Vân vi nghề báo

Chủ Nhật, 21/06/2020, 04:12
Đâu như thiếu... nửa năm nữa thì tôi có đủ 40 năm làm báo, gồm cả làm báo, viết báo và... bán báo. Khởi đầu và kết thúc (tức từ ngày ra trường nhận việc đến khi về hưu) đều ở một tờ tạp chí Văn nghệ địa phương, nhưng có cộng tác, làm thêm... cho gần hai chục tờ báo nữa, to có, nhỏ có, nhơ nhỡ có...


Nhớ lần nào đấy, lâu rồi, lang thang ngoài Hà Nội, đang ngồi uống bia với mấy anh em, cỡ lìu tìu như mình, thì thấy một người đàn ông xách một cái cặp rất to tới. Té ra anh quen với một người trong bàn. 

Sau khi giới thiệu thì anh này rất hồn nhiên lôi trong cặp ra một chồng tạp chí, tặng mỗi người một cuốn. Tôi nghĩ ngay, ông này rất yêu nghề. Bởi khi ấy tôi rất ngại hai việc, một là tặng... thơ và hai là tặng tạp chí. Cái ngại của kẻ quân tử nửa mùa là họ có đọc không mà tặng, bởi cũng dăm lần chứng kiến những gì mình tặng đã được... để nguyên chỗ cũ. Thế mà ông này tặng rất trân trọng, kèm lời đề nghị: đọc và góp ý giúp. 

Hôm sau vào cuộc họp, lại thấy ông này xuất hiện, và cũng đi tặng tạp chí. Ông ấy là ông Hữu Ước, sau này là Trung tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Tổng Biên tập (TBT) của Báo Công an nhân dân.

Khi ấy Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn đang hoàng kim và Tạp chí Văn nghệ Quân đội vẫn là tượng đài, được in ở đấy có người mất ngủ cả tuần, có người để tờ báo có bài của mình lên bàn thờ thắp hương. Thế mà ông Tổng Biên tập phải mang tạp chí đi biếu... dạo như thế, chả là hạ thấp tạp chí mình lắm ru?

Thế rồi uỵch phát tờ An ninh thế giới xuất hiện. Nó làm lu mờ tất cả các báo thời thượng khi ấy, nhất là sau vụ... chuột Tréc nô bưn. Mỗi buổi sáng dân nghiện báo rồng rắn đi mua mấy tờ rồi mới cà phê ăn sáng, là An ninh thế giới, Công an TP Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên. Nghe nói nhuận bút tờ An ninh thế giới khi ấy có thể... sắm vàng.

Nhưng hot không thì chưa ăn thua, phải sang nữa. Và tờ An ninh thế giới cuối tháng ra đời. Nói thật, hồi ấy tôi chỉ mơ ước được một lần in ở đấy. Cũng như tờ Văn nghệ Trẻ đời đầu ấy, in được ở đấy xong thì có... chết cũng được.

Thế mà rồi tôi được in. Gớm, hồi ấy nó đâu có thông tin như bây giờ, mới làm mi thì biên tập viên hoặc thư ký tòa soạn, hoặc họa sĩ đã "phím" cho tác giả, chụp cái bản đương dàn trang ấy, thậm chí là cái bản Tổng biên tập ký duyệt ấy, gửi qua Messenger, hoặc zalo hoặc hàng chục cách rất nhanh khác, để tác giả... nuôi phây. Hồi ấy sau khi gửi bài đi thì ngày nào tôi cũng "mắc võng" ở sạp báo (toàn ra đọc báo chùa, tôi có cả chục năm đọc báo chùa tại sạp báo như thế), và khi thấy bài mình chễm chệ đầy trang thì, trời ạ, chả tả nữa đâu.

Rồi sau này Văn hóa - Văn nghệ Công an thành báo (tức tờ Văn nghệ Công an) thành tờ chuyên đề của Báo Công an nhân dân bây giờ, cùng với An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu, một đội ngũ trùng điệp, mà có lúc tôi nghĩ, Ban biên tập phải phân công thế nào chứ đọc duyệt hết từng ấy ấn phẩm mỗi ngày thì tối về có khi khỏi ăn cơm.

Nhớ cũng đâu hơn chục năm trước, một hôm nhận cú điện thoại của nhà thơ Trần Sĩ Tuấn, khi ấy là Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống: "Ông Hùng ơi, tôi là fan cái blog và trang phây của ông á. Nhưng cứ viết khơi khơi thế nó phí đi. Ông thêm thắt chút xíu, giữ nguyên giọng... blog ấy, gửi cho tôi, mỗi tuần một bài, in nguyên trang nhé. Báo nghèo, ngoài cố gắng trả nhuận bút đặc biệt thì xin gửi thêm ông mỗi tháng 1 triệu như là tiền trách nhiệm để ông có tiền gọi điện thoại và uống cà phê".

Nhà thơ Văn Công Hùng, vanconghungbvh@gmail.com

Đấy là tờ báo chuyên về y khoa, sức khỏe, lâu nay nó khô, giới chuyên môn thì họ biết rồi, không đọc nữa, bệnh nhân Việt Nam ta thì có bệnh gì, từ hắt hơi sổ mũi trở lên là họ đi... "khám bác sĩ"- chứ không chịu để "bác sĩ khám"- chứ có thèm quan tâm tới cảnh báo bệnh tật đâu. Và nước ta hồi ấy, tất cả dồn sức cho y tế điều trị chứ dự phòng chả ai quan tâm. Thế là tờ báo chuyên về sức khỏe bệnh tật tăng cường chất văn hóa văn nghệ, tăng chất đời thường cho văn báo.

