Vợ chồng già xây nghĩa địa hài nhi

Thứ Năm, 05/05/2016, 15:03
Dùng chính mảnh ruộng canh tác nhà mình để xây dựng nghĩa trang hài nhi, suốt sáu năm qua, vợ chồng bà Nguyễn Thị Mến (thôn Đại Lãm, xã Tam Dị, Lục Nam, Bắc Giang) đã lặng lẽ gom nhặt những hài nhi xấu số về chôn cất.


Khi người con trai cả đi xuất khẩu lao động, không thể giúp bố mẹ đến các bệnh viện để thu gom, vợ chồng bà Mến đã phải nhờ các y tá quen "đóng hộp" xác các hài nhi và gửi qua đường xe buýt. Việc đó, sau này cũng bị bại lộ, nhưng tiếng lành đồn xa, ngày ngày đôi vợ chồng già vẫn nhận được các "hộp quà" do người ta tự mang đến treo lơ lửng ở cây bàng trước cổng nhà.

6.000 hài nhi xấu số và nghĩa địa từ tâm

Chúng tôi ghé vào nhà bà Mến khi chiều muộn. Trong ngôi nhà tuềnh toàng chỉ có đứa cháu nhỏ đang lúi húi thổi cơm. Hỏi thăm ông bà nội, đứa trẻ trả lời: "Chắc ông bà cháu lại ra nghĩa trang hài nhi rồi. Cô chú cứ ra đó tìm kiểu gì cũng thấy".

Có lẽ, đứa cháu nội của bà Mến đã quá hiểu thói quen của ông bà mình. Quả thật, chúng tôi tìm ra nghĩa địa hài nhi đúng lúc vợ chồng bà Mến, ông Việt đang cặm cụi nhặt cỏ, những nén hương vẫn còn đang cháy dở. Biết chúng tôi đến để viết bài, bà Mến xua tay: "Việc vợ chồng tôi làm là từ tâm thôi mà, có gì đáng nói đâu".

Vợ chồng ông bà khoe không biết có phải làm việc thiện không mà 6 năm qua họ đã rất khỏe mạnh.

Hỏi bà Mến, xuất phát từ đâu mà ông bà nảy ra ý tưởng xây nghĩa địa hài nhi rồi gom các hài nhi về chôn cất thì bà cười hiền trả lời: "Nói thật với cô chú, vợ chồng tôi cả đời chả bước ra khỏi cổng làng thì làm sao biết được thế giới ngoài kia đang xảy ra chuyện gì. Sáu năm trước, con gái thứ 2 của chúng tôi đang ở Nha Trang nó về quê chơi. Về nhà nó bảo, nhà mình nghèo, bố mẹ không có điều kiện để làm từ thiện, chi bằng bố mẹ lấy đất của nhà mình xây nghĩa địa hài nhi rồi đón các "con" về đó chôn cất. Bây giờ người ta nạo phá thai nhiều nên nhiều hài nhi bị vứt bỏ lẫn trong thùng rác, trong những thứ uế tạp, tội nghiệp lắm".

Nghe con gái nói vậy, vợ chồng bà cứ ám ảnh mãi. Một đêm, cả hai vợ chồng bà Mến đều mất ngủ, người này hỏi người kia lý do vì sao không ngủ được thì cả hai đều trả lời là đang nghĩ tới lời con gái nói. Cuối cùng, ông bà quyết định sẽ làm theo lời con.

Việc đầu tiên là ông bà cắt một phần ruộng nho nhỏ để xây dựng nghĩa địa. Sau đó liên hệ với người quen ở Bệnh viện tỉnh Bắc Giang để xin hài nhi. Ông Việt nhớ lại: "Hồi đó, khi biết chúng tôi làm việc này, trong thôn ngoài xã cùng nhiều người dị nghị lắm. Họ bảo chúng tôi đúng là bị điên, tự nhiên ôm việc vào người, vừa mất công lại vừa mất đất nhưng vợ chồng tôi không quan tâm miễn lòng mình thanh thản".

Khi bắt đầu làm việc nghĩa ấy, vợ chồng bà Mến đã thực sự bị sốc vì số hài nhi gom được là quá nhiều. Bà Mến chia sẻ: "Tôi thật không dám nghĩ người ta lại nạo phá thai nhiều thế. Biết bao sinh linh bé bỏng đã bị vứt đi không thương tiếc, nhìn mà xót xa lắm cô chú ạ".

