Thần y của voi

Thứ Ba, 26/05/2015, 11:00
Đồng bào M'nông xem voi là con vật linh thiêng nên việc sinh sản phải được thực hiện trong rừng, có thần rừng, thần núi chứng giám, tuyệt đối không thể có bàn tay thô tục của con người. Đàng Năng Long suy nghĩ, cân nhắc và khổ tâm rất nhiều, nhưng voi già sẽ chết, trong khi voi sinh sản không có, nguy cơ tuyệt chủng là có thật. Phải "cãi" lại lời của Giàng, phải cho voi sinh sản để duy trì nòi giống. Đàng Năng Long trở thành ông tơ bà mối duy nhất của voi ở Tây Nguyên. 

Cha Đàng Năng Long là dũng sĩ Đàng Nhảy, một huyền thoại săn voi của Tây Nguyên cách đây hơn nửa thế kỷ, cùng với mẹ là Sao Thông Chăn, mỹ nữ buôn voi nức tiếng đại ngàn.

Ngay từ thuở nhỏ, hình ảnh những con voi cao bằng mái nhà sàn, chân to như cây Pơmu cuối bản đã khiến Đàng Năng Long thích thú vô cùng. Rồi Long được cha cho ngồi trên bành voi, cảnh đất trời, thôn xóm làng bản nằm gọn trong tầm mắt. Sức mạnh phi thường và bản tính gần gũi của voi đã ngấm dần vào suy nghĩ Đàng Năng Long.

Hễ về đến nhà là ông Long quấn quýt bên những chú voi của mình.

Từ bao đời nay, sự tôn sùng voi là tuyệt đối và dường như tập tục ấy cho đến bây giờ vẫn còn in đậm nét trong cộng đồng người M'nông ở thung lũng Lắk (Đắk Lắk). Ông Long kể rằng: "Theo truyền thuyết của đồng bào mình thì voi xuất thân là con người. Trong quá trình đi vào rừng săn bắt, hái lượm chẳng may bị lạc không trở về nhà được. Con người đã biết kiếm lá cây, củ quả trong rừng để ăn duy trì sự sống. Tuy nhiên, do quá trình lưu lạc dài ngày, dần dần con người quên luôn tiếng nói. Hình dáng cũng thay đổi cho thích nghi với môi trường rừng rú. Cái mũi ngày đêm dũi đất ngửi mùi để tìm về nhà nên ngày càng dài ra. Dựa vào truyền thuyết ấy mà đồng bào dân tộc M'nông tôn sùng, kính trọng voi như một bậc thánh nhân".

Và dù không có truyền thuyết ấy đi chăng nữa, voi đã trở thành một biểu tượng của sự cao thượng, sức mạnh phi thường trong đấu tranh với các loài ác thú. Voi giúp người kéo gỗ làm nhà, thồ hàng, chở gạo… Ông Long tâm sự: "Việc nhà của tôi có chuyện xích mích gì đi chăng nữa thì tôi cũng chỉ cười cho qua mà thôi nhưng hễ những con voi của tôi mà có vấn đề gì, tôi lập tức lên tiếng. Tôi sẽ rất tức giận với những ai đánh đập voi, đối xử tệ bạc với voi".

Gia tộc họ Đàng từ xa xưa có được một chú voi đã phải trải qua cuộc chiến đẫm máu. Những cuộc săn voi khốc liệt, máu, nước mắt đổ vào cuộc trường chinh một mất một còn trong những khu rừng già. Săn voi không phải việc làm xấu, nó xấu chỉ khi người ta dùng voi với mục đích tàn sát hay kinh doanh. Có lẽ nếu không có những cuộc săn voi thì sẽ chẳng bao giờ voi thuộc về con người để trở thành bạn của con người như ngày hôm nay được. Những con voi săn về sau thời gian thuần dưỡng đã trở thành chiến binh dũng mãnh chuyên vận chuyển vũ khí, đạn dược cho chiến trường Tây Nguyên những năm đánh Pháp và đánh Mỹ.

