"Phất to" nhờ nghề hương trầm

Thứ Sáu, 11/07/2014, 14:47
Nghề làm hương trầm của người Nùng an ở làng Phja Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) đã xuất hiện từ lâu đời, không ai biết ai là "tổ làng" đã mang nghề về làng. Đã bao thế hệ sinh sống, người dân nơi đây vẫn trung thành với nghề làm hương truyền thống để mưu sinh.

Những năm gần đây, làng nghề này phất lên một cách nhanh chóng, thương hiệu hương trầm không những nổi tiếng trong tỉnh mà ngay cả ở các khu chợ tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống khấm khá hơn, thậm chí một số người đã "tậu" được chiếc xe ôtô tải riêng cho mình để thuận tiện cho việc vận chuyển sản phẩm ra các khu chợ phiên bày bán.

Nghề không có "tổ làng"

Theo dọc quốc lộ 3, cách thành phố Cao Bằng khoảng 40 km về hướng đông, làng Phja Thắp hiện ra với những ngôi nhà sàn mọc san sát ven đường. Đến đầu làng đã ngửi thấy mùi hương trầm tỏa ra thơm dịu. Đã giữa trưa, nhưng những người phụ nữ người Nùng an, làng Phja Thắp vẫn phơi lá trầm khắp dọc đường. Làng nghề làm hương trầm gần đây đang trở nên thịnh vượng và "thay da đổi thịt".

Tuy nhiên, khi hỏi về lịch sử của nghề truyền thống làm hương trầm, người dân lại cho rằng nghề này không hề có "tổ làng". Chính anh Hoàng Văn Lập, Trưởng xóm Phja Thắp khẳng định với chúng tôi như vậy. "Nghề làm hương ở Phja Thắp đã có gốc gác lâu lắm rồi. Từ đời ông, cha đã thấy có nghề này rồi. Không biết ai là người đầu tiên đem nghề về làng đâu. Cứ đời nọ tiếp nối đời kia, người biết nghề dạy cho người không biết nghề. Vì thế, ngôi làng với hơn 50 hộ dân này ai cũng làm hương thành thục".

Từ đầu làng đến cuối làng, chúng tôi được đi qua các "lò" hương do anh Hoàng Văn Lập giới thiệu. Nguyên liệu làm nên những que hương ở  Phja Thắp hoàn toàn tự nhiên. Chẳng hạn, những nguyên liệu không thể thiếu đó bao gồm cây Thông Mộc, Trầm Hương, Que Mai… "Phải đi lên rừng kiếm cây mai về, xong ngồi chẻ mai bằng tay, vót các que mai cũng phải nhỏ, tròn đều mới gọi là đạt. Trộn mùn thuốc, nhúng nước, tẩm bột trầm hương, nhuộm màu hương… tất cả đều phải làm bằng tay", Hoàng Văn Lập nói khái lược sơ qua các khâu đoạn làm hương.

Vợ anh Hoàng Văn Lập đang làm công đoạn tẩm bột lá trầm hương.

Trong các công đoạn thì phơi hương là chiếm nhiều thời gian hơn cả, nếu trời nắng thì phơi chỉ một ngày là khô, nhưng thời tiết âm u thì phải mất 3 ngày. Từng que hương thành phẩm được tỷ mẩn cắm trên các khay nhỏ, mỗi khay hương này được cắm từ bảy đến mười que. "Chỉ có tỉ mẩn cắm từng que, tách riêng từng que như thế thì hương mới không bị vỡ, dập…", một người dân làng Phja Thắp giải thích.

Những cư dân Phja Thắp đều tâm niệm, hương là một thứ vật phẩm giúp kết nối, thông linh với người đã khuất bởi vậy những người làm nghề trước hết phải có một cái tâm sạch. Các khâu đoạn làm hương đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không được phép cẩu thả, làm gian dối kém chất lượng. "Nghề làm hương thắp được nối đời truyền lại trong gia đình. Hương Phja Thắp cả cái vùng này ai cũng biết vì người làm nó có cái bụng, cái tâm với tổ tiên…" anh Lập bộc bạch.