Ban đầu, vợ chồng bà Mến, ông Việt nghĩ chắc chỉ cần vài chục mét vuông đất là đủ. Nhưng số lượng hài nhi gom được ngày càng nhiều lên khiến ông bà đã phải hơn 3 lần mở rộng diện tích nghĩa địa.

Chỉ mong không bao giờ nhận được những "hộp quà"

Ban đầu, người làm công tác vận chuyển những hài nhi xấu số từ bệnh viện về nghĩa địa là con trai của vợ chồng bà Mến. Chiều chiều, cứ tầm ba giờ là anh Nhâm lại phóng xe từ nhà mình lên bệnh viện tỉnh để gom hài nhi. "Chiều nào con đi, vợ chồng tôi cũng cầu nguyện nó sẽ trở về tay không nhưng chưa bao giờ có chuyện đó xảy ra" - ông Việt buồn rầu nói.

Giúp bố mẹ được hơn một năm thì anh Nhâm đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Chẳng còn ai làm người vận chuyển, vợ chồng bà Mến đã nghĩ ra cách nhờ y tá quen gom hài nhi rồi sau đó đóng gói cẩn thận như người ta gói quà gửi về bằng đường xe buýt. Để các bác tài không nghi ngờ, người y tá thường xuyên phải thay đổi địa điểm gửi "quà".

Những bọc quà được gói ghém cẩn thận và trang trí khá diêm dúa để không bị nghi ngờ. Những "hộp quà" sẽ được tập kết về nhà một người quen của vợ chồng bà Mến tại thị trấn. Như thường lệ, cứ khoảng 5 giờ chiều vợ chồng ông bà lại có mặt tại nhà người quen và nhận "quà" đem về.

Xác các hài nhi gom về được cho vào hộp sữa và chôn cất cẩn thận.

Bà Mến bảo: "Thực lòng, vợ chồng tôi cũng chẳng muốn làm khó các bác tài xế đâu, vì tôi biết những người lái xe thường rất kiêng những thứ đó. Nhưng biết làm thế nào, vợ chồng tôi thì già không thể tự đi xe máy mà lên đó lấy xác các cháu về được. Cực chẳng đã mới phải làm thế thôi".

Thời gian đầu khi chưa có tủ cấp đông nên hài nhi phải chôn dứt điểm trong ngày. Khi nhận các hài nhi, việc đầu tiên vợ chồng bà Mến phải làm là vệ sinh, tắm rửa bằng nước lá cho các em. Sau đó vợ chồng bà sẽ gói ghém cẩn thận những hài nhi xấu số và đặt vào những hộp sữa mà vợ chồng bà xin được, sau đó mới mang ra nghĩa địa chôn cất.

Việc vận chuyển hài nhi xấu số bằng xe buýt diễn ra được khoảng vài tháng thì bị phát hiện. "Hôm đó vì cô y tá gói ghém không kỹ nên hộp giấy bị bục ra. Thấy  có mùi lạ nên anh phụ xe đã kiểm tra "gói quà" và phát hiện trong đó chứa hài nhi. Lúc giao hàng cho tôi, anh ấy không mắng mỏ mà chỉ nói từ lần sau đừng làm thế nữa, vì như thế rất đen đủi cho họ" - bà Mến nhớ lại.

Hết cách để gom nhặt hài nhi, vợ chồng bà Mến đành bất lực. Hai vợ chồng bà đã nghĩ, có lẽ "nhiệm vụ" của mình chỉ đến đó là hết. Thế nhưng, tiếng lành đồn xa, dù chẳng thể đi gom như trước nhưng ngày ngày ông bà vẫn nhận được những "hộp quà" treo lủng lẳng trên cây bàng trước cổng nhà.

Ban đầu, vợ chồng bà Mến cũng không để ý nhưng sau khi thấy có mùi lạ bốc ra, hai người mới đi tìm và phát hiện một túi gì đó treo lủng lẳng trên cành bàng. Hạ xuống, cả hai cùng ngỡ ngàng khi thấy đó là một hài nhi được người ta gói ghém cẩn thận, kèm theo một dòng chữ: "Mong ông bà hãy làm phước chôn cất cho đứa trẻ xấu số. Mẹ ngàn lần xin lỗi con và mong con tha thứ".

