Tết Việt Nam ở Paris

Chủ Nhật, 26/01/2020, 07:52
Xa xứ đồng nghĩa với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương xứ sở. Xa xứ đồng nghĩa với sự phải đối mặt với nỗi xao xuyến mông lung khi không được ở bên gia đình và người thân trong thời khắc quan trọng như khi xuân về tết đến. 


1.Ai xa quê lâu mới thấu được điều này, đó là những kỷ niệm trỗi dậy khi chuẩn bị ban thờ và cành đào, hình ảnh khi theo bố đi tảo mộ mời tổ tiên ông bà về đón năm mới, những thời khắc quây quanh nồi bánh chưng, bữa cơm tất niên!

Nỗi nhớ Tết Nguyên đán ở quê nhà của người xa xứ lâu như tôi không còn cồn cào như hồi mới đến Pháp nữa, mà đã trở nên nhẹ nhàng nhưng rấm rứt triền miên, thấm đẫm vào từng chân tơ kẽ tóc, đến nỗi có cảm tưởng chỉ cần chạm nhẹ là nỗi nhớ ấy ứa ra, nghẹn ngào trong vắt, lấp lánh như những dòng pha lê…

Tôi còn nhớ năm đầu tiên, cách đây đã hơn hai chục năm, do lệch múi giờ, khi bên Paris vẫn còn le lói ánh sáng của buổi hoàng hôn thì Việt Nam đã đến giao thừa, và tôi nước mắt ngắn dài ngồi chầu chực bên chiếc điện thoại vì không sao gọi được điện về nhà, bởi khi ấy cứ như trăm sông đổ về một biển, có lẽ do hàng triệu đồng bào ở khắp nơi trên thế giới gọi về Việt Nam nên đường dây không thông…

Thời gian trôi, có nhiều thứ bên Tây không còn khiến tôi lạ nữa, nhưng tình cảm bồi hồi trong những thời khắc chuyển giao giữa hai năm cũ mới khi xa quê thì vẫn còn nguyên vẹn như xưa…

2. Khi thời gian càng nhích dần về cuối năm, khi thời tiết Paris đã thay đổi, và không khí bắt đầu trở nên lạnh, đây đó phảng phất vài đọn tuyết trắng bay lất phất, những đàn chim cuối cùng chấp chới trên bầu trời tìm nơi tránh rét đó là lúc một năm sắp kết thúc rồi...

Hồi đầu mới đến Paris, khi các con tôi còn nhỏ, tôi hay cho các con tham gia Tết do một số hội đoàn kiều bào tổ chức, nhưng thấy ngày lễ này được tổ chức cũng na ná như bao ngày hội khác ở châu Âu, không còn mang tính đặc biệt của ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt, nên tôi đã không cho các con đến nữa, mà tự tôi chuẩn bị tại gia ngày tết cho các con. tôi muốn chúng ngay từ nhỏ biết và cảm nhận được hương vị đích thực của ngày tết cổ truyền.

Khi ấy việc tìm kiếm các nguyên vật liệu để làm tết Việt chưa dễ như bây giờ nên tôi thường mua các thứ làm sẵn như giò chả, bánh chưng, đến đêm tất niên và mùng 1 tết chỉ việc xào nấu vài món là xong. Sau này, khi các con lớn hơn thì tôi bắt đầu tự mình làm tết. Trước tiên là để giảm bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê, thứ hai là tôi muốn qua những ngày lễ tết đó, bằng việc làm thiết thực của mình, dạy cho các con tôi – chúng vốn là sự kết tinh của hai dòng máu Việt – Pháp, hiểu thêm về văn hóa của mẹ chúng. Bởi chỉ dạy chúng nói tiếng Việt thôi thì chưa đủ. Và mỗi tết, chúng tôi đều mời một vài gia đình bạn Pháp tới dự.

Hồi đầu, việc sắm tết ở Paris không đơn giản nếu muốn mua đồ đậm chất Việt Nam, nhất là lá dong để gói bánh chưng, gạo nếp cái hoa vàng để nấu xôi và đường mía để nấu chè hoặc thủ lợn để gói giò thủ...

Chuẩn bị một cái tết theo đúng nghĩa khá bận rộn, nhưng thật vui, cả nhà tíu tít. Nhất là khi gói bánh chưng, lúc đầu các con không biết gói, gạo và đỗ bắn tung tóe, khi làm nem cũng vậy, nhưng tôi cứ để chúng làm sau đó thì dọn, ai có thể làm tốt được ngay chứ…

Những năm sau đó, các cháu đã có thể gói được những cái bánh chưng vuông vức, những cái nem tròn trịa, và nhất là chúng đã hiểu được ý nghĩa của ngày tết Việt Nam. Có năm tôi giả vờ quên đi chợ mua sắm tết, bởi ngày tết âm lịch đã được bố xem lịch từ hàng tháng trước và ngày ngày gióng giả.

