Tấm lòng nhân hậu của người mẹ kế

Thứ Năm, 05/03/2015, 10:00
Gần 40 tuổi chị mới lập gia đình. Chồng chị đã có một đời vợ và đang nuôi hai đứa con riêng ốm đau, bệnh tật liên miên. Tưởng rằng cuộc sống mẹ kế con chồng sẽ sớm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, nhưng bao năm nay, chị vẫn một lòng một dạ chăm sóc hai người con riêng của chồng, thậm chí còn hiến cả thận để cứu người con trai thứ hai đang thời kỳ suy thận nặng. Câu chuyện về chị Phạm Thị Lý ở Nguyên Xá, Vũ Thư, Thái Bình khiến nhiều người trân trọng và cảm phục.

Hạnh phúc muộn màng

Chúng tôi tìm về nhà chị Phạm Thị Lý những ngày giáp Tết. Trong khi nhiều gia đình có đủ con, cháu phụ giúp việc nhà, sắm sửa tết nhất, thì chị Lý vẫn đang miệt mài lau dọn nhà cửa. Nhà chỉ có duy nhất mình chị là phụ nữ, chồng và cậu con trai thứ 2 đi làm suốt cả ngày, còn cậu cả sức yếu, chẳng làm được việc gì, nên mọi việc trong nhà đều đến tay chị. 

Gần 40 tuổi, chị vẫn đi về lẻ bóng, cũng không có ý định lập gia đình, nhưng ông trời run rủi thế nào, cuối cùng chị lại đồng ý về chung một nhà với anh Trương Văn Ước, người cùng làng, cách nhà chị chỉ vài trăm mét, mặc dù anh đã có 1 đời vợ và hai đứa con riêng đã gần 30 tuổi. Tuy chỉ ít hơn chị chục tuổi, nhưng hai cậu con riêng Trương Văn Lượng, sinh năm 1986, và Trương Văn Lân, sinh năm 1988 đều rất yêu quý, ủng hộ người mẹ kế của mình và một mực gọi chị là mẹ.

Chị cười xoà: "Từ khi về, chúng nó đã gọi tôi là mẹ chẳng ngại ngùng gì, dù mình chỉ hơn chục tuổi. Cũng vì gần tuổi, dễ dãi, xuề xoà, nên cũng vui. Đi đâu người ta cũng tưởng là chị em vì nhìn chúng tôi cũng chẳng chênh nhau là mấy".

Chị Phạm Thị Lý và cậu con trai riêng của chồng được chị hiến thận.

Tưởng rằng hạnh phúc đến muộn màng sẽ viên mãn mãi mãi với người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi như chị thì bỗng nhiên tai ương ập đến. Cưới nhau chưa được bao lâu, anh Ước bị ngã gãy chân trong một tai nạn lao động. Một mình chị vừa chăm sóc anh, vừa tần tảo ruộng đồng, kiếm tiền nuôi hai cậu con trai đang đi học. Khi chân anh Ước vừa lành trở lại cũng là lúc hai cậu con trai sức khoẻ ngày càng sa sút, đi khám mới phát hiện cả hai đều bị suy thận nặng. Chính căn bệnh này đã cướp đi sinh mệnh người vợ đầu tiên của anh cách đây vài năm.

Đang theo học nghề điện, nghề lái xe tại Trường Trung cấp Nghề số 19 - Bộ Quốc phòng, hai người con trai của anh Ước buộc phải bỏ dở giữa chừng để đi điều trị vì bệnh phát hiện quá muộn. Từ đó là những tháng ngày chị Lý tất tả ngược xuôi, vừa lo phụ giúp chồng kiếm tiền thuốc thang, chữa bệnh cho hai con, vừa lo chăm sóc hai con những ngày nằm viện điều trị. Chưa một ngày người phụ nữ ấy được thực sự nghỉ ngơi, thảnh thơi tận hưởng cuộc sống an nhàn.

Nhà anh Ước vốn nghèo, công việc chính của anh là thợ xây với đồng lương ba cọc ba đồng. Bốn miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, đã thiếu trước hụt sau, nay lại thêm hai đứa con đều bệnh nặng, một tuần chạy thận 2 - 3 lần, khiến kinh tế càng trở nên kiệt quệ. Tuần nào cũng vậy, cứ đều đặn 3 lần, ba mẹ con chị lại dắt díu nhau lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Sau khi lo chỗ ăn chỗ ở cho con xong, chị lại bắt xe về nhà để lo việc đồng áng, lợn gà.

Căn nhà đơn sơ của gia đình chị Lý.

Chị bảo, từ hồi chị về làm dâu nhà anh, chẳng có cái Tết nào là gia đình được ăn Tết trọn vẹn. Cậu con trai cả bị suy thận nặng, không thể ghép thận, mọi cơ quan nội tạng đều đã suy yếu nên Tết nào cũng phải vào viện cấp cứu. Với gia đình chị, việc ăn Tết trong bệnh viện dường như đã là chuyện "cơm bữa". Có những hôm anh con cả bị nặng, chị lại thức cả đêm chăm sóc, đấm bóp cho con.

