Săn “hàng độc” mùa Tết

Thứ Hai, 21/01/2019, 12:48
Nanh vuốt thú rừng từ lâu vẫn được giới nhà giàu săn lùng như báu vật. Họ tin rằng, sau khi chết, tất cả uy vũ, sức mạnh của chúng sẽ ngự trong nanh vuốt, phù trợ cho những ai sở hữu. Vì vậy, những cuộc săn lùng móng vuốt vẫn là những chuyến đi dài...


"Bùa hộ mệnh" từ nanh lợn

Trong lần về An Giang, chúng tôi đã gặp Ba Thành, là một trong những thợ săn cuối cùng trên đỉnh Thiên Cấm Sơn. Thập niên 90 của thế kỷ trước, Ba Thành nổi tiếng với trận đại chiến lợn ba móng. Mặc dù đã “rửa tay gác kiếm”, lui về ở ẩn nhưng tên tuổi Ba Thành vẫn vang xa. Ông cho biết, mấy tháng giáp Tết, có mấy người ở TP Hồ Chí Minh tìm tới tận nhà hỏi mua nanh lợn rừng. Ông trả lời không có nhưng họ không tin, nghi ngờ ông giấu. Ba Thành đành mời họ về.  

Nanh hình tròn đang được quý ông “săn lùng”.

Là thợ săn lão luyện, ông Ba Thành hiểu rõ nanh và móng lợn rừng nhưng đời ông không bao giờ “chơi” mấy thứ đó. Và ông cũng chưa bao giờ sở hữu một “linh vật” nào trong nhà. Con heo rừng năm xưa ông Thành quyết đấu được cánh thợ săn xem như quái vật thành tinh, nó chỉ có 3 móng nhưng vô cùng lợi hại. Nó từng đánh bại cả con trâu mộng thân xác to gấp 3, vờn nhau với chúa sơn lâm bất phân thắng bại. Nanh của nó được giới săn lùng xem là báu vật, quý hơn cả kim cương. Tuy nhiên, năm ấy, cả con lợn rừng đã thuộc về người khác, họ trả cho ông một chút gạo. Với ông, ngày đó gạo quý hơn bất cứ thứ gì.

Ông Ba Thành cho biết: “Tôi nghe dân gian đồn thổi ghê gớm lắm và gán cho nó rất nhiều quyền năng vô song như, đạn bắn không trúng, tránh được tai họa, buôn may bán đắt, chữa được bách bệnh...Nanh này sẽ được các pháp sư núi Cấm yểm bùa để tôn thêm “phép màu huyền bí”. Có người chỉ cần bán một cái nanh mà tậu cả miếng đất, cất hẳn căn nhà to vật vã”.

Ông Thành đã từng chạm trán với lợn rừng nhiều lần và cũng từng tận tay ôm xác quái thú về nhà. Theo quan sát của ông Thành thì nanh lợn rừng lâu năm thường xoắn lại như con ốc. Nó sắc và rất cứng, dùng búa đập không vỡ. Cánh thợ săn thường lấy mài nhọn làm dao hoặc cất trên gác bếp xem như kỷ vật một thời rừng xanh. Ông Thành từng có một vài cái nanh nhưng sau mấy lần sửa nhà đã bị thất lạc.

Chẳng hiểu lời đồn thổi linh ứng như thế nào mà giới thương nhân xem nanh lợn rừng như một thứ bùa hộ mệnh may mắn sẽ giúp họ thâu tóm thời vận, đem đến những điều tốt lành trong kinh doanh, thăng tiến về địa vị xã hội... Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã gặp Lê Công K. (45 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai). 

Một chiếc chân hổ 3 móng được quảng cáo là hạng thật, với giá cả trăm triệu.

