Tết xa xứ - Náo nức và bâng khuâng

Thứ Hai, 10/02/2014, 15:00

“Là người Việt Nam, dù ở xa quê hương bao nhiêu lâu, mỗi dịp năm mới đến không ai không khỏi bâng khuâng và nhớ về những ngày Tết cổ truyền với bánh chưng xanh, cành đào phai và mùi hương đêm giao thừa hướng về tổ tiên. Vì bất cứ một lý do nào không về được quê hương trong dịp Tết, những người Việt Nam xa xứ vẫn xích lại gần nhau và cùng những người thân bên cạnh mình chia sẻ chút không khí đón năm mới truyền thống thân quen... Hãy cùng nghe những tâm sự của họ trước thềm mùa xuân mới đang tới rất gần...”.

Đài Loan – Tết đi lễ chùa

Gia đình anh Nguyễn Thanh Chương và chị An Thu Hà đã xa Việt Nam gần 3 năm. May mắn hơn nhiều người cùng làm PhD tại Đại học Quốc gia Đài Loan, hai anh chị đều cùng được đoàn tụ cùng hai cậu con trai 5 tuổi và 1 tuổi tại nơi đây. 

“Dù không về Việt Nam vào dịp Tết nhưng năm nào nhà mình cũng tổ chức lễ Tết như ở nhà. Ngày Tết là một ngày lễ rất thiêng liêng với người Việt Nam, càng đặc biệt hơn với những người xa Tổ quốc như gia đình mình.

Ở Đài Loan thì đa số các mặt hàng Việt Nam đều có thể mua được, tất nhiên giá có đắt hơn nhiều so với ở Việt Nam. Đối với gia đình mình thì bữa cơm tất niên là điều không thể thiếu được. Các món ăn Việt truyền thống như nem rán, giò lợn, thịt đông... đều do nhà mình tự mua nguyên liệu ở các cửa hàng Việt rồi về rồi nấu. Hoa tươi thì dễ mua nhưng bên này không có phong tục trưng hoa đào hay trồng quất như ở Việt Nam nên đó cũng là điều nhà mình thấy hơi thiếu so với ở nhà.

Hai năm trước nhà mình ăn cái Tết đầu tiên ở Đài Loan. Bánh chưng bên này cũng có bán nhưng vừa đắt lại không biết chất lượng ra sao, nên nhà mình quyết định cùng một gia đình người bạn (cũng đang làm PhD) sẽ tự nấu bánh chưng. Nguyên liệu thì có đủ, nhưng lá dong thì không thể tìm được ở một thành phố lớn như Taipei. Cuối cùng bọn mình đã quyết định dùng lá chuối lấy được ở vườn trong trường để gói bánh. Lần đầu tiên chưa có kinh nghiệm nấu bánh bằng nồi cơm điện, nhưng kết quả là bánh rất ngon, rất xanh và dẻo như làm ở nhà vậy. Chỉ là vài cái bánh, nhưng nó đã khiến cho gia đình mình cảm thấy ấm cúng và đỡ nhớ nhà rất nhiều. Mỗi khi ăn thì cả nhà lại phải nâng niu mãi mới cắt vì thấy... tiếc!

Tết này nhà mình sẽ đi chùa. Ở bên này có nhiều chùa lớn và người Đài Loan cũng có thói quen đi chùa vào dịp năm mới. Tất nhiên việc gặp mặt thăm hỏi bạn bè là điều không thể thiếu được. Ngoài ra gia đình mình sẽ đi chơi một số nơi trong thành phố như các trung tâm thương mại, chợ đêm v.v...

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài, mỗi khi Tết đến thì đều có một cảm giác chung đó là nhớ nhà. Tết là khoảng thời gian để gia đình đoàn tụ, ai đi xa cũng nhớ nhà nhưng Tết là lúc mà nỗi nhớ ấy trở nên khắc khoải nhất. Những người bạn sinh viên như mình thì thường gặp mặt tụ họp rủ nhau đi chơi cho đỡ cô đơn.