"Phất" lên nhờ nghề hương trầm

Sản phẩm hương trầm làm ra được tiêu thụ khắp các chốn chợ phiên trong tỉnh. Nhờ làm hương, gia đình anh Lập cũng đã sắm được cái xe ôtô tải để vận chuyển giao hàng tận tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn và Hà Giang. Nếu "điểm danh" các làng nghề ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc thì ngôi quán quân chỉ có thể là làng Phja Thắp, Phúc Sen.

Anh Lập cho hay: "Hồi trước do thị trường chưa được mở rộng, phương tiện đi lại khó khăn nên việc tiêu thụ hương trầm gặp nhiều hạn chế, hàng làm ra bán vẫn không hết nên thời gian rảnh rỗi cũng nhiều. Tuy nhiên, mấy năm nay hầu hết các hộ gia đình đều có xe máy, một số có máy cày gắn càng, vài người sắm được xe tải nhỏ nên việc buôn bán được thuận lợi hơn nhiều. Phạm vi đã được mở rộng ra ngoài tỉnh, bởi vậy phụ nữ, người già ở nhà phải liên tục làm việc không ngơi tay. Kinh tế ngày càng được cải thiện, phát triển, chỉ trong vòng 5 năm nay đã có trên hai chục hộ thoát nghèo và làm giàu".

Theo anh Hoàng Văn Nam ở làng Phja Thắp có thâm niên bán hương ở các buổi chợ phiên trong tỉnh Cao Bằng cho biết, trong tỉnh không hề có làng nghề hương nào cạnh tranh, vì vậy đi đến đâu thương hiệu hương trầm Phja Thắp luôn được mọi người dân biết đến. Người dân đặc biệt yêu thích sản phẩm hương của làng Phja Thắp bởi thời gian thắp được lâu, có mùi thơm dễ chịu không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tại các buổi chợ phiên trong tỉnh Cao Bằng, hình ảnh phụ nữ người Nùng an ở Phúc Sen bán hương rất quen thuộc đối với người dân nơi đây.

Vào những dịp lễ, Tết, người dân nơi đây làm việc cả về ban đêm để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng đặt trước. Sau đó, mới đem bán ở các khu chợ phiên. Thông thường mỗi bó chỉ 1 nghìn đồng, tuy nhiên, mỗi lần vận chuyển bằng xe máy cũng chở được hai sọt lớn, mỗi sọt chứa gần một nghìn bó. Tính ra mỗi chuyến cũng mang lại gần 1,5 đến 2 triệu nếu bán chạy.

Đó chỉ là dùng xe máy để vận chuyển, còn đối với những hộ gia đình dùng xe càng, xe kéo, thậm chí xe ôtô tải để chở đến phân phối ở các khu chợ lớn trong và ngoài tỉnh còn kiếm được gấp nhiều lần. Điển hình là gia đình anh Hoàng Văn Linh hiện nay mỗi tháng anh kiếm lợi không dưới 20 triệu, còn chưa kể trúng dịp lễ, Tết. Đây là những năm mà làng làm hương trầm phất lên một cách chóng mặt không kém làng rèn nổi tiếng ở làng Pắc Rằng cùng xã.

"Cơn sốt" săn lá trầm

Theo cụ Hoàng Văn Tình (68 tuổi), một cao niên làng Phja Thắp chi sẻ: "Làm cái hương này phải có lá trầm hương nghiền nhỏ rồi đem ướp vào từng que. Ngày xưa lá trầm nhiều vô kể nhưng giờ lá trầm ít lắm, hiếm lắm. Có khi phải đi rừng cả tuần đằng đẵng mới có được một bao nhỏ thôi".

