Nước Pháp đối mặt với vấn nạn bạo lực gia đình

Thứ Tư, 27/11/2019, 23:12
Ngày 23-11, hơn 100.000 đã xuống đường tại thủ đô Paris và nhiều thành phố lớn ở Pháp để phản đối bạo lực gia đình gia tăng khi từ đầu năm 2019 đã có 137 phụ nữ bị chồng hoặc bạn trai sát hại; ngoài ra cũng có khoảng 213.000 phụ nữ Pháp phải hứng chịu bạo hành gia đình mỗi năm.


Những người biểu tình mang theo các khẩu hiệu màu tím, diễu hành trên nhiều tuyến phố lớn yêu cầu Chính phủ Pháp phải ngay lập tức có biện pháp chấm dứt tình trạng bạo lực gia đình hiện nay…

Kẻ vũ phu ẩn sau vẻ hào hoa

Năm 2004, Marie-Alice Dibon và Luciano Meridda bắt đầu cảm mến nhau qua một lần ngồi chung taxi tham quan thành phố Paris hoa lệ. Lúc đó, chuyên gia hóa mỹ phẩm Dibon (38 tuổi) tò mò về quyển thơ đặt bên cạnh chàng tài xế. Meridda (51 tuổi) bày tỏ với cô về nỗi niềm say mê văn học và Dibon bắt đầu cảm thấy bị thu hút.

Helene de Ponsay, chị gái của cô Dibon, kể lại rằng sau đó mọi chuyện diễn ra rất nhanh. Chỉ vài tuần gặp gỡ, hai người đã chuyển về một căn hộ vùng ngoại ô Courbevoie chung sống với nhau và cặp đôi dường như rất hạnh phúc. 

Nhưng “cuộc vui ngắn chẳng tày gang”, Meridda bắt đầu lộ diện phần xấu xa trong con người, khi đối tượng này càng ngày kiểm soát và gian xảo. Trong thời gian sống chung, Dibon phát hiện ra Meridda đã nói dối về quá khứ. Thực chất hắn ta đã từng kết hôn và có con chứ không hề độc thân.

Người biểu tình để ngực trần với các biểu ngữ được viết trên cơ thể ở Paris.

De Ponsay nhớ lại lần thăm em gái vào năm 2014. “Tôi tới nhà của em gái, một vùng mà phải mất cả ngày để đến được một quán cà phê. Cuối ngày hôm đó, Dibon tỏ ra hoảng loạn chỉ vì chưa mua bánh mì”. Suốt 10 năm sống cùng Meridda, Dibon tìm nhiều lần cách chia tay gã nhưng việc rời bỏ hắn cũng rất khó khăn. Meridda thường xuyên khủng bố bằng tình cảm và tuyệt thực để níu giữ Dibon.

Bị kịch đã xảy ra vào 22-4-2019, hai ngày sau khi Dibon tìm cách dứt khoát mối quan hệ với người bạn đời có vấn đề về tâm thần, thi thể của Dibon được tìm thấy trong một chiếc va li trôi trên dòng sông Oise ngoại ô Paris. Cảnh sát Versailles cho biết Meridda đã đánh thuốc mê và đánh Dibon đến chết. Sau 2 tuần lẩn trốn sự truy lùng của cảnh sát, gã đã tự sát.

Kể từ sau khi vụ án bị phát hiện, tên của Dibon luôn hiện hữu trên những tấm poster dán quanh các đường hầm, tòa nhà hay cầu đường. Người dán chúng là Camille Lextray, một thành viên trong tổ chức nữ quyền có tên Collages Feminicides. 

Mục đích của hành động này là khiến dư luận biết về các nạn nhân của nạn “femicide” - thuật ngữ chỉ hành vi giết hại phụ nữ của bạn trai, chồng hoặc thành viên gia đình. “Nó khắc họa một sự thật rằng đang có vấn đề đối với nước Pháp: chúng ta vẫn nghĩ phụ nữ thuộc về đàn ông”, Lextray nói.

Nhưng, Dibon là một trong ít nhất 137 phụ nữ tại Pháp bị bạn đời giết hại tính trong năm 2019. Trước khi vụ án này xảy ra, ba vụ án mạng đầu tiên trong năm 2019 đều xảy ra vào ngày 6-1. 

