Những người mẹ nhân hậu ở Làng thiếu niên Thủ Đức

Thứ Hai, 31/10/2016, 14:15
Tự nguyện về làm mẹ ở Làng đòi hỏi người phụ nữ không có bất cứ vướng bận nào từ gia đình, đồng nghĩa với việc họ sẽ không được phép lấy chồng vì phải dành toàn bộ thời gian cho những đứa trẻ.


Và cứ thế, họ lặng lẽ sống, quên nhu cầu riêng, hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho những đứa con không cùng huyết thống.

"Cánh chim" lạc đàn

Làng Thiếu niên Thủ Đức (P. Trường Thọ, Q. Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) một ngày cuối tuần nắng rất đẹp. Những ngôi nhà được thiết kế theo kiến trúc biệt thự nhà vườn. Xung quanh ngôi nhà được trồng nhiều cây xanh và các loại hoa.

Nụ cười trong veo của trẻ em ở Làng.

Không ồn ào, náo nhiệt, nghe đâu đó tiếng lá khô rơi xào xạc và tiếng lao động nhẹ nhàng, khe khẽ. Chị Dương Thị Yến là mẹ của những đứa con trong ngôi nhà Bình Mình 2.

Các con của chị Yến mỗi đứa một hoàn cảnh, một số phận và cuộc đời riêng. Nhưng chung quy lại, chúng đều là những đứa trẻ bất hạnh khi vừa mới lọt lòng mẹ. Chị Yến giới thiệu từng đứa con một và khéo léo kể về những "trang đời" tuy chưa dài nhưng đẫm nước mắt.

Bé Nguyễn Hoàng Duyên là con út trong gia đình chị Yến. 6 tuổi rồi nhưng chưa biết cha mẹ là ai. Nghe người ta kể lại, mẹ bé Duyên là một công nhân tỉnh lẻ lên thành phố làm việc, phải ở trọ nên sinh con không có khả năng nuôi, đành nhờ người cô nuôi giúp.

Sống cùng cô, bé Duyên phải chịu những trận đòn roi, hành hạ tàn nhẫn. Chính quyền đã can thiệp và đưa em vào Làng. Những ngày đầu, mặc dù được mẹ và các anh chị hết mực yêu thương nhưng Duyên sống khép mình và cô đơn đến tội nghiệp.

Hễ ai tới gần là em lùi lại, nép mình vào góc tường. "Có lẽ những trận đòn vẫn ám ảnh nên thấy người là em tránh xa và trợn tròn mắt sợ hãi vô cùng. Em đã bị tổn thương về tinh thần và thể xác quá lớn", chị Yến cho biết.

Rời gia đình Bình Minh 2, tạm biệt mẹ Yến và các con của mẹ, chúng tôi tiếp tục tới gia đình Bình Minh 9 của mẹ Trần Thị Hương. Mẹ Hương là người nhiều tuổi nhất trong các mẹ ở trung tâm.

Nhà mẹ Hương hiện có 7 đứa con. Hơn 30 năm nuôi dạy trẻ, chị Hương không thể nhớ hết có bao nhiêu đứa con được chị nuôi lớn rồi ra đời. Trong số này thì trường hợp của bốn anh em Phúc, Phát, Thành, Đạt vẫn để lại cho chị nhiều nỗi nhớ và kỷ niệm nhất. Hoàn cảnh của bốn anh em vô cùng đáng thương và bất hạnh.

Trong khi vợ đang mắc bệnh nan y thì chồng nhẫn tâm bỏ theo người đàn bà khác. Chính quyền địa phương thấy hoàn cảnh gia đình bi đát quá nên đưa hai đứa nhỏ nhất vào Làng, còn hai đứa lớn ở lại chăm sóc mẹ. Một tháng sau, người mẹ qua đời.