Do là một nguyên liệu không thể thiếu, bởi vậy cứ đều đặn hàng tuần, thanh niên trai tráng, thậm chí là trẻ nhỏ ở Phja Thắp đều chia nhau đến các bản làng, vùng núi ở miền Trùng Khánh vạch rừng tìm lá trầm.  Theo chân một… đoàn tìm lá trầm "nhí", dẫn đầu là em Nông Văn Hải. Hải nói năm nay vào học lớp 6, nhà ở tít tận Bản Khuông, xã Thông Huề. "Cứ mỗi bận rảnh rang là em lại cùng những đứa bạn trong làng lập nhóm đi "săn" trầm. Khi biết chỗ nào có cây trầm mình sẽ chỉ cho người ta đến lấy, lúc ấy mình sẽ nhận được 50-100 ngàn…", một cậu bé thành thực cho biết.

Cây trầm mà những người dân Phja Thắp nhắc đến là một loại cây thân gỗ, thường nằm cheo leo trên các thân vách núi đá. Theo lời anh Hoàng Văn Linh, em trai anh Hoàng Văn Lập thì sau mỗi bận phát hiện ra cây trầm ở khu vực nào thì người đi rừng sẽ đánh dấu lại. Người ta sẽ làm dấu để sau khi hái lá trầm, nửa năm sau khi cây có lá sẽ quay trở lại để "thu hoạch".

"Cơn sốt" săn lá trầm lôi cuốn cả trẻ em vùng sơn cước vào rừng, lên núi tìm kiếm.

Khi vạch rừng tìm cây trầm, ngoài việc phải thường xuyên leo trèo qua các vách núi đá cheo leo, những người đi tìm trầm còn phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy khác như rắn rết, muỗi, vắt. "Chúng em bị vắt bám trên người là bình thường, có khi bị vắt đốt mà không biết, nó hút máu trương to hơn một ngón tay cái, rơi rụng khỏi gáy mới biết là mình bị đốt. Mới đầu mới đi thì cũng sợ, sau cũng quen với mấy cái thứ ấy anh à", cậu bé Nông Văn Hải chia sẻ.

Khi tôi tò mò hỏi tại sao không chặt luôn cây để lấy nguyên liệu được nhiều và chất lượng hơn thì được biết loại cây này có thời gian sinh trưởng khá chậm, những người Nùng trong vùng thường tâm niệm rằng loại cây này sống cheo leo trên các vách núi đá, nó hút linh khí đất trời, vì thế những bộ phận của nó đều có mùi hương nồng lạ. Cây có linh khí thì không được xâm phạm, đó cũng là suy nghĩ mộc mạc như một lẽ hiển nhiên của những người dân vùng cao này. "Chặt cây xong có khi hơn hai năm cây cũng chưa mọc lại được, không chặt đâu…", Hoàng Văn Linh nhắn gửi thêm.

Trở lại với các khâu đoạn làm hương ở Phja Thắp, lá trầm hương sau khi thu hoạch về sẽ được hong khô trong điều kiện không có nắng gắt. Sở dĩ vậy vì nếu phơi lá trong tiết trời quá nắng sẽ ảnh hưởng đến mùi của hương. Sau khi lá khô quắt đến mức có thể bóp nát vụn sẽ được đem nghiền nhỏ thành bột để phục vụ khâu tẩm ướp cuối cùng vào từng que hương.

Nghề làm hương ở Phja Thắp sử dụng được mọi độ tuổi lao động, ai cũng có thể tham gia sản xuất được, từ những cháu bé học cấp một đến những cụ già nhất, nghề làm hương đã góp phần tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống trong từng hộ gia đình. Tháng rộ việc trung bình mỗi hộ làm nghề cũng bán được hơn 15 triệu tiền hương. Hương sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, vì mặt bằng sân phơi của mỗi gia đình không cho phép sản xuất được nhiều hơn.

Làm hương bắt buộc phải phơi bằng ánh nắng mặt trời, không thể áp dụng công nghệ lò sấy được, vì nếu sấy thì sản phẩm sẽ bay mất hết mùi. Khách quan nhìn nhận, nghề làm hương ở Phja Thắp đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới. Trải qua bao thăng trầm, nén hương ở Phja Thắp đã có được những phẩm chất mà ít làng hương nào so sánh được, từ mùi thơm, độ bắt lửa đến hình thức

Lưu Vĩnh
.
.
.