Monica, 29 tuổi ở Toulouse đã bị bạn đời Felisberto sát hại vì cho rằng cô đã lừa dối anh ta. Pascale, 56 tuổi ở vùng Yvelines bị Robert, người chồng 69 tuổi bắn nhiều phát vào người sau một cuộc tranh cãi gay gắt. Cuối cùng là Taina, 20 tuổi, được tìm thấy dưới một cây cầu ở Seine-et-Marne sau khi bị Jonathan, người tình 21 tuổi, giết chết vì mâu thuẫn khi chia tay. 

Theo thống kê, cứ ba ngày lại có một phụ nữ ở Pháp bị bạn đời hoặc tình cũ sát hại và mỗi năm có 220.000 phụ nữ ở quốc gia này trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Các nhà điều tra tin rằng số phụ nữ bị sát hại có thể sẽ tiếp tục tăng nếu không có các biện pháp ngăn chặn tình trạng này.

Dù vẫn chưa rõ nguyên nhân đứng sau sự gia tăng của các hành vi bạo lực tại Pháp, vấn đề này đã thu hút sự chú ý rộng rãi từ dư luận, đặc biệt là sau khi Tổng thống Emmanuel Macron bắt đầu sử dụng thuật ngữ “femicide” để chỉ việc phụ nữ bị sát hại. 

Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng vào những năm 1970 nhưng không được công nhận chính thức trong các bộ luật hình sự của Pháp. Tuy nhiên, mới đây Bộ trưởng Cơ sở về Bình đẳng giới Marlène Schiappa cho biết, thuật ngữ này sẽ sớm được bổ sung vào các văn bản luật sau các buổi thảo luận của Chính phủ.

Theo dữ liệu gần đây nhất của Eurostat, kể từ năm 2015 đến nay, phụ nữ tại Pháp bị sát hại nhiều hơn ở Anh, Italia và Tây Ban Nha. Năm 2017 có 130 phụ nữ bị giết bởi chồng hoặc bạn đời, tăng hơn 7  người so với năm 2016; năm 2018, 121 phụ nữ Pháp đã bị sát hại bởi chính chồng mình. 

Theo điều tra của AFP, chia tay chính là nguyên nhân chính của các vụ án mạng, chiếm tới 23%, tiếp đến là cãi vã và ghen tuông; khoảng 41% nghi phạm tự sát sau khi giết hại bạn đời. Nhiều nạn nhân trước đó đã báo cáo hành vi bạo hành và lạm dụng với cơ quan chức năng, nhưng đều nhận được sự phản ứng tắc trách và chậm trễ.

Helene de Ponsay cho phóng viên CNN xem ảnh người em gái Marie-Alice Dibon bị bạn đời sát hại. Ảnh: CNN

Cảnh sát có lỗi khi thờ ơ trước sự cầu cứu của nạn nhân

Tình trạng bạo lực này đang gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua, gây bức xúc lớn trong xã hội Pháp. Các hiệp hội bảo vệ quyền lợi của nữ giới chỉ trích lực lượng Cảnh sát Pháp đã cố tình làm ngơ trước loại hình tội phạm này khi thường không can thiệp hoặc can thiệp muộn khiến án mạng xảy ra. 

Theo một báo cáo do Bộ Tư pháp Pháp công bố mới đây, trong một nghiên cứu 88 vụ việc phụ nữ bị giết bởi bạn đời, kết quả cho thấy có đến 65% trong số đó đã từng cầu cứu giới chức Pháp.

Trong số những nạn nhân xấu số ấy có Julie Douib, 34 tuổi, người bị chồng cũ giết hại vào ngày 3-3-2019, cô bị chồng cũ bắn hai phát đạn và tử vong tại nhà ở Corsica, để lại hai đứa con mới 8 và 10 tuổi mồ côi. 

"Ngày nào tôi cũng khóc thương con gái tôi. Cảnh con tôi bị giết thật đáng sợ. Julie mở cửa ra, còn hắn cầm súng bắn vào con bé. Con tôi cố chạy ra ban công, nhưng hắn vẫn bắn tiếp. Người hàng xóm nói rằng bà ấy thấy hắn và Julie đi xuống cầu thang. Julie chỉ kịp hấp hối và nói rằng hắn chính là thủ phạm giết người", ông Lucien Douib, bố của Julie cho hay. 

Nỗi đau buồn nhất của gia đình nạn nhân Julie là việc họ đã biết về vấn đề bạo lực gia đình, đã từng báo với cơ quan chức năng hết lần này đến lần khác nhưng không ai quan tâm. 

