Trở lại "lãnh địa" lá ngón Quảng Hòa

Thứ Bảy, 28/05/2016, 07:49
Cuộc sống nghèo đói quanh năm, nhận thức chưa vượt ra khỏi quả đồi, cho nên cái chết đối với họ đơn giản, nhẹ nhàng như việc cày sâu cuốc bẫm trên đồng ruộng. Họ cho rằng, chết là về với Giàng ở một nơi nào đó thật xa, sẽ không còn đau khổ, đói nghèo nữa. Và khi không vượt qua được bi kịch, nỗi buồn, thì lá ngón là cách giải quyết tốt nhất.


Không có phép màu

Nắng chiều tím ngắt sau cánh rừng hoang, cung đường đá lô nhô, bụi bay mù mịt sau mỗi cú vút ga của cánh trai bản, khung cảnh quen thuộc của bản làng vùng cao Quảng Hòa (huyện Đắk G'Long, tỉnh Đắk Nông) mỗi lần chúng tôi ghé qua. Mùa này, đồi nương héo rũ, xác xơ vì thiếu nước, những chiếc máy múc đào vàng cũng phải nằm chỏng chơ giữa lòng suối "chờ mưa". Đất đai khô cằn sỏi đá, cạn nguồn sinh lực.

Nơi đây từng được mệnh danh là "lãnh địa" của lá ngón, loài cây cực độc mọc hoang xanh ngút khắp triền đồi, từng là "hung thủ" giết chết nhiều con dân của bản. Nông Thị Vàng tiếp chúng tôi bằng một nụ cười buồn, đôi mắt Vàng xa xăm dõi ra cánh rừng trước mặt, thoảng nỗi u sầu về gia cảnh. Hai năm trước, chị gái của Vàng là Nông Thị Pằng đã ra đi ở tuổi 20 vì lá ngón.

Lá ngón có ở khắp nơi trên đất Quảng Hòa.

Pằng là cô gái ngoan, gia đình nghèo nên sớm phải nghỉ học để lên nương. Từ ngày có điện thoại về bản, Pằng chăm chỉ làm lụng và "tậu" được một chiếc để nở mày nở mặt cùng bạn bè và có phương tiện nhắn tin, gọi điện cho người yêu. Thấy con gái lơ là việc nương rẫy, Nông Văn Dí hay chửi mắng, móc khóe đủ chuyện. Những lúc say xỉn, người bố thường lôi con ra chì chiết, chỉ thẳng mặt tuyên bố Pằng không phải con đẻ của mình.

Cô bé buồn lắm, không biết giãi bày cùng ai. Đi làm rẫy, Pằng lén hái nắm lá ngón nhét vào người mang về. Hôm sau cả nhà đi vắng, một mình Pằng ở nhà đã quyết tâm thực hiện ý định quyên sinh bằng lá ngón. Khi lá ngón chưa kịp ngấm vào ruột, Pằng còn đủ sức nói lời trăng trối vào chiếc điện thoại. Chị Mỷ về nhà thấy con gái nằm sóng xoài trên giường, máu từ miệng phun ra ướt hết chiếc gối đầu, những giọt nước lá ngón xanh lè trào ra khỏi miệng. Mắt Pằng vẫn trợn trắng như đang chờ đợi một ai đó. Chị Mỷ hô hoán dân làng đưa con đi cấp cứu nhưng Pằng đã chết trước đó.

Ngôi nhà lạnh lẽo của bốn đứa trẻ mồ côi sau khi cha mẹ ăn lá ngón.

Chứng kiến cảnh con gái chết tức tưởi, Nông Văn Dí ân hận tột cùng. Nhiều đêm liền Dí không về nhà, cầm chai rượu đi lang thang khắp bản, rồi lại ra mộ con gái gào khóc. Vợ đay nghiến, dân tình trách móc, Dí không thể vượt qua được lỗi lầm đã âm thầm đi tìm lá ngón và kết thúc cuộc đời. Người ta tìm thấy xác của Dí gần mộ con gái, trên tay còn nắm chặt những chiếc lá ngón ăn không hết. Nếu như phát hiện sớm thì cũng không thể cứu chữa được, vì Dí ăn lượng lá ngón rất nhiều, mục đích ăn cho chết ngay.

