Sống ở chung cư mùa dịch Covid-19

Thứ Hai, 24/02/2020, 07:00
Dịch Covid-19 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, ở Việt Nam, dù có 16 ca nhiễm, trong đó 13 ca đã khỏi và được xuất viện nhưng vì có đường biên giới sát với Trung Quốc nên người dân luôn nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh và cảnh giác cao độ. Đặc biệt ở các khu vực chung cư là nơi tập trung mật độ dân số đông thì ý thức của người dân càng được nâng cao.


Muôn kiểu phòng dịch

Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số các chung cư, nhà tập thể trên địa bàn Hà Nội ngay từ những ngày đầu tiên đã hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thông qua hệ thống loa phát thanh nội bộ, dán pano, tờ rơi… khuyến cáo người dân tại bảng tin cư dân và những vị trí dễ quan sát, đông người qua lại.

Nhiều chung cư đã tiến hành vệ sinh, khử trùng bằng hóa chất. Trước khi thực hiện phun khử khuẩn, các chung cư đều thông báo trước để các hộ cư dân không cho con nhỏ chơi tại khu vực được tiến hành phun khử khuẩn.

Khử khuẩn hầm để xe ở FLC Cầu Giấy.

Thời gian khuyến cáo thường là ngưng sử dụng, xuất hiện sau khi phun thuốc là 30 phút - đủ thời gian để vi khuẩn, virus bị tiêu diệt. Thậm chí có những khu chung cư, người dân chủ động đề xuất lên ban quản lý, ban quản trị toà nhà những biện pháp thiết thực để phòng tránh dịch bệnh.

Ngay khi có thông tin đầu tiên về những bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Việt Nam, Ban quản trị toà nhà CT1A VOV Mễ Trì đã chuẩn bị sẵn nước rửa tay để dưới sảnh tầng 1 và cửa hầm ra vào với thông báo cư dân hoặc khách đến toà nhà phải dùng nước rửa tay trước khi bấm thang máy. Anh Đặng Quang Phương, một cư dân sống tại toà nhà cho biết, hàng ngày ban quản trị đều cho người vệ sinh các hành lang, trong thang máy, các tay nắm cửa khá cẩn thận nên anh và các cư dân khá an tâm khi cho trẻ con đi lại trong khu chung cư.

“Vì các con đang được nghỉ học nên không thể cấm con ở trong nhà mãi được. Được cái người dân trong chung cư rất có ý thức phòng tránh dịch. Mọi người đều đeo khẩu trang, ra vào chung cư đều tuân thủ việc dùng nước sát khuẩn. Nhà tôi cứ trước khi vào thang máy cũng rửa tay, khi lên đến nhà nhiệm vụ đầu tiên vào nhà cũng là sát khuẩn cho các con cẩn thận”, anh Phương chia sẻ.

Tuyên truyền phòng chống dịch ở Gemek tower II, An Khánh.

Còn theo chị Lê Thị Thuý, khu chung cư Bắc An Khánh thì Ban quản trị còn cẩn thận hơn khi phun khử khuẩn phòng dịch bằng Cloramin B toàn bộ khối chung cư. Tại các sảnh thang máy, ban quản lý tòa nhà bố trí dung dịch sát khuẩn để dân cư sử dụng khi ra vào thang máy. Sàn hành lang căn hộ tại đây cũng được lau bằng Cloramin B. Thang máy cũng dùng cồn 70 độ lau sạch sẽ.

Tại khu chung cư FLC Cầu Giấy thì việc phòng chống dịch bệnh covid-19 có vẻ diễn ra chậm hơn. Dù hàng ngày có người lau dọn các hành lang, tay nắm cửa, thang máy, nhưng chỉ khi cư dân có ý kiến về việc phải có nước rửa tay sát khuẩn đặt ở sảnh tầng 1, nơi nhiều người ra vào và 4 tầng hầm khu nhà thì ban quản lý mới cho người triển khai.

“Nhưng được cái, ban quản lý toà nhà khá nhanh nhạy khi biết trẻ em được nghỉ dài ngày nên đã tập trung nhân lực lau dọn, khử khuẩn, làm cho trẻ con một phòng sinh hoạt cộng đồng khá rộng rãi để các con vui chơi hàng ngày. Ngày ngày có giờ mở cửa nhất định để tạp vụ có thời gian lau dọn, khử trùng đồ chơi cho các bé. Nên chúng tôi cũng yên tâm phần nào để các con đến đây vui chơi, chứ đang dịch bệnh, cho đi đâu cũng ngại, sợ lây nhiễm, mà để các con ở nhà suốt bọn trẻ cũng buồn bực khó chịu”.

