Văn hóa Việt Nam "lép vế" trong hội nhập

Thứ Tư, 17/07/2013, 23:37

"Ảnh hưởng của xu thế văn hóa thế giới trong hoạch định chính sách và quản lý văn hóa" là tên một hội thảo khoa học vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nhằm đánh giá lại 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Khi thế giới đã trở nên "phẳng" hơn, thì giao lưu, hội nhập văn hóa là một tất yếu. Chúng ta đã tiếp nhận rất nhiều nền văn hóa khác nhau, thông qua các sản phẩm văn hóa, từ du lịch tới điện ảnh,văn học, hội họa...

Trong 15 năm qua, bộ mặt văn hóa Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi, cả về lượng và chất. Cái hay rất nhiều nhưng cái dở không ít. Tiếp thu không chọn lọc trong văn hóa đang gây ra những hệ lụy phức tạp, như xói mòn các giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc, sinh ra tâm lý "vọng ngoại" trong tiếp nhận văn hóa của một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Trong khi việc tiếp nhận văn hóa ồ ạt, thì việc "xuất khẩu" văn hóa Việt ra nước ngoài lại nằm trong tình trạng "hẩm hiu", lẻ tẻ, ít thành tựu. Tham gia vào cuộc chơi sòng phẳng và bình đẳng với thế giới, chúng ta đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu, cả trong nội lực văn hóa lẫn trong chính sách quản lý, hoạch định để đưa văn hóa Việt ra ngoài biên giới, kể với thế giới về một Việt Nam "đậm đà bản sắc".

Nhìn một cách thẳng thắn, trực diện, văn hóa Việt thực sự đang "lép vế" trước các cuộc "xâm lăng" của văn hóa các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, và đặc biệt là văn hóa Mỹ. Nhà nước, ngành văn hóa chưa có một chiến lược lâu dài, có hiệu quả trong việc đưa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. Những cuộc "mang chuông đi đánh xứ người", từ rầm rộ đến lặng lẽ, không đưa lại một kết quả có tính dài lâu, bền vững, không gây được những "chấn động lớn" trong cảm nhận của công chúng thế giới.

Người làm quản lý văn hóa Việt Nam thực sự chưa hiểu được "khẩu vị" của thực khách văn hóa thế giới, nên ngay cả những "đơn hàng" kỳ công nhất, vẫn không tạo ra được một sự ảnh hưởng mạnh mẽ, như chính văn hóa trong nước đang chịu ảnh hưởng (từ văn hóa Mỹ, văn hóa Trung Quốc, Hàn Quốc chẳng hạn).

"Lép vế" trong hội nhập văn hóa có một nguy cơ lớn, là nếu chúng ta không có một nội lực thâm hậu, đủ mạnh để chống chọi với cơn bão văn hóa ngoại lai đang càn quét, thì chúng ta sẽ mất bản sắc. Một nền văn hóa mất bản sắc nghĩa là một nền văn hóa đã bị hòa tan trong áp lực "công phá" của hội nhập. Đây là một nỗi lo không chỉ của các nhà quản lý văn hóa, mà của toàn xã hội...

Sự kiện người không tay không chân vĩ đại Nick Vujicic đến Việt Nam vừa qua là một ví dụ cho thấy, người Việt mình chưa giỏi trong tạo ra các "đặc sản văn hóa". Nói như nhà thơ Mai Linh, đặc tính chung của một nền văn hóa nhược tiểu là "Bụt chùa nhà không thiêng", cái gì của nhà cũng không hay, mà cái gì của thế giới cũng hay. Tâm lý vọng ngoại cũng đang tạo ra một "sức ì" trong giao lưu, hội nhập văn hóa. Tức là vẫn mang một tâm lý ít nhiều tự ti, thì không thể giong buồm ra khơi, chơi những cuộc chơi lớn và bình đẳng...

Tìm ra những giải pháp tháo gỡ vấn đề này, là câu chuyện thời sự của các nhà hoạch định chính sách văn hóa. Văn hóa Việt chỉ có thể ra khỏi tình trạng "lép vế" hiện nay, trong giao lưu và hội nhập, khi có những chiến lược lâu dài và tầm vóc, đủ để tạo ra những làn sóng mạnh mẽ trong tiếp nhận của bạn bè quốc tế. Muốn làm được như vậy, thì công tác đầu tư cho nhân lực, gồm những người tài năng trong sáng tạo và trong quản lý văn hóa là công tác then chốt không thể bỏ qua...

Bình Nguyên Trang
.
.
.