Sau ngày đất nước giải phóng, voi vẫn chỉ là con vật dùng cho việc cày kéo, vận chuyển. Những con voi của gia đình Đàng Năng Long phải đem đi gửi cho người ta dùng làm sức kéo. Sau này, có chủ trương đưa voi vào du lịch thì ông Long mới đi gom hết voi nhà về chăm sóc, nuôi dưỡng để phục vụ du lịch. Đối với Đàng Năng Long, ông không bao giờ lấy voi ra để làm "cần câu cơm". Vì, tình yêu của ông đối với voi là bất tận. Ông có một giác quan đặc biệt với voi, sự linh cảm của ông về voi là chính xác. Một lần, khi vừa đi công tác về, ông một mình đi bộ vào trong rừng thăm voi. Ông núp trong lùm cây, ho một tiếng, tức thì chú voi dừng ăn cỏ, đánh mũi tìm tới tận nơi ông chủ ẩn nấp. Vì quá quen nên chỉ cần ngửi mùi mồ hôi của ông, chú voi đã nhận ra người thân.

Nhiều người nói Đàng Năng Long có phép thôi miên để làm voi khỏi bệnh. Nhưng ông khẳng định: "Tôi là một người bình thường. Tôi làm được những việc ấy chỉ đơn giản vì tình yêu dành cho voi quá lớn. Lớn đến mức mỗi chú voi đã trở thành máu thịt của tôi. Chúng biết từng tiếng ho, tiếng đằng hắng, thậm chí nhận ra cả mùi mồ hôi của tôi. Tôi yêu voi hơn cả gia đình mình".

Từ một giám đốc khu du lịch sinh thái hồ Lắk, Đàng Năng Long quay về gắn mình với những chú voi. Những lần cuốc bộ vài chục cây số đưa voi vào rừng tìm thức ăn không làm ông nao núng. Sống cùng voi hàng tuần trong rừng, ông hiểu được chúng cần gì và mình phải làm gì cho cuộc sống của chúng. Rừng đang ngày một lùi xa con người, tài nguyên đã cạn kiệt, thức ăn cho voi phải đi xa mới có.

Nhiều người khuyên Đàng Năng Long với số lượng voi hiện giờ là 7 con thì ông đã là người sở hữu nhiều voi nhất Việt Nam, phải đề xuất trao tặng ông kỷ lục. Ông Long lắc đầu: "Tôi không muốn nhận gì cả, như thế vô tình đem voi đi phô trương, quảng cáo. Voi là người nhà mình mà, cứ xem như tôi có nhiều con là được rồi". Nói xong, ông ngước nhìn lên một chú voi, ông lấy tay lau vội hàng nước mắt đang lăn dài xuống má của nó, nói như vỗ về: "Nước mắt của voi đó, nó đang rất hạnh phúc".

Năm 2013, ông Long tổ chức lễ cưới con gái bằng một đàn voi nhà.

Cơ thể voi không giống với bất cứ cơ thể loài động vật nào. Tuy nhiên, mỗi khi trời lạnh, voi rất dễ bị cảm thương hàn dẫn đến mù mắt, đột quỵ. Người ta tôn thờ voi nhưng vẫn chỉ nuôi voi theo cách thông thường là chăn dắt. Voi bị bệnh, họ bối rối không biết làm thế nào để chữa trị cho voi nên nhiều con bệnh tật lâu ngày suy kiệt mà chết. Ám ảnh từ cái chết của con Khăm Bun, Đàng Năng Long vẫn cứ day dứt, tiếc thương hoài.

Cách đây 10 năm, Khăm Bun được đưa vào liên đoàn xiếc đi ra Hà Nội biểu diễn. Do vết thương ở chân tái phát nên cơ thể Khăm Bun yếu dần, rồi nằm bại liệt một chỗ. Đàng Năng Long biết tin đã bay ra tận Hà Nội, tìm mọi cách cứu chữa nhưng đã không kịp. Một buổi chiều mưa, Khăm Bun bị Giàng bắt về với núi. Đàng Năng Long đau khổ, thất vọng và tự trách móc bản thân mình. Từ ấy, hễ con voi nào có dấu hiệu không bình thường là ông tìm cách chữa trị ngay.

Quay sang con Y Trút, ông âu yếm cặp ngà, lau nhanh đụn nghèn trên hai khóe mắt mà hồi tưởng lại cả một quá trình đánh vật với đôi mắt của nó. Y Trút vốn là voi của người em họ trao tặng. Cũng giống như con Sida, gia chủ bất lực và đã chuẩn bị lo hậu sự cho nó rồi. Họ nhớ đến ông chú với biệt tài chữa bệnh cho voi nức tiếng xa gần nên tự nguyện tặng lại.

