Nỗi đau và những ký ức kinh hoàng của nạn diệt chủng ở Rwanda

Thứ Hai, 28/05/2012, 16:09
Người dân Rwanda không muốn cả thế giới quên đi những gì đã xảy ra cách đây 18 năm. Bản thân họ chắc chắn không thể quên được những nỗi đau mà họ phải chịu đựng trong nạn diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người.

Cuộc nội chiến tàn sát đẫm máu

Nạn diệt chủng kinh hoàng Rwanda đã xảy ra trên đất nước Rwanda của châu Phi. Đây là một quốc gia nhỏ nằm kín trong lục địa tại vùng hồ lớn Trung Đông Phi. Dân số khoảng gần 9 triệu người lại sống trên một địa hình tương đối thuận lợi, đất đai màu mỡ. Chính vì vậy mà Rwanda là một đất nước có mật độ dân số cao nhất lục địa đen.

Người dân di cư đến sống tập trung tại đây bởi họ có nhiều cơ hội để canh tác và phát triển cuộc sống nhờ vào những điều kiện thuận lợi mà thiên nhiên ban tặng. Nhưng những người dân nơi đây không biết gìn giữ cũng như bảo vệ những gì mà họ có. Nguồn sống của người dân Rwanda phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp tự cung tự cấp, mật độ dân số ngày càng tăng cao, đất đai không còn sự màu mỡ mà dần thoái hóa. Chính những điều này đã khiến cuộc sống của người dân dần đi vào khủng hoảng và bế tắc.

Họ bắt đầu tranh đấu để giành miếng cơm manh áo mà không cần phân biệt “đối thủ” của mình là ai. Bên cạnh đó là sự khắc nghiệt của khí hậu đã khiến nạn đói kéo dài, tình trạng suy dinh dưỡng lan rộng và sự suy thoái này đã trở thành một đại dịch của quốc gia Rwanda. Chính vì vậy mà Rwanda nổi tiếng là một đất nước có lịch sử xung đột lâu dài, tàn khốc, bạo lực và thảm sát hàng loạt. Trong lịch sử nổi tiếng đó là vụ diệt chủng dẫn tới cái chết của 1 triệu người chỉ trong 100 ngày nội chiến đẫm máu.

Cuộc chiến đẫm máu này bắt đầu từ ngày 7/4/1994 ở thủ đô Kigali ngay sau khi chuyên cơ của tổng thống nước này bị bắn rơi. Nạn diệt chủng này kéo vào cuộc chiến hai sắc tộc Hutu và Tutsi của Rwanda.

Từ thế kỷ XIII, người Tutsi, một sắc tộc chiếm khoảng 15% dân số ngày nay tại Rwanda, đang định cư tại Kenya và Tanzania đã di cư tới Rwanda rồi dần dần chiếm vai trò chính trị lớn trong xã hội. Những người này đã biết đến mảnh đất màu mỡ ở Rwanda nên họ tìm mọi cách để có thể vươn lên tìm một chỗ đứng nhất định trong xã hội mặc dù họ là những người di cư tới đây. Có thành viên trong dòng tộc này còn cố gắng để nắm giữ vị trí quan trọng trong xã hội, có người còn làm thủ lĩnh, lãnh đạo những người Hutu bản địa vốn chiếm tới 85% dân số.

Chính vì sự cạnh tranh này nên trong xã hội Rwanda đã xảy ra nhiều những xung đột, những cuộc nội chiến giữa các sắc tộc trong xã hội. Những suy nghĩ, phong tục tập quán, cách sống của mỗi sắc tộc hoàn toàn khác nhau nên những mâu thuẫn xảy ra là điều đương nhiên.

Những khác biệt ngày càng tăng kéo theo sự xung đột giữa hai người Hutu và Tutsi ngày càng lớn trên cả phương diện kinh tế và xã hội nhất là nền kinh tế của người Hutu ngày càng phát triển. Đất đai của người Tutsi bị thu hẹp lại, những người Hutu có tinh thần đoàn kết, họ đấu tranh đến cùng để bảo vệ cuộc sống cho những người trong tộc của mình.

