Sự thật về gánh hát bội bị chôn sống theo quan đại thần Thoại Ngọc Hầu để tiếp tục phục vụ ngài ở “thế giới bên kia”
Trải qua hàng trăm năm nay, ở vùng Thất Sơn, tỉnh An Giang vẫn còn lưu truyền một giai thoại về sự tồn tại gần 30 ngôi mộ không bia chí được chôn trong khu vực Lăng Ông Thoại Ngọc Hầu, một di tích lịch sử cấp quốc gia. Mỗi lần nhắc đến những ngôi mộ ấy, người dân rợn người bảo rằng đó là những phần mộ của một bầu đoàn thê tử của gánh hát bội chuyên phục vụ cho quan đại thần Thoại Ngọc Hầu. Đến khi vị quan này chết đi thì tất cả những đào kép hát bội, trong đó có cả trẻ em bị chôn sống theo di hài Thoại Ngọc Hầu để sang bên kia thế giới tiếp tục hát chầu Ngài.
Thoại Ngọc Hầu là người được lịch sử đánh giá là một đại thần triều Nguyễn song toàn trí đức, vậy việc chôn sống một đoàn hát bội có phải là sự thật? Hiện nay, những ngôi mộ này vẫn còn hiện diện trong khu Lăng Ông và hoàn toàn không có bia ghi tên tuổi.
Nghi án chôn sống người rùng rợn?
Cuối thế kỷ XIX, Thoại Ngọc Hầu là một công thần triều Nguyễn đã có công khai hoang mở rộng bờ cõi phương Nam, trấn giữ cương vực lãnh thổ tổ quốc. Ông còn được vua Nguyễn giao nhiệm vụ hỗ trợ quân sự cho nước láng giềng Campuchia (còn gọi là Cao Miên) tránh sự xâm lược của Xiêm La. Ông là người chỉ huy xây đường và đào con kênh Vĩnh Tế khai mở vùng đất nông nghiệp trù phú Tứ Giác Long Xuyên ngày nay. Ghi nhận công lao ông, triều Nguyễn đã phong nhiều tước, lộc. Khi Thoại Ngọc Hầu còn sống, người dân địa phương đã kính trọng xem ông là Thần.
Những ngày cuối đời, vào năm 1822, ông đã chọn thế đất phong thủy dưới chân núi Sam, Châu Đốc và tự thiết kế, chỉ huy xây dựng một khu lăng mộ cho mình. Đó là một công trình kiến trúc độc đáo mang đậm nét cổ kính của cung đình Huế. Đến năm 1829, tức 7 năm sau, ông qua đời, theo tâm nguyện của ông, những chức sắc địa phương đã an táng ông tại khu lăng mộ ấy. Người dân tôn kính đặt tên cho lăng mộ ấy là “Lăng Ông” hoặc “Sơn Lăng”. Suốt hàng trăm năm qua, Lăng Ông vẫn tồn tại nơi vùng đất ấy và trở thành một biểu tượng uy linh. Những năm thuộc thập niên 70 của thế kỷ trước, quân Pôn Pốt đã từng xua quân sang xâm phạm lãnh thổ nước ta. Tại khu vực Châu Đốc, quân diệt chủng đã vượt biên tiến chiếm toàn bộ khu vực núi Sam giết hại, phá phách tài sản của dân ta nhưng chúng tuyệt nhiên không dám tàn phá hay làm mẻ một mẩu tường của khu Lăng Ông. Điều đó chứng tỏ, cho đến tận bây giờ, uy linh của quan đại thần Thoại Ngọc Hầu vẫn còn giá trị đối với người Campuchia.
Lăng mộ Thoại Ngọc Hầu. |
Nhiều tài liệu lịch sử cho biết, trước khi xây lăng, Thoại Ngọc Hầu tuyển nhiều thợ giỏi đi khắp đất nước Cao Miên và Việt Nam truy tìm những loại đá tốt chuyên chở về vùng núi Sam làm vật liệu. Khi bắt tay vào xây dựng, ông là người ra mẫu thiết kế và đích thân chỉ huy công thợ xây dựng. Ông chọn phần mộ cho mình nằm chính giữa nền sân lát đá bằng phẳng ngay trung tâm ngọn đồi dựa vào thân núi. Mộ vợ lớn Châu Thị Tế nằm bên phải. Ngôi mộ của vợ nhỏ Trương Thị Miệt nằm bên trái hơi lùi về phía sau so với mộ của vợ lớn. Đầu mộ của ông là một bức bình phong, chân mộ là bia chí. Ngay tại vị trí bia chí có 5 tấm bia bằng đá sa thạch gắn vào tường thành. Tấm bia Vĩnh Tế Sơn được đặt ở giữa, có khắc 750 chữ nôm. Đây là tấm bia được dựng năm 1828 để đánh dấu sự kiện sau 4 năm đào kênh Vĩnh Tế và được xem là tuyên ngôn chủ quyền quốc gia.
Trong nội lăng, nằm phía bên phải phần mộ ông có 14 ngôi mộ hình bầu dục, được chôn thành một nhóm kề cận bên nhau. Đó là phần mộ của gia quyến thân thuộc của ông. Toàn bộ quần thể lăng được bao bọc bởi 1 vách tường dày. Trước sân lăng là cổng hình bán nguyệt kiểu dáng uy nghi. Hai bên phải, trái khu vực chính được gọi là “nghĩa trũng” bao gồm tất cả 30 ngôi mộ mang nhiều hình dáng như voi phục, hình nón, hình núi đôi, hình bầu dục, hình quả đào… tất cả đều không có bia chí.
