Những đứa trẻ vật lộn mưu sinh giữa đại ngàn
1. Xe qua đèo Phượng Hoàng (huyện MaDrak, tỉnh Đắk Lắk), những giọt mưa rừng phả vào người, ngấm lạnh. Giữa đường, chúng tôi gặp cậu bé đi nhặt phân bò đang lầm lũi cõng trên vai một bao “chiến lợi phẩm”.
Tôi đến gần, từ cơ thể gầy đét, xám ngắt của nó bốc lên một mùi chua của mồ hôi, mùi của phân, mùi mốc thếch của bộ quần áo bám bết bụi bẩn. Bàn tay của nó chằng chịt vết xước, những ngón tay nứt nẻ, cáu xì, cứng đơ vì chai sần. Hai cẳng chân cong queo như cây củi khô, sẹo mới sẹo cũ chồng lên nhau thâm đen, loang lổ gân xanh.
Chiều về, trẻ em đổ ra đường sau một ngày đi rừng kiếm ăn. |
Cậu bé tên Y’Liêu, 10 tuổi, nhà ở xã Ea Trang, nằm trên đỉnh Phượng Hoàng. Liên đang học lớp 2, nhưng chưa thuộc hết bảng chữ cái. Cũng vì “thành tích” ấy mà cô giáo “giữ lại” hai lần nên tuổi đời già hơn tuổi đến lớp. Hôm nay nó tự cho mình nghỉ học đi ra ngoài kiếm ăn. Bao phân bò, người ta sẽ trả cho nó khoảng 10 ngàn đồng, đủ mua gạo nấu cơm ăn với muối ớt.
Y’Liêu dẫn chúng tôi về nhà. Đó là một căn chòi lợp lá tranh, xung quanh thưng bằng những thân nứa đập dập đan vào nhau. Bên trong căn nhà, bố Y’Liêu đang lắc lư ngất ngưởng với chai rượu uống cùng trái xoài xanh chua loét. Dưới gầm giường, nồi cơm trơ mảng cháy đen, nguội tanh...
Mới ngoài 30 tuổi mà trông mặt YSiêu nhăn nhúm như quả táo khô, vương đầy nếp chân chim và nốt ruồi đen. YSiêu chồm dậy, mắt trắng xanh quắc một lượt dò xét người lạ rồi chiếu thẳng vào mặt thằng con trai, ném một câu sặc mùi cồn: “Mày dẫn ai về”? Thằng bé luống cuống trả lời bằng hai tiếng bản địa chỉ có bố nó hiểu.
Nhìn đôi môi mốc thếch, men mét gắn vào khuôn mặt bì bì, choắt lại của người cha khiến chúng tôi rùng mình với bức tranh cuộc sống trong gia đình YLiêu. Trên đường về nhà, thằng bé kể rằng, ngày mẹ chưa bỏ đi, bố hiền và chịu làm lắm, không uống rượu và khó tính như bây giờ.
YLiêu còn quá dại khờ để hiểu nguyên nhân của sự tàn phá cơ thể lẫn thay đổi tính cách trong con người của bố. Nhìn vào vũng mắt sâu hoắm của YSiêu, chúng tôi phần nào đoán được dấu vết tàn nhẫn của thời gian và nỗi buồn thê thảm kéo lê từ quá khứ về hiện tại.
2.Trở ra đèo Đắk Nuê (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi gặp Trương Thị Quảng (14 tuổi), nghỉ học khi vừa hoàn thành chương trình lớp 3. Quảng cho biết: “Mẹ em nói học đến đó là biết chữ rồi, phải đi làm kiếm gạo thôi”. Hết mùa mót điều, Quảng sẽ đi mót sắn, mót lúa.
Quảng là con cả trong gia đình có 6 người con. Mẹ Quảng từ ngày lấy chồng về chỉ bận rộn với nhiệm vụ đẻ con, chưa bao giờ nhàn hạ để đi làm. Còn bố Quảng hiện đang là một phu trầm ở khắp các cánh rừng từ Lâm Đồng xuống Khánh Hòa.
Quảng không hiểu được nghề của bố có vất vả không, có làm ra nhiều tiền không. Em chỉ biết bố vắng nhà thường xuyên, vài tháng mới trở về. Và thời gian sau thì thấy cái bụng của mẹ lùm lùm, Quảng biết mình sắp có em bé. Bố đi biền biệt, họa hoằn lắm mới có quà mang về nên sự mong ngóng về nơi xa ấy dần mờ nhạt và bị lãng quên trong đầu chị em Quảng.
Những đứa em của Quảng ngồi bệt xuống đất chơi đùa. |
Hàng ngày, mấy chị em quần quật với việc mót hái và tìm cái ăn. Điều năm nay mất mùa nhưng giá lại cao nên chủ vườn tận thu cả hạt lép, chẳng để lại gì cho những đứa trẻ đi mót. Muốn có “chiến lợi phẩm”, Quảng phải cuốc bộ vào sâu trong rừng, tìm đến những rẫy có địa hình ngăn sông cách núi. Ở đó, người ta ngại đường khó khăn nên chỉ thu hoạch tập trung.
Thường thì họ sẽ bỏ lứa điều cuối mùa vì chỉ có lác đác vài quả, cho cánh mót lượm như Quảng có cơ hội kiếm ăn. Quảng tâm sự: “Chúng em phải đi từ lúc 5 giờ sáng, đến nơi tầm 8 giờ. Mót đến 2 giờ chiều trở ra là vừa. Có hôm gặp mưa, đường trơn, ngã như đập bị. Ra khỏi bìa rừng trời tối đen, lần mò tới khuya mới về được nhà”.