Người Đài Loan tuy có nhiều nét tương đồng với Việt Nam về văn hoá, nhưng cái Tết đối với họ cũng có nhiều nét khác biệt. Mình cảm nhận thấy họ không có sự chuẩn bị tưng bừng náo nhiệt như ở Việt Nam. Ở Taipei đến gần Tết ít thấy cảnh nhà nhà nhộn nhịp mua đồ sắm Tết; không có chợ hoa, ít thấy cảnh đường phố trang hoàng sặc sỡ... Ngày Tết cũng là ngày gia đình đoàn tụ nhưng mình nghĩ nó không còn có một ý nghĩa lớn như trước nữa, có lẽ vì Đài Loan đã du nhập văn hoá phương Tây đã lâu nên các ngày lễ dương lịch như Noel lại có vẻ nhộn nhịp hơn.

Mình nghĩ rằng Tết là ngày lễ truyền thống của nhiều nước Đông Á, nhưng ở Việt Nam ngày Tết là ngày lễ truyền thống rất đặc biệt và giàu bản sắc văn hoá, rất đặc trưng. Mình hy vọng trong tương lai cùng với sự hội nhập văn hoá, ngày lễ đặc biệt này sẽ không bị mai một dần đi.

Gia đình mình mong muốn ba điều mà ngày Tết nào người ta cũng chúc nhau: Sức khoẻ, hạnh phúc và thành công. Trong năm mới, mình cũng mong hai vợ chồng đạt được những dự định trong công việc và học tập”.

Thụy Sỹ - Dạy con gói bánh tét tưởng nhớ cội nguồn

Rất nhiều độc giả Việt Nam đã biết tới nhà văn Tâm Phan với hình tượng một người phụ nữ hiện đại, dám nghĩ dám làm và một giọng văn đầy cá tính. Dù gia đình chị là gia đình đa văn hóa và sống tại Thụy Sỹ nhưng Tâm Phan luôn cố gắng tạo ra nhiều thời gian trở về thăm Việt Nam để cô con gái nhỏ biết tới quê hương của một nửa dòng máu trong người mình. Dù vậy do điều kiện công tác, có những ngày Tết không thể trở về quê hương đón năm mới cùng gia đình, nhà văn Tâm Phan vẫn cố gắng duy trì một không khí đón xuân truyền thống trong gia đình mình.

Gia đình nhà văn Tâm Phan tại Thụy Sĩ.

“Tôi sống xa Việt Nam tới nay đã gần 8 năm, trước đó tôi ở Australia rồi lấy chồng, theo chồng về Thụy Sỹ. Con gái chúng tôi tên là Jenna, sinh ra ở Geneva - thành phố chúng tôi đang sống. Jenna 4 tuổi và đã đi học trường công ở Thụy Sỹ. Cháu nói tiếng Pháp ở trường, tiếng Anh ở nhà, thi thoảng nói tiếng Việt với mẹ và bà ngoại.

Hằng năm, Lãnh sự quán Việt Nam ở Geneva tổ chức đón mừng năm mới mỗi khi Tết đến. Ngoài ra cộng đồng kiều bào ở đây cũng tổ chức tiệc và biểu diễn ca múa nhạc mừng Xuân. Gia đình tôi vẫn tham gia khi có dịp. Riêng trong gia đình thì tôi gói bánh tày (bánh tét) vừa là để tưởng nhớ nguồn cội vừa dạy con gái về nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Đây cũng là một hoạt động gia đình rất vui và ấm cúng. 

Tôi có nhiều kỷ niệm về Tết, nhất là trong thời thơ ấu. Nói đến kỷ niệm sâu sắc nhất, đó là vào năm 1990 tôi học lớp 6, ngày mùng 5 Tết cùng cả lớp đạp xe đi thăm làng pháo Bình Đà. Khi về tôi bị các bạn bỏ quên và tôi đã đi bộ từ Bình Đà về Hà Nội (khoảng 30km). Sở dĩ tôi nhớ chính xác hôm đó ngày mùng 5 Tết vì về đến gò Đống Đa thấy đông vui mới biết hôm đó Hội gò. Một người bạn về đến nhà rồi mới nhớ ra tôi nên đạp xe quay lại tìm. Khi đó trời đã xâm xẩm tối, tôi vừa đói vừa mệt nên ngồi nghỉ trên vỉa hè trước gò Đống Đa, nhìn thấy bạn đạp xe qua thì gọi và được bạn chở về nhà. Một kỷ niệm không thể nào quên.

