Tết tây - Tết ta: Phong tục đón năm mới ở các nước

Thứ Năm, 15/02/2018, 14:35
Tết là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của nhiều dân tộc trên thế giới. Vào ngày này, mỗi dân tộc, mỗi đất nước sẽ có một cách chào đón năm mới khác nhau, gắn liền với văn hóa, truyền thống của họ. Hãy qua một số nước để xem họ đón Tết độc đáo như thế nào...


PHÁP

Tết dương lịch chính là ngày lễ quan trọng của người Pháp. Họ có tập tục dùng rượu để đón năm mới. Trước ngày chào đón năm mới, người Pháp sẽ chuẩn bị rượu để uống cho thật say từ đêm giao thừa đến hết ngày 3-1. Bởi họ cho rằng nếu không uống cạn hết số lượng rượu chuẩn bị thì năm mới sẽ không được may mắn, thậm chí sẽ gặp nhiều điềm gở. 

Người Pháp dựa vào những cơn gió vào sáng ngày đầu tiên của năm để dự đoán những điều xảy ra trong năm mới. Nếu gió thổi hướng Nam thì đó sẽ là một năm mưa thuận gió hòa, gió thổi hướng Tây sẽ là một năm đầy hứa hẹn với những người đánh bắt cá và chăn nuôi. Gió thổi hướng Đông báo hiệu một năm mùa màng bội thu và sẽ bị mất mùa nếu gió thổi hướng Bắc.

ANH

Tết cổ truyền của người Anh cũng chính là Tết dương lịch. Để chuẩn bị cho một cái Tết sung túc, người dân thường mua thật nhiều rượu và thịt để trong bếp từ trước Tết, vì họ cho rằng nếu rượu thịt không nhiều sẽ không được may mắn trong năm mới. Vào những giờ đầu tiên trong năm mới, họ sẽ thực hiện phong tục “múc gáo nước đầu tiên” của năm để được may mắn. Ngoài ra, tết trong nhà người Anh hay treo một nhánh tầm gửi vì họ tin rằng loài cây này sẽ mang lại may mắn.

Theo tục lệ, người Anh sẽ mang theo đồ ăn, thức uống đến thăm nhà bạn bè, người thân vào đêm giao thừa. Và khi đến, trước khi mở đầu câu chuyện, việc đầu tiên họ cần làm là đi đến lò sưởi cơi than đốt lò. Đây là việc làm thể hiện sự chúc phúc đối với chủ nhà với ý nghĩa "khai môn đại cát". 

Cũng theo quan niệm của người Anh, những người có tóc vàng và đỏ không nên “xông đất” nhà người khác vì như vậy gia chủ sẽ không gặp may mắn trong năm mới. Chính vì vậy, họ có tục không cho những vị khách tóc vàng hoặc đỏ “xông nhà” đầu năm.

Scotland

Người Scotland đón năm mới bằng việc đốt cháy cành bách xù, mang nó đi quanh nhà để diệt tà ma. Sau đó, họ đốt cháy những thùng có chứa nhựa đường bên trong rồi lăn chúng ra phố hoặc chuyền cái thùng đang rừng rực đỏ qua vai những người đàn ông dũng cảm. 

Đêm trước ngày Tết Dương lịch, mỗi gia đình người Scotland đều rải một ít tiền vàng ngay trước cửa nhà. Mặc dù không có người trông chừng, nhưng cả trộm cướp và người ăn xin khi nhìn thấy những đồng tiền này cũng không bao giờ nhặt lấy. Bởi vì theo phong tục ở đây, rải tiền vàng trước cửa vào trước đêm Giao thừa, hôm sau khi năm mới đến, sớm tinh mơ vừa mở cửa liền nhìn thấy ngay tiền vàng sẽ mang lại nhiều tài lộc.

ÐỨC

Người Đức cũng chào đón năm mới vào Tết Dương lịch. Trong ngày này họ sẽ đặt một cây lãnh sam (họ thông) có gắn hoa bằng gấm len trong nhà với mong muốn năm mới sung túc và an lành. 

Trước giao thừa khoảng 15 phút, mọi người sẽ ngồi yên trên ghế và ngay khi sang năm mới họ sẽ đồng loạt nhảy xuống ghế và ném một đồ vật nặng ra phía sau. Hành động này mang ý nghĩa vứt bỏ đi hết những khó khăn, vướng mắc của năm cũ hướng đến một năm mới bình an, vui vẻ hạnh phúc. 

Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các cặp tình nhân sẽ dành thời gian bên nhau và trao cho nhau những nụ hôn nồng ấm để có thể bên nhau suốt đời.

Thái Lan

Tết cổ truyền của đất nước Thái Lan có tên gọi là Songkran được tổ chức từ ngày 13 đến 15-4 hàng năm. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật. 

Ngày đầu tiên của năm, một số người sẽ tới chùa cúng đồ ăn, quần áo và thực hiện một số nghi lễ từ sáng sớm, còn tại nhà các bức ảnh của Đức Phật sẽ được lau và vẩy nước thơm. Họ dọn dẹp nhà cửa, rũ bỏ những cái cũ, té nước lên nhau bằng xô, súng phun nước,... Những người càng được té nhiều nước thì càng may mắn trong năm mới. 

Ngoài ra, khi chúc Tết người già, lớp trẻ sẽ đổ một ít nước sạch lên lòng bàn tay các cụ già và chúc họ trường thọ. Sau đó, họ sẽ làm nghi thức luồn chỉ cổ tay với người liền kề mình, ngụ ý truyền phúc cho thế hệ kế cận.