Hiến thận cứu con riêng của chồng

Dù không máu mủ ruột già, nhưng suốt bao nhiêu năm qua, người mẹ kế đó vẫn lặng lẽ chăm sóc tận tình 2 người con của chồng, vun vén, tiết kiệm từng đồng để thuốc thang, điều trị cho các con mà không một lời kêu ca, phàn nàn.

Năm 2013, cậu con trai thứ hai tái khám, bác sĩ kết luận, anh đã ở giai đoạn cuối của căn bệnh suy thận, chỉ có hai cách điều trị là chạy thận nhân tạo (lọc chu kỳ) và ghép thận. Nếu lọc chu kỳ thì sức khỏe của bệnh nhân ngày càng kém đi, và điều kiện kinh tế gia đình cũng không thể cáng đáng chi phí nằm viện điều trị lâu dài cho anh. Còn nếu ghép thận phải tìm được người cho thận phù hợp thì bệnh nhân sẽ được cứu sống, nhưng chi phí cho một ca phẫu thuật là khá lớn.

Chị Lý cùng đại gia đình.

Bàn đi tính lại, anh Ước quyết định vay tiền bạn bè, gia đình hai bên nội ngoại để phẫu thuật ghép thận cho con, nhưng ngặt nỗi, anh lại không cùng nhóm máu nên không thể cho thận. Đi khắp gia đình nội, ngoại nhờ vả, anh cũng không tìm được người phù hợp.

Thương cậu con trai sức khoẻ ngày càng yếu đi, nếu không ghép thận kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng bất cứ lúc nào, chị Lý bàn với chồng để chị thử đi kiểm tra xem thế nào. Chẳng còn cách nào khác, anh chị đánh liều đưa nhau lên viện làm xét nghiệm, dù không hi vọng chị có cùng nhóm máu với con trai. Nhưng kết quả thật bất ngờ, mọi chỉ số của chị và cậu con trai đều trùng khớp hoàn toàn.

Hạnh phúc như vỡ oà với anh chị khi nhận bản xét nghiệm trên tay. Chẳng suy nghĩ thiệt hơn, chị Lý tình nguyện hiến thận để mong cứu sống cậu con riêng của chồng. Biết tin, gia đình bên ngoại phản đối rất nhiều, bởi chị tuổi đã cao, sức khoẻ yếu, lại chưa một lần sinh nở, cưới chồng về chưa kịp hưởng hạnh phúc đã phải hi sinh mọi thứ cho gia đình nhà chồng. Thế nhưng, người phụ nữ ấy vẫn kiên quyết, bởi từ lâu, chị đã coi hai cậu con riêng như con đẻ của mình.

Cảm động trước tấm lòng của chị Phạm Thị Lý và để giúp chị hoàn thành tâm nguyện, Hội Phụ nữ xã Nguyên Xá đã vận động cán bộ, hội viên ủng hộ được hơn 20 triệu đồng. Các cấp hội phụ nữ, UBND xã, các đoàn thể trong xã cũng đã tích cực quyên góp hỗ trợ 2 mẹ con thực hiện ca ghép thận.

Ngày hai mẹ con chị Lý lên Hà Nội làm phẫu thuật, cả gia đình chị, anh em họ hàng ai cũng lên cùng. Các bác sĩ và bệnh nhân nằm cùng phòng điều trị đều ngạc nhiên và cảm phục khi biết chị chỉ là mẹ kế mà vẫn tự nguyện hiến thận cứu con chồng. Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, sức khoẻ của cậu con trai thứ hai ngày càng khá lên. Anh đã tự mở cửa hàng bán đồ điện, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ thuốc thang chữa trị cho người anh cả đang suy thận giai đoạn cuối.

Sau lần hiến thận, sức khoẻ của chị Lý cũng đã yếu đi nhiều. Dù bác sĩ cảnh báo không được làm việc nặng nhọc, nhưng chị Lý vẫn tần tảo sớm hôm, làm việc đồng ruộng, chăn nuôi lợn gà để phụ giúp chồng kiếm tiền thuốc thang, chữa bệnh cho cậu con trai cả. Anh con trai cả dù sức khoẻ yếu, một tuần phải chạy thận 3 lần, nhưng anh vẫn tự mở trang trại nuôi gà cảnh, nuôi chim bồ câu và ở nhà bán hàng qua mạng. Chị Lý lại là người chăm sóc, dọn dẹp trang trại, đóng hàng, chuyển hàng cho con mỗi khi có khách đặt hàng.

Chị Lý miệt mài lau dọn nhà cửa.

Không chỉ phụ giúp cậu con cả, chị Lý còn nuôi lợn, trồng cấy hơn mẫu ruộng và cơm nước, dọn dẹp cho các con, trong khi anh Ước thì đi xây tối ngày, chẳng giúp được gì nhiều.

Mỗi khi trái gió trở trời, con ốm con đau, lại cũng chính chị cơm cháo, chăm sóc các con ngày đêm. Có những hôm cậu con trai cả nằm viện hàng tuần liền, chính chị là người luôn túc trực ở bên chăm sóc. Ai nhìn vào cũng tưởng là chị gái chăm em trai, bởi chị rất cẩn thận, chu đáo. Đức hi sinh, tình cảm người phụ nữ ấy dành cho các con của chồng khiến nhiều người cảm phục.

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.