Nhận voi với hai mắt đã mù tịt, ông đưa nó xuống hồ tắm. Nó không biết đường quay vào bờ. Càng tắm, mắt Y Trút càng chạy nghèn, hai tròng mắt đục ngầu, trắng xóa. Thấy vậy, ông Long cho ngừng tắm, ông nhận định: "Y Trút đã bị hỏa công (nóng trong người). Đây là căn bệnh phải kiêng nước. Ông cho Y Trút vào rừng cùng với đàn voi khỏe mạnh. Ông đi theo nó quan sát xem nó thường ăn cây gì nhiều nhất. Qua nhiều ngày theo dõi, ông phát hiện ra Y Trút thường chỉ chọn thân cây đót để ăn. Ông về nghiên cứu và thấy, thân cây đót rất mát, có chứa thảo dược trị nóng hữu hiệu. Đàng Năng Long huy động các anh em nài voi đánh xe ôtô vào rừng chặt thân đót về và chỉ cho con Y Trút ăn. Ăn liên tục, ròng rã một tháng trời, mắt Y Trút sáng ra, không còn rỉ nghèn nữa, nó biết tự ăn, tự đi lại.

Voi Y Trút bây giờ mắt đã sáng và trở thành con voi đầu đàn.

Mỗi khi đi đâu xa về, Đàng Năng Long lại quấn quýt bên đàn voi, con nào thấy chủ cũng chảy nước mắt. Ông Long nói: "Nó nhớ nên khóc đấy, con Sida này, con Y Trút này, nhiều cảm xúc, hay khóc lắm". Voi già nhất trong đàn năm nay 62 tuổi, trẻ nhất cũng bước vào ngưỡng 21. Ông Long chỉ sử dụng những con còn trong độ tuổi lao động phục vụ du lịch, riêng voi 62 tuổi ông để nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già. Ông quan niệm: "Con người cũng thế, già rồi thì sức khỏe yếu đi cần phải nghỉ ngơi. Tôi tôn trọng voi già như trân trọng cha mẹ của mình".

Triết lý ấy ông rút ra được từ lần con voi bị đột quỵ do kiệt sức. Lần ấy, ông đã thức mấy đêm liền để truyền nước cho voi. Trong vòng một ngày một đêm, ông đã truyền vào mình voi tổng cộng 54 chai nước vừa đạm vừa thuốc bổ.

Trung bình mỗi con voi làm việc một ngày và nghỉ hai ngày, có nghĩa một tháng chúng chỉ phải làm việc 10 ngày. Những người làm của ông đều cho rằng: "Với số lượng voi nhà như vậy, ông Long có thể tận dụng tối đa cho mục đích du lịch thì sẽ thu bội tiền nhưng ông Long lại không làm thế. Ông làm tất cả vì tình yêu sâu nặng với voi, việc đưa voi vào du lịch chỉ để chúng thư giãn, thoải mái cho cuộc sống tự do mà thôi.

Mấy năm trở lại đây, ngôi nhà voi ở thung lũng Lắk thường vắng lặng, ít tiếng cười. Đàng Năng Long thì lúc ẩn lúc hiện. Hóa ra, ông chủ voi đang mải mê trong rừng với vai trò là ông tơ bà mối cho voi. Với con mắt tinh tường và thính giác nhạy cảm, Đàng Năng Long dễ dàng nhận ra voi nào có tình cảm với voi nào để mà "xe duyên". Tình cảm của voi được phân biệt rạch ròi. Nếu không yêu mà bị ép phải yêu tức thì voi sẽ phản kháng, và cuộc chiến sống mái sẽ diễn ra. Hệ quả có thể là con yếu thế hơn sẽ bị húc chết. Nhưng hễ có tình cảm rồi, chúng luôn dành cho nhau sự âu yếm cháy bỏng. Căn cứ vào diễn biến tình cảm của voi, Đàng Năng Long sẽ tách cặp ra, đưa chúng vào rừng thả tự do để chúng có không gian "yêu nhau". Ông chờ đợi, không ngừng hy vọng về một phép mầu tình yêu nơi những chú voi thuần hóa cuối cùng của Tây Nguyên.

Ngọc Thiện
.
.
.