Tết năm nay tôi sẽ lại gói bánh tày và chắc chắn con gái tôi sẽ tham gia. Những năm trước cháu còn nhỏ nên chưa ý thức rõ về ngày Tết. Năm nay tôi sẽ làm chu đáo hơn, hướng dẫn cháu tự gói chiếc bánh tét nhỏ xinh cho riêng mình. Tôi muốn cháu cũng có những kỷ niệm về ngày Tết Việt Nam trong những ngày thơ ấu.

Tại nơi tôi đang sống, hội người Việt ở đây vẫn tuyển các bé 4-5 tuổi (gốc Việt hoặc lai Việt) cho lớp múa cổ truyền dân tộc, chủ yếu để biểu diễn phục vụ cho Lễ hội người Việt vào dịp Tết Nguyên đán. Các bé mặc áo dài, đội nón lá múa hát rất truyền thống. Lễ hội thường được tổ chức bởi một chủ cửa hàng Việt Nam lớn ở đây. Những dãy hàng bán đồ ăn Việt Nam có đủ món ăn 3 miền, người tham gia mua đồ ăn bằng tích-kê với mệnh giá tương đương do chủ cửa hàng quy định. Khách tham gia có thể nói 70% người Việt và 30% khách Tây. Họ là chồng/vợ của người Việt Nam hoặc đơn thuần là những người yêu thích món ăn Việt. 

Trong tương lai, hai vợ chồng chúng tôi mong được chuyển công tác về gần Việt Nam để mỗi dịp Tết chúng tôi được về quê hương xum họp cùng đại gia đình, đón cái Tết thực sự truyền thống”.

Pháp – Không quét nhà mồng 1 Tết

Gia đình anh Nguyễn Trọng Huy, một bác sỹ đã sinh sống tại Paris trên 30 năm. Gia đình của anh vẫn thường xuyên về thăm quê hương nhưng do điều kiện công việc và gia đình, hiếm khi anh chị và hai con đón một cái Tết cổ truyền đúng nghĩa tại Việt Nam. Tuy vậy họ vẫn có được những nếp sống văn hóa Việt với bạn bè, người thân nơi đây mỗi dịp Tết về.

“Tôi đã sống xa Việt Nam rất lâu, vẫn thường xuyên về Việt Nam nhưng chưa có dịp đưa hai con về ăn Tết truyền thống tại Việt Nam lần nào. Một phần do công việc (tại Pháp không có ngày nghỉ lễ Tết theo âm lịch), một phần khi bọn nhóc còn nhỏ phải đi học, giờ chúng lớn lên rồi lại có những công việc riêng của mình. Thế nhưng sinh sống tại nơi đây, gia đình tôi và họ hàng vẫn dành thời gian sum họp và gặp gỡ nhau đón chào năm mới cũng như có rất nhiều hoạt động lưu giữ truyền thống.

Mỗi dịp năm mới về, gia đình chúng tôi lại họp mặt với bà con hai bên nội ngoại. Năm nay có lẽ cũng sẽ không có gì thay đổi. Các buổi tụ họp gia đình với không khí đầm ấm cũng có đồ ăn Việt, bánh chưng. Chúng tôi cùng chúc nhau sức khỏe, may mắn trong ngày năm mới, lì xì cho trẻ nhỏ, chơi “bầu cua cá cọp” cùng nhau rất vui. Điều đặc biệt là gia đình tôi không bao giờ quét nhà ngày mồng 1 Tết đúng theo truyền thống của Việt Nam để mong những điều tốt lành nhất đến với gia đình mình. Hồi còn nhỏ tụi trẻ rất thích thú khi biết những phong tục cổ truyền của Việt Nam. Tới giờ chúng đón nhận những điều đó như một điều tự nhiên, một phần trong cuộc sống của mình. 