Sự đối lập ngày càng trở nên rõ nét đặc biệt dưới thời kỳ thực dân Bỉ. Người dân Hutu không thể chịu đựng được khi người Bỉ trao quyền lãnh đạo cho người Tutsi. Những người Tutsi được nhận một đặc ân lớn, họ được nhận nhà cửa, đất đai và được người Bỉ tạo dựng các cơ sở vật chất, vị trí trong xã hội và nhất là hệ thống giáo dục. Chính điều này đã gây ra sự mất công bằng trong xã hội, người Hutu không chịu chấp nhận một số lượng dân cư ít trong xã hội lại có quyền hành cao như vậy. Mọi thứ của người Tutsi đều tốt và thuận lợi hơn rất nhiều so với người Hutu. 

Năm 1959, một cuộc cách mạng đã nổ ra, cuộc cách mạng này dưới sự lãnh dạo của Grégore Kayibanda, người Hutu, đã giải phóng Rwanda thoát khỏi chế độ thực dân Bỉ. Ba năm sau, Grégore Kayibanda vươn lên trở thành người lãnh đạo liên minh giữa người Hutu và người Tutsi vào năm 1962.

Tuy nhiên, đến đầu năm 1990 Rwanda rơi vào khủng hoảng kinh tế do sự trượt giá kim loại và cà phê trên toàn cầu đã khiến đồng nội tệ của Rwanda sụt giảm tới 67% và sự suy giảm GDP tới 15%. Vào thời điểm này, những người Tutsi lưu vong tại Uganda thành lập Mặt trận yêu nước Rwanda (viết tắt là RPF).

Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Rwanda được coi là nguyên cớ để RPF tiến vào Rwanda năm 1993. Sự lo sợ bị người Tutsi trả đũa từ phía người Hutu, những người đã nắm quyền lãnh đạo đất nước hàng thập kỷ, có thể khiến họ buộc phải nghĩ đến việc ngăn chặn RPF nói riêng và người Tutsi nói chung.

Năm 1993, để tránh sự giao tranh và chia rẽ giữa các sắc tộc, người Hutu và quân nổi dậy Tutsi chấp nhận ngồi lại để thương thuyết với nhau. Sau khi họp bàn, cả hai đã chấp nhận chia sẻ quyền lực. Tuy nhiên cho tới tận ngày 6/4/1994, Tổng thống Juvenal Habyarimana mới đồng ý đàm phán tại Burundi để thực thi hiệp ước thỏa thuận chia sẻ quyền lực.

Tối cùng ngày, trên đường về thủ đô Kigali, chuyên cơ của Tổng thống Juvenal Habyarimana bị trúng đạn. Thông tin này nhanh chóng được mọi người xác nhận và chưa ai xác định được ai là thủ phạm, quân nổi dậy Tutsi hay người Hutu đã bắn vào phi cơ của Tổng thống Juvenal Habyarimana, nhưng sự ra đi của Tổng thống đã châm ngòi cho nạn diệt chủng khốc liệt đã diễn ra chỉ vài giờ sau đó.

Nạn diệt chủng kinh hoàng trong lịch sử loài người

Những nhà lãnh đạo cao cấp Hutu đã lợi dụng việc bắn vào máy bay tổng thống, lấy cái chết của tổng thống là mốc khởi điểm giết và xóa sạch những người Tutsi cũng như những người Hutu hiền lành, không tham gia vào những cuộc nội chiến tranh giành vị trí trong xã hội trước đó. Cuộc tàn sát diễn ra hết sức dã man và vô nhân đạo. Con người có thể trừ khử con người không một chút e dè.

Các cuộc thảm sát dã man tại Rwanda.

