Những người Thụy Điển không thích khoe giàu
Quy tắc Jantelagen
Trong khu phố nội thành giàu có nhất của Stockholm, Ostermalm, các du thuyền tư nhân và quán bar nổi đỗ quanh bến du thuyền. Đại lộ rợp bóng cây liền kề, Strandvagen, tự hào có một số bất động sản đắt nhất thủ đô Thụy Điển, cũng như các cửa hàng và nhà hàng dành riêng cho giới giàu. Gần đó, là các tòa nhà thế kỷ 18 được trang trí công phu trong đó có các văn phòng sang trọng và các quán bar chỉ dành cho hội viên.
Khu vực này có nhiều người đeo kính râm sành điệu đang đón ánh nắng mùa thu. Nhưng gần như không thể tìm thấy ai thoải mái nói về sự giàu có của mình. "Tôi sẽ không nói cho bạn biết tôi kiếm được bao nhiêu vì tôi không biết vì sao nên nói", Robert Ingemarsson, 30 tuổi, chuyên viên cao cấp tiếp thị, nói. Khi được hỏi anh dùng tiền làm gì, anh nói đơn giản: "Tôi mua cổ phiếu, tôi thích đầu tư".
Victor Hesse, 24 tuổi, đang đi mua sắm, nói rằng anh sắp bắt đầu một chương trình tài năng quốc tế cho một thương hiệu lớn của Thụy Điển. Nhưng khi được hỏi về mức lương, anh nói: "Điều đó là bí mật".
Ăn sâu vào văn hóa Bắc Âu, Jantelagen là một quy tắc bất thành văn nhằm mục đích giữ cho mọi người dường như bình đẳng và giảm căng thẳng xã hội. Lời bàn tiêu chuẩn về Thụy Điển thường có xu hướng nhấn mạnh nền dân chủ xã hội, thuế cao và bất bình đẳng thấp về thu nhập so với thế giới.
Nhưng trong khi khuôn mẫu này bắt nguồn từ thực tế thì khoảng cách giàu nghèo vẫn không ngừng gia tăng kể từ những năm 1990. Số 20% dân giàu hiện nay kiếm được gấp 4 lần so với 20% dân ở dưới cùng về thu nhập.
Bến du thuyền trong khu nhà giàu ở Stockholm. |
Thu nhập cao là một mác nhãn của sự thành công ở nhiều quốc gia, nhưng người Thụy Điển có ác cảm sâu sắc khi phải nói về tiền của mình. Chúng tôi cố gắng nhiều lần để sắp xếp phỏng vấn những người Thụy Điển trẻ tuổi và giàu có, nhưng không xong; khi không ghi âm thì người ta vui lòng nói về những ngôi nhà thứ hai to lớn, về du thuyền gia đình, xe thể thao hoặc cuộc vui nhậu nhẹt lu bù ở các hộp đêm, nhưng đã là bình luận chính thức thì khó khăn lắm.
"Tôi có cảm giác rằng như vậy sẽ là khoe khoang, mà thật không may là tôi không thích thế", một tin nhắn viết như vậy và nó có vẻ đại diện cho quan điểm của nhiều người. Những người khác đồng ý phỏng vấn nhưng rồi nói là "quá bận" hoặc đơn giản là tránh mặt chúng tôi.
Nhưng tại sao lại như vậy? Trong khi việc bàn luận về sự giàu có của bạn là hoàn toàn thích hợp ở một số nơi trên thế giới, tại sao hình như không một ai ở Stockholm tự hào là mình giàu?
Lola Akinmade Akerstrom, một tác giả về văn hóa Thụy Điển, đã sống ở Stockholm hơn một thập kỷ, nói rằng nói về tiền là "một chủ đề rất bất tiện" ở Thụy Điển. Bà lập luận rằng khoe giàu - hoặc thậm chí bàn bạc về mức lương kha khá với một người lạ, là một điều cấm kỵ mà nhiều người Thụy Điển thực sự thấy "thoải mái hơn khi nói về tình dục và các chức năng thể xác".
Đó là một quan điểm mà Stina Dahlgren đồng ý, cô là nhà báo người Thụy Điển 28 tuổi, đã sống nhiều năm ở Mỹ. "Ở Mỹ, khi bạn nói rằng bạn kiếm được rất nhiều tiền, mọi người sẽ cổ vũ bạn và nói bạn giỏi quá, công việc hay quá. Nhưng ở Thụy Điển đây, nếu bạn nói rằng bạn có lương cao... người ta sẽ nghĩ bạn thật kỳ lạ", cô nói.