Tại nơi tôi sinh sống, những ngày Tết âm lịch mọi lịch sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, chỉ có những người thân, bạn bè cùng đón Tết theo âm lịch với nhau. Trên các phương tiện truyền thông của Pháp cũng thường nhắc đến việc đón chào năm mới theo âm lịch nhưng các hoạt động diễn ra náo động chủ yếu trong khu phố người Tàu quận 13 hay 20 với các hoạt động diễu hành, đốt pháo hoa và múa lân. 

Nói tới Tết, dù xa Việt Nam rất lâu nhưng trong tôi vẫn luôn nguyên vẹn cảm xúc. Tôi rất mong cả gia đình sẽ có dịp về ăn Tết ở Việt Nam trong tương lai để thưởng thức hết không khí thực sự của năm mới dân tộc”.

Hà Lan – Các bạn nước ngoài rất quan tâm tới Tết Việt

Cũng giống như nhiều gia đình xa quê hương sinh sống tại nơi đây, gia đình chị Nguyễn Lệ Trang và anh Đỗ Tuấn Đạt, hiện đang sống tại TP Roermond rất háo hức tới những ngày Tết âm lịch. Sau một thời gian sinh sống tại Đức, gặp một nửa yêu thương, kết hôn và giờ đây yên ổn cuộc sống tại Hà Lan cùng hai cậu con trai đáng yêu, chị Trang luôn nhận được sự quan tâm của những người bạn bản xứ xung quanh mình về ngày Tết cổ truyền Việt Nam.

Vợ chồng Nguyễn Lệ Trang và Đỗ Tuấn Đạt tại Hà Lan.

“15 năm sống xa Việt Nam, mình rất hạnh phúc vì mỗi dịp xuân về, không chỉ những người Việt Nam xa xứ cùng nhau mua sắm, nấu ăn, trang trí nhà cửa đón Tết mà ngày càng có những người bạn nước ngoài biết tới Tết cổ truyền của Việt Nam và cùng chúc nhau một năm mới an lành.

Mình có mở một tiệm móng tay tại trung tâm TP Roermond nơi mình sinh sống. Những ngày năm mới, càng gần đến ngày nghỉ lễ, cửa hàng mình lại nhộn nhịp người tới làm đẹp. Càng gần tới Tết âm lịch, cộng đồng người Việt Nam tại đây thường mách nhau những cửa hàng bán đồ châu Á, nơi chúng mình có thể mua được các thực phẩm chuẩn bị cho ngày Tết. Thế nên tới dịp Tết cổ truyền, trong mỗi gia đình chúng mình đều có đầy đủ mâm cỗ Tết với bánh chưng, giò, măng, hành kiệu muối. Chỉ có điều cây hoa đào và hoa mai rất khó mua nên đến ngày Tết mình chỉ mua được các loại hoa như hoa dơn, loa kèn nhưng cũng đủ cho không khí Tết tràn ngập trong nhà.

Gia đình mình tới Tết âm lịch cũng làm mâm ngũ quả thắp hương cúng tổ tiên, đi thăm họ hàng. Càng gần đến Tết càng có nhiều người bạn, người khách Hà Lan và nước ngoài hỏi thăm về ngày Tết cổ truyền. Họ quan tâm thực sự, hỏi xem ngày nào sẽ là ngày Tết của Việt Nam và không quên gửi lời chúc mừng năm mới đến với mình. Mình rất vui vì điều đó. Quan trọng hơn cả mình mong rằng dù ở xa quê hương, gia đình mình nói riêng và các gia đình người Việt nói chung tại nơi đây vẫn luôn duy trì được không khí đón xuân và truyền thống Việt để những thế hệ như con của mình, sinh ra và lớn lên ở nơi đây vẫn biết tới ngày Tết và luôn trân trọng và hướng tới quê hương”

Hoàng Thi
.
.
.