Cả thế giới thực sự hoang mang và kinh hoàng trước hành động này nhưng dường như không ai có một động thái nào để can thiệp trước sự tàn sát người Tutsi và những người Hutu ôn hòa. Cũng có một số người có thắc mắc trước sự im lặng và cộng đồng quốc tế đã đưa ra nhiều lý do để biện hộ cho sự bàng quan với nạn diệt chủng kinh hoàng tại Rwanda này. Một số trong những lý do biện minh đó là vai trò của Liên hiệp quốc và Mỹ, khi đánh giá quốc gia Rwanda không phải là nơi có tiềm lực về mọi mặt để có thể được dành sự ưu ái đặc biệt.

Có 2.500 lính thuộc lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hiệp quốc đóng tại Rwanda trước khi xảy ra vụ thảm sát, nhưng khi tướng Dallaire chỉ huy lực lượng gìn giữ hoà bình tại Rwanda xin ý kiến chỉ đạo từ New York, khoảng 2h ngày 7/4, đã nhận được lệnh không can thiệp. Quân Hutu đã bắn chết 10 nhân viên thuộc lực lượng gìn giữ hoà bình người Bỉ. Khi đó, bất chấp những thỉnh cầu của Dallaire, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Boutros-Ghali và Kofi Annan, phụ trách khối lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc đã từ chối tiếp viện.

Lịch sử đau thương không bao giờ lặp lại

Đầu tháng 4/2004, nhân kỷ niệm 10 năm nạn diệt chủng Rwanda, các nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc hứa hẹn rằng lịch sử đau thương Rwanda sẽ không bao giờ lặp lại.

Chỉ trong vòng 100 ngày, có tới trên 800.000 người Tutsi và một số người Hutu ôn hòa bị giết chết. Cuộc chiến này đã ghi dấu ấn là một trong những nạn diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người.

Nạn diệt chủng xảy ra đã để lại bao nhiêu đổ nát trong xã hội. Kể từ khi nạn diệt chủng chấm dứt năm 1994, có khoảng 95.000 trẻ em bị mồ côi cha mẹ và khoảng 2.000 phụ nữ bị nhiễm HIV do bị hãm hiếp. Năm 2001, ước tính có khoảng 264.000 trẻ em bị mất mẹ hoặc bố vì bệnh AIDS và con số này có thể lên tới 350.000 trẻ em vào năm 2010. Con số trẻ em không được đến trường còn lớn tới 400.000 em. Tỷ lệ trẻ sơ sinh bị chết lên tới 1/5 ngay từ những ngày đầu tiên ra đời.

Những đứa trẻ lớn tuổi hơn trở thành nguồn cung cấp lao động rẻ mạt và nhiều khi sa vào tệ nạn xã hội như trộm cắp và du đãng. Hệ thống toà án thất bại trong việc đưa ra những phán quyết thuyết phục. Những kẻ cầm đầu không ngừng sát hại những người chúng cho rằng có thể đứng ra làm chứng chống lại chúng. Hậu quả của nạn diệt chủng vẫn còn đeo đuổi những người phụ nữ Rwanda với cái chết chậm chạp, đau đớn từ căn bệnh AIDS.

Tháng 7/1994, RPF kiểm soát được toàn lãnh thổ Rwanda sau khi đánh bại đội quân Hutu 40.000 người và buộc khoảng 2 triệu công dân lưu vong tại Burundi, Tanzania và Zaire cũ. RPF, sau đó, đã thiết lập chính phủ lâm thời thống nhất. Ngày 19/7/1994, một chính phủ đa sắc tộc được thành lập và cam kết những người tị nạn có thể trở về nước.

