Vì sao Indonesia tăng tuổi kết hôn?

Chủ Nhật, 22/09/2019, 14:35
Quốc hội Indonesia vừa quyết định nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp đối với nữ là 19 tuổi trở lên, sau khi tất cả các thành viên đều đồng ý xem xét lại Luật Hôn nhân đã tồn tại 45 năm qua.


Ông Masruchah thuộc Ủy ban Quốc gia chống bạo lực đối với phụ nữ nói rằng “xã hội vẫn khuyến khích các bé gái kết hôn ở tuổi thiếu niên, nếu không họ sẽ bị coi là ế chồng”. Ông cho biết ủy ban muốn chọn độ tuổi kết hôn tối thiểu đối với nam và nữ là 21 tuổi “vì ở tuổi này cả hai mới được coi là trưởng thành về mặt sinh sản và ổn định kinh tế”.

Theo quy định hiện tại, độ tuổi kết hôn đối với nữ là 16 tuổi trở lên và đối với nam là 19 tuổi trở lên, nhưng ở một số khu vực thuộc lãnh thổ Indonesia vẫn thường xuyên xảy ra trường hợp trẻ em gái 13 tuổi vẫn có thể kết hôn hợp pháp trước sự đồng ý của phụ huynh và tòa án.

Một đám cưới ở Indonesia.

Tòa án Hiến pháp Indonesia tháng 12-2018 phán quyết rằng đã có sự phân biệt đối xử trong tuổi kết hôn giữa nam và nữ, trong khi nam giới có tuổi kết hôn hợp pháp là 19 tuổi, thì nữ giới chỉ là 16.

"Xã hội vẫn còn khuyến khích các bé gái kết hôn ở tuổi thiếu niên, nếu không các em sẽ bị coi là ế chồng" - Masruchah, thuộc Ủy ban quốc gia về bạo hành phụ nữ, cho biết. Cơ quan này cho rằng độ tuổi kết hôn tốt nhất đối với cả nam lẫn nữ là 21 tuổi khi họ đã trưởng thành và ổn định tài chính.

Theo báo cáo năm 2016 của Cơ quan thống kê Indonesia và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Indonesia nằm trong số 10 nước trên thế giới có số cô dâu ở tuổi vị thành niên cao nhất. Cứ 4 thiếu nữ Indonesia thì có 1 người kết hôn trước khi tròn 18 tuổi, do đó bị giảm ít nhất 6 lần cơ hội hoàn thành bậc học trung học phổ thông.

Những “cô dâu nhí” tại Indonesia còn thường xuyên bị phân biệt đối xử trong các trường công, khi bị buộc nghỉ học vì kết hôn hay mang thai, mặc dù không hề có quy định nào về vấn đề này.  Nguyên nhân của tình trạng này là tư tưởng bảo thủ, cho rằng phụ nữ sinh ra là để làm việc nhà, chăm sóc chồng con…

Sự bất bình đẳng giới, cùng cuộc sống nghèo đói dẫn đến tình trạng tảo hôn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của trẻ em gái, làm mất đi cơ hội và cản trở tương lai của các em, mà trước hết chính là việc không được tiếp tục học tập.

Tảo hôn ở Indonesia là nguyên nhân gây ra những cái chết của bà mẹ và trẻ sơ sinh, tảo hôn dẫn đến nguy cơ bạo lực, lạm dụng, sức khỏe kém hoặc tử vong sớm. Thực trạng đó gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, cản trở sự tiến bộ của xã hội, cướp đi tuổi thơ, quyền được giáo dục và cơ hội cuộc sống tốt đẹp của nhiều trẻ em.

Các nhà hoạt động xã hội vì quyền lợi của phụ nữ và trẻ em đã nhiều lần yêu cầu chính phủ xem xét giải quyết một cách nghiêm túc vấn nạn kết hôn sớm ở trẻ em. Đây là vấn đề tiên quyết, quan trọng, nhất là khi thực tiễn hiện tại sẽ là rào cản lớn làm kéo dài nghèo đói, cùng lúc đe dọa quyền tiếp cận giáo dục, việc làm của nữ giới Indonesia.

Cô dâu nhí học tại trường Aqidah Usymuni.

Thực tế, từ vài năm qua, chính quyền một số địa phương ở Indonesia đã có quy định nhằm phòng ngừa tình trạng tảo hôn và kết hôn sớm. Tháng 9-2015, chính quyền thành phố Purwakarta, cách thủ đô Jakarta hơn 96km, đã ban hành quy định các cặp tình nhân trẻ phải kết thúc cuộc hẹn trước 21 giờ (giờ địa phương) nếu không muốn bị buộc kết hôn với nhau.

Lệnh giới nghiêm đối với những cuộc hẹn hò vào ban đêm là một biện pháp mới nhằm ngăn chặn tình trạng suy đồi đạo đức trong xã hội hiện đại. Nếu thanh niên dưới 17 tuổi bị bắt sau khi vi phạm quy định 3 lần, chính quyền địa phương buộc phải yêu cầu gia đình hai bên cho phép cặp đôi kết hôn.

Purwakarka không phải là nơi duy nhất ở Indonesia cân nhắc các biện pháp cấm quan hệ tình dục trước hôn nhân và mang thai ngoài ý muốn. Tháng 6-2014, chính quyền tỉnh Bengkulu đã ban hành đạo luật nhằm hạn chế hoạt động bán bao cao su và các phương pháp tránh thai khác, đặc biệt là dành cho đối tượng trẻ vị thành niên.

Tại Indonesia đã có những ngôi trường dành cho những cô dâu nhí, như trường Aqidah Usymuni, trường bán trú Hồi giáo duy nhất cấp học bổng cho trẻ vị thành niên đã kết hôn, vì vậy, các em hoàn toàn có thể tiếp tục việc học kể cả sau khi lập gia đình.

Chương trình học cũng tương tự như bất kỳ ngôi trường công lập nào khác, thế nhưng ở Aqidah Usymuni lại 1 có sự khác biệt rất lớn. Đây là 1 trong số ít cơ sở giáo dục khuyến khích học sinh theo đuổi học vấn thay vì lập gia đình trước tuổi 18, điều mà không phải vị phụ huynh nào cũng đồng tình.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ Trẻ em Yohana Yembise nói rằng: “Sau 45 năm áp dụng luật hôn nhân hiện hành, đây thực sự là một món quà cho trẻ em Indonesia”. Giám đốc điều hành Rachel Yates của Girls Not Brides nhận định: “Quyết định của Quốc hội Indonesia là một bước tích cực hướng đến công nhận trẻ em gái cũng có cơ hội trong cuộc sống giống như trẻ em trai”.

Đức Quý (Tổng hợp)
.
.
.