Việt kiều ở Paris hướng dẫn các món ăn ngày Tết cho các bạn Pháp.


Tết đến gần, khi không thấy mẹ đả động gì, chúng bắt đầu hỏi. “Năm nay mẹ bận, hay nhà mình không làm tết nữa nhỉ?”, tôi hỏi. “Có làm, có làm, con giúp mẹ”, cả hai đứa đồng thanh kêu lên. Quả thật là khi ấy tôi cảm thấy hạnh phúc.

3. Có ba nơi tại Paris mà tôi cảm nhận được không khí nồng ấm và hương vị thuần nhất của ngày Tết Việt Nam trong thời tiết lạnh cóng của Paris vào dịp ấy, đó là Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Hội người Việt Nam tại Pháp và chùa Trúc Lâm. Ở Đại sứ quán rất thú vị, nhưng không phải kiều bào nào cũng được mời đến dự tết, bởi trụ sở không lớn, tôi may mắn được mời vài lần.

Những năm gần đây, với sự hợp tác của Ủy ban hành chính Paris, Đại sứ quán đã có thể tổ chức Tết Việt tại Tòa thị chính thành phố, rộng rãi và tráng lệ hơn nhiều, các món ăn tết được cải thiện, khách đến đông hơn, náo nhiệt hơn với các màn biểu diễn văn nghệ sôi nổi và hấp dẫn, người ta không còn nhiều thời gian bên nhau để khơi gợi những kỷ niệm xưa nữa.

Hội Người Việt Nam tại Pháp hàng năm cũng tổ chức tết khá hoành tráng. Đây là hội có thâm niên lâu nhất của cộng đồng Việt tại Pháp, được Bác Hồ đặt nền móng từ năm 1919 và Hội mới tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm. Tôi còn nhớ hồi đầu đến Pháp, cứ mỗi dịp gần tết, chúng tôi đều được mời gọi tham gia tập văn nghệ, ai có sở trường gì thì phát huy.

Mọi người cuối tuần tụ tập tại Hội quán ở phố Petits Mucs nằm trong quận 4 để tập luyện. Các màn văn nghệ phục vụ tết đều là “cây nhà lá vườn”, vậy mà bà con tham dự rất đông. Hiện giờ thì đa phần là thuê các nghệ sỹ chuyên nghiệp đến biểu diễn, khách tham dự trở nên vắng hơn…

Tôi hay đưa gia đình đến chùa Trúc Lâm vào dịp Tết hơn. Chùa Trúc Lâm được xây trên một quả đồi cao bốn mùa lộng gió và cây cối um tùm, thuộc thành phố nhỏ Villebon/Yvette, cách thủ đô Paris chừng gần 40km. Chùa được Hòa thượng Thích Thiện Châu (1931 – 1998) kêu gọi các phật tử quyên góp và được khởi công xây dựng trong những năm 80 của thế kỷ trước nhưng phải mất 10 năm mới hoàn thành.

Đây là một trong những ngôi chùa thuần Việt đầu tiên tại Pháp. Tất cả kinh kệ trong chùa đều được Hòa thượng chuyển thể sang tiếng Việt để các Phật tử Việt dễ học, dễ niệm. Hòa thượng viên tịch năm 1998, chùa được hòa thượng Thích Phước Đường kế tiếp trụ trì cho đến khi Thầy viên tịch vào năm 2017. Trong suốt những năm tại thế, cả hai Hòa thượng đều duy trì làm Tết Nguyên đán tại chùa cho các Phật tử. Mọi người có thể đến tham gia gói bánh chưng và thọ lộc, không khí ấm cúng…

Gần đây, làn sóng du học tại Pháp tăng mạnh, nhiều du học sinh sau khi ra trường đã chọn ở lại Pháp lập nghiệp, thế hệ kiều bào do vậy cũng trở nên trẻ trung và năng động hơn, nhiều hội đoàn nhỏ được hình thành tùy theo tiêu chuẩn và sở thích của các thành viên, và mỗi hội đoàn lại nhóm họp tổ chức Tết, không khí lại như được hâm nóng trở lại, ấm áp hơn.

4. Những khoảnh khắc giao thời giữa hai năm cũ mới dường như dành để ta sống chậm lại, hồi ức trỗi dậy để nhớ về một thời đã xa. Tết Việt tại Pháp thường rơi vào kỳ lạnh nhất, có năm tuyết rơi dày đặc, khắp nơi đều là một màu trắng xóa. Nhìn tuyết rơi, ít người viễn xứ không khỏi chạnh lòng nhớ quê. Người có điều kiện thì hồi hương vào dịp Tết, người khác lại tự tạo một không gian tết Việt theo cách của mình khi xuân về.

Còn tôi, dẫu cha mẹ đã theo về với tổ tiên nhưng tôi vẫn mong được hồi hương vào dịp Tết, để lại được đằm mình vào năm tháng của ngày xưa.

Paris, những ngày cuối năm Kỷ Hợi

Hiệu Constant
.
.
.