Cẩn thận hơn nhiều khu chung cư còn bọc kỹ nút bấm thang máy bằng ni lông và được thay mới hàng ngày để đề phòng dịch Covid-19. Trong tình trạng thời tiết những ngày vừa qua tại Hà Nội đang lạnh, đi kèm với mưa nhiều, độ ẩm cao rất thuận lợi để không chỉ covid-19 mà nhiều loại virus, vi khuẩn khác lây lan và phát triển. Chính vì vậy, việc làm sạch môi trường sống, có những biện pháp phòng tránh lây nhiễm đặc thù tại những nơi có mật độ dân số cao như khu đô thị, khu chung cư là hết sức cần thiết.

Trong khi nhiều khu chung cư người dân tích cực làm theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thì không ít khu chung cư dở khóc dở cười khi người dân tìm cách khử khuẩn, vệ sinh bằng những phương thức “đặc biệt” được lan truyền trên mạng.

Câu chuyện hy hữu đã xảy ra khi một hộ dân tầng 17 tại tòa nhà HH4B Linh Đàm đã đốt bồ kết xông phòng để khử trùng, phòng tránh lây nhiễm dịch viêm phổi cấp. Cư dân tòa nhà được một phen hú vía vì hệ thống báo cháy kêu ầm ĩ tất cả 36 tầng. Nhiều người hốt hoảng lao khỏi tòa nhà.

Trước đó, việc tương tự cũng đã diễn ra tại một chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Sự việc nhanh chóng được Ban quản lý toà nhà xác minh, sau đó yêu cầu chủ nhà xuống làm việc và xin lỗi cư dân.

Ngoài đốt bồ kết xông nhà, nhiều người thậm chí còn truyền tai nhau thông tin bôi dầu tràm vào khẩu trang, ngâm muối vào khẩu trang có thể diệt Covid-19.

Cũng tại chung cư FLC Cầu Giấy một câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra khi cư dân nhầm một vị khách người Hàn Quốc là người Trung Quốc đang thuê nhà tại đây khi ông này giao tiếp bằng tiếng Trung. Sau một thời gian về quê ăn Tết, vị khách này trở lại toà nhà và vì nói tiếng Trung với bạn bè đi cùng mà vị khách bị nhầm lẫn là từ Trung Quốc mới trở về.

Các cư dân tá hoả bàn tán xôn xao, không dám đi thang máy mà vị khách này đã đi, đồng thời liên tục thông báo đến ban quản lý yêu cầu lên nhà vị khách kiểm tra. Cẩn thận hơn, cư dân còn gọi điện cho chủ nhà hỏi thông tin hộ chiếu vị khách và đến khi chủ nhà gửi rõ hộ chiếu người Hàn Quốc, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Trách nhiệm thuộc về tất cả mọi người

Trong Văn bản 418/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Xây dựng yêu cầu tăng cường phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus  Corona (Covid-19) gây ra tại nhà chung cư. Theo Bộ Xây dựng, các khu nhà chung cư có nguy cơ rất cao bùng phát dịch lớn do là nơi tập trung đông người.

Theo đó, ban quản lý tòa nhà, ban quản trị phải nắm bắt tình hình đi lại của cư dân, đặc biệt đối với các tòa nhà, chung cư có người nước ngoài; kịp thời phát hiện, theo dõi các trường hợp đi qua vùng dịch Covid-19 hay nghi ngờ mắc bệnh.

Bọc ni lông nút bấm thang máy để phòng dịch.

Các ban quản lý tòa nhà, ban quản trị thông báo, hướng dẫn người dân đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách với xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch rửa tay có chứa cồn tại các điểm trong nhà chung cư như sảnh lễ tân hoặc thang máy. Các tòa nhà chung cư hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị, tránh tập trung đông người tham gia, trừ trường hợp thực sự cần thiết và để phục vụ phòng, chống dịch.

Bộ Xây dựng khuyến cáo người dân trong các khu nhà chung cư có ý thức đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện, ho, khạc nhổ trong thang máy; thường xuyên sử dụng nước rửa tay kháng khuẩn và sử dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Quy định là thế, trong khi nhiều khu chung cư nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh thì cũng không ít những cá nhân vẫn thờ ơ, vô trách nhiệm với dịch bệnh.

“Dù có thông báo phải sử dụng nước sát khuẩn trước khi bấm thang máy nhưng nhiều cư dân hoặc khách ra vào các khu chung cư vẫn không tự tạo ra thói quen này. Thậm chí có cư dân vô ý thức còn dùng cả chân bấm thang máy. Nhiều hôm đi làm về thấy có vết giầy trên nút bấm thang máy mà thấy khó chịu ghê gớm”, chị Trần Bích Trang, chung cư FLC Cầu Giấy bức xúc cho hay.

“Chống dịch như chống giặc”, việc phòng chống dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm của cả cộng đồng, cả xã hội mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Tuân thủ mọi khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế và các chuyên gia là cách mỗi người tự bảo vệ mình và bảo vệ chính những người xung quanh.

Phong Trâm
.
.
.