Trung Quốc:

Bùng nổ trào lưu nam Vlogger chia sẻ bí quyết làm đẹp trực tuyến

Thứ Năm, 16/08/2018, 10:21
Phấn má, phấn mắt, kem che khuyết điểm… không còn là những loại mỹ phẩm được tìm thấy trong túi xách của phụ nữ khi ngày càng có nhiều nam giới Trung Quốc khám phá ra sức mạnh của việc trang điểm. Hàng trăm nam vlogger chia sẻ mẹo làm đẹp trực tuyến và nam giới trẻ tuổi ở thành thị ngày càng có ý thức hơn trong việc chăm sóc sắc đẹp.


Thị trường làm đẹp cho nam giới ở Trung Quốc tăng 15,2% trong 5 năm tới

"Chúng ta đang thấy nhiều người đàn ông trong giới truyền thông trang điểm mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Điều này tự nhiên trở thành tiêu chuẩn về cái đẹp", Lan Haoyi, một nam thanh niên 27 tuổi, chuyên chia sẻ phương pháp làm đẹp trực tuyến nói. Lan Haoyi hiện có hơn 1,4 triệu người theo dõi trên Weibo (giống như mạng xã hội twitter). Anh dành tới 10.000 NDT (khoảng 1.140 bảng Anh) cho các sản phẩm làm đẹp mỗi tháng.

Những người như Lan Haoyi thường được gọi bằng những cái tên như blogger video (hoặc Vlogger), ngôi sao trực tuyến hay "wang hong". Có người còn dùng thuật ngữ "Thịt tươi nhỏ xinh" đề cập đến những người đàn ông trẻ, đẹp trai, đang dẫn đầu xu hướng làm đẹp ở Trung Quốc.

Mo Fei, Giám đốc điều hành của công ty mỹ phẩm Chetti Rouge nói rằng, thị trường mỹ phẩm dành cho nam giới ở Trung Quốc rất tiềm năng.

Những ngôi sao làm đẹp này đang tạo ra một ngành công nghiệp khổng lồ ở Trung Quốc. Hồi còn là sinh viên đại học năm nhất, khi blogger Jiang Cheng lần đầu tiên thử dùng một ít kem che khuyết điểm để có thể tự tin hơn trước đám đông, ngay lập tức nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. "Tôi thấy rằng, việc trang điểm thực sự khá dễ dàng", chàng thanh niên 24 tuổi nói khi nhẹ nhàng đánh phấn nền trên khuôn mặt.

"Phụ nữ có thể không hoàn toàn nắm bắt cách trang điểm để tôn lên vẻ đẹp của nam giới. Nếu một cô gái trang điểm cho tôi, họ có thể không làm tôi cảm thấy hài lòng", Jiang nói. 

Cuối tuần, Jiang dành một vài giờ trước điện thoại iPhone của mình tại studio trong ngôi nhà ở thủ đô Bắc Kinh, hướng dẫn cách trang điểm cho hàng trăm người xem trực tiếp. Khách hàng có thể mua luôn sản phẩm nếu thấy thích. 

"Màu sắc trang điểm trên gương mặt nam giới vừa phải, không quá lòe loẹt nên nó an toàn ngay trong môi trường bảo thủ", Jiang nói với người hâm mộ.

Các công ty thương mại điện tử của Trung Quốc như Alibaba và JD.com đã phát hành các nền tảng phát trực tiếp cho phép người xem mua sản phẩm trong khi xem video, làm việc mua bán sản phẩm thuận tiện và vô cùng dễ dàng. 

Đồng thời, các thương hiệu mỹ phẩm trả tiền cho những người nổi tiếng hướng dẫn trang điểm trực tuyến như một cách tiếp thị sản phẩm hữu hiệu. Jiang cho biết, một công ty quản lý các blogger trả cho anh khoản tiền 5.000 NDT (khoảng 570 bảng Anh)/tháng để giới thiệu sản phẩm từ các công ty mỹ phẩm.

Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường làm đẹp nam giới dự kiến sẽ tăng trưởng 15,2% trong 5 năm tới ở Trung Quốc so với mức tăng 11% trên toàn cầu trong cùng thời kỳ. Ngày càng nhiều công ty nước ngoài như La Mer, Aesop làm việc với các blogger video như Lan, để quảng bá sản phẩm.

Có sự khác biệt thế hệ trong quan niệm về giá trị và phong cách sống

Một số blogger video nói rằng, họ nhận được không ít tin nhắn chỉ trích khi xuất hiện với gương mặt trang điểm trên mạng. "Một số người đặt câu hỏi rằng, tại sao đàn ông lại trông như thế? Tại sao đàn ông cần phải trang điểm. Có những người còn nói chúng tôi bằng lời lẽ xúc phạm", Lan Haoyi nói.

Nhiều người, đặc biệt là thế hệ cũ vẫn cho rằng, đàn ông trang điểm là vô cùng kỳ lạ và không thể chấp nhận được. Đối với Jiang, vì sợ bị bố mẹ mắng nên anh không bao giờ dám trang điểm khi đứng trước mặt họ. 

“Tôi không muốn xung đột với bố mẹ. Có sự khác biệt thế hệ trong quan niệm về giá trị và phong cách sống. Có thể, họ không nghĩ rằng, tôi trang điểm là xấu nhưng họ không thể chấp nhận một người đàn ông có thói quen trang điểm hàng ngày", Jiang nói.

Blogger video Lan Haoyi chia sẻ bí quyết làm đẹp trên mạng internet.
Mo Fei, Giám đốc điều hành của Chetti Rouge - một công ty mỹ phẩm Trung Quốc nhắm vào khách hàng nam giới nói rằng, quan điểm xã hội sẽ thay đổi theo thời gian. 

"Sẽ có nhiều người đàn ông quan tâm đến vẻ bề ngoài và họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho mỹ phẩm. Chetti Rouge ra đời năm 2005 với một vài sản phẩm nhưng giờ đây đã phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi thấy tiềm năng trên thị trường rất lớn. Có thể nam giới vẫn có tâm lý e ngại khi mua mỹ phẩm tại trung tâm mua sắm nên chiến lược của chúng tôi là đẩy mạnh bán hàng qua mạng internet", ông Mo Fei nói. 

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.