Andreas Kensen nói rằng Jantelagen là theo bối cảnh: bạn có thể khoe một chuyến đi du lịch trên phương tiện truyền thông xã hội, nhưng bạn sẽ không khoe với một người lạ. Nhiều nhà bình luận văn hóa đồng ý rằng một phần lớn của điều cấm kỵ có thể là do một quy ước văn hóa có nguồn gốc sâu xa Bắc Âu gọi là Jantelagen, nó đề cao ý tưởng không bao giờ nghĩ rằng mình hơn bất kỳ ai khác và nêu danh những người vi phạm quy ước này.
"Jantelagen là một quy tắc xã hội bất thành văn tồn tại ở Thụy Điển và rất nhiều nước Bắc Âu", Akinmade Akerstrom giải thích, bà đi sâu về chủ đề này trong cuốn sách “Bí mật sống tốt của Thụy Điển”. "Đó là không nên mặc diện quá, không khoe khoang không cần thiết, và đó là cách giữ phần lớn mọi người bằng nhau... để loại bỏ các nguồn gây căng thẳng trong một nhóm nào đó".
Jantelagen - dịch sang tiếng Anh là Luật của Jante - lấy tên từ một thị trấn tuân thủ luật lệ Jante, được nói đến một cuốn sách hư cấu của tác giả người Na Uy-Đan Mạch Aksel Sandemose vào năm 1933. Nhưng tiến sĩ Stephen Trotter, một học giả người Na Uy-Scotland (viết về khái niệm này khi ông đang làm việc ở Đại học Glasgow ở Scotland) nói rằng quan điểm này đã tồn tại ở Bắc Âu, đặc biệt ở vùng nông thôn, trong nhiều thế kỷ.
Như một cách ngắn gọn để tôn vinh sự khiêm tốn và nhún nhường, Jantelagen không khác gì “hội chứng cây anh túc cao”, một thuật ngữ phổ biến ở Úc và New Zealand để nói về những người hay khoe giàu sang và địa vị.
Ở Scotland, người ta gọi là “tâm lý con cua”- một cách suy nghĩ gợi nhớ một con cua cứ cố bò ra khỏi một cái xô, nhưng bị các con cua khác (cũng bị bắt) níu kéo lại. "Bạn có thể nói rằng dân Scandinavia đã tìm được một từ thông dụng phù hợp và tổng quát tốt hơn bất kỳ ai khác", Trotter nói.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng cách mà Jantelagen tác động ở Thụy Điển và các xã hội Bắc Âu khác có liên quan đến các chuẩn mực văn hóa cụ thể ở các quốc gia này.
"Bạn có thể nói chuyện về ngôi nhà gỗ nhỏ của mình trong rừng có sưởi ấm dưới sàn và có hàng hiên. Mọi người sẽ không nói gì, đó là điều thông thường ở các nước Bắc Âu và nhiều người có nhà thứ hai ở đây", ông lập luận. "Nhưng để nói rằng bạn đã chi cùng một số tiền như vậy mua 2 xe Lamborghini - bạn có thể sẽ bị chê cười một chút!".
Người nhập cư sẽ thay đổi quy tắc
Những người trẻ tuổi như Nicole Falciani, người chuyển sang truyền thông xã hội để thành đạt, coi Jantelagen như một rào chắn ngăn cản việc đánh giá tốt công việc khó khăn.
Akinmade Akerstom lập luận rằng trong khi Thụy Điển đã rất nỗ lực để duy trì hình ảnh toàn cầu của mình như một nền dân chủ xã hội không giai cấp, nhưng nhiều người Thụy Điển vẫn sinh hoạt trong phạm vi lớp người có thu nhập tương tự. Điều này, bà nói, có nghĩa là các quy tắc Jantelagen có thể do đó mà thay đổi tùy thuộc vào nhóm người; khoe khoang dễ được chấp nhận hơn giữa những người có cùng điều kiện.
"Trong nội bộ những người có cùng địa vị kinh tế xã hội, họ (những người giàu) sẽ thoải mái hơn. Họ có thể nói về ngôi nhà mùa hè hoặc xe hơi của họ với mọi người có cùng mức độ".
