Rực rỡ miền thổ cẩm
- Cụ bà Cơ tu “truyền lửa” nghề dệt thổ cẩm
- Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mông ở huyện Mù Cang Chải
- Người “truyền lửa” nghề dệt thổ cẩm
Như kẻ ăn mày được xôi gấc, tôi tình cờ lạc vào nhà một nghệ nhân thổ cẩm, để gặp một sắc màu Mường Vang mộc mạc mà huyền ảo lung linh. Nghệ nhân thổ cẩm của tôi có dáng người thanh mảnh - phải nói là mảnh như sợi chỉ - khuôn mặt trái xoan với đường nét thùy mị và đẹp.
Tuy cái đẹp khiếm khuyết về thân thể nhưng hoàn hảo nhất về nghị lực mà tôi từng biết. Mế là chị cả của 7 đứa em. Tuổi 12, bị tai nạn bởi máy ép mía khiến cánh tay phải cắt cụt gần đến khuỷu. Tuổi 14, mẹ mất, thay mẹ nuôi đàn em, rồi cũng qua được, khỏi nói về sự vất vả. Tuổi 18, gánh vác giang sơn nhà chồng đủ tứ đại đồng đường. Bây giờ, sang tuổi gần 80, vẫn sống trong ngôi nhà tứ đại đồng đường, hiện nay Mế là thế hệ đứng đầu.
Đi cùng nỗi vất vả với Mế là nghề dệt thổ cẩm, một tay nuôi em khôn lớn, nuôi con trưởng thành, lo việc nhà chồng. Mế kể, dệt vải xong thì mang đi chợ bán, được ít tiền thôi nên phải dệt nhiều đấy. Chiếc khung cửi gỗ gần 60 tuổi, gắn bó với nhiều gian truân đời người. Tay vịn cũ mòn lõm vẹt vết thời gian. Âm thanh khung cửi nghiến lịch kịch đều đặn cần mẫn suốt nửa thế kỷ nay.
Phụ nữ Mường Vang trong trang phục truyền thống được dệt nên bởi đôi tay khéo léo của các bà, các mẹ. |
Tôi cố ngăn cảm xúc nghẹn lòng khi nhìn Mế thoăn thoắt lựa chỉ, xâu chỉ, luồn thoi, bằng bàn tay trái lành lặn và khuỷu tay phải. Tuổi gần 80 mà đôi mắt vẫn tinh anh chọn mầu sợi chỉ, pha trộn sắc màu dệt nên những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu.
Mế kể, tay cụt cũng cấy lúa được nhanh lắm, nhưng chỉ làm dệt là chính, tự nhiên biết làm thôi. Hồi mẹ mất, lo lắm không biết lấy gì nuôi các em, nằm mơ gặp bà cụ dúi tấm thổ cẩm với cây kim sợi chỉ vào tay bảo làm đi, còn khóc và nói không biết làm đâu. Hôm sau liền đi tìm khung cửi và bắt đầu việc dệt này. Giờ vẫn làm thổ cẩm, dạy cho con dâu làm nữa. Nay người làng ít dùng thổ cẩm, phải đi bán bên Kim Bôi vì bến ấy mới có du lịch.
Mế cười rạng rỡ từ ánh mắt tinh anh nhanh nhẹn, “tay cụt thế này thôi nhưng ông nhà tôi yêu lắm đấy”. Tôi bất ngờ vì chữ “yêu” của Mế thật là trẻ trung. Dù đã nhìn tận mắt, tôi vẫn không khỏi băn khoăn nghị lực ở đâu mà nhiều thế, khi mà bằng chính cuộc đời mình Mế đã dệt nên tấm thổ cẩm mang số phận kỳ diệu với muôn sắc màu lung linh.
Bên người đàn bà gần 80 tuổi nhỏ thó trong bộ váy Mường truyền thống, thắt eo lưng nhỏ xíu, như bó mạ bị buộc chặt bằng sợi lạt tre, ngồi bên khung dệt, tôi thấy hai bàn tay mình như bị thừa thãi. Chỉ với một khuỷu tay cụt, Mế cặm cụi bên khung cửi, cần mẫn đan dệt kết nối từng sợi chỉ. Tôi cảm giác như có gì bất nhẫn, như chính tôi mới là người bị thiếu đi bàn tay bên phải.
Thiếu nữ Mường duyên dáng bên khung dệt. |
Những con chỉ màu từng sợi đơn lẻ góp mặt trong thổ cẩm là hoa lá tinh xảo, óng chuốt, nuột nà, bóng mịn vân mây, sắc màu nổi bật, đua nhau bay nhảy tung tăng. Thật thấm thía, trời không cho ai tất cả nhưng cũng không lấy đi hết, và còn lại cái đẹp hoàn hảo thấm đẫm nghị lực kiên cường đi qua số phận theo cách giản dị không ngờ. Thổ cẩm Mường là huyền tích ảo diệu, kết nối hài hòa bảy sắc cầu vồng, đan dệt nên phận người lặng lẽ mà lung linh sắc màu, an nhiên như hoa nở, sương rơi.
