thì họ sẽ làm thôi".

Quang Ngọc
.
.
.