Một lần nữa, những người có trách nhiệm lại dang rộng vòng tay cứu giúp. Họ làm hậu sự cho mẹ xong thì đưa nốt hai anh em vào Làng. Đến nay, những đứa trẻ bất hạnh, mồ côi ngày nào giờ đã trưởng thành, lập gia đình riêng, có công ăn việc làm ổn định.

Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của những người làm mẹ ở Làng. Bên cạnh những em thành đạt ra đời, còn nhiều em không chịu nổi các quy định về quản lý, khi vào Làng được thời gian thì bỏ trốn ra ngoài. Đa phần các em đó trước kia là những trẻ lang thang, đi bán vé số, đánh giày… Các mẹ dù thương đến mấy, khóc hết nước mắt cũng đành phải nhìn các con ra đi.

Có những em một thời gian sau thì tìm về Làng như một sự quay đầu cuối cùng trên con đường cụt, cũng có những em không bao giờ trở lại nữa.

Mỗi đứa trẻ là một số phận đáng thương.

Theo quy định, các em khi ra đời sẽ không còn ràng buộc gì với Làng, nhưng không có nghĩa là Làng sẽ từ bỏ các em. Nếu em nào có nhu cầu, yêu thích công việc của Làng, Ban lãnh đạo sẽ tạo điều kiện cho em đó ở lại phục vụ Làng.

Ở ngôi Làng gia đình này, bao nhiêu năm qua, nhiều "cánh chim non" khi trưởng thành đã cất cánh tung bay và lại nhiều "con chim non" khác chưa đủ lông, đủ cánh tìm về mong một tổ ấm cho cuộc đời phía trước. Lớp này đi, lớp khác lại tới và lòng người mẹ vẫn luôn rộng mở để đón nhận.

Hành trình làm mẹ

Thời gian đầu làm mẹ quả là một thử thách vô vàn khó khăn đối với các chị. Ai cũng hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, nhưng khi bắt tay vào thực tế lại hoàn toàn khác. Nhiều mẹ dở khóc dở cười vì những đứa trẻ đa phần có quá khứ không được tốt nên chúng rất ương ngạnh, tính tình ngang ngược.

Các mẹ ngoài chăm sóc còn phải hiểu được suy nghĩ, tâm tư của từng em. Chị Hương chia sẻ: "Có những hôm trời mưa, tự nhiên thấy con ra ngoài hiên nhà ngồi khóc thảm thiết kêu gọi cha mẹ. Thấy vậy, những đứa khác cũng ra khóc theo.

Tết Trung thu ấm áp.

Tôi chẳng thể làm sao ngăn được chúng, đành ngồi khóc cùng. Lại có những em, khi vừa phải chứng kiến cảnh cha giết mẹ, gia đình tang tóc, chúng hụt hẫng trở nên cô độc. Những lúc như vậy, người mẹ phải sống cùng con, nắm bắt được tâm lý để chia sẻ với con". 

Trong mỗi gia đình ở Làng đều có một mẹ và đàn con ở độ từ 4 - 18 tuổi. Trai có, gái có, khỏe có, bệnh có. Trách nhiệm đặt lên vai người mẹ là rất nặng nề. Có nhiều bé bị bệnh về não, mỗi khi lên cơn đau thì quằn quại, thảm thương, vừa khóc vừa cười.

Mẹ còn đau khổ hơn khi nhìn con vật vã chống chọi với bệnh tật mà không giúp được gì. Là con gái đến tuổi dậy thì, mẹ phải khéo léo chỉ dạy cách chăm sóc bản thân và tự bảo vệ chính mình.

Là con trai, khi vừa bước sang tuổi 15, mẹ phải chuyển qua kí túc sống tập thể có thầy quản lý. Rồi mỗi lần, các con tranh cãi, gây gổ với nhau, mẹ phải làm trọng tài hòa giải…

Họ là mẹ độc thân ở độ tuổi từ 45 tới 54. Khi bước vào Làng, mỗi mẹ đều có một hành trình riêng nhưng vào rồi chẳng ai muốn ra nữa. 19 tuổi, chị Yến được nhận vào Làng.

