Tìm lại gia đình cho người phụ nữ sau 30 năm lưu lạc

Chủ Nhật, 12/04/2020, 10:01
Ngôi nhà của gia đình chị Hà Thị Chiến (SN 1978) nằm chênh vênh trên đỉnh đồi. Muốn được tới nơi thì phải ngược dốc mà lên. Thấy cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đến, cả gia đình Hà Thị Chiến tay bắt mặt mừng. Bởi đó chính là ân nhân của gia đình họ khi đã giúp người con gái lưu lạc 30 năm tìm lại được gia đình.


Tình người giữa đại dịch COVID-19

Cuối tháng 3/2020, Đội Chống tệ nạn xã hội và mua bán người - Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ nhận chỉ đạo của Đại tá Lưu Đức Tỉnh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, xác minh nguồn tin do Công an tỉnh Quảng Nam và Trung tâm công tác xã hội tỉnh cung cấp về một người phụ nữ nghi bị mua bán sang Trung Quốc từ năm 1990.

Chị Hà Thị Chiến gặp lại cha mẹ sau 30 năm lưu lạc.

Sau khi cách ly đủ 14 ngày tại Trung tâm y tế thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam, người phụ nữ này đang ở tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Nam. Người này tự khai báo là Đinh Thị Bích Hà (SN 1983, quốc tịch Trung Quốc) và cho biết là người dân tộc Thái, quê ở Thanh Sơn (Phú Thọ).

Từ thông tin ban đầu do Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ cung cấp, Đội chống tệ nạn xã hội và mua bán người bắt đầu một cuộc tìm kiếm. Đại úy Nguyễn Trung Giáp, một trong những người đã tham gia việc kiếm tìm nhớ lại khi anh liên lạc với điều tra viên của Công an tỉnh Quảng Nam, những thông tin ban đầu của người phụ nữ tự khai tên Đinh Thị Bích Hà, quê ở Thanh Sơn, Phú Thọ; có bố đẻ tên là Đinh Văn Thiết Phúc; mẹ đẻ tên là Trần Thị Thúy Hà.

Để làm rõ thông tin về Hà, Đại úy Giáp đã thông qua sự giúp đỡ của một cán bộ Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Nam nhiều lần nói chuyện điện thoại với Hà. Tìm kiếm từ những mảnh ghép được chắp vá từ trí nhớ vụn vặt của người phụ nữ nhiều năm lưu lạc nơi đất khách quê người thật không đơn giản. Hà lúc nhớ, lúc quên, ban đầu chị cho biết nhà ở gần một nhà thờ.

Vào những ngày cuối tuần, Hà vẫn thường được mẹ đưa đi lễ... Đội chống tệ nạn xã hội và phòng, mua bán người đã bắt đầu một cuộc tìm kiếm. Các địa bàn có nhà thờ trên tỉnh Phú Thọ gồm huyện Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Thủy... các trinh sát đều tiến hành rà soát; đồng thời, chủ động liên hệ với Phòng hồ sơ Công an tỉnh để tra cứu thông tin nhưng không có kết quả.

Hành trình tìm lại nhân thân từ tình tiết nhỏ nhất

Người phụ nữ tên Hà có thể nghe được tiếng Việt nhưng để trả lời một câu hỏi thì phải mất rất nhiều thời gian. Khi nói chuyện với Hà, Đại úy Giáp phải nói chậm. Có những từ, anh phải giải thích rõ ràng. Chẳng hạn như nói bà ngoại thì phải giải thích rằng người đẻ ra mẹ của Hà...

Qua từng lần nói chuyện, chắp nối những thông tin rời rạc, các trinh sát biết được Hà bị lừa bán sang Trung Quốc từ nhiều năm nay. Cùng về với Hà trong lần này còn có một người phụ nữ Việt Nam cũng bị bán sang nước ngoài làm gái mại dâm. Họ đi đường tiểu ngạch về Việt Nam rồi bị một chốt canh gác của Bộ đội Biên phòng giữ lại. Sau khi cách cách ly, Hà được Bộ đội Biên phòng  mua vé xe cho về Phú Thọ, còn người phụ nữ đi cùng được gia đình đón về nhà...

