Trẻ con và tiền bạc

Thứ Ba, 13/10/2015, 08:00
Độ rày, mơ ước của các phụ huynh hầu như đều muốn con mình trở thành nhà doanh nhân. Thành công của con là nhiều tiền chứ không phải trở thành nhà khoa học hay nông dân chăn nuôi giỏi. Vì thế, những khóa học kỹ năng với tiền bạc dường như được ủng hộ rầm rộ và tất nhiên là dở khóc dở cười. Hôm nay tôi chỉ kể lại một câu chuyện đã xảy ra nhưng được đổi tên nhân vật để tránh bị hiểu lầm.
Cô Trâm là sếp của một ngân hàng. Có lần cô Trâm đi dự một ngày học ngoại khóa của đứa con tuổi nhi đồng. Cuối năm, nhà trường tổ chức một ngày học kỹ năng kết hợp với một ngân hàng FREEAZ BANK ngoại quốc.

Giảng viên ngân hàng phê phán phương pháp tách rời trẻ em ra khỏi tài chính sẽ khiến cho trẻ mất cân đối và nêu rõ nền giáo dục tiên tiến của Do Thái, mỗi đứa con làm việc nhà như rửa bát, quét nhà  đều được bố mẹ trả tiền…

Giảng viên ngân hàng đưa ra một bài học như sau:

Bạn Hải nghỉ ốm. Tuấn đến thăm và chép bài giúp Hải. Mẹ Hải đưa Tuấn 10.000 đồng bảo: Bác bồi dưỡng cháu công chép nhé! Cảm ơn cháu!

Tuấn vui vẻ vì vừa giúp được bạn, vừa được trả công. Các con thấy lao động có ý nghĩa không nào? Học sinh: Có ạ!

Các thầy cô giáo và phụ huynh bối rối vẫn lẹt đẹt vỗ tay.

Cô Trâm đứng dậy nói: Cảm ơn cô giáo đã có một bài học hoàn toàn mới so với truyền thống. Nhân đây, tôi xin phép bổ sung được không ạ?

Cô giảng viên trẻ đáp: Xin mời chị!

Cô Trâm lên bục giảng nói: Thưa các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh kính mến. Tôi biết chủ đề hôm nay rất cởi mở đã khiến chúng ta có chút bối rối, vậy tôi xin được dành dăm phút nói chuyện với con em về tiền bạc bởi vì công việc của tôi hằng ngày tiếp xúc với tiền.

Chào các con! Cô là cô Trâm, cô kinh doanh ngân hàng nên nói chuyện về tiền chắc là hợp đấy. Các con thích có nhiều tiền không?

Học sinh: Có ạ.

Muốn làm ra đồng tiền phải có công lao động rất lớn, không dễ như việc chép bài hộ đâu. Có một cậu bé Tôm làm việc gì cũng tính tiền. Một hôm, Tôm khoe với mẹ là: Hôm nay con đã rửa bát và dọn nhà,  làm hết bài tập rồi ạ. Đây là hóa đơn để mẹ trả công nhé: Rửa bát: 10.000 đồng. Dọn nhà 10.000 đồng. Làm bài tập 10.000 đồng. Tổng cộng: 30.000 đồng.

Mẹ bảo: Sao tự nhiên con lại tính tiền?

Tôm bảo: Con đã được học về quản lý tiền. Con muốn nhà mình phải công bằng mẹ ạ.

Mẹ: Mẹ vừa đi chợ nên hết tiền rồi.

Tôm hào phóng: Con cho mẹ nợ.

Rồi Tôm viết thêm: Mẹ nợ Tôm 30.000 đồng.

Sáng  hôm sau, mẹ Tôm đưa cho Tôm một cái phong bì, bảo đến giờ ra chơi thì mở ra nhé.

Khi Tôm hồi hộp mở ra thì thấy một bức thư viết thế này:

"Tôm yêu của mẹ. Mẹ kể cho Tôm nghe nhé.

Mẹ mang Tôm trong bụng 9 tháng, 10 ngày: 0 đồng nào; Mẹ cho Tôm bú tí, nuôi Tôm lớn và đưa đón Tôm đi học: 0 đồng nào; Hằng ngày mẹ vui chơi với Tôm và tặng nhiều đồ chơi, robot: 0 đồng nào; Mẹ vét  hết tiền trong tủ đưa Tôm đi viện mỗi lần Tôm ốm: 0 đồng nào… Như vậy, Tôm không nợ mẹ một đồng nào nhé. Thơm Tôm yêu của mẹ".

Tôm  lặng người, chỉ mong sớm hết giờ học để được về ôm mẹ. Câu chuyện đến đây là hết rồi.

Cả trường vỗ tay ào ạt.

Cô Trâm tiếp: Các con không thể chỉ lao động kiếm tiền như một cỗ máy mà phải hiểu đồng tiền đó là mồ hôi và tình yêu nữa. Tiền giúp cho các giấc mơ. Nhưng những ý tưởng vĩ đại không bao giờ bắt đầu từ tiền cả. Có nhiều tiền, các con sẽ khẳng định mình này, giúp đỡ người thân, bố mẹ, ông bà này. Các con chia sẻ cho những bạn đi học thiếu sách vở, ốm đau thiếu thuốc thang. Đồng tiền phải làm ra từ tình yêu thương mới có ý nghĩa. Đúng không nào?

Toàn trường vỗ tay. Bác hiệu trưởng nắm tay cô Trâm mắt rơm rớm bảo: May có cô nói hộ mọi người.

Còn bạn. Bạn muốn con cái trở thành người tử tế hay một cỗ máy kiếm tiền?

Lê Tâm
.
.
.