Sự thật cần làm sáng tỏ
Nhưng những cư dân địa phương, nhất là các bô lão truyền tụng nhau rằng, những ngôi mộ không bia chí kia chính là của những đào kép hát bội theo hầu Thoại Ngọc Hầu bị chôn sống nằm trong khu vực “nghĩa trũng” này. Đó là 1 cặp mộ nằm song song có 1 mộ hình trái đào, 1 mộ hình bầu dục có vẻ như mộ của vợ chồng hoặc tình nhân. Phía sau cặp mộ đó có 1 mộ hình nón nằm cạnh 1 ngôi mộ có hình núi đôi nhỏ. Một số mộ khác có hình bầu dục nằm rải rác xem kẽ giữa những ngôi mộ hình voi phục.
Ông Bảy Hùng, hơn 90 tuổi, cư ngụ tại khu vực Lăng Ông xác nhận rằng, từ thuở còn bé, đã nghe người lớn kể, “trong thời gian trấn nhậm vùng biên ải, Thoại Ngọc Hầu nhiều lần về quê hương Quảng Nam rước đào kép giỏi về vùng Châu Đốc lập gánh hát bội “Quảng Nam”. Gánh hát có nhiệm vụ hát phục vụ gia quyến và những binh lính, dân phu đào kênh Vĩnh Tế. Có người kể, khi ông Thoại Ngọc Hầu chết, người ta đã chôn sống nguyên gánh hát này, kể cả các đào nhí. Nhưng cũng có người kể khác rằng, trong đám tang của ông Thoại Ngọc Hầu, gánh hát diễn 1 tuồng để đưa linh cho ông. Vì hát sai tuồng nên vong linh ông tức giận bẻ cổ hộc máu chết nguyên cả gánh”. Kết luận câu chuyện, ông Bảy Hùng khẳng định, đó cũng chỉ là giả thuyết chứ không có tài liệu lịch sử nào chứng minh đó là sự thật.
Những ngôi mộ không bia chí của gánh hát bội. |
Bà Sáu Q, một người bán hàng rong dưới chân núi Sam cho biết, tất cả những người dân bản địa vùng này đều cho rằng một số ngôi mộ khu vực “nghĩa trũng” trong Lăng Ông là của một gánh hát bội đang hát trong đám tang ông Thoại Ngọc Hầu bị “ông bẻ cổ ói máu tươi chết”. Ông Thoại Ngọc Hầu muốn đem gánh hát theo sang thế giới bên kia để hát phục vụ ông.
Cặp mộ hình trái đào và hình nón là của cặp đào kép chính. Ngôi mộ có hình dáng núi nhỏ là 1 cặp “đào con”. Những ngôi mộ hình nón (bây giờ đã thành hình bầu dục) là của kép hát nam. Tuy giai thoại đó tồn tại hàng trăm năm qua nhưng hầu hết các công trình nghiên cứu về lăng Thoại Ngọc Hầu đều không công nhận những giai thoại truyền tai ấy. Các tài liệu nghiên cứu cho rằng, đó chỉ là mộ của những dân binh chết do sơn lam chướng khí trong quá trình cùng Thoại Ngọc Hầu khẩn hoang. Sau khi hoàn tất việc tự xây lăng mộ cho mình, ông Thoại Ngọc Hầu nhớ công họ đã cho người đi qui tập hài cốt về chôn cất.
Căn cứ vào một số tài liệu khảo cứu trước năm 1975 tại miền Nam thì những ngôi mộ “nghĩa trũng” là của một gánh hát bội có tên là “Quảng Nam” được Thoại Ngọc Hầu về nơi chôn nhau cắt rốn rước về vùng Châu Đốc phục vụ đời sống văn hóa cho người dân vùng đất mới. Khi ông qua đời, vì quá yêu mến ông, tất cả gánh hát cùng nhau uống thuốc độc trước khi hát vở tuồng cuối cùng phục vụ linh cữu ông. Khi kết thúc tuồng hát là lúc độc dược ngấm vào máu và họ chết ngay tại sân khấu. Đó là lý do người đời truyền tụng là ông “bẻ cổ”. Thời đó, thuyết duy linh có ảnh hưởng mạnh đến đời sống những người lưu dân miền Nam. Họ cho rằng, sau khi chết, con người sang một cõi sống khác. Gánh hát bội tự tử vì họ muốn theo Thoại Ngọc Hầu sang thế giới bên kia tiếp tục hát phục vụ ông.
Thoại Ngọc Hầu là một quan đại thần rất hiếu trung và là người trọng nghĩa nhân nên rất được người dân yêu mến, kính trọng và xem ông là vị thần. Chính vì thế mà họ đã tự huyễn hoặc mình để tin rằng, ông rất hiển linh khi đã chết. Do giai thoại được truyền miệng và đến tận bây giờ, câu chuyện về những ngôi mộ không bia chí của gánh hát bội tự tử kia dần trở thành câu chuyện rùng rợn về gánh hát bội bị chôn sống