Hình ảnh bộ váy Mường đen nhánh thướt tha cùng chiếc cạp váy rực rỡ luôn là chiếc cầu vồng kỳ ảo nối với hoài niệm thân thương. Tôi nhớ những chiếc cạp váy được thêu họa tiết tỉ mỉ. Này là hình Rồng quý phái, quyền uy. Này là bầy Hươu tung tăng, mơn mởn hoa cỏ mùa xuân. Này đàn chim Lạc sải cánh miết mải bay về phương trời xa xôi sau dãy núi xa xanh. Này hình Hoa Lá tự do, không theo khuôn mẫu nào Trong thổ cẩm có hoa lá vươn cao bay xa, có suối sông mơn trớn dịu dàng và ào ạt thác lũ.
Hình ảnh Nàng Ả xứ Mường tắm suối từ tốn cuốn váy lên cao đến đâu thì thong thả dầm mình xuống làn nước xanh đến đó, mang vẻ đẹp thanh tân cho chiếc cạp váy thổ cẩm huyền thoại, như chỉ núi thẳm rừng xanh mới biết mà cất lời thì thầm quyến rũ mải mê.
Mẹ nói con gái Mường nết na phải biết trồng bông se sợi dệt vải, trong đó nhuộm chỉ dệt cạp váy là kỳ công nhất. Chỉ màu được nhuộm bằng màu chắt lọc từ lá cây rừng, đến nay vẫn là bí quyết riêng của bà ngoại.
Ngày cưới của cô gái Mường giàu hay nghèo không quan trọng bằng việc mang về nhà chồng bao nhiêu chăn gối tự dệt, để trưng ra cái nết na vén khéo giỏi giang. Chuyện cổ tích về chiếc cạp váy thổ cẩm, làm mê mẩn lòng yêu cái Đẹp, ngày nay tìm đỏ mắt trong thời trang cũng không có được. Bất chợt, chị bạn thân tặng cho chiếc cạp váy, mà vừa nhìn thấy đã bị vẻ đẹp của nó thôi miên.
Nhà văn Phan Mai Hương (huongphanmaihb@gmail.com) |
Chị bạn kể, cụ ngoại của chị sống ở Mường Vó, tuổi 80 rồi, cụ được người làng coi là nghệ nhân dệt thổ cẩm, đã tự tay se sợi nhuộm chỉ và dệt nên tấm cạp váy này. Từng hoa văn li ti sắc nét nổi lên mịn màng như vân gỗ. Nhìn vào đấy như thấy cả một rừng hoa lá gió mây đang bay lượn. Sự pha trộn màu sắc tách bạch mà rành rẽ, mà vẫn mang nét đẹp hài hòa đến ngỡ ngàng. Những sắc màu đen, vàng, hồng, trắng, đỏ tươi và đỏ rượu vang, xanh lục bảo và xanh na vy, đan xen với nhau trong từng nét hoa văn tinh xảo.
Hình dung cụ bà 80 lụm cụm bên khung cửi, đôi mắt tinh anh, cặm cụi chọn chỉ màu, thoăn thoắt luồn thoi, tỉ mẩn mũi thêu, niềm ngưỡng mộ kèm cảm giác cay cay nơi mắt, cụ bà Nghệ Nhân sắp tuổi Trời, rồi ai lưu giữ nghệ nhân?
Trong bộ váy Mường, tấm “cao váy” khó dệt nên bán đắt tiền nhất. Các đường hoa văn đều đặn theo chiều thẳng đứng, thanh thoát ôm khít eo lưng thon thả thiếu nữ, nâng vầng ngực thanh tân, đẩy dáng người cao lên. Mẹ kể ngày xưa, bà Ngoại sắm cho cạp váy, không đủ tiền mua “cao váy” phải thay mảnh vải hoa rực rỡ và không đẹp tẹo nào.
Năm sau, cụ bà Nghệ nhân nhẹ nhàng về cõi, chắc cụ được bay trên những tấm thổ cẩm với lá thắm hoa tươi. Các nhà nghiên cứu nói nghệ nhân là pho văn hóa sống, nghĩ thật tiếc xót khi họ không còn. Chợt nghĩ nếu như sống xứng đáng với niềm yêu của mình, thì cái chết chỉ là sự chuyển cõi khác.
Trong gia đình mình, tôi từng ngưỡng mộ dì Út, vì dì chỉ mặc váy Mường. Với dáng người cao, nuột nà trong bộ váy đen nhánh lả lướt chấm mắt cá chân. Hoa văn rực rỡ của cạp váy, thắt lưng cài bộ xà tích bạc sáng loáng điệu đà, cái khăn trắng muốt nhỏ nhắn thắt trên đầu như hờ hững, dưới cái viền gấu váy màu đỏ lộ ra gót chân mịn nhẵn, làm thành tổng thể đáng yêu và quyến rũ.
Chợt hiểu niềm đam mê về bộ váy thổ cẩm Mường được khởi nguồn từ người thân yêu, và nuôi khát khao gìn giữ giá trị truyền thống. Nhưng hoài niệm có kết nối được với tương lai hay không lại phụ thuộc vào thế hệ hiện tại có đủ niềm yêu với những giá trị truyền thống hay không. Biết là cứ khắc khoải về một niềm nuối tiếc thế thôi. Thời gian trôi không chờ đợi ai, chỉ còn hoài niệm là thuộc về quá khứ.