Nhưng trên đường dừng xe ăn cơm, Hà đã đi nhầm xe khách rồi bị đưa vào tỉnh Quảng Nam. Trong lúc lơ ngơ ở bến xe, Hà được người xe ôm đưa vào Công an phường, rồi vào Trung tâm công tác xã hội của tỉnh Quảng Nam. Khi hỏi về tên của đồn biên phòng và cửa khẩu đã nhập cảnh, Hà cũng không nhớ.

Cán bộ phòng CSHS Công an tỉnh Phú Thọ thăm hỏi động viên gia đình chị Hà Thị Chiến.

Với thông tin này, cán bộ Đội chống tệ nạn xã hội và mua bán người lại lặn lội lên địa bàn huyện Phù Yên (Sơn La) và huyện Nghĩa Lộ (Yên Bái) là nơi có đông người dân tộc Thái sinh sống; phối hợp với Công an địa phương tiến hành tra cứu nhưng một lần nữa, không có ai mang tên Hà, có cha và mẹ như lời kể của Hà. Những ngày sau đó, họ tiếp tục gợi chuyện thì Hà cho biết chị ta quê ở Thanh Sơn.

Theo phán đoán của các trinh sát, nếu là huyện Thanh Sơn cũ thì giờ đã tách ra thành hai huyện là Tân Sơn và Thanh Sơn. Vì vậy, họ tìm đến các khu vực có người dân tộc Thái sinh sống ở địa bàn huyện Tân Sơn và Thanh Sơn nhưng cũng không có câu trả lời.

Những ngày sau đó, Đại úy Giáp tiếp tục nói chuyện với Hà, gợi hỏi người phụ nữ về một địa danh nào đó mà chị ta từng biết khi ở Việt Nam. Sau nhiều ngày, Hà cho biết nhà chị ta ở gần đèo Mương, đây là một địa danh nổi tiếng của xã Thu Ngạc.

Anh em lại tìm đến các địa bàn, gặp gỡ những người ngoài 60 tuổi ở địa bàn có đông người dân tộc Thái sinh sống để tìm thông tin. Nhưng cả những cán bộ từng là trưởng Công an xã công tác trong suốt 30 năm cũng khẳng định trên địa bàn không có người phụ nữ tên Hà.

Bằng kinh nghiệm và linh cảm, Đại úy Giáp nhận định Hà không phải là người dân tộc Thái. Với chút vốn liếng tiếng Mường, anh đã thử nói chuyện với Hà, thật bất ngờ Hà hiểu được một số câu nói của anh.

Sau đó, anh lại nhờ một người Mường trực tiếp nói chuyện với Hà. Lúc này, Hà bắt đầu hé lộ những thông tin như nhà ở gần chân đèo Mương. Với thông tin này, Đội chống tệ nạn xã hội và mua bán người khẳng định rằng người phụ nữ này là người Mường. Sau đó, các cán bộ đến từng nhà, gặp gỡ từng gia đình rà soát...

Cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ trao quà cho gia đình chị Chiến.

Cuộc tìm kiếm tưởng chừng vô vọng thì gần một tháng sau đó, trong quá trình rà soát tại xã Thu Ngạc, một người dân cho biết vào những năm 90, có một gia đình người Mường bị mất một đứa con gái nhưng do hoàn cảnh khó khăn, họ không thể đi tìm con. Gia đình đó là ông Hà Văn Hoạt (SN 1952) và bà Hoàng Thị Liểng (SN 1950, ở khu Còn 1, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn), có con là Hà Thị Chiến rời khỏi địa phương từ năm 1990 đến nay.