K. kinh doanh các mặt hàng bằng đá và thuộc trường phái “nghiện” tâm linh. Hiện trong bộ sưu tập của K. không thiếu thứ gì của chốn rừng xanh. Trên cổ của anh này lúc nào cũng đeo một sợi dây chuyền to bằng đầu đũa, phía dưới móc một chiếc móng hổ bằng ngón tay. Theo quan niệm của K., đeo móng vuốt bên mình sẽ tạo ra vẻ oai dũng, thể hiện đẳng cấp dân chơi và đặc biệt tránh “tà ma”. K. cho biết, thầy phong thủy phán năm 2019 (Kỷ Hợi), anh phải thay móng hổ bằng móng lợn rừng thành tinh thì mới “yểm” được mọi vận hạn trong năm và mang đến tài lộc mỹ mãn. 

Từ vài tháng nay, K. đã lặn lội về núi Cấm nhiều lần, hỏi tìm những thợ săn già để mua móng lợn. Không tìm được, K. lại lên Tây Nguyên rồi ra tận các tỉnh miền Trung dọc dải Trường Sơn. Qua rất nhiều môi giới, cuối cùng K. cũng tậu được một chiếc móng lợn rừng của một người dân ở Ba Tơ (Quảng Ngãi). Họ giới thiệu cho K., móng lợn này có tuổi đời gần 50, của một con lợn rừng thành tinh bị sập bẫy thợ săn từ thời chống Mỹ. K. hào hứng rinh ngay “báu vật rừng xanh” về và cho thợ chạm trổ thành vật trang sức. 

Tuy nhiên, khi thợ bắt tay vào làm thì móng lợn bị bể một góc nhỏ, điều đó chứng tỏ con lợn này chưa thành tinh. K. vô cùng thất vọng và tiếp tục đi săn lùng móng lợn thành tinh. Dự định của K. là sẽ làm một chuyến ra Tây Bắc, biết đâu nơi non thiêng trùng điệp đó, vận may thật sự sẽ đến với K. khi cái Tết đang cận kề.

Chúng tôi hỏi, thế nào là lợn thành tinh? K. giải thích theo ngôn ngữ rất triết gia: “Lợn thành tinh thực ra là lợn sống lâu năm, móng vuốt của nó cứng cáp là do trải qua nhiều trận đánh với đồng loại và cả thợ săn. Trong thời gian sinh tồn, nó thường dùng móng để đào đất, dùng nanh chặt cây. Đặc biệt nanh của nó đã ngấm rất nhiều máu nên tỏa ra một thứ linh khí phi phàm”.    

Trong khi giới bán buôn xem móng lợn, nanh lợn là thứ thể hiện đẳng cấp thì những người làm nghề đồ tể cũng săn lùng nanh lợn rừng làm “bùa phép” để đeo. Họ tin rằng, đeo một chiếc nanh lợn rừng trên cổ sẽ giúp cho việc giết mổ thuận lợi và đẩy được oan hồn của các con vật về trả thù. Với dân giang hồ xăm trổ vằn vện, họ thường đeo nanh lợn để thị uy và dằn mặt thiên hạ. Thực chất, đây là những nanh lợn giả được làm từ đá hoặc gỗ cứng. Trong các cuộc đụng độ giang hồ, không ít gã “nanh lợn” đã phải trả giá cho vẻ bề ngoài bặm trợn của mình.

Hốt bạc nghề kinh doanh "nanh vuốt"

Lê Văn Q. là một tay chuyên buôn bán móng vuốt khu vực TP Hồ Chí Minh đã bật mí cho chúng tôi rất nhiều chiêu trò để kinh doanh mặt hàng này. Khách hàng của Q. có đủ loại, đủ giới, từ thượng vàng đến hạ cám. Với những đại ca máu mặt về sưu tầm, chơi móng vuốt thực thụ thì Q. không bao giờ dám qua mặt. Các mặt hàng Q. bán đều phải đảm bảo độ thật tuyệt đối. Q. kể, tháng trước anh ta mới lên Hà Giang tậu được cái chân hổ có tuổi đời trên 50 năm. 

