Tình mẫu tử thiêng liêng của người mẹ nuôi 9 đứa trẻ bị bỏ rơi
Bà K’Hiếu nhìn đứa trẻ, lại nhìn ông chồng. Hai người nhìn nhau, chỉ biết ứa nước mắt. Chẳng lẽ nhận được những đứa lành lặn kia lại không nhận đứa mù lòa này, lương tâm sao yên được. Vậy là bà nhận tiếp...
Tuổi thơ bất hạnh
Ở thôn Xoan (thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) có một người mẹ của 9 đứa trẻ không cùng huyết thống. Bà trở thành biểu tượng của lòng bao dung, sự thánh thiện ở vùng đất Lâm Hà.
Người mẹ có trái tim bao la |
Chúng tôi về thăm người mẹ K’Ho vào một chiều cà phê trĩu hạt trên rẫy. Hình ảnh của bà K’Hiếu gợi lên một nét đẹp khỏe khoắn, dẻo dai và đầy sức sống của những người nông dân K’Ho say mê lao động. Gác lại công việc bộn bề mùa vụ, câu chuyện cuộc đời và những đứa con không chung dòng máu bỗng ùa về trong ký ức mẹ K’Hiếu khiến người nghe không khỏi cảm phục.
Cuộc đời cơ cực của bà K’Hiếu bắt đầu từ năm lên 8 tuổi. Khi ấy, cha mẹ mất, bà trở thành đứa trẻ mồ côi sống thơ thẩn một mình. Mùa vụ nào có ai cần nuôi em, chăn trâu, chăn bò là bà đến ở không lấy tiền chỉ cần có cơm no. Thỉnh thoảng đi chăn trâu, chăn bò thấy những đứa trẻ có cha, có mẹ trêu đùa cười cợt bà cảm thấy chạnh lòng, đôi lúc tủi thân ngồi một mình và… khóc.
Người ta ăn ngon, còn bà chỉ mong có củ khoai, củ sắn. Ngày tháng cứ thế trôi qua, K’Hiếu oằn mình kiếm sống trên một cơ thể gầy guộc, xanh xao. Suốt 9 năm ròng rã cô đơn, K’Hiếu đã mạnh mẽ, trưởng thành hơn so với chúng bạn quanh vùng. Tuổi 17, K’Hiếu trở thành thiếu nữ đầy bản lĩnh.
Nhiều trai bản thương, muốn cưới K’Hiếu làm vợ. Bà lưỡng lự mãi, cuối cùng đã thuận theo sự chỉ bảo của trái tim. Người đàn ông bà tin tưởng lấy làm chồng hiền lành, hiểu rõ cuộc đời, tuổi thơ, thấu cảm được hoàn cảnh của bà. Tưởng chừng hạnh phúc đã mỉm cười sau tất cả những khó khăn, đắng cay nhưng chỉ hai năm má ấp vai kề, chồng bà đã bỏ tất cả vĩnh viễn ra đi.
Hạnh phúc ngắn ngủi kết thúc trong đau khổ và nước mắt. Còn một mình, K’Hiếu ôm con đỏ hỏn chống chọi với mất mát. Nhưng cũng chỉ được ba tháng tuổi, đứa trẻ duy nhất ấy đã “nhắm mắt” theo cha trước nỗi bàng hoàng và cay đắng tột cùng của người mẹ. Mất chồng, mất con, mọi thứ cứ như một cơn ác mộng quét qua tuổi thanh xuân quá đỗi bất hạnh của K’Hiếu. Nhớ về thời điểm ấy, bà K’Hiếu chỉ có thể thốt lên: “Đau đến mức muốn đứt tim”.
Nỗi đau còn đang rỉ máu, thì bà gặp những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Hình ảnh đó khiến bà nhớ lại quá khứ đau thương, sự thiếu thốn và thèm khát hơi ấm người thân của mình năm xưa. Đồng cảm với trẻ thơ côi cút cộng với tình thương dành cho những người cùng cảnh ngộ đã giúp bà vượt qua mọi rào cản để nhận nuôi K’len, K’lẽ, K’Nhiểu...
Những đứa trẻ không ngừng tăng lên trong gia đình bà K,hiếu. |
Ở tuổi 17, cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời, thay vì được học hành, vui chơi như bao người khác, K’Hiếu đã là mẹ của 3 đứa trẻ, ngày đêm chăm sóc, lo lắng, thức cùng con mỗi đêm, đau cùng con khi ốm. Để có tiền lo cho con, mỗi ngày, bà đã phải dậy từ lúc 4h sáng đi làm mướn.
Tiền kiếm được chỉ đủ mua mắm muối bốn mẹ con sống qua ngày. Con đến tuổi đi học, bà phải bớt xén tiền ăn mua sách vở cho chúng được bằng bạn bằng bè. Niềm hạnh phúc là khi bà được các con gọi bằng mẹ. Vết thương lòng trong quá khứ của bà cũng dần vơi đi bởi sự bận rộn và niềm vui khi nghe những đứa trẻ ca hát, cười đùa lớn lên mỗi ngày.
Hạnh phúc trọn vẹn
Khi khó khăn vẫn bủa vây cuộc sống của mẹ con K’Hiếu, thì năm 1982, người đàn ông K’Déo đến bên bà, nguyện làm bờ vai cho mẹ con ngả vào. K’Hiếu suy nghĩ nhiều lắm, vì không muốn có thêm một người cùng khổ như mình.
Nhưng tấm chân tình của K’Déo quá lớn, đã đánh bại trái tim đầy thương cảm của người mẹ. Thấu hiểu và chấp nhận tất cả quá khứ của bà, không những vậy, ông K’Déo còn yêu thương và chăm sóc 3 đứa trẻ, làm tất cả công việc để phụ giúp người mẹ nghèo. Ông cũng chính là nguồn động lực để tiếp những năm sau đó bà K’Hiếu đón nhận thêm 6 đứa trẻ mồ côi nữa.