Cho đến năm 2004, đã có 500 người bị xử tử và hơn 100 ngàn người phải ngồi tù. Tuy nhiên một số kẻ cầm đầu vẫn còn lẩn trốn và nhiều nạn nhân vẫn chưa đòi lại được công bằng thỏa đáng. Ngày 26/12 cùng năm, toà án xét xử tội phạm quốc tế mở tại Arusha, Tanzania đã xét xử tội diệt chủng ở đất nước Rwanda. George Rutaganda, thủ lĩnh Interahamwe nhận án tử hình vào tháng 12/1999.

Ngày nay, Rwanda dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Paul Kagama đang cố gắng gạt những căng thẳng và bất đồng sắc tộc vào quá khứ. Chính phủ dưới quyền lãnh đạo của người Tutsi đã ban hành sắc lệnh cấm phân biệt sắc tộc. Người ta cũng tiến hành tái giáo dục những người trước đây sống chết với khẩu hiệu “quyền lực của người Hutu”. Vấn đề sắc tộc, cũng như những ám chỉ có thể gây kích động, hằn thù dân tộc đều bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ.

Động thái dứt khoát loại bỏ khỏi các cuốn sách giáo khoa, giấy tờ cá nhân và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác thông tin về chủng tộc (Hutu hay Tutsi), đã được thực thi toàn quốc. Toà án phán xét tội phạm đã được thiết lập và những người dân địa phương được tập hợp để thuật lại vụ sát hại mà mình biết hoặc trải qua, và "vạch mặt chỉ tên" kẻ hung bạo giết người man rợ. Đôi khi các nạn nhân cũng dễ dàng tha thứ cho tội lỗi đã qua của những người Hutu giờ đây đã biết hối cải.

Kí ức không thể nào quên

Tháng trước, người dân Rwanda đã kỷ niệm 18 năm sự kiện ngày 6/4/1994 – ngày diễn ra thảm họa diệt chủng kinh hoàng trong lịch sử loài người trên đất nước này. Với nhiều người, sự kiện này chỉ gợi lại đau buồn, nhưng lại là việc rất cần thiết, đây cũng là lúc những người còn sống đến thăm lại những nơi gia đình và bạn bè của họ bị giết hại.

Năm 1998, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã có chuyến thăm tới nơi này. Ông nói, nhân danh người dân Mỹ, xin lỗi người dân Rwanda vì đã không nỗ lực hết sức để ngăn chặn thảm họa diệt chủng năm 1994, thảm họa đã cướp đi mạng sống của 800.000 người chỉ trong 100 ngày nội chiến đẫm máu.

Trong số những người còn sống sót sau thảm họa đó, có một cô gái đặc biệt. Khi đó, cô là một cô gái trẻ, bị cưỡng bức tập thể và trên đầu vẫn còn vết sẹo to dài do bị dao rựa chém. Khi được hỏi: “Điều gì đã mang lại cho em sức mạnh để tiếp tục sống?”, cô đáp lại, đó là “niềm tin”.

Nhiều người đã trở lại miền đất này để ghi lại những gì mà con người nơi đây còn nhớ về thảm họa đã xảy ra trong quá khứ của họ. Một số người may mắn sống sót đã phải rất vất vả và khó khăn mới có thể vực dậy tinh thần để có thể sống tiếp những tháng ngày còn lại của cuộc đời. Họ tận mắt chứng kiến những người thân của họ chết thảm mà không có cách nào có thể cứu được. Chính bản thân họ cũng phải chịu đựng sự tra tấn, đau đớn về thể xác lẫn tinh thần.

Nhiều người quan tâm đã phải tìm mọi cách để có thể giúp một số các cô gái Rwamda kể lại câu chuyện đau lòng của họ. Họ gọi đó là “hiệu ứng con gái” – tìm hiểu về những sự kiện xảy ra cuộc sống thời thơ ấu của những cô gái trẻ sẽ ảnh hưởng tới tương lai sau này của họ.

