Tiệt Quyền Ðạo: Tinh hoa võ thuật Đông Tây

Thứ Sáu, 01/12/2017, 17:29
Tiệt Quyền Ðạo, di sản của huyền thoại Lý Tiểu Long, được nhiều người nhìn nhận như một dấu gạch nối hoàn hảo cho chữ "Ðạo" của võ thuật phương Ðông và phương pháp tập luyện rất khoa học của võ thuật phương Tây.


Môn võ này được cho là sự kết hợp các môn võ Trung Hoa (như Vịnh Xuân Quyền) và các môn thể thao phương Tây (như Quyền Anh, thể dục dụng cụ, gym...) và quan trọng hơn bộ tấn và cách di chuyển của Triệt quyền đạo được lấy từ các điệu khiêu vũ và môn đấu kiếm của phương Tây.

Môn võ... nhập Đạo

Tên của môn võ này nếu dịch theo đúng nghĩa Hán Việt thì phải đọc là Tiệt Quyền Đạo. "Tiệt" có nghĩa là "cắt đứt" hay "một đoạn". Ý nghĩa này theo Lý Tiểu Long là vì môn võ khi đánh cắt đứt đường quyền của đối thủ, trước khi đối thủ có thì giờ hoàn tất đòn tấn công. Tuy nhiên, nhiều người dịch lầm là Triệt Quyền Đạo, với ý tưởng là "triệt tiêu" địch thủ. Tên này dễ hiểu hơn với người Việt nên trở nên phổ biến ở Việt Nam.

Vốn là một sinh viên khoa Triết, tư tưởng triết học phương Đông có ảnh hưởng sâu sắc đến Lý Tiểu Long. Điều này khiến Tiệt Quyền Đạo không quá giống một môn võ, mà giống một tư tưởng, một lối tư duy võ thuật mang màu sắc của triết học nhiều hơn là võ học.

Trong hệ thống lý luận Tiệt Quyền Đạo của mình, Lý Tiểu Long lấy "nước" làm biểu tượng của cảnh giới võ thuật tối cao. "Hãy trở thành nước, này các bạn tôi! Giống như nước vậy. Khi bạn rót nó vào trong một chiếc ly thì nó trở thành chiếc ly; khi bạn rót nó vào cái chén thì nó trở thành chén".

Từ đó, Lý Tiểu Long đem võ học tích lũy bấy lâu của mình "biến" thành nước, nước vốn không có hình thái cố định nên võ thuật cũng không có hình thái cố định. Sự mềm yếu của nước có thể phá mọi thứ cứng rắn, quyền thuật nếu có thể đạt đến cực nhu thì cũng trở thành chí cương.

Nước có thể chở thuyền, cũng có thể làm lật thuyền, vì thế Lý Tiểu Long đưa ra 3 phạm trù trong "Tiệt Quyền Đạo" là "nước", "thuyền" và "lực nước đánh". Từ nguyên lý "Be water" - hãy trở thành nước, Lý Tiểu Long đưa võ thuật vào cảnh giới tối cao của "đạo".

Vô chiêu thắng hữu chiêu

Từ triết lý vô hình vô tướng của nước, Lý Tiểu Long đã xây dựng nên Tiệt Quyền Đạo không có hệ thống chiêu thức, bài quyền khuôn mẫu như các môn võ khác. "Sự quan sát đích thực chỉ bắt đầu có khi không còn những khuôn mẫu định sẵn và sự tự do diễn đạt chỉ xảy ra khi người ta vượt qua những môn phái, phương pháp, hệ thống và các tổ chức", huyền thoại họ Lý nói.

Lý Tiểu Long khẳng định rằng quả thật mọi hình thức khuôn mẫu đều cần thiết cho giai đoạn vỡ lòng, nhưng về sau, võ sinh phải tìm cách vượt khỏi cái khuôn mẫu đó mới có thể tự do thể hiện trọn vẹn năng lực của mình được. Tổng quan hơn, Tiệt Quyền Đạo của Lý Tiểu Long sẽ chấp nhận mọi hình thức kỹ thuật của mọi môn phái, nhưng luôn tìm cách chi phối, cải thiện những kỹ thuật đã học để tìm ra một phong cách riêng, thích hợp nhất cho từng võ sinh.

Đây chính là Lý Tiểu Long cách tân từ tư tưởng của Lão Tử "Vô vi nhi vô bất vi". "Vô" và "hữu" là hai hình thái bất đồng của đạo, nhưng phải hiểu "vô" là cái ẩn chứ không phải là "không", cái hiện rõ ra là "hữu".

Nhờ tinh thần "vô vi" của Đạo giáo, anh không ngần ngại áp dụng mọi phương thức từ Đông sang Tây để nâng cao trình độ võ thuật của mình, phối hợp phương pháp tập truyền thống với hiện đại, như khiêu vũ để có bộ pháp uyển chuyển hơn; tập tạ, dinh dưỡng theo Tây phương để có thể lực tối ưu... Tất cả chỉ nhằm đạt đến mục tiêu: Vô hình, vô thức và vô pháp, giống như nước và nhập với "Đạo".

Điều đáng tiếc cho Tiệt Quyền Đạo là Lý Tiểu Long đã tạ thế khi ông còn quá trẻ ở cái tuổi 32. Tuy nhiên, với những di sản tinh thần và võ thuật mà Lý Tiểu Long để lại, Tiệt Quyền Đạo vẫn có thể tự hào với vị thế cầu nối hoàn hảo cho chữ "Đạo" của võ thuật phương Đông và phương pháp tập luyện khoa học của võ thuật phương Tây. 

25 môn võ chết chóc nhất

Từ khi lịch sử bắt đầu, con người đã phấn đấu để tìm ra những phong cách võ thuật hiệu quả, “chết chóc” nhất để có thể đương đầu với thú dữ và kẻ thù ở các bộ lạc khác nhau, sau đó là trong chiến tranh...

Việt Võ
.
.
.