Ông K’Déo, là bờ vai cho mẹ con bà K’hiếu dựa vào. |
Nhìn đàn con lớn khôn mỗi ngày, vợ chồng bà K’Hiếu hạnh phúc vô cùng, nhưng trong tâm khảm sâu kín, ông K’Déo luôn khao khát có một đứa con từ dòng máu của mình. Bà K’Hiếu hiểu chồng, bà muốn lắm mà không được do bị bệnh về đường sinh sản.
Hai vợ chồng tự an ủi, những đứa con tuy khác dòng máu nhưng giờ đã là một phần máu thịt của mình. Ông K’Déo tâm sự: “Máu người Kinh cũng như máu dân tộc, xương người Kinh cũng như xương dân tộc thì mình cứ cứu đi”.
Kỷ niệm lớn nhất của K’Hiếu khi nuôi các con là những bữa ăn. Bà phải gọt bắp non từ sáng sớm cho tới tối mịt mới được một nồi. Vì ít nên bà luôn nhường cho các con của mình ăn trước, còn dư thì bà mới ăn. Dù thiếu thốn, nhưng lúc nào bà cũng cảm thấy vui vẻ và tràn ngập hy vọng. Bởi các con chính là món quà vô giá mà ông trời đã ban tặng.
Trong 9 người con, thì trường hợp của K’Niệm là đáng thương hơn cả. Khi đó bà K’hiếu đang theo học y tế thôn bản. Sau khi nghe cô hộ lý báo có đứa trẻ bị bỏ rơi trong bệnh viện, chưa có ai nhận. Ngồi học trong lớp, bà K’hiếu suy nghĩ mông lung. Hình ảnh đứa trẻ bị bỏ rơi cứ nhảy múa trong đầu, nhưng nhìn lại hoàn cảnh trong nhà lúc này đã có 7 đứa trẻ cũng nheo nhóc, nhận về thì phải làm sao.
Cuối cùng, lý trí không thắng nổi trái tim người mẹ này. Thế là bà quyết tâm đi nhận thêm người con thứ 8. Nuôi dưỡng được 13 tháng tuổi thì phát hiện thằng bé khác với những đứa còn lại. Bà đưa con đi khám tại Bệnh viện Lâm Đồng nhiều lần và lần nào cũng nhận được kết quả là bé bị động kinh.
Thương con, nhiều đêm bà thức trắng suy nghĩ, đi hỏi khắp nơi chỉ mong chữa khỏi bệnh cho con nhưng kết quả đều thất bại. Bà chỉ còn biết nén nỗi đau chăm sóc cho con từng bữa ăn. Mỗi ngày vui chơi, nô đùa cùng con. Dù vậy, chưa một lần bà hết hy vọng về một ngày phép mầu xuất hiện để con khỏi bệnh.
Bây giờ đã 15 tuổi nhưng K’Niệm vẫn chưa một lần gọi được tiếng cha mẹ. Nó không tự lo được cho bản thân, mọi sinh hoạt hằng ngày đều nhờ bàn tay mẹ. Đâu đó trên nét mặt của bà K’hiếu vẫn hằn lên những lo âu, suy tư. Ở tuổi xế chiều, bà sợ mình không còn đủ sức lực để lo cho K’Niệm. Ước mơ lớn nhất của bà bây giờ là mong con sớm khỏe lại bình thường.
Tưởng như hành trình “nhặt con” của người mẹ này sẽ kết thúc, thì năm 2001, một cậu bé mù lòa mò mẫm đến trước nhà bà K’Hiếu khóc van xin được nhận nuôi. Đây là trường hợp duy nhất chủ động làm con bà. Bà nhìn đứa trẻ, lại nhìn ông chồng. Hai người nhìn nhau, chỉ biết ứa nước mắt thôi. Chẳng lẽ nhận được những đứa lành lặn kia lại không nhận đứa mù lòa này, lương tâm sao yên được. Vậy là bà nhận tiếp.
Lúc ấy nhà khó lắm, không có tiền mua quần áo và làm giường cho con. Bà bán cả đàn gà và rổ trứng được 25 ngàn, chặt thêm 3 buồng chuối bán được 25 ngàn nữa. Tổng cộng 50 ngàn đi mua đồ dùng cá nhân và làm giường cho thằng con thứ 9.
Niềm vui tuổi già của bà K’hiếu là những đứa con có gia đình riêng và những đứa cháu ngoan hiền. |
Bà nói với các con của mình: “Nghèo khổ thiếu thốn đến đâu mẹ cũng chưa một lần từ chối các con. Đó là một phần nghĩa vụ cuộc đời mẹ”. Suốt 40 năm đằng đẵng nuôi lớn 9 đứa trẻ mồ côi cơ nhỡ. Dù cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, mẹ K’Hiếu cũng không hiểu sao mình lại có đủ nghị lực để nuôi những đứa trẻ thiệt thòi này cho đến bây giờ và chưa một lần để những đứa con của mình phải nhịn đói một ngày.
Bằng những câu hát ru nhẹ nhàng, mộc mạc mỗi đêm, bà đã ru 9 mảnh đời bất hạnh nên người. Lời ru mênh mang chất chứa tình yêu, tình thương ấy cứ êm đềm trôi qua từng năm tháng. Để rồi hôm nay những câu hát ấy lại vang lên trong căn nhà gỗ xập xệ khi những đứa cháu nội ngoại lần lượt ra đời. Ở tuổi 60, mẹ K’Hiếu hạnh phúc vì đã có 13 đứa cháu. Chúng như nguồn động lực, niềm vui mỗi ngày của bà.