Trở lại khu phố Ostermalm, Andreas Kensen, 33 tuổi, không sống ở khu phố này nhưng đang dành buổi chiều ghé thăm các cửa hàng thông minh ở đây, đồng ý rằng Jantelagenis là theo bối cảnh. "Tôi chắc chắn sẽ nói với bạn bè rằng chúng tôi đã đi du lịch hoặc, bạn biết đấy, khoe nó trên Instagram hoặc Facebook. Nhưng với người lạ mới gặp, tôi không thể nói được", anh giải thích.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều người Thụy Điển trẻ và thành đạt đang bắt đầu chỉ trích Jantelagen, và kêu gọi nói chuyện nhiều hơn về sự giàu có và thành công. Trong số họ có Nicole Falciani, 22 tuổi, bắt đầu kiếm tiền từ việc viết blog khi còn là thiếu niên và hiện là người có ảnh hưởng lớn, với 354.000 người theo dõi trên Instagram.
Tại một buổi chụp hình đồ trang sức đám cưới lộng lẫy tại một quán cà phê ngoại vi thị trấn, cô chẳng ngại khi chúng tôi hỏi cô về mức phí thông thường: khoảng 20.000 đô la cho mỗi cuộc vận động. Đó là tiền cô chi chủ yếu cho túi hàng hiệu và đi du lịch, trong khi đã mua một căn hộ ở trung tâm thành phố khi mới 20 tuổi.
"Tôi mong rằng Jantelagen sẽ biến mất, bởi vì tôi nghĩ điều đó sẽ tốt hơn cho mọi người sống ở đây... Xã hội của chúng ta sẽ cởi mở hơn rất nhiều nếu chúng ta có thể nói về tiền", cô lập luận. "Ý nghĩ cho rằng mọi người nên bình đẳng và tất cả chúng ta đều giống nhau là ý nghĩ hay. Nhưng nó không như thế, bởi vì nếu bạn làm việc chăm chỉ hơn những người khác thì bạn nên tự hào về điều đó".
Andreas Kensen không thích chia sẻ thu nhập của mình với người lạ. |
Cornelius Cappelen, phó giáo sư về chính trị so sánh tại Đại học Bergen ở Na Uy, tin rằng sự nổi lên của truyền thông xã hội là ở phía sau của phản ứng mạnh mẽ của giới trẻ chống lại Jantelagen. Ông lập luận rằng việc viết blog và đặc biệt blog video đang ủng hộ kiểu "chủ nghĩa cá nhân đang tràn lan" mà nó thúc đẩy sự tách khỏi đám đông, mà cho đến gần đây, nó ít phổ biến hơn ở các nước Bắc Âu so với các quốc gia phương Tây khác, đặc biệt là Mỹ.
"Càng ngày càng có nhiều người sử dụng thuật ngữ Jantelagen như một sự xấu xa - đặc biệt, nhiều người trẻ tuyên bố rõ ràng rằng họ ghét lối suy nghĩ này", ông lập luận.
Akinmade Akerstrom cũng tin rằng truyền thông xã hội đã có tác động lớn. Từ khi mà khoe khoang trở thành việc bình thường trên Facebook và Instagram thì người Thụy Điển có thành tích cá nhân nổi bật đã bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn khi công khai hóa thành công của họ, bà lập luận. "Có những người rất thành thạo, tài giỏi, trước bị Jantelagen dìm xuống, nhưng rồi họ thấy nhiều người tầm thường khoe khoang trên mạng một cách tự tin".
Với sự gia tăng nhập cư và dòng văn hóa nước ngoài thì khái niệm Jantelagen ở Bắc Âu dường như đang biến mất, nhưng đến mức nào thì còn phải chờ xem. Nhưng Cornelius Cappelen, phó giáo sư tại Đại học Bergen, Na Uy, nói rằng ông cũng không chắc chắn về khả năng khái niệm này sẽ biến mất.
"Nó sẽ tồn tại trong tương lai không? Vâng, tôi cũng nghĩ tốt như bạn. Nhưng tôi muốn nói điều này: Tôi hy vọng khía cạnh tốt đẹp của nó sẽ tiếp tục tồn tại, và tôi hy vọng rằng khía cạnh tiêu cực của nó sẽ mất đi”.