Mới đầu, khi làng chưa đổi tên, vẫn còn là Trường Nuôi dạy trẻ mầm non I thì chị Yến là một bảo mẫu. Năm 1991, trường đổi tên thành Làng Thiếu niên Thủ Đức thì cũng là lúc chị Yến chính thức nhận chức mẹ. Công việc nhiều, những đứa con luôn cuốn lấy mẹ.

Chị Yến chẳng có thời gian lo việc riêng, đến đi chơi, gặp gỡ bạn bè cũng cắt luôn. Lặng đi một hồi, chị Yến trải lòng: "Tôi gắn bó với các con từ tuổi mười chín đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất của những cuộc hẹn hò trai gái.

Nhưng rồi mình gắn bó với những đứa trẻ sâu nặng quá, không để ý gì đến chuyện riêng tư nên lỡ thì, tình duyên cũng vụt mất khi nào không hay". Cứ thế, hơn nửa đời, người mẹ này sống bằng niềm vui của con.

Còn chị Hương, dù chuẩn bị về hưu nhưng khi hỏi đã có dự định gì cho mình chưa thì chị lắc đầu, chợt nỗi buồn hiện lên khuôn mặt. Là con út trong gia đình, chị Hương luôn được ba mẹ và các anh chị chiều chuộng.

35 tuổi, mọi người đã có gia đình con cái sum vầy thì chị Hương trở nên cô độc. Chị rất đoan trang, duyên dáng, cũng không thuộc diện xấu, nhưng vì sao chị không lấy chồng, chỉ có thể trả lời do duyên số.

Chị Hương cười, bảo: "Cũng không hiểu vì sao mình không rung động trước ai, mình cứ sống vô tư, hồn nhiên vậy thôi". Khi chị quyết định vào Làng làm mẹ, gia đình ai cũng phản đối, vì ái ngại việc con gái chưa chồng mà lại đi làm mẹ.

Chị tâm sự: "Lúc mới vào làm tôi bỡ ngỡ lắm. Nhìn thấy những đứa trẻ lớn bé lít nhít lại gọi mình bằng mẹ nữa, tôi thấy ngượng ngùng vô cùng. Phải mất thời gian khá dài, tôi mới làm quen được cuộc sống và bắt đầu gắn bó với các con".

Các tổ chức thiện nguyện thường xuyên về Làng thăm hỏi, tặng quà các em.

Trong những ngôi nhà của Làng, còn có mẹ Xế, mẹ Trinh, mẹ Liễu… Những người phụ nữ sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ, cuộc đời riêng của mình cho những đứa con mang nhiều dòng máu.

Kể về họ không bao giờ là đủ. Nói về những đứa con không bao giờ là hết. Trên đời này, có những điều trái với luân thường đạo lý nhưng người ta vẫn làm vì tòa án lương tâm không kết án họ.

Cũng trên đời này, có những người tự gánh lấy trách nhiệm, họ tự "kết nghĩa chung thân" để gắn cuộc đời mình cho những đứa trẻ bị chính cha mẹ ruột chúng ruồng bỏ. Những người mẹ vào Làng đều có một lý do quá đỗi bình thường: "Chúng tôi đã nợ các con quá nhiều nên cả đời này phải trả".

Làng Thiếu niên Thủ Đức là đơn vị trực thuộc sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh. Theo quy định của Làng, mỗi đứa trẻ khi được nhận vào Làng sẽ được nuôi dưỡng, chăm sóc và được học hành đàng hoàng. Năm 18 tuổi, tức học xong lớp 12, em nào thi đậu vào trường nào thì sẽ tiếp tục học, còn em nào không có khả năng học tiếp sẽ đi học nghề tại các trung tâm trực thuộc Sở, sau đó thì ra đời tự lập.
Ngọc Thiện
.
.
.