Phô phang "văn hóa Trầm Bê"
Từ lúc báo chỉ "nổ" ra chuyện nhà ông Trầm Bê đóng góp tiền xây chùa rồi ghi tên khắc chữ, treo ảnh gia đình mình ở những nơi trang trọng ngang với thánh thần, chợt nghĩ, phải chăng đang có một thứ văn hóa gọi là "văn hóa Trầm Bê" tồn tại trong đời sống chúng ta lâu nay.
Liệu có phải sự phô phang của ông Trầm Bê chỉ là một ví dụ sinh động điển hình cho một bộ phận không nhỏ những người vừa có tiền vừa có nhu cầu đóng góp công đức vào chốn tâm linh, nếu không để khoe, thì cũng là để đánh bóng tên tuổi của mình? Hãy đến bất cứ ngôi đền, ngôi chùa nào cũng có thể thấy, tên của người công đức được đóng mác lên ngay cả những bức tượng phật.
Việc đóng góp công đức vào những nơi tôn nghiêm như đền chùa vốn là một truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc ta. Xưa nay, từ các vua chúa đến các vị quan chức, dân thường mỗi khi đến cửa chùa đều ít nhiều thành tâm đóng góp công đức để xây dựng chùa.
Ông Trầm Bê chắc chắn không phải là người đầu tiên, cũng không phải người cuối cùng làm công việc này. Nhưng việc ông khắc tên mình và những người thân trong gia đình mình nơi cửa tam quan, treo ảnh gia đình mình nơi chính điện trang nghiêm, ngang với thánh thần, thì chắc chắn ông là người đầu tiên.
Không biết ông Trầm Bê đã đóng góp nhiều tiền đến mức nào để tự cho phép mình được đòi hỏi với nhà chùa những điều kiện khó coi như vậy, trước hàng trăm, hàng ngàn các phật tử khác, có thể không có nhiều tiền đóng góp như ông, hoặc giả sử có đóng góp nhiều không kém ông thì lại chọn cách lặng lẽ, vô danh, chỉ cần Đức Phật chứng giám lòng thành là đủ. Thì câu trả lời đã rõ đấy, ông Trầm Bê rất nhiều tiền.
Có cả thảy 7 ngôi chùa ở Trà Vinh ông đã đóng góp tiền xây dựng. Và ông treo ảnh gia đình mình ở khắp các chùa ông có góp tiền. Các phật tử đến chùa, đi qua cổng chùa là chui dưới cổng tam quan có tên gia đình ông, chắp tay lạy Phật là chắp tay lạy ông Trầm Bê và những người thân của ông (vì ảnh gia đình ông treo sờ sờ ở đấy).
Thật quá khôi hài. Phải chăng chỉ cần có tiền là người ta đã có thể đứng ngang hàng với thần thánh? Sự phô phang của người lắm tiền có khi nào làm nhói đau trái tim Đức Phật? Phải chăng cái gọi là “văn hóa Trầm Bê" này đã và đang lan truyền trong xã hội hiện nay ở nhiều người, nhiều ngôi chùa, ngôi đền khác.
Những người đi lễ chùa, hiểu về Phật pháp và có một đức tin thuần khiết có lẽ đều hiểu rằng, mỗi chúng ta khi đến cửa chùa bằng một chữ Tâm, thì chúng ta bình đẳng. Có lẽ Đức Phật sẽ không khi nào thiên vị, phân biệt người nhiều tiền và người ít tiền khi họ đến nơi cửa thiền. Đức Phật có lẽ cũng không muốn làm tổn thương những phật tử có ít tiền đóng góp công đức bằng cách chỉ khắc tên, ghi nhận những phật tử đóng góp nhiều tiền. Đức Phật chỉ dạy chúng ta mọi sự ở đời là tùy duyên, và việc ai đó phát tâm nơi cửa chùa giống như một đóa hoa thơm thảo. Nó sẽ tỏa hương mà không cần tô vẽ, không cần đại ngôn hay màu mè xiêm áo.
Mùa lễ hội đầu xuân những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến không ít những "phô phang" kiểu văn hóa Trầm Bê nơi cửa chùa, cửa đền. Những bức trướng, đôi lộc bình, hoành phi, câu đối thậm trí những chiếc cột trụ trong chùa, hay bất cứ vật trang trí nào ở chùa nếu ta để ý sẽ thấy mỗi món đồ có tên một người công đức. Những ngôi chùa ở Hà Nội cũng không nằm trong ngoại lệ.
Dẫu là như vậy thì vẫn mong sao câu chuyện "chùa ông Trầm Bê", hay "văn hóa Trầm Bê" chỉ là một ví dụ mang tính cá biệt, đừng là những "giá trị" phổ biến trong đời sống chúng ta. Vì chắc chắn sẽ không thực sự có Đức Phật trong những ngôi chùa mà ở đó, người ta có thể dùng tiền để được ngang hàng với thần thánh. Và tất nhiên, những phật tử thực sự cũng không thể tìm kiếm ở đó lòng từ bi, khoan dung, hỉ xả với cuộc đời...