Ông Lucien Douib cho biết: "Con tôi đã từng khiếu nại 5 - 6 lần với cảnh sát rằng hắn có súng và có thể giết con tôi bất cứ lúc nào. Nhưng 3 ngày trước khi con gái tôi bị giết, tất cả những khiếu nại đều bị bên chức năng huỷ hiệu lực. Tôi thật không hiểu tại sao. Con tôi đã lo sợ rằng chỉ khi nó chết, người ta mới thật sự nghĩ sự việc này nghiêm trọng". 

Giờ đây, vượt qua nỗi đau mất con gái, ông Lucien và vợ quyết định cùng tham gia nâng cao nhận thức và kêu gọi hành động của cộng đồng bảo vệ phụ nữ, trong ngày quốc tế loại trừ bạo lực đối với phụ nữ.

Phụ nữ Pháp biểu tình ở Paris để phản đối bạo lực tình dục. Ảnh: EPA.

Chính phủ phải ra tay

Trước những sức ép ngày càng gia tăng, Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đã thực hiện một số phương pháp để giải quyết vấn đề. Vào ngày 3-9, Chính phủ Pháp đã tổ chức một buổi đối thoại cấp quốc gia với mục đích ngăn chặn bạo lực gia đình, điều được một số luật sư và công tố viên nhìn nhận như một “dịch bệnh” đang ngày một lan rộng và nghiêm trọng. "Phụ nữ Pháp đã bị chôn vùi trong sự thờ ơ của chúng tôi", Thủ tướng Edouard Philippe phát biểu hồi tháng 9 trước khi thông báo loạt biện pháp chống bạo lực gia đình.

Thủ tướng Philippe khuyến khích việc bổ nhiệm các công tố viên và tòa án đặc biệt để xử lý các trường hợp bạo lực gia đình một cách nhanh chóng. "Đã đến lúc chúng ta phải hành động để bảo vệ hơi thở, quyền được sống của những người phụ nữ Pháp. 

Những người phụ nữ bị bạo hành thường không thể tự chủ, phải lệ thuộc vào tài chính của đối phương để sống và nuôi con. Chính vì thế, họ không thể tự thoát thân. Giờ chúng tôi sẽ chi 5 triệu Euro để xây dựng thêm 1.000 cơ sở hỗ trợ khẩn cấp, để họ có thể tìm tới nơi an toàn", Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cam kết.

Chính phủ Pháp cũng phát động một chiến dịch truyền thông để công chúng biết nhiều hơn về số điện thoại 3919 hỗ trợ nạn bạo hành gia đình. Quá trình tham vấn đã tiến hành từ ngày 3-9 về việc tăng cường các đường dây nóng hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực gia đình 3919 và sẽ tiếp tục cho đến ngày 25-11, Ngày Quốc tế về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. 

Trong suốt 12 tuần, Chính phủ Pháp tổ chức 91 hội nghị trên khắp đất nước để thảo luận về cách phòng chống hành vi bạo lực và sát hại đối với phụ nữ, bảo vệ các nạn nhân đứng lên tố cáo và đề ra các hình thức xử phạt thích hợp.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khoản ngân sách này là không đủ để đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho phụ nữ. Các nhà hoạt động vì bình đẳng giới đã tăng cường nỗ lực và kêu gọi Chính phủ Pháp đầu tư nhiều hơn cho công tác khắc phục hậu quả của bạo lực gia đình. 

Luc Fremiot, cựu công tố viên - người đi tiên phong trong nỗ lực giúp đỡ những người sống sót sau bạo hành gia đình ở Pháp cho hay: “Phụ nữ cần được coi trọng và nhìn nhận nghiêm túc sau khi tới đồn cảnh sát để trình báo về vấn đề của mình. Ngoài ra, các sĩ quan không thực hiện báo cáo về hành vi bạo lực đều phải chịu các mức kỷ luật thích đáng”.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, hơn một nửa trong số 87.000 phụ nữ và trẻ em gái bị sát hại năm 2017 là do bạn đời và người tình cũ gây ra. Theo Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women), có đến 35% phụ nữ trên thế giới đang là nạn nhân của bạo hành gia đình. Trung bình cứ một giờ lại có ba phụ nữ bị bạn đời, người yêu hoặc các thành viên khác trong gia đình sát hại.
Đức Quý (tổng hợp)
.
.
.