Tại Rwanda, cách làm này gọi là “ni nyampinga”. Đây là cách nói bản địa, có nghĩa là trở thành một người phụ nữ đẹp từ bên trong lẫn bên ngoài. Tất cả những người dân Rwanda đều muốn quên đi cái quá khứ đau đớn mà họ đã phải trải qua. Đấy là nói vậy chứ trong tâm trí của họ thì có chết họ cũng không thể quên. Nhiều người còn bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề khiến sức khỏe không ổn định.

Một cô gái Rwanda năm nay 23 tuổi, tên là Didacienne "Dida" Nibagwire. Cô là một diễn viên trẻ, từng xuất hiện trong nhiều bộ phim và trên truyền hình Rwanda. Nhiều đứa trẻ phát cuồng lên khi nhìn thấy cô trên phố bởi vì chúng nhận ra cô từng xuất hiện trong loạt phim truyền hình về quyền trẻ em. Hơn ai hết cô là người thể hiện rất đạt trong phim để bảo vệ quyền trẻ em. Cô mong muốn tất cả những trẻ em không chỉ riêng đất nước cô mà trên toàn thế giới được hưởng một cuộc sống tốt đẹp, có một tuổi thơ bình yên và đầy những kỷ niệm đẹp.

Ngoài việc làm diễn viên, cô còn làm thêm về sửa chữa điện tử, phiên dịch để kiếm thêm thu nhập. Cũng giống như những người Rwanda khác, cô nói ít nhất ba thứ tiếng là Kinyarwanda, tiếng Anh, tiếng Pháp.

Dida là một phần trong thế hệ mới ở Rwanda có cơ hội và hy vọng để theo đuổi giấc mơ của mình. Cô là người cởi mở, dễ gần và nụ cười luôn trên môi. Nhưng con đường để Dida trải qua để có được nụ cười đó khó khăn vô vàn, và cô sẵn lòng trò chuyện về “cuộc chiến” đó.

Khi Dida lên 7 tuổi, cha mẹ của cô và 10 anh chị em ruột đã bị giết hại trong thảm họa diệt chủng. Những ký ức tuổi thơ của cô gắn liền với cuộc trốn chạy với chị gái, mẹ và rất nhiều lý do khác mà lúc đó cô không thể hiểu nổi. Dida nói rằng ban đầu cha cô bị bắn, sau đó tới lượt mẹ cô bị tấn công.

“Họ cầm một cái giáo xiên vào lưng của mẹ… Sau đó họ bắn em gái của tôi và cắt chân của một trong số các chị của tôi. Sau đó thì họ giết mẹ tôi, nhưng bà chưa chết. Bà đã đi tới chỗ các chị của tôi, và muốn uống nước, nhưng chị không thể đi ra ngoài để kiếm nước được. Sau đó thì mẹ chết” – Dida kể lại.

Dida và chị gái của cô là Claire thoát chết sau khi những kẻ giết người phóng lựu đạn. “Chị ấy ngủ ngay trước mặt tôi, và máu của chị ấy chảy khắp người tôi, những kẻ giết người nghĩ rằng bọn tôi đều đã chết. Đêm đó, chị ấy đã đưa tôi chạy trốn” – Dida kể.

Những ngày sau chuyến đi tử thần đó, Hai chị em Dida và Claire bị một nhóm khác bắt giữ và ném vào hố toàn xác người chết. “Một ngày, rất nhiều kẻ giết người và cả người đứng đầu tóm lấy tôi và chị gái, sau đó họ đào một cái hố rất to, rồi ném chúng tôi vào đó. Chúng tôi đã cầu xin họ tha cho chúng tôi” – Dida nói và hỏi Claire rằng liệu hai người đã chết hẳn chưa.

Hai chị em Dida đã may mắn thoát chết vì một người bạn của Claire đã trả tiền cho ai đó để lôi hai cô bé ra ngoài.“Điều đáng buồn là khi họ đóng cửa hầm lại, họ lại đưa một người đàn ông khác vào trong đó khi ông ta vẫn còn sống” – Dida nói. Đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong câu chuyện vô cùng phức tạp của Dida. Hết bị tra tấn này lại đến kiểu hành xác khác. Người đàn ông trong căn hầm đó đã liên tục tìm cách hãm hại hai chị em cô.