Từ đó đến nay cứ sáng mở mắt ra, việc đầu tiên mà vợ chồng bà Mến làm là ra chỗ cây bàng xem đêm qua có ai gửi "quà" cho mình không. Nếu có, ông bà lại làm đầy đủ các công đoạn rồi mang hài nhi ra nghĩa địa chôn cất. Bà Mến khoe: "Thấy chúng tôi làm việc nghĩa nên có một tổ chức thiện nguyện đã mua tặng vợ chồng tôi một chiếc tủ giữ đông. Thế nên thay bằng việc ngày nào cũng phải làm công việc chôn cất như trước kia thì bây giờ chúng tôi cứ tích vào đó, khoảng 10 ngày chúng tôi mới đưa các bé ra nghĩa địa".

Ông Việt nhớ lại: "Sáu năm trời làm việc này nhưng nhiều khi vẫn bị mất ngủ cả đêm vì ám ảnh. Những hài nhi chưa thành hình hài thì không nói làm gì, chứ nhiều hài nhi người ta ép đẻ non, các bộ phận cơ thể có đủ cả nhưng bị vằm nát nhìn thấy đau lòng lắm. Số đã chẳng được làm người, chết cũng bị vứt vào nơi ô tạp, tội lắm".

Diện tích nghĩa địa phải mở rộng theo thời gian.

Vợ chồng bà Mến nói rằng, họ dù không ghi chép đầy đủ nhưng ước tính số hài nhi được gom về nghĩa địa chôn cất là khoảng 6.000. Cả bà Mến, ông Việt đều khoe rằng chả biết có phải được linh hồn các hài nhi phù hộ không mà suốt 6 năm qua ông bà chẳng bị ốm đau, bệnh tật gì hết. Rồi bà Mến kể, khoảng 2 năm trước có một người đàn bà xa lạ từ Dốc Sàn, xã Phương Sơn cùng huyện Lục Nam tìm đến gia đình  bà. Vừa nhìn thấy vợ chồng ông bà, người phụ nữ này đã bật khóc và nói với vợ chồng mình tên là H, đến đây muốn xin nhận lại hài nhi đã vứt bỏ.

Theo lời bà H thì khoảng 3 năm trước người con dâu của bà mang thai, do thai nhi bị dị tật nên bác sĩ khuyên bỏ. Con dâu bà H lúc đó còn trẻ tuổi nên cũng rất vô tư, sau ca phẫu thuật là về thẳng nhà, không thèm đoái hoài gì đến hài nhi tội nghiệp vừa bị vứt bỏ. Không lâu sau, con dâu bà H lại mang thai và sinh được một cậu con trai khỏe mạnh.

Có một điều lạ là, mặc dù đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh nhưng lại liên tục ốm đau quặt quẹo, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà. Bản thân gia đình bà H cũng có nhiều xáo trộn, mâu thuẫn giữa các thành viên liên tục xảy ra. Trong thâm tâm bà H linh tính, chắc do linh hồn hài nhi xấu số về quấy quả. Nghĩ vậy nên bà H đã tìm tới nghĩa địa hài nhi của vợ chồng bà Mến muốn xin nhận hài cốt của cháu mình.

Thấy bà H khóc lóc vật vã, vợ chồng bà Mến cũng thấy bối rối. Nhưng biết tìm thế nào khi mà các hài nhi đều được đựng trong các hộp sữa rất giống nhau, có phải như người lớn đâu mà có tên có tuổi. Hiểu được nỗi băn khoăn của vợ chồng bà Mến, bà H khẳng định, mấy đêm trước bà được báo mộng cháu bà nằm trong một chiếc hộp có hình con chim, là ngôi mộ thứ 8 thuộc hàng thứ hai nhìn từ ngoài vào.

Cảm thương cho hoàn cảnh của bà H, nên vợ chồng ông Việt đành đồng ý để bà H cho người khai quật ngôi mộ như đã nói lên. Kết quả khiến những ai có mặt đều bàng hoàng, bởi lẽ, nó đúng như lời của bà H miêu tả. Bà Mến kể lại: "Hôm đó, xác hài nhi về nhiều quá, số hộp sữa vợ chồng tôi tích sẵn không đủ, vẫn còn thừa một hài nhi đã có đủ hình hài.

Thiếu hộp sữa, vợ chồng tôi chạy khắp xóm xin. Cuối cùng xin được một vỏ hộp sơn có hình con chim đại bàng". Bà Mến thở dài tâm sự: "Những hài nhi may mắn được đón về như thế chắc chỉ có một. Các cháu tuy không được làm người nhưng dù sao về nghĩa địa này cũng không phải chịu cảnh cô đơn. Biết đâu đấy dưới suối vàng chúng chẳng đang nô đùa cùng nhau cô chú nhỉ!".

Song Anh
.
.
.