Đừng trần tục hóa chốn tâm linh Từ trước đến nay, trong chùa chỉ treo ảnh Phật, và bồ tát mà thôi. Tuy nhiên, chuyện công đức không phải đến bây giờ mới có mà từ ngày xưa, người dân đã có ý thức ghi danh công đức để thông báo cho mọi người biết những đóng góp của họ. Nhưng ở đó, người ta lấy sức mạnh của toàn dân, của nhiều người. Nên vấn đề đặt ra là làm công đức như thế nào, cho và cách cho. Bởi trong giáo lý nhà Phật, việc phát tâm của Phật tử phải với cái tâm thanh tịnh, không mưu lợi lộc. Trong nhà Phật có một câu chuyện rất hay là giọt dầu công đức. Vì sao gọi là giọt dầu công đức, mà ai đi chùa cũng thả tiền vào đó. Câu chuyện từ thời đức Phật còn tại thế, có một bà già nghèo, bà phát tâm muốn cúng dường lên đức Phật. Nhưng Đức Phật và giáo đoàn của ngài rất đông mà bà chỉ có một đồng tiền vàng nhỏ bé. Bà nghĩ, thôi mình sẽ đi mua một giọt dầu thơm để thắp lên, ánh sáng của nó sẽ lan tỏa cho ai cũng chiêm ngưỡng được. Đức Phật cảm nhận được tâm trong sáng của bà, ánh sáng của giọt dầu đã bừng sáng cả pháp hội, cả đại chúng vô cùng hoan hỉ. Vì sao một giọt dầu mà tỏa sáng đến như vậy. Vì tâm bà lớn, vì lòng thiết tha cúng dường của bà lão. Lúc đó có vị vua nghe tin, vua cho hàng ngàn người mang hàng ngàn chiếc đèn với mong muốn cho tất cả mọi người biết tiếng vang danh tiếng của mình. Nhưng một điều kỳ lạ, là ngọn đèn nào của đức vua thắp lên là tắt. Đức Phật bảo rằng, tâm của vị này là danh và lợi, công đức của vị này là danh là lợi nên ánh sáng. Vì vậy, khi mình công đức mà cứ bám chắc vào danh, vào lợi thì công đức đó không đáng nói. Ngày nay, thùng giọt dầu đã bị biến tướng đi nhiều. Thực ra xã hội lúc nào nó cũng có hai mặt, ở đâu có thiện ở đó có ác. Nhưng chúng ta đã làm tâm linh mà vẫn vì danh vì lợi thì đó không còn là tâm linh. Không phải là cái tâm. Điều đó cho thấy một xu hướng phổ biến trong đời sống tâm linh hiện đại, đó là trần tục hóa, vật chất hóa những không gian linh thiêng.
Hiện nay, một số nhà chùa, đền đài lợi dụng thế lực này nọ mà đưa tên tuổi những người góp tiền xây chùa lên, đôi khi bản thân người làm công đức cũng không muốn đưa lên như vậy đâu nhưng vì nhà chùa, do nhận thức, họ muốn hoành tráng, muốn khẳng định chùa mình cũng có vị danh tiếng này nọ về phát tâm công đức để làm oai. Nếu chúng ta xây dựng những ngôi đền, ngôi chùa bằng đất, bằng đá, thì đó không phải là chúng ta đang xây dựng tâm linh. Nếu dâng tượng, dâng chuông mà xem đó là cơ hội để lợi dụng lòng của người khác, để trục lợi thì đó là lợi dụng tôn giáo. Họ cũng không xứng đáng là con nhà Phật. Chúng ta hãy xây dựng tâm linh trong chính tâm của mình. Chùa chiền mọc lên ở khắp nơi. Việc xây chùa trở thành một phong trào. Chùa chiền xây lên là tốt, để cho người dân đến thắp hương, xả bỏ hết tham sân si. Nhưng bây giờ, một số đền chùa miếu mạo, do các sư quản lý, gần chiếm hơn một số nửa không phải là chùa, mà là đền phủ tư nhân hóa. Họ chỉ lập nên đền chùa để cầu danh cầu lợi, thì đó không phải là phật thánh nữa mà là tà ma. Tà là tâm tính, ma là tệ nạn xã hội. Và nhiều người dân đi lễ theo phòng trào mà không nhất tâm, không hiểu gì về tâm linh khiến chuyện công đức đã bị biến tướng. Những con người mua danh bán lợi như vậy, chắc chắn không lâu sẽ bị lên án, bị luật nhân quả. Phật ở trong mỗi chúng ta, chúng ta làm điều thiện, thì Phật trong chúng ta càng lớn. Còn chúng ta càng cầu danh cầu lợi thì Phật càng ngày càng nhỏ lại và sẽ mất đi. Người có nhận thức đúng đắn thì sẽ tìm được con đường đúng đắn. Còn những người đi theo Phật mà không hiểu gì về Phật, đi theo phong trào thấy mọi người đi, mình cũng đi, chen lấn, xô đẩy, làm ô uế, tạo sự a dua, họ sẽ lầm đường, lạc lối. Giờ, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, cuộc sống vật chất lấn lướt. Vì thế, danh lợi cũng lấn chiếm trong việc phát tâm. Nhưng mọi người nên hiểu, cuộc sống có nhân có quả. Làm công đức là để tích đức cho con cháu, và người đi đền chùa cần thiết sự hiểu biết. Còn làm công đức mà để gắn tên, nhãn mác vào, thì cũng có công đức đấy, nhưng tâm không sáng, vì chúng ta làm công đức là để cho tâm mình sáng. Đừng để tiền bạc, danh lợi làm ô nhiễm chốn tâm linh. (Đại đức Thích Như Hải Hòa - Ủy viên Thường trực Ban Quản lý xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam- Chùa Phúc Khánh, Hà Nội). |