Một tháng sau ngày con gái mất, Mỷ tiếp tục đội tang chồng.

Trời Quảng Hòa mưa tầm tã những ngày đưa tang Dí, không khí u ám, tang thương bao trùm bản làng rẻo cao nghèo khó mụ mị này. Nông Thị Vàng đang học cấp hai đã phải nghỉ giữa chừng vì thảm kịch gia đình. Nỗi đau ngày càng dày thêm, sâu thêm, ăn mòn vào mạch máu người ở lại. Hai năm trôi qua, bi kịch mất người thân dai dẳng âm ỉ bám vào cuộc sống, hằng đêm ám ảnh cô bé 16 tuổi.

Vàng tâm sự: "Mỗi khi đi làm rẫy bắt gặp chùm lá ngón non tươi nở hoa rất đẹp làm em nổi hết da gà, em rất sợ, chỉ muốn vứt cuốc bỏ chạy thật xa".

Niềm vui của các em nhỏ khi được tặng quà.

Trên đường trở vê, đi qua Krông Bông, nghe người lái xe kể câu chuyện tự tử bằng lá ngón của chị Hậu Thị Chúng (SN 1980, trú tại thôn Yang Hăng, Cư Đrăm, Krông Bông, Đắk Lắk) vào tháng 3 năm ngoái khiến chúng tôi tê tái. Chị Chúng hiền lành, chịu thương chịu khó có tiếng ở thôn. Lấy chồng bao nhiêu năm đều một tay chị gánh vác xây dựng gia đình. Chồng không chịu làm ăn, chị cam phận là "thuyền theo lái", không dám hé răng nửa lời.

"Con giun xéo lắm cũng quằn", đến một ngày không thể chịu nổi nữa, chị lặng lẽ lên rừng hái lá ngón, kết thúc chuỗi ngày khổ ải trầm luân. Đang ăn thì con nhìn thấy, nó không biết mẹ nhai lá gì mà nước mắt giàn giụa, rồi nằm vật giữa nhà giãy đành đạch, máu miệng phun ra. Nó hốt hoảng gọi người lớn tức tốc mang nạn nhân đi cấp cứu nhưng không kịp. Lá ngón đã ngấm sâu vào ruột, độc tố tràn vào lục phủ ngũ tạng. Chị Chúng ra đi, để lại nỗi bàng hoàng chua xót trong dân tình. Ai cũng thương cho số kiếp người đàn bà bạc phận, không tìm được lối thoát để rồi phải chọn con đường chết.

Đối với người dân tộc Mông, họ hiểu quá rõ về "tác dụng" của lá ngón. Bao nhiêu cuộc đưa người ăn lá ngón vượt suối băng rừng đi cấp cứu đều nặng trĩu trở về, vì đoạn đường ra bệnh viện quá xa, độc tố đã thấm vào người. Cho nên, nếu có ai đó trở về sau cuộc "phiêu du" bằng lá ngón thì đó là điều kỳ diệu, là phép màu. Riêng ở Quảng Hòa bao nhiêu năm nay, tất cả những người ăn lá ngón đều "về trời", chưa xảy ra một phép màu nào.

Còn nghèo đói, còn "ma ngón"

Cuộc sống nghèo khổ ở vùng cao quanh năm, suy nghĩ về tương lai chưa bao giờ vượt ra khỏi quả đồi, cho nên cái chết đối với họ cũng đơn giản, nhẹ nhàng như việc cày sâu cuốc bẫm trên đồng ruộng. Họ cho rằng, chết là về với Giàng ở một nơi nào đó thật xa, sẽ không còn đau khổ, đói rách nữa. Và khi không vượt qua được bi kịch, nỗi buồn thì lá ngón là cách giải quyết tốt nhất. Tự tử bằng lá ngón là cái chết phổ biến nhất ở Quảng Hòa.