Nhưng lúc này lại có một tình huống khác xảy ra. Thời gian cùng sự thay đổi của mỗi con người, khiến ngay cả cha đẻ và những người chị em với người phụ nữ tên Hà cũng không nhận diện được em gái của mình.

Trong quá trình nói chuyện, họ nói rằng chỉ có một người con gái tên là Chiến (SN 1978), bị mất tích từ nhiều năm nay... và khẳng định rằng người phụ nữ trong bức ảnh không phải là em của họ. 

Giữa lúc đó, Đại úy Giáp nảy ra một ý tưởng khác, đó là chụp ảnh của người cha rồi cho người phụ nữ tên Hà nhận diện. Để đảm bảo khách quan, anh yêu cầu cán bộ của Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Nam không được nói với Hà người đàn ông trong ảnh là ai mà chỉ cho nhận dạng...

Sau khoảng 2h, anh nhận được điện thoại của cán bộ trung tâm cho biết, khi nhìn thấy ảnh người đàn ông, người này nói là bố Hà... Anh lập tức gọi điện thoại và tỉ mỉ trao đổi với Hà về đặc điểm nhận dạng của người cha. Qua nói chuyện, Hà cho biết rằng bố của chị ta bị hỏng một bên chân, đi đâu cũng phải chống gậy. Qua xác minh tại địa phương xác định ông Hoạt bị thọt chân, quanh năm chỉ làm ăn quanh nhà...

Với thông tin đó, các thành viên Đội chống tệ nạn và mua bán người khẳng định Hà chính là Hà Thị Chiến, người đã mất tích trước đó nhiều năm. Đại úy Giáp vượt đường rừng vào gia đình của ông Hoạt. Gia cảnh nghèo đến mức cả nhà có 6 người con thì chỉ có cô con gái út là biết chữ. Cuộc nói chuyện qua điện thoại video call, tất cả mừng mừng, tủi tủi nhận ra nhau.

Đến lúc này, Chiến mới khai lý do bấy lâu nay cô dùng tên giả. Theo lời kể của Chiến thì nhiều năm trước, cô bị bán sang Trung Quốc cho một người phụ nữ tên là Dung. Khi sang đến nơi, Dung và gã chồng hờ đã đổi tên Chiến thành Đinh Thị Bích Hà, nhập quốc tịch Trung Quốc rồi yêu cầu cô phải sử dụng tên này, nếu không sẽ tước đoạt mạng sống của Chiến. Cũng từ đây, cuộc đời của cô gái trẻ bước vào ngõ cụt.

Ban đầu, Chiến phải phục vụ tình dục cho một gia đình người đàn ông Trung Quốc có nhiều thế hệ. Sau đó, cô tiếp tục bị bán vào động mại dâm. Không ít lần, Chiến đã tìm cách bỏ trốn nhưng không thành. Lần nhiều nhất, Chiến trốn được khoảng 2 ngày thì bị bắt lại. Sau đó, bị đối tượng đe dọa giết, dùng dao chặt vào ngón chân cái.

Dù bị đánh đập như vậy nhưng suốt 30 năm sống ở xứ người, Chiến luôn nghĩ  sẽ có ngày tìm về quê. Lần trở về nước lần này, Chiến cùng với một phụ nữ cùng cảnh ngộ có thể thoát nạn là nhờ sự bao bọc của những cô gái có cùng cảnh ngộ. Họ thấy Chiến ở lâu, biết tiếng nên tìm cách bao bọc để cô có thể tìm về nước. Khi cả hai trốn đến khu vực biên giới thì họ được một người đàn ông giúp, đưa qua sông về Việt Nam...

Cảm thông trước gia cảnh của Chiến và gia đình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã mua vé xe khách đưa Chiến từ Quảng Nam về Phú Thọ sum họp gia đình. Anh em quyên góp được 5 triệu đồng tiền mặt rồi mua gạo, mỳ tôm giúp Chiến.

Hiện đơn vị phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ đưa người phụ nữ này đi chữa bệnh theo quy định.

Hoàng Xuân
.
.
.