Thế là đằng đẵng với tờ báo ấy từ bấy tới nay.

Thì ngay cái tờ báo văn chương hàng đầu là Văn nghệ ấy, thời mạnh nhất của nó, là tăng cường chất báo, với những phóng sự lừng lẫy mà tới giờ vẫn như kinh điển, những là "Người đàn bà quỳ", "Cái đêm hôm ấy đêm gì", "Vua lốp" vân vân.

Và tờ Văn nghệ Quân đội uy nghiêm ấy, có thời cũng quay ra làm báo. Các nhà văn bò ra làm báo, đâu được vài chục số thì... nghỉ. Và sau đấy người ta mới đúc rút ra một chân lý vĩ đại là, không phải tất cả các nhà văn đều biết viết báo, và đặc biệt là làm báo. Nhưng khi anh đã "biết" rồi thì đa phần rất giỏi, đơn cử như trường hợp nhà văn Hữu Ước là một ví dụ. Các tờ báo Tết hay hiện nay đa phần là do các nhà văn cầm, và họ đi đặt các nhà văn viết, biến nó thành giai phẩm xuân, là vì thế.

Báo Công an nhân dân hiện có những khởi sắc rõ rệt, đặc biệt là tờ Cảnh sát toàn cầu khổ to, còn gọi là tờ Cảnh sát toàn cầu tháng, và cũng gần chục số rồi, tôi được xuất hiện với những tung tẩy về văn hóa Tây Nguyên. Và không chỉ tôi, nhiều tên tuổi cũng lần lượt "đăng đàn": Sương Nguyệt Minh “mổ xẻ” đàn bà; Đỗ Văn Nhâm thâm trầm đồng ruộng; Trần Thanh Cảnh chua ngoa mà khoa học; Hà Phạm Phú thâm sâu; Phong Điệp bồi hồi; An Hạ đài các; Trác Diễm điệu đà, Lương Duy Cường sâu sắc dao cau; Đào Trung Hiếu hồi hộp; Mai Nam Thắng hóm hỉnh; Nguyễn Trọng Luân đau đáu miền quê… vân vân. Mỗi người một vẻ đã định hình nên diện mạo của một tờ báo rất đáng đọc. 

Một thời, mặc nhiên mặc định là, xứ Bắc là văn xuôi, miền Trung là thơ và miền Nam là báo. Đến giờ hình như các thế mạnh vẫn xấp xỉ như thế. Nhưng một hôm ngồi tỉ mẩn, ngẫm lại thì thấy, các tờ báo đình đám ở Sài Gòn, cầm trịch lại đa phần là người miền Trung, nhất là dân Quảng, Quảng Nam và Đà Nẵng.

*

Cái cảnh những đứa bé ôm báo chạy đi bán rong: "Báo mới đây báo mới đây...", đến những sạp báo tư nhân mà to hơn của bưu điện, là đều từ Sài Gòn. Sáng ra cầm tờ báo cùng với ly cà phê trước khi làm các việc khác cũng là người Sài Gòn. Có những người sống bằng nghề bán báo dạo, tiến lên mở sạp báo, rồi làm đại lý báo, xây nhà mua xe... cũng xuất phát từ Sài Gòn. 

Và các tờ báo, thay vì in bao nhiêu giao hết cho bưu điện phát hành, thì giờ "san sẻ" phần lớn cho lực lượng tư nhân này. Báo tới tay bạn đọc trong ngày dù là ở các tỉnh xa, chính là nhờ lực lượng phát hành báo tư nhân này. 

Tôi ở Pleiku, hồi đầu báo in ở Sài Gòn thì tầm 2 giờ chiều là có báo đọc. Sau in ở Quy Nhơn thì 7 giờ sáng đã có. Cũng tờ ấy, nếu giao bưu điện, nhanh nhất cũng phải hôm sau. Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn giờ gửi cho hội viên đang la làng vì bị mất báo, đa phần là không tới, tới nỗi các cô nhân viên văn phòng Hội Nhà văn viết luôn lên bì thư: Chú ý báo hay bị mất. Nhưng nó... vẫn mất.

Và cái việc họp cộng tác viên... phát hành, cũng là xuất phát đầu tiên từ Sài Gòn. Lâu nay nói tới cộng tác viên là nghĩ ngay tới mấy ông viết báo, cộng tác với báo. Té ra giờ có hẳn lực lượng cộng tác viên phát hành. Và quả là, nếu không có họ, báo cứ nằm dí ở nhà in hoặc tòa soạn thôi.

Thế nên trong nghề báo, có đến mấy lực lượng làm nên sự thành bại của một tòa soạn, của tờ báo ấy. Một là người làm báo. Hai là người viết báo. Có người viết rất giỏi nhưng không làm báo được, và ngược lại, có người làm báo rất giỏi nhưng chỉ viết được... xã luận. Và ba là người bán báo, gọi sang là phát hành. Không có họ thì cũng chả có báo. Và thứ tư, người đọc. Đây là bộ phận quyết định tira của tờ báo. Đội ngũ thứ 4 này đang sụt giảm vì sự cạnh tranh khốc liệt của mạng xã hội, của thói quen... lười đang xâm nhập, đang ru ngủ con người...

Nhưng nghĩ gì thì nghĩ, vẫn phải có... báo. Vấn đề là nó sẽ tồn tại ở dạng nào, ai làm báo, xuất bản ra làm sao, và người đọc đón nó theo kiểu gì? Nó cũng như thức ăn, đương yên đương lành, bỏ hết món quê theo món phố, giờ quay lại, "cơm niêu nước lọ" lại lên ngôi...

VĂN CÔNG HÙNG
.
.
.