Nước mắt trẻ em trong những mỏ khai thác cobalt ở Congo

Chủ Nhật, 13/08/2017, 19:16
Hàng nghìn trẻ em làm việc trong những mỏ khai thác cobalt (nguyên liệu để sản xuất năng lượng sạch) ở Congo. Trong số này có cả những đứa trẻ mới lên 4 tuổi. Trong môi trường độc hại, các em phải đối mặt với nhiều nguy cơ mắc bệnh, khoảng 80 trường hợp trẻ em chết mỗi năm.


40.000 trẻ em làm việc trong các mỏ khai thác cobalt

Dorsen, 8 tuổi và một "đồng nghiệp" khác - cô bé Monica mới lên 4 tuổi đang làm việc ở Katanga, một khu mỏ khai thác cobalt bị ô nhiễm nặng ở Congo. Công việc chính của các em là dùng đôi bàn tay bé nhỏ của mình để đào bới, tìm kiếm cobalt. Một người canh gác đứng bên cạnh giám sát công việc của Dorsen.

Anh ta hét lên và giơ tay đe dọa đánh đập nếu Dorsen chểnh mảng công việc. Dorsen có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Mẹ em mất sớm, em sống cùng cha trong túp lều tồi tàn. Hai cha con phải làm việc hằng ngày trong mỏ cobalt để kiếm tiền. Richard, 11 tuổi, một người bạn của Dorsen nói rằng, vào cuối ngày làm việc, mọi bộ phận trên cơ thể đều đau nhức.

Trẻ em làm việc trong mỏ khai thác cobalt ở Congo nhận được tiền công chưa đến 1 USD/ngày.

Dorsen, Richard hay Monica chỉ là trường hợp cụ thể trong số 40 nghìn trẻ em đang làm việc tại mỏ khai thác cobalt ở Congo. Mức lương mà các em nhận được rất rẻ mạt, chưa đến 1 USD/ngày. Các em có nguy cơ mắc bệnh ngoài da và bệnh phổi. Bệnh phổi do ảnh hưởng từ cobalt gây ho, thậm chí là tử vong.

Đất trong khu vực có cobalt rất độc hại. Ăn rau trồng trên đất này có thể bị nôn, tiêu chảy, tổn thương tuyến giáp. Chim và cá không thể sống trong khu vực có cobalt. Các mẫu đất lấy từ khu vực khai thác mỏ là nơi bị ô nhiễm nhất trên thế giới với mức chì, cadmium và uranium cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép

Chưa có con số thống kê chính xác về số trẻ em đã chết vì khai thác cobalt. Một bản báo cáo do Liên Hợp Quốc (UN) ước tính khoảng 80 trường hợp/năm. Tuy nhiên, con số này có thể chưa chính xác vì có trường hợp trẻ em chết nhưng không được phát hiện, thi thể bị chôn vùi trong đống đổ nát của đường hầm. Những người khác sống sót với bệnh mạn tính hủy hoại cuộc sống. Có trường hợp bé gái mới 10 tuổi trong khu mỏ bị tấn công tình dục dẫn đến mang thai.

Cái giá cho năng lượng sạch

Hầu như tất cả các nhà sản xuất động cơ lớn trên thế giới đang cố gắng mua cobalt từ quốc gia nghèo Congo. Đây là quốc gia có số lượng cobalt lớn nhất thế giới. Sau khi khai thác, cobalt thường được vận chuyển đến Châu Á, sử dụng sản xuất pin.

Kế hoạch chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch dẫn tới sự gia tăng đột biến về nhu cầu cobalt. Mặc dù pin điện thoại thông minh sử dụng không quá 10 gram cobalt tinh chế nhưng một chiếc xe điện cần đến 15kg cobalt.

Ngày càng nhiều ông lớn trong ngành sản xuất xe hơi đầu tư phát triển các loại xe chạy bằng pin, trong đó có General Motors, Renault-Nissan, Tesla, BMW, Fiat-Chrysler. Riêng nhà sản xuất xe hơi Tesla dự định sản xuất 500.000 chiếc xe mỗi năm bắt đầu từ 2018 và sẽ cần đến 7.800 tấn cobalt.

Điều đó có nghĩa là, giá cobalt sẽ tăng lên khi cuộc cách mạng xe điện diễn ra. Có bằng chứng cho thấy, một số công ty hủy bỏ hợp đồng với các mỏ sử dụng công nghệ khai thác khoáng sản, thay vào đó là mỏ nhỏ hơn sử dụng sức lao động của con người.

Nhiều người gọi cobalt là "xăng mới" nhưng không có dấu hiệu của sự giàu có mới ở Congo - nơi trẻ em phải đổi máu và nước mắt để có những đồng tiền công ít ỏi. Để tìm kiếm cobalt, các thợ mỏ phải đào sâu xuống lòng đất bằng dụng cụ đơn giản, không có quần áo bảo vệ hoặc máy móc hiện đại. Đôi khi trẻ em được đưa xuống các hố tạm thời có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.

Ở một quốc gia bị tàn phá bởi nội chiến khiến hàng triệu người chết thì không khai thác khoáng sản, người dân không có cách nào khác để tồn tại. Anh cam kết tài trợ 10,5 triệu bảng cho Congo giúp đỡ dân nghèo trong khoảng thời gian từ tháng 6-2007 - tháng 6-2018.

Tuy nhiên, cuộc sống của người dân vẫn chưa được cải thiện. Luật pháp Congo cấm sử dụng lao động trẻ em nhưng dường như không ai thực thi quy định này. Tổ chức Lao động Quốc tế đã mô tả việc khai thác cobalt ở Congo là "một trong những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất" vì rủi ro liên quan tới sức khoẻ.

Sau Congo, Australia là quốc gia có nguồn cobalt lớn thứ hai thế giới với trữ lượng khoảng 1 triệu tấn. Tiếp theo đó là Cuba, Trung Quốc, Nga, Zambia và Zimbabwe. Cobalt là nguyên liệu để sản xuất năng lượng sạch, chế tạo pin. Với ưu điểm lưu trữ lượng điện năng lớn, độ bền cao, pin được sản xuất từ cobalt ngày càng được sử dụng rộng rãi với điện thoại thông minh, máy tính xách tay, ôtô sử dụng năng lượng điện - giải pháp xanh cho tương lai.
Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.