Nhà Quảng nằm chênh vênh trên một ngọn đồi trọc, xung quanh chỉ có bờ lau sậy khô héo rũ mình theo gió. Mấy ngày nay trời mưa to, nước suối dâng cao ngập lối vào rừng nên Quảng nghỉ ở nhà phụ mẹ trông em. Dưới Quảng còn 5 đứa em lít nhít, nheo nhóc. Ba đứa đã đến tuổi đi mẫu giáo mà vẫn trần truồng nhem nhuốc vày vũng ở nhà, không được đi học.
Người đàn bà nhiều con Nông Thị Tới (33 tuổi) nở nụ cười rất trong mời chúng tôi vào nhà. Chị sốc lại quần áo, túm vội mớ tóc bù xù ngồi trên cánh võng đong đưa tiếp khách. Do ít phải ra nắng nên mặt mày chị sáng sủa hơn Quảng, đôi môi ít thâm và móng tay cũng ít cáu bẩn.
Căn nhà nơi Y’Liêu sinh sống. |
Hỏi người mẹ sao con gái nhỏ xíu đã bắt nó đi làm? Chị trả lời tỉnh bơ: “Nhà đông em thì phải thế thôi. Nó còn sướng hơn mẹ nhiều, tôi bằng tuổi nó làm gì được học cái chữ”. So sánh cuộc đời mình với cuộc đời con gái nên Tới hồn nhiên quăng con ra đời với cái ý nghĩ “còn sướng hơn mẹ chán”. Chồng đi biền biệt, mẹ con Tới ở nhà rau cháo nuôi nhau, tất cả cơm gạo trông chờ vào tài mót hái của hai chị em Quảng, Tân.
Kể về chồng, Tới chép miệng thở dài: “Đời phu trầm bạc bẽo và nghiệt ngã lắm. Bố lũ trẻ lao thân vào nghề này cũng được ba năm rồi, nhưng chưa thấy tiền bạc đâu cả. Mỗi lần về nhà, nhiều lắm cũng chỉ mua được cho các con mấy bịch kẹo cứng. Tôi khuyên ở nhà, đói no còn gần vợ con chứ cứ đi như thế khéo bỏ xác trong rừng lúc nào không biết”.
Nhìn thật lâu vào đôi mắt của người đàn bà này, thấy rõ một nỗi buồn nặng trĩu. Chị ta bất lực trước hoàn cảnh, sống buông xuôi với nỗi âu lo cơm áo gia đình. Những đứa con phải gánh oằn vai làm lụng nuôi em thay mẹ.
Quảng thoăn thoắt lao vào bếp đặt nồi cơm rồi tất tả chạy đi giặt quần áo, chốc chốc lại gào thét mấy đứa em nghịch bẩn. Trời xế trưa, bóng nắng đổ tròn gốc cây trước sân nhà, con Tân đi bán điều về. Trên xe của nó treo lủng lẳng các loại bịch. Nào là gạo, muối, rau xanh và khoảng 1kg thịt lợn rẻ tiền.
Tân thở hổn hển, mồ hôi bết vào mớ tóc rối. Mấy đứa em ùa ra tranh cướp bịch nước đậu, đánh nhau khóc chí chóe. Tân nói với Quảng: “Gió thế này chắc chiều nay không mưa to đâu. Mình ăn cơm nhanh còn đi”.
Vậy là, bữa cơm trưa vội vã của hai đứa trẻ còn chưa trôi kịp xuống dạ dày đã phải lên đường. Theo chân chị em Quảng đến bìa rừng, chúng tôi phải dừng lại vì cơn mưa đằng Đông đang kéo đến mù trời. Quảng cho biết: “Đã đi tới đây rồi chúng em không về nữa, chỉ cần qua con suối kia, rồi mưa to thế nào thì mặc kệ”. Thế rồi, bóng hai đứa trẻ mất hút vào cửa rừng xanh thẳm.
Những ngày ở rừng, chúng tôi từng theo chân cô giáo cắm bản Nguyễn Thị Dũng (Trường THCS Chu Văn An, xã Yang Tao, huyện Lắk) “đi đòi” học sinh trở về trường. Lớp Dũng chủ nhiệm chưa đến 30 em nhưng ngày nào đông nhất cũng chỉ được mười mấy em. Bi đát nhất là vào mùa vụ, học sinh đồng loạt nghỉ đi mót hái, lớp học chỉ lèo tèo ba bốn đứa.
Ánh mắt trong veo của trẻ thơ nơi đại ngàn thăm thẳm. |
Dũng thức dậy khi sương mai còn trắng xóa các mái nhà, chạy xe máy gần chục cây số vào nhà học sinh “mai phục” ở cửa kẻo sợ nó dậy đi rừng mất. Có đứa vừa mở cửa ra, nhìn thấy cô giáo là chuồn ra phía sau, mất hút. Có đứa xin cô đi vệ sinh ngoài vườn sắn, mấy tiếng sau vẫn chưa thấy trở ra.
Hôm nào thành công nhất thì cô giáo “bắt” được một đứa đến trường, còn lại đều trở ra tay trắng. Dũng cho biết, đi “bắt” riết cũng thành quen, chúng em xem đây là một trong những nhiệm vụ của việc dạy học.
Hè đã điểm, dù trong vườn điều, trên rẫy mì, ruộng ngô lúa đã xác xơ sau mùa thu hoạch nhưng vẫn lổn ngổn những mái đầu thấp lè tè lao nhao đào bới, kiếm tìm vài thứ còn sót lại. Ở đây, dường như trẻ em đi làm đã trở thành quen và bản thân chúng cũng tự thấy vui vẻ, hạnh phúc với việc kiếm ăn của mình.