Để mua được chiếc chân này, Q. đã phải lân la, uống rượu với gia đình người dân tộc Mông suốt một tuần, say liên miên. Đây là con hổ mà ông nội của chủ nhà săn được từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trải qua thời gian, gia tài còn lại của họ chỉ có chiếc chân hổ. Họ để trên gác bếp mấy chục năm, qua 3 lần thay nhà vẫn giữ nguyên được kỷ vật. Chủ nhà tuy nghèo nhưng đặc biệt trân quý giá trị của ông bà xưa để lại. Họ vô cùng tự hào về tổ tiên của mình. 

Khi thấy Q. là người chân thành, biết uống rượu, biết ăn những món ăn của đồng bào, họ đã đồng ý bán với giá bằng 3 con trâu. Về nhà Q. đã sẻ ba móng vuốt ở chân hổ ra rồi bán cho các “đại gia” với giá “trên trời”. Sau vụ bán buôn ấy, Q. lận lưng một khoản tiền không nhỏ, uy tín của anh ta được nhân lên khi các khách hàng “Vip” tin tưởng, trọng vọng. 

Nanh heo bày bán tràn lan khắp nơi, thật giả lẫn lộn.

Q. tiết lộ, nhiều người xem phong thủy, thầy phán Tết năm nay trong nhà phải có “chúa sơn lâm” ngự thì mới tránh được tai họa, rước lộc vào nhà. Họ không thể mua cả một con hổ, vì vi phạm pháp luật nên cách tốt nhất là tìm mua móng vuốt, một bộ phận của hổ cũng được ghi nhận là “đúng bài” phong thủy.

Trong các loại móng vuốt, nanh lợn vẫn được ưa chuộng hơn cả. Trừ loại nanh hình xoắn ốc của lợn rừng thành tinh là hàng cực kỳ hiếm, giới chơi nanh vuốt ưa chuộng nhất là nanh tròn. Q. cho biết, nanh tròn đặc 100% thuộc hàng quý hiếm, chỉ dành cho những người thừa tiền. Còn lại nanh đặc 50% giá khoảng vài chục triệu một chiếc.

“Bây giờ người ta chơi nanh vuốt khác trước nhiều rồi, chủ yếu theo yếu tố tâm linh hơn là thể hiện phong cách. Ví dụ như nanh tròn để mong thâu tóm được thời vận và trấn giữ của cải. Ngoài ra, nó còn giúp chủ nhân tránh được “tà ma”, bệnh tật và gặp nhiều may mắn. Năm nay là năm con lợn nên nanh lợn, móng lợn đã cháy hàng từ lâu rồi.

Đó là giới nhà giàu chơi Tết, còn một bộ phận tầng lớp bình dân cũng thích chơi nanh vuốt nhưng không đủ tiền mua loại “xịn” thì Q. sẽ cung cấp loại bình dân. Đó là nanh vuốt của những chú lợn bình thường, được thu lượm từ lò mổ rồi qua công đoạn chế tác, hoa hòe, hoa sói một chút là thành trang sức. Giá mỗi cái nanh vuốt loại trung bình thường chỉ vài triệu một cái. Cũng có thể là nanh giả được làm từ đá, nhờ bàn tay đục đẽo của nghệ nhân mà thành nanh cọp, nanh lợn y như thật.

Quan niệm chơi móng vuốt, nanh nỏ của thú rừng đã có từ rất lâu nhưng vài năm trở lại đây nổi lên rầm rộ và thịnh hành. Người ta tin rằng, con thú sau khi chết đi sẽ dồn hết sức lực vào chiếc nanh của mình. Vì thế bất cứ ai sở hữu được sẽ có một quyền lực huyền bí từ chiếc nanh bảo vệ. Tuy vậy, đó chỉ là lý do để người chơi giải thích cho sở thích của mình. Thực tế, khoa học chưa có bất cứ chứng minh nào về công dụng cũng như phép màu thần kỳ từ những chiếc móng vuốt thú rừng.

Ngọc Thiện
.
.
.