Trúng tiếng sét ái tình, “đôi đũa lệch” dệt nên mối tình đẹp giữa núi rừng Tây Nguyên

Thứ Năm, 05/02/2015, 16:00
John Nathan, 28 tuổi, trong một lần du lịch đến Kon Tum đã trúng tiếng sét ái tình với cô hướng dẫn viên nghiệp dư dân tộc Ba Na. Anh quyết tâm theo đuổi cô và 2 người đã dệt nên mối tình đẹp ở đại ngàn. Sau gần 6 năm bên nhau, John và vợ chia sẻ về hành trình vượt mọi rào cản để đến với nhau, khi phải vượt qua mọi khoảng cách cả về địa lí, tâm lí...

Quyết đóng khố ở rể vì trúng tiếng sét ái tình

Mùa xuân trên đại ngàn vốn được ví như mùa yêu, mùa của trăm hoa đua nở. Và mùa xuân này, bản làng Kon Tum Konâm (phường Thống Nhất, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) lại hát mãi khúc tình ca về mối tình đẹp như cổ tích của cặp đôi Y Hem - John Nathan, cặp đôi vốn được dân bản gọi một cách trìu mến là “đôi đũa lệch”.

Sau năm năm bên nhau, trải qua biết bao khó khăn, nay cặp đôi này đã hái quả ngọt là cậu con trai kháu khỉnh. Mùa xuân này, lại về thăm đại ngàn để cùng nghe lại câu chuyện tình của bông hoa rừng Y Hem. Bắt đầu kể về những trang đầu của mối tình sét đánh của mình, gương mặt cô thôn nữ Y Hem vẫn luôn lấp lánh nụ cười hạnh phúc.

Hàng năm, bản Konâm của Y Hem đều đón các đoàn khách du lịch ngoại quốc đến từ khắp nơi trên thế giới. Năm 2008, dân bản đón đoàn khách đến từ Bỉ. Do có vốn tiếng Anh tốt nhất bản nên Y Hem được giao nhiệm vụ hướng dẫn đoàn khách tìm hiểu về văn hóa của người Ba Na.

“Ban đầu khi nhận nhiệm vụ làm hướng dẫn viên, em vui lắm, vì được gặp nhiều người sẽ biết thêm về văn hóa nhiều nơi, mình cứ chịu khó trau dồi tiếng Anh là được” - Y Hem tâm sự về những ngày đầu mới chập chững làm hướng dẫn viên. Cô không ngờ những ngày tháng đó đã se duyên cô với người đàn ông của đời mình, John Nathan.

Ngồi bên cạnh vợ, thỉnh thoảng Jonh Nathan lại nhìn qua vợ rồi nở nụ cười đầy tự hào. Anh tâm sự: “Ngày đó, cuộc hành trình của tôi kéo dài gần một tuần, một tuần được ăn, ở, ngủ, được hòa mình vào cuộc sống của người Ba Na, được khám phá một thế giới mới lạ lẫm, với tôi khi đó đầy mới mẻ và thú vị. Tôi không biết mình đã mê mẩn văn hóa vùng đại ngàn này từ lúc nào. Và rồi sự giản dị, mộc mạc của cô hướng dẫn viên lúc ấy, tất cả cứ như níu bước tôi ở lại...”.

Vợ chồng Y Hem bên cậu con trai kháu khỉnh.

Jonh Nathan biết nguyên do khiến trái tim mình lỗi nhịp. Anh cũng biết mối tình sét đánh này sẽ là bến cuối cuộc đời mình. Bởi với anh, một tuần khám phá văn hóa bản Konâm đã đủ để xác định mình thuộc về nơi này. Vậy là anh lên kế hoạch chinh phục trái tim cô hướng dẫn viên nghiệp dư Y Hem. Anh không ngờ rằng chính lúc ấy, cô gái với vẻ đẹp bình dị nhưng quyết liệt này cũng đã phần nào “ưng cái bụng” chàng trai ngoại quốc vui tính.

Trở về Bỉ nhưng Jonh Nathan vẫn thư từ đều đặn cho Y Hem. Những cánh thư cách nửa vòng trái đất dày lên theo thời gian, xen lẫn những câu chuyện về văn hóa, tập tục của người Ba Na đã có những lời yêu thương tha thiết.

Nhớ lại những ngày mới nuôi tình yêu chớm nở, Y Hem ngại ngùng: “Khi đó, mỗi lần gửi thư cho anh ấy, em phải tra cứu từ điển, rồi học thêm tiếng Anh bằng mọi cách. Có khi viết xong một lá thư cho anh ấy mất nguyên buổi tối để tra từ điển. Nhưng em hiểu mình đã yêu Jonh Nathan ngay từ lần gặp đầu và tình yêu của chúng em được nuôi dưỡng qua những cánh thư điện tử như thế. Jonh dạy em tiếng Anh và ngược lại em chỉ cho Jonh học tiếng Ba Na và tiếng Việt. Nhiều khi em mừng rớt nước mắt khi nhận được lá thư dài của Jonh viết bằng tiếng Ba Na”.

Năm 2010, sau hai năm thể hiện nỗi nhớ trên những cánh thư, Jonh Nathan quyết định trở về Việt Nam để ngỏ lời yêu với Y Hem. Cuộc trùng phùng sau hai năm xa cách tràn ngập tình yêu và nước mắt tủi hờn. Biết không thể xa Jonh được hơn nữa, Y Hem gật đầu đồng ý.

Nhận được tình yêu của Y Hem, Jonh vui mừng báo tin về gia đình, và rồi cứ ba tháng một, chàng trai Bỉ lại lặn lội về Tây Nguyên thăm người yêu. Trong những lần gặp ngắn ngủi này, hai con người khác biệt về mọi thứ ấy đã tìm cách dung hòa tất cả bằng tình yêu chân thật.

