Trung Quốc lần đầu tiên xếp hạng kinh tế xanh

Chủ Nhật, 14/01/2018, 14:24
Ngày 26-12-2017, Trung Quốc công bố một phong vũ biểu mới về sức khoẻ của các nền kinh tế khu vực dựa trên các chỉ số liên quan đến môi trường.


Bắc Kinh vẫn dẫn đầu dù ô nhiễm

Theo đó, Cơ quan thống kê đã công bố "Chỉ số Phát triển Xanh" của 31 khu vực cấp tỉnh dựa trên các chỉ số khác nhau, từ chất lượng môi trường, sử dụng tài nguyên đến nỗ lực dọn dẹp ô nhiễm của chính quyền địa phương vào năm 2016.

Bắc Kinh đã trở thành tiêu đề quốc tế trong những năm gần đây với nạn ô nhiễm khói bụi. Tuy nhiên, thành phố này năm nay lại đứng đầu bảng xếp hạng với điểm số cao về công tác quản lý môi trường và chất lượng tăng trưởng kinh tế cao nhất, mặc dù chất lượng môi trường vẫn ở gần đáy.

Các tỉnh ven biển Phúc Kiến và Chiết Giang đứng thứ hai và thứ ba theo chỉ số mới. Ninh Hạ, Tây Tạng và Tân Cương nằm ở dưới đáy bảng xếp hạng.

Nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đang thay đổi từ mô hình tăng trưởng bằng mọi giá sang xu hướng chú trọng hơn tới ô nhiễm môi trường. Điều này đã tác động mạnh tới các ngành công nghiệp trong nước và làm gia tăng giá hàng hóa toàn cầu. Chỉ số mới đưa ra một giải pháp thay thế để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cấp quan chức địa phương, những người từng tìm mọi cách tăng trưởng sản lượng kinh tế để thúc đẩy triển vọng... hoạn lộ.

Kết quả từ một cuộc khảo sát về mức độ hài lòng của công chúng cũng đã được xuất bản với thước đo mà không phục vụ như một phần của chỉ mục. Cư dân ở Hà Bắc, Bắc Kinh và Thiên Tân - một khu vực có hơn 100 triệu người ở gần thủ đô và mục tiêu hàng đầu của việc dọn dẹp ô nhiễm trong năm nay - hạnh phúc ít nhất. Những người sống ở Tây Tạng, Quý Châu và Hải Nam hài lòng nhất.

Được biết, Trung Quốc tiến hành xếp hạng Chỉ số Phát triển Xanh một năm sau khi chính quyền trung ương quyết định thông qua chỉ số này để đánh giá hiệu quả tăng trưởng xanh khi quốc gia đông dân nhất thế giới đang tập trung nhiều hơn vào phát triển đất nước theo hướng chất lượng cao.

Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2032

Báo cáo mới của một tổ chức cố vấn ở London, Anh cho hay, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt hoàn toàn Mỹ về quy mô vào năm 2032. Ngoài ra, trong nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới còn có 4 nước châu Á khác, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Hãng thông tấn Nga Sputnik dẫn báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh cho hay, 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2032 sẽ là Trung Quốc - đứng đầu, tiếp đó là Mỹ, Ấn Độ, Nhật, Đức, Brazil, Anh, Hàn Quốc, Pháp và Indonesia.

Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của thế giới từ năm 2007. "Trung Quốc đã duy trì được khả năng hồi phục phát triển và đà cải tổ nhanh chóng", theo John Litwack, nhà kinh tế học hàng đầu của Ngân hàng Thế giới, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc. Được biết, năm 2017, GDP của Trung Quốc tăng 6,8%.

Viện Dân số và Kinh tế lao động thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) cho biết nền kinh tế Trung Quốc "mới", các công ty và ngành dịch vụ dựa trên internet đã có mức tăng trưởng trung bình đáng ngạc nhiên, 16,1%  giai đoạn 2007-2017, nhanh gấp đôi tổng thể kinh tế Trung Quốc.

Do kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh nên việc nó vượt Mỹ chỉ là vấn đề thời gian. GDP bình quân đầu người danh nghĩa năm của Trung Quốc 2016 là 10.160 USD (15.095 USD nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), ở mức trung bình cao so với các nền kinh tế khác trên thế giới (xếp thứ 89 trên thế giới vào năm 2016). Những năm gần đây, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao.

Văn Nguyễn
.
.
.