Có muôn vàn nguyên nhân để người ta không muốn sống. Chán chồng, giận bố mẹ, bị cấm yêu,… đều đưa đường chỉ lối để họ đi tìm lá ngón. Người dân thôn 9, xã Quảng Hòa vẫn chưa quên cái chết của hai vợ chồng chị Hoàng Thị Síu (SN 1984) và anh Thào Văn Vè (SN 1984) hai năm về trước. Chị Síu lấy chồng từ thuở 18, chưa đầy 30 đã bốn mặt con. Lúa ngô mọc không kịp cho đàn con ăn, đứa nào cũng suy dinh dưỡng, còi xương. Chị Síu sinh con được vài ngày phải mò lên rẫy tìm cái ăn.

Cuộc sống bần cùng bí bách, không còn cách nào để nuôi đàn con kêu gào suốt ngày vì đói. Cuối cùng, người mẹ bốn con đã ăn lá ngón để giải thoát cuộc đời. Ngày mẹ chết, đứa con út vẫn còn bú mớm, đứa lớn nhất mười hai tuổi ôm em ngồi lay gọi bên xác mẹ. Anh Vè thẫn thờ, đứng trân trối giữa trời mưa, chẳng khóc nên tiếng. Không biết làm gì, không thể sống cảnh gà trống và một đàn con, anh đã đi tìm lá ngón.

Anh Vè chết, trên tay còn một nắm lá ngón xanh rờn cùng một chùm hoa ngón rệu rã sắp tàn. Bốn đứa con trở thành mồ côi chỉ trong một mùa mưa. Chúng khóc vì đói nhiều hơn là nỗi đau mất người thân. Gia đình nội, ngoại đều nghèo, không thể nhận cháu về nuôi. Tất cả giao lại cho người bác ruột Hoàng Văn Vàng, một nách ôm trọn bốn đứa trẻ không cha không mẹ.

Trẻ em ở Quảng Hòa đói rách từ khi mới sinh ra.

Nhìn đàn cháu mồ côi, nheo nhóc, ông Vàng vừa giận lại vừa thương. Giận người lớn nông nổi, quẫn trí hành động dại dột nhưng rồi nhìn "núm cỏ" của em gái nằm lạnh lẽo trên đồi vắng, ông đau như thắt từng khúc ruột. Thương em cả đời không có một bữa no, cả đời cùng quẫn trong xó bếp, đến lúc nằm xuống vẫn chỉ có tấm áo vá lưng.

Những ngày sau đó, ông Vàng cầm dao băng rừng tìm "diệt" lá ngón. Phải "chém tiệt" loài cây "giết người" này thì bản làng mới không còn những cái chết bất ngờ thương tâm nữa. Nhưng cái giống cây mọc hoang dại, như có một "thế lực" nào thần bí từ dưới đất "đẩy" lên, nhổ cây này đi cây khác lại mọc tua tủa, mơn mởn. Vào mùa mưa, cây ngón mọc nhanh như mạ, có ở khắp nơi. Còn lá ngón thì còn chết, vì từ bao đời nay ở Quảng Hòa, lá ngón trở thành "vũ khí" duy nhất của những người muốn chết. Diệt ngón đi rồi liệu có thay đổi được suy nghĩ nông cạn của bà con? Một khi muốn chết, họ sẽ tìm mọi cách, không có lá ngón thì dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu… tỷ lệ chết vẫn rất cao.

Theo ông Vi Văn Thuộc - Phó chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, muốn hạn chế những vụ tử tử bằng lá ngón cần có biện pháp tuyên truyền rộng rãi tới bà con. Chú trọng vào nhận thức, về cách hành xử giữa các thành viên trong gia đình và ngoài cộng đồng, xã hội. Tổ chức những buổi giao lưu văn hóa, chia sẻ kinh nghiệm bằng những câu chuyện về điển hình làm ăn kinh tế, những cá nhân biết vượt qua hoàn cảnh, từ đó giúp bà con sống vui, sống chan hòa.

Tuy nhiên, để thay đổi được nhận thức cố hữu trong một bộ phận đồng bào dân tộc không phải một sớm một chiều. Khi đói nghèo vẫn là bức tranh mù mịt phủ lấy cuộc đời của họ, thì sẽ còn những bi kịch từ sự cùng quẫn, bế tắc, sẽ còn những "con ma" lá ngón đã được báo trước.

Ngọc Thiện
.
.
.