"Nô lệ thời hiện đại" trong ngành công nghiệp rửa xe ở Anh
"Đó là chế độ nô lệ như 150 năm trước đây"
Cùng với sự phát triển của những khu đô thị, các bãi rửa xe ở Anh cũng xuất hiện với tốc độ chóng mặt. Đây là lĩnh vực kinh doanh ít bị các cơ quan chức năng "soi". Giá của mỗi lần rửa xe ít nhất là 5 bảng Anh. Phần lớn người lao động trong lĩnh vực rửa xe hơi đến từ Đông Âu, châu Á và châu Phi.
Một số đến Anh bằng con đường hợp pháp, một số đến bằng con đường bất hợp pháp. Không ít người là nạn nhân của tội phạm buôn người. Hầu hết người lao động không biết nói tiếng Anh nên rất khó khăn trong quá trình giao tiếp cũng như xử lý các vấn đề phát sinh với khách hàng.
Có khoảng 200.000 người lao động làm việc trong lĩnh vực rửa xe hơi ở Anh |
Dawn Frazer, người đứng đầu Công ty dịch vụ tư vấn rửa xe CWA nói rằng, rất ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thực hiện đúng các quy định và trả lương đảm bảo mức tối thiểu cho người lao động.
"Những người lao động không biết quyền lợi của mình là gì. Họ là nạn nhân của tội phạm buôn người có tổ chức. Tình trạng bạo lực, bóc lột sức lao động diễn ra phổ biến", bà Dawn Frazer nói.
Phóng viên của Tờ DailyMail và một thông dịch viên tiếng Rumani đã có cuộc trò chuyện với Stefan (không phải tên thật), 27 tuổi - một người lao động trong cửa hàng rửa xe gần Tesco ở London. Stefan cho biết, anh làm việc từ 8 giờ sáng đến 18 giờ chiều mỗi ngày.
Theo thỏa thuận, anh nhận được 40 bảng Anh mỗi ca nhưng thực tế chỉ nhận được 25 bảng cho ca làm kéo dài 12 tiếng. Theo quy định của luật pháp Anh, người lao động trên 25 tuổi phải được trả 7,2 bảng Anh/giờ, 57,6 bảng Anh/tuần, một ngày làm tám giờ.
"Đó là chế độ nô lệ như 150 năm trước đây. Chúng tôi được yêu cầu rửa hàng trăm xe mỗi ngày. Chúng tôi không được phép hút thuốc hoặc nghỉ ngơi. Đôi khi chúng tôi được yêu cầu ở lại làm thêm hai hoặc ba tiếng", Stefan nói. Trước đó, Stefan làm việc ở một cửa hàng rửa xe khác ở East London. Anh chỉ được trả tiền cho hai trên tổng số năm ngày làm việc.
Khi hỏi phần tiền cho ba ngày làm việc còn lại, Stefan bị đe dọa đánh đập. Marius, 25 tuổi, bạn của Stefan nói thêm: "Chúng tôi biết việc trả lương như vậy là sai quy định nhưng không có sự lựa chọn nào khác. Chúng tôi cần tiền để gửi về quê nhà". Cả Marius và Stefan đều đã có vợ và con nhỏ ở Romania.
Điều kiện sống vô cùng tồi tệ
Stefan cho biết, anh và các đồng nghiệp phải sống, làm việc trong điều kiện vô cùng tồi tệ. "Môi trường làm việc khắc nghiệt cũng diễn ra tương tự trong nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, ăn uống, quán bar… nhưng lĩnh vực rửa xe thì đặc biệt tàn bạo. Chúng tôi không được cung cấp bất kỳ loại quần áo bảo hộ lao động nào.
Do phải tiếp xúc với nước cả ngày nên chúng tôi dễ bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, không ai dám phàn nàn vì có thể sẽ bị sa thải ngay lập tức. Khi chúng tôi lên tiếng đòi quyền lợi với ông chủ, sẽ có ba hoặc bốn người đàn ông đến "dằn mặt" chúng tôi. Một người bạn của tôi đã bị đánh gãy sống mũi trong một lần như thế", Stefan nói.
Khi các cơ quan chức năng đến kiểm tra, người lao động phải nói dối nếu không cũng gặp rắc rối lớn với ông chủ. "Người quản lý đe dọa rằng, nếu chúng tôi nói sự thật về thời gian làm việc, khoản lương nhận được thì sẽ gặp rắc rối lớn. Vì vậy, khi được hỏi, chúng tôi nói dối rằng, chỉ làm việc bán thời gian", Stefan nói.
Lao động rửa xe hơi ở Anh đang phải sống cuộc sống của những nô lệ thời hiện đại |
Chánh Thanh tra Phil Brewer, người phụ trách lĩnh vực hoạt động chống buôn người của cảnh sát Anh cho biết, công tác đấu tranh chống nô lệ thời hiện đại trong lĩnh vực rửa xe còn nhiều khó khăn vì người lao động không muốn gặp rắc rối khi xuất hiện tại tòa.
"Thực tế cho thấy, người lao động rất miễn cưỡng nói chuyện với cảnh sát vì tâm lý sợ chính quyền. Họ cảm thấy bị mắc kẹt và nghĩ rằng, không thể làm điều gì tốt hơn cho cuộc sống của mình", Chánh Thanh tra Phil Brewer nói.