Tại sao bầu cử ở Mỹ luôn diễn ra vào thứ ba của tháng 11?

Thứ Tư, 07/11/2018, 14:35
Cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ được ấn định diễn ra vào ngày thứ ba, 6-11, tuy nhiên, vẫn có nhiều người thắc mắc với những câu hỏi như: "Tại sao linh vật của đảng Cộng hòa lại là một con voi trong khi đảng Dân chủ lại là một con lừa?", hay như "tại sao các cuộc bầu cử lại luôn diễn ra vào một thứ Ba của tháng 11?".

Ngày thứ ba lý tưởng

Những cuộc bầu cử ở Mỹ đã có từ rất lâu, vào thời kỳ mà tất cả hoạt động của con người dường như phụ thuộc và gắn bó với thời tiết, mùa vụ và cả thờ phụng. Trong thời kỳ mà những cử tri tại Mỹ còn đi bỏ phiếu trên lưng ngựa thay vì ô tô hay tàu điện ngầm như bây giờ, thứ Ba là một ngày rất lý tưởng. 

Bởi mọi người phải cầu nguyện vào Chủ nhật, dành cả ngày đi ngựa đến nơi bỏ phiếu từ thứ Hai và bỏ phiếu vào ngày thứ Ba ngay trước ngày họp chợ là thứ Tư. Tháng 11 cũng là tháng lý tưởng khi mùa vụ vừa kết thúc và mùa đông khắc nghiệt chưa kịp đến.

Tuy vậy, kể từ khi các cử tri đi bầu cử trên các phương tiện được tính bằng mã lực thay vì ngựa thật, nhiều người, ví dụ như một nhóm có tên "Why Tuesday?" (Tại sao lại là thứ Ba), đang nỗ lực kêu gọi chuyển ngày bầu cử sang cuối tuần, thay vì thứ Ba, nhằm tăng cường số cử tri đi bầu tại Mỹ. 

Theo nhóm này, 15 tiểu bang không chấp nhận những phiếu bỏ sớm, và 27% những người không đi bầu cử cho biết họ quá bận hoặc không có thời gian đi bỏ phiếu chỉ vì ngày bỏ phiếu là ngày họ phải đi làm.

Linh vật con voi và con lừa

Năm 1874, họa sĩ tranh biếm họa Thomas Nast đã sử dụng hình ảnh một con voi để mô tả cuộc bỏ phiếu của đảng Cộng hòa trong bức tranh "The Third-Term Panic" (Sự hoảng loạn của nhiệm kỳ thứ ba). 

Bức tranh biếm họa ra đời sau khi tờ New York Herald chỉ trích Tổng thống Ulysses Grant, khi có tin đồn rằng ông sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Tranh biếm họa ngầm nhắc đến các nhóm lợi ích bằng cách minh họa con vật. 

Con lừa khoác áo da sư tử đang khiến những con vật khác sợ hãi, còn con voi có chữ "lá phiếu đảng Cộng hòa" trên lưng đang đứng bên rìa miệng hố. Nast còn sử dụng hình ảnh con voi làm biểu tượng cho đảng Cộng hòa trong nhiều tranh biếm họa khác trong những năm 1970. Từ năm 1880, nhiều họa sĩ tranh biếm hoạ khác cũng sử dụng con vật này để làm biểu tượng cho đảng Cộng hòa. 

Ngoài lừa và voi, họa sĩ Nast còn là người đưa hình ảnh các con vật khác làm biểu tượng trong tranh biếm họa, như con hổ Tammany để nói đến Hạ nghị sĩ William M. Tweed và nhóm Tammany Hall - bộ máy chính trị tham nhũng của ông. Trên thực tế, không phải mọi tranh của Nast đều mang ý nghĩa chính trị. Ông chính là người đã tạo ra hình ảnh ông già Noel.

Tuy vậy, thực sự đây không phải là nguồn gốc chính xác nhất của hình ảnh con lừa của đảng Dân chủ. Năm 1928, trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Andrew Jackson, đối thủ của Jackson đã gọi ông bằng từ jackass (con lừa, ám chỉ ông là gã ngốc). 

Thay vì phản đối, Jackson lại thích thú với biệt danh này và quyết định đưa hình ảnh con lừa vào tấm áp phích trong chiến dịch tranh cử tổng thống và nhắc đến nó trong các bài phát biểu. Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm đó, Jackson đã đánh bại Tổng thống đương nhiệm John Quincy Adams và trở thành Tổng thống đảng Dân chủ đầu tiên của nước Mỹ.

Bầu cử tại Mỹ.

Màu xanh và màu đỏ

Theo CNN, không có bất kỳ câu chuyện ly kỳ hay lịch sử nào liên quan đến vấn đề này, chủ yếu là do các phương tiện truyền thông đã nghĩ ra để dễ phân biệt. Tuy vậy, màu xanh và đỏ đều xuất hiện trên màu cờ của Mỹ. 

Xét về tính mỹ thuật thì hai màu này rất tương phản nhau trên các bài infographic và do đó, được các phương tiện truyền thông rất ưa sử dụng. Trong những năm gần đây, có một số trường hợp hai màu xanh dương và đỏ lại không đi theo đúng đảng nữa. 

Ví dụ như, năm 1980, các bang mà ứng viên đảng Cộng hòa Ronald Reagan giành chiến thắng lại được tô màu xanh dương, trong khi những bang mà ứng viên đảng Dân chủ Jimmy Carter chiến thắng lại được tô màu đỏ. Thậm chí năm 1996, các hãng truyền thông lớn còn tranh cãi về việc tô màu nào cho đảng nào. Đến năm 2000, mọi việc đã trở lại theo xu hướng đảng Cộng hòa được tô màu đỏ và đảng Dân chủ tô màu xanh dương.

Và ngày 20-1 để tuyên thệ nhậm chức

Thậm chí ngày 20-1 còn là… sớm, vì trước năm 1937, Tổng thống đắc cử Mỹ phải đợi đến tận ngày 4-3 mới được tuyên thệ nhậm chức. Thời bấy giờ, các phương tiện kiểm phiếu còn khá thô sơ, mất quá nhiều thời gian từ việc đếm, cộng và báo cáo. 

Một lý do nữa là những vấn đề liên quan đến hậu cần của Tổng thống đắc cử phải chuẩn bị khá lâu mới có thể chuyển đến được Washington D.C. Khi công nghệ đã phát triển hơn, cùng với sự thay đổi trong Hiến pháp Mỹ, đã cho phép lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ được diễn ra vào ngày 20-1, cho phép Tổng thống có thể "lo chuyện đại sự" được sớm hơn.

Duy Tiến
.
.
.