Song Y Hem vẫn không khỏi lo lắng vì gia đình Jonh ở mãi bên kia trời Tây, nhiều đêm cô thức trắng suy nghĩ về mối tình cách xa nửa vòng trái đất này. Y Hem tâm sự về hạnh phúc của mình: “Em cũng suy nghĩ nhiều lắm, vì không biết gia đình anh ấy ra sao, đối với mình thế nào. Cuối tháng 6/2011, Jonh làm thủ tục đưa em sang Bỉ ra mắt gia đình, mấy đêm liền em mất ngủ vì lo lắng, phần vì lần đầu em đi nước ngoài. Thế nhưng khi xuống sân bay, được cả nhà anh ấy ra đón, em biết mình đã không chọn nhầm người yêu”.

Hạnh phúc bất ngờ của cặp “đôi đũa lệch”

Những khác biệt về văn hóa đã không ngăn trở được tình yêu đẹp của cặp đôi được gọi là “đũa lệch” này, dẫu là trên đất Bỉ xa xôi hay ở giữa đại ngàn. Bởi cả Y Hem và John đã tìm được tiếng nói chung, cùng nhìn về một hướng.

Sau ba tháng trên quê hương của John, bông hoa rừng bản Konâm mới lần đầu bước chân ra khỏi bản không chỉ hiểu hơn về gia đình Jonh mà còn học được nhiều điều về phong tục, văn hóa của người Bỉ. Từ đó tình yêu của họ đã thăng hoa, vượt qua mọi rào cản để cùng nhau bước tới vũ đài hạnh phúc.

Jonh Nathan từ giã gia đình, khăn gói theo người yêu về Việt Nam để xây dựng cuộc sống mới. Cuối cùng, sau gần ba năm nuôi dưỡng tình yêu qua những lá thư, qua những lần gặp gỡ vội vàng, cặp đôi của đại ngàn cũng đã tổ chức đám cưới, bước sang một trang mới của tình yêu.

Mỗi khi nhắc lại mối tình đẹp của Y Hem, già làng Ka Long lại cười đầy tự hào: “Chuyện tình của Y Hem là đẹp nhất Kon Tum đấy, hai đứa nó đã vượt qua mọi rào cản để đến với nhau. Thằng Jonh cũng tốt lắm nên làng mình mới ưng nó, mới đồng ý cho nó ở rể đấy chứ.

Ngày cưới nhau, thằng rể của bản mình còn nhất quyết làm theo tập tục người Ba Na mình nữa đó. Nó đòi mặc áo của người dân tộc, rồi mang lễ đến nhà vợ đầy đủ gồm 2 con heo, 1 con bò, 1 heo quay, và 1 số món ăn đặc trưng của người Ba Na như cây chuối thái, rau dền, uống rượu cần…  Nhờ vậy bản mình mới ứng nó vậy. Giờ thấy chúng nó hạnh phúc, cả bản này cũng vui lây với gia đình nó thôi”.

Căn nhà khang trang được hai vợ chồng gây dựng.

Ông Ahưn, cha của Y Hem, tự hào nói về cô con gái đầu: “Nhà mình nghèo nên từ nhỏ Y Hem đã phải phụ cha mẹ làm lụng rồi, học hết lớp 9 là nó nghỉ học lên nương rẫy phụ cha mẹ. Nhà có tận 7 đứa con nên nghèo lắm. Được cái nó ham học và lại thích tiếng Anh, nên cứ ngày làm nương, đêm về lại tự học.

Rồi khi nó bảo đi làm hướng dẫn viên mình cũng vừa mừng vừa lo, biết nó có làm được không. Thế mà đùng một cái nó bảo quen Jonh Nathan. Tuy không ai ngăn cấm, thấy con gái tìm được hạnh phúc cũng vui chứ nhưng cũng sợ nó khổ, khác dân tộc, lại ở trời Tây mà. Giờ thì nhà mình xem Jonh Nathan như con cái trong nhà rồi”.

Không phải tự nhiên Jonh Nathan được quý như người con của đại ngàn. Những ngày đầu về làm rể bản Konâm, anh phải tập làm một người nông dân thực thụ và sinh hoat như mọi người dân trong làng. Nhìn con rể tập tành làm một chàng trai Ba Na, nhiều khi ông Ahưn thấy xót con nên cản, nhưng Jonh Nathan cứ đòi đi làm nương như làm cỏ mì , tuốt lúa… về nhà tay chân phồng rộp lên vì không quen làm nhưng vẫn vui cười không than vãn.

Bên cạnh đó, Jonh Nathan còn gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp với người dân trong bản, bởi tiếng Việt anh vẫn câu được câu mất, thế là Y Hem lại phải làm phiên dịch cho chồng. Ấn tượng của bản Konâm về Jonh Nathan chính là sự chịu khó học hỏi. Vậy là sau một thời gian ngắn được vợ tận tình chỉ dẫn, John Nathan đã nói tiếng Ba Na rạch ròi, giao tiếp cũng từ đó cởi mở hơn.

Mùa xuân đang tràn ngập núi rừng Tây Nguyên. Các cô gái, chàng trai Ba Na ở bản Konâm lại đang bắt đầu một mùa mới, mùa yêu của đại ngàn. Và đâu đó giữa núi rừng này, cặp đôi Y Hem và John Nathan vẫn đang hát những bản tình ca đẹp nhất, để viết tiếp vào thiên tình sử của mình những trang đẹp nhất của cuộc đời về một tình yêu đã vượt qua mọi rào cản, vượt qua biên giới và cả khoảng cách địa lí, ngôn ngữ để đến với nhau.

Thanh Nhi
.
.
.