Lúc đó Dida chỉ nghĩ được rằng tại sao mình lại không chết theo cha mẹ và anh chị em của mình luôn. Tại sao cô lại sống để phải chứng kiến những điều khủng khiếp này. Cuộc sống phủ đầy sự tăm tối, tra tấn và chết chóc. Nó kinh hoàng đến mức nhiều khi nghĩ lại cô tưởng đó là một cơn ác mộng.

Khi được hỏi làm thế nào để cô có thể chịu được cả một thảm kịch dã man như vậy cho đến ngày hôm nay, cô trả lời: “Tôi nghĩ đó là một nghĩa vụ. Tôi phải làm điều gì đó tốt đẹp cho đất nước của mình… Tôi tự hỏi bản thân tại sao tôi ở lại, mà không phải là em gái, không phải là anh trai của tôi, và tôi nói rằng có lẽ ông trời muốn tôi ở lại làm điều gì đó”.

Tất cả người thân của Dida đã ra đi, những người hàng xóm, những người đồng hương của cô bị giết chết, còn cô được sống, đấy là trách nhiệm mọi người giao cho cô. Cô phải sống để chứng kiến sự thay đổi của đất nước, sống để tìm lại sự công bằng trong xã hội. Dida cứ nhủ với lòng mình như vậy để cô có đủ nghị lực để vượt qua nỗi đau của riêng mình, đứng lên tiếp tục cuộc hành trình của sự sống.

Mỗi ngày, Dida có vô số công việc để làm, từ biểu diễn, dạy học và nhiều việc khác. Cô rất tự hào về những vai diễn của mình đã thu hút sự chú ý của nhiều người về vấn đề bạo lực đối với các em gái. Tất cả trẻ em trên thế giới đều phải được bảo vệ và nuôi dưỡng nhất là những trẻ em gái.

Những bộ phim của Dida đã mang lại một niềm tin vào tương lai tươi sáng, vào một cuộc sống tốt đẹp cho tất cả trẻ em. Cô nói rằng chính điều này đã phần nào giúp cô hàn gắn vết thương lòng, nguôi ngoai được phần não nỗi đau vẫn ám ảnh cô suốt cuộc đời.

“Trên trái đất này không có thiên đường. Những gì xảy ra ở Rwanda đều có thể tái diễn ở những nơi khác” – Dida nói. “Rwanda không chỉ là nơi của thảm họa diệt chủng. Tôi nghĩ Rwanda còn nhiều điều khác. Tôi nghĩ mọi người khi nghe nói về Rwanda đều liên hệ ngay tới nạn diệt chủng, nhưng sau 18 năm qua, Rwanda đã ở một điểm nào đó rồi… Chúng tôi có nền văn hóa, có lịch sử, và còn có nhiều thứ khác nữa” – Dida tự hào nói. Điều đó hoàn toàn chính xác. Nỗi đau qua đi để lại nhiều sự mất mát và đau thương nhưng không phải vì thế mà chúng ta cứ mãi chôn vùi cuộc sống của mình trong những nỗi đau đó. Phải biết biến nỗi đau thành những việc làm để hàn gắn lại tất cả những vết thương không chỉ của mình mà của tất cả mọi người xung quanh.

Cuộc sống vẫn còn nhiều điều tốt đẹp cần khám phá. Có tìm hiểu những nỗi đau mà người dân Rwanda phải chịu đựng trong nạn diệt chủng kinh hoàng có một không hai trong lịch sử loài người, chúng ta mới thấm thía cuộc sống quan trọng thế nào, cần phải nâng niu và trân trọng những gì tốt đẹp mà mình đã và đang có

Phương Mai – Lam My
.
.
.