ÐAN MẠCH

Ở một số quốc gia, bát đĩa vỡ vào dịp năm mới là sự xui xẻo, nhưng với người dân Đan Mạch điều này mang một ý nghĩa trái ngược hẳn: nó mang lại những điều may mắn. Trong năm, những chiếc bát đĩa cũ không dùng nữa được mọi người giữ lại. 

Đến giao thừa, họ sẽ qua nhà những người thân, những người hàng xóm yêu quý và ném bát đĩa vào nhà họ. Nhà nào càng có nhiều bát đĩa vỡ sẽ càng may mắn trong năm mới, và nếu bạn càng ném bát đĩa vào nhà ai nhiều bao nhiêu thì càng chứng tỏ mức độ thân thiết giữa bạn và gia chủ.

Philippines

Philippines là một đất nước chịu ảnh hưởng của cả phương Tây và Trung Quốc nên phong tục tập quán của người dân nước này có sự pha trộn nhưng vẫn mang những nét truyền thống đặc trưng. Tết ở Philippines được diễn ra từ ngày 30-12 Dương lịch. 

Điểm đặc biệt trong ngày Tết, người dân sẽ mặc lên mình những món đồ có dạng tròn, bao gồm đồ có họa tiết chấm bi, chất đầy túi các loại tiền xu hoặc ăn những trái cây dạng tròn để đi đón giao thừa, vì theo họ hình tròn cũng là biểu hiện của đồng tiền xu, tượng trưng cho tài lộc.

HÀN QUỐC

Hàn Quốc là một trong những nước đón Tết âm lịch ở châu Á. Trong đêm giao thừa, người dân nơi đây sẽ đốt các thanh tre trong nhà để xua đuổi tà ma. Ngoài ra, họ còn có truyền thống không ngủ trong đêm giao thừa. 

Già trẻ lớn bé đều thức để đón khoảnh khắc từ năm cũ sang năm mới. Bởi theo truyền thuyết của người Hàn, nếu ai lỡ ngủ quên sáng hôm sau tóc và lông mi sẽ bạc trắng, đầu óc kém minh mẫn.

CHILE

Người Chile có tục đón năm mới vô cùng lạ, đó là cùng toàn bộ gia đình đón giao thừa ở nghĩa trang. Vào đêm giao thừa, người dân thường mang theo bên mình những bản nhạc cổ điển nhẹ nhàng hay những cây nến hoặc đèn nhấp nháy để trang hoàng cho nghĩa trang thành một nơi hoàn hảo tổ chức tiệc mừng năm mới. 

Họ tin rằng những người thân của mình mỗi năm đều chờ họ ở nghĩa trang, và giao thừa chính là dịp để sưởi ấm cho những ngôi mộ lạnh lẽo, để những người yêu thương nhau có thể cùng bắt đầu một năm mới hạnh phúc. 

Khi đến đây, họ không chỉ ngồi uống sâm panh, trò chuyện cùng nhau mà còn tâm sự với những người thân đã khuất có hài cốt trong nghĩa trang. Họ làm như vậy với niềm tin rằng các linh hồn của người đã khuất nghe được và hiểu được những lời họ nói. Rất nhiều người còn ngủ lại ở nghĩa trang.

TÂY BAN NHA

Đây cũng là quốc gia đón Tết Dương lịch. Vào đêm giao thừa, người Tây Ban Nha sẽ tham gia vào bữa tiệc đếm ngược ở các quảng trường rộng lớn, hoặc có bữa tiệc ấm cúng với gia đình, bạn bè bên ly rượu vang... 

Mọi người sẽ ăn 12 quả “nho may mắn” vào thời khắc chuông đồng hồ tại các quảng trường lớn ở mỗi thành phố vang lên để cầu mong một năm mới may mắn và thành công. 12 quả nho sẽ được ăn trong 12 hồi chuông, mỗi hồi chuông sẽ tương đương với một tháng trong năm.

Người Tây Ban Nha rất yêu màu đỏ, do vậy, việc mặc đồ lót đỏ cũng là một cách để mang lại vận may trong năm mới. Và để cả năm được may mắn, bước đầu tiên bước vào nhà trong đêm giao thừa phải bằng chân phải. Ngay cả khi ra khỏi nhà vào sáng hôm sau bạn cũng phải bắt đầu bằng cách nhấc chân phải ra trước. Vào dịp Tết, người Tây Ban Nha đặc biệt kiêng kị trẻ con khóc hoặc cáu gắt vì đây được xem là điều không may. Trong ngày Tết, người Tây Ban Nha thường đeo tiền vàng để may mắn trong suốt một năm dài.

VIỆT NAM

Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất của Việt Nam, trong dịp này có rất nhiều phong tục truyền thống có ý nghĩa sâu sắc của người Việt diễn ra nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng. 

Vào ngày đầu năm, người Việt không quét nhà, cũng không cho lửa và nước vì sợ may mắn, tiền bạc, tài lộc đi theo. Nhà cửa được sắp xếp lại và dọn dẹp sạch sẽ vào những ngày cuối năm. Trong món ăn ngày Tết, người Việt thường kiêng ăn những món như thịt chó, hột vịt lộn, mực... vì sợ cả năm “đen như mực”. Không những thế, người Việt còn tránh làm vỡ đồ đạc trong ngày đầu năm vì sợ cả năm sẽ gặp trục trặc.

Tục “xông đất” cũng được người Việt sắp xếp cẩn thận bởi người ta cho rằng người này mang may mắn, tài lộc đến nhà cho gia chủ. Cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem những người trong bà con hay láng giềng có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang xông đất. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc Tết chừng 5-10 phút chứ không ở lại lâu, cầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà được trôi chảy thông suốt.

Trần Anh Khôi
.
.
.