Tiên học lễ...

Thứ Sáu, 30/01/2015, 07:28
Mấy hôm nay, người ta đang ồn ào vụ nữ sinh phổ thông trung học nhận được quyết định thôi học của Ban giám hiệu vì vắng mặt trong buổi biểu diễn văn nghệ ở trường.
Người nhà của nữ học sinh đưa quyết định thôi học lên trang mạng xã hội Facebook, sự lan tỏa của trang mạng này nhanh chóng đến với truyền thông. Truyền thông vào cuộc, mọi thứ trở nên đì đùng như năm nào đó người ta còn được đốt pháo vào dịp Tết.

Cô hiệu trưởng của trường có nói, đó chỉ là biện pháp của nhà trường để học sinh ý thức hơn về tính kỷ luật, chứ Ban giám hiệu nhà trường hoàn toàn không có ý đuổi học nữ sinh. Nhưng dẫu sao đi chăng nữa thì lý do mà cô hiệu trưởng đưa ra là rất khó để công luận chấp nhận. Mục đích và hành động phải song song cùng nhau, gần như không thể lấy mục đích để bao biện cho hành động.

Ngô không đồng ý với biện pháp giáo dục của nhà trường và Ngô tin rằng, rất nhiều bạn đọc cũng không đồng ý vậy. Tuy nhiên, cái cách mà người ta lên án Ban giám hiệu nhà trường gợi cho Ngô nhiều suy tư.

Hai mươi sáu năm trước, ngày Ngô vào lớp 1. Ngô được cô dạy "Tiên học lễ, hậu học văn". Đầu tiên phải kính trọng thầy cô, cha mẹ, người lớn tuổi, rồi sau đó mới đến chuyện tiếp nhận kiến thức.

Từ đó đến nay, Ngô vẫn mang tâm niệm này vào cuộc sống. Nghề giáo vẫn là nghề được Ngô kính trọng nhất.

Ngô theo nghiệp báo, Ngô nghe nhiều, biết nhiều về những sự đổi thay trong đời sống và giáo dục không là một ngoại lệ. Ngô đã biết những ngôi trường chạy điểm, những giáo viên ép học sinh phải đi học thêm với thứ vũ khí là điểm số, những vụ gạ tình đổi điểm… Và những cải cách rối rắm mà các lãnh đạo ngành giáo dục đã phát kiến ra. Nhưng, gì thì gì sự kính trọng dành cho các bậc truyền tải kiến thức trong Ngô vẫn không thay đổi.

Minh họa: Lê Tâm.

Một cá nhân không thể lớn lên nếu thiếu tính kỷ luật. Ngô chỉ đang bàn đến tính kỷ luật, Ngô chưa đề cập đến tri thức. Kỷ luật giúp cá nhân thích ứng tốt hơn, có cách hành xử chuẩn mực hơn.

Nữ sinh đã hứa là sẽ xuất hiện trong tiết mục biểu diễn văn nghệ để phục vụ lễ sơ kết học kỳ I. Cô hiệu trưởng trần tình, chỉ có hai tiết mục biểu diễn và cả hai tiết mục đều có sự tham dự của nữ sinh. Vậy mà, cuối cùng nữ sinh lại bỏ dở tiết mục văn nghệ để "chở chị đi làm từ thiện", theo lời của nữ sinh.

Rõ ràng, phần lỗi đầu tiên thuộc về nữ sinh. Và phản ứng của Ban giám hiệu nhà trường là phản ứng thuộc về sự giận dữ nhất thời. Đó là phương pháp giáo dục rất phản giáo dục.

Nhưng, đó không hẳn là lý do để người ta tấn công cả một Ban giám hiệu. Đồng thời, tỏ ra hoài nghi về cả hệ thống giáo dục. Quan trọng hơn, người ta biến cái sai của một nữ sinh thành lẽ phải. Biến cá nhân khơi mào cho toàn bộ vụ việc thành nạn nhân.

Có quá nhiều thứ bất ổn trên truyền thông ở giai đoạn hiện nay. Như khi, người ta tấn công nhân viên nhà sách ở một tỉnh vì những nhân viên này đã ép một cô bé cấp 2 đeo biển "Tôi là kẻ trộm". Đó là hành động không thể chấp nhận trong một xã hội thượng tôn pháp luật và văn minh, lên án là rất đúng. Đáng tiếc, người ta đã quên mất việc giáo dục cho một học sinh rằng, ăn cắp là hành vi không tốt, cần phải bị loại bỏ ra khỏi đời sống.

Đừng bao giờ mang định kiến khi tiếp cận một sự việc nào đó, Ngô nghĩ vậy. Vì chúng ta chỉ có thể đối thoại với ý kiến, chứ làm sao mà chống chọi với định kiến cho được.

Định kiến, như là con đường đã được phát quang để chào đón sự mù quáng.

Ngô
.
.
.