Những đứa trẻ mưu sinh trên quốc lộ

Thứ Sáu, 22/05/2020, 09:37
Dưới cái nắng như đổ lửa mùa hè, trên các con đường Quốc lộ 51 nối Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai, Quốc lộ 1A qua Bình Dương, TP HCM hằng ngày vẫn có những đứa trẻ chân trần đội nắng lao ra đường bán hàng rong kiếm sống. Ngày nắng cũng như mưa, chúng canh tình trạng kẹt xe để có thể bán hàng.


Ngoài dạn dĩ và lì đòn, những đứa trẻ ở đây còn có khả năng diễn xuất cực kỳ chuyên nghiệp. Để tồn tại được trong môi trường cạnh tranh khốc liệt và hiểm nguy, ngoài bán hàng, khi có cơ hội, chúng trộm cắp...

Vất vả mưu sinh...

Tận thấy những khuôn mặt đen mốc, những mái đầu bê bết bụi bẩn, những bước chân nhăn nhúm chằng chịt sẹo, tôi đã chẳng thể kiềm lòng. Thắng “điếc” (11 tuổi) nhe răng, nhăn mắt vì nắng nóng, nhưng một khi tiếp cận được khách hàng, nó trở mặt thành một cậu bé mang đầy nỗi khổ sở và tội nghiệp. Nhìn vào mặt nó, bất cứ ai cũng phải động lòng mà móc ví.

Nhiều đứa trẻ vừa bán hàng vừa chìa tay xin tiền.

Thắng “điếc” tên đầy đủ là Nguyễn Quốc Thuận Thắng sinh ra tại Biên Hòa (Đồng Nai) nhưng quê của mẹ ở tận An Giang. Thắng sống cùng với mẹ từ nhỏ, chưa một lần nhìn thấy mặt cha. Nhiều lần thắc mắc hỏi mẹ nhưng đều không nhận được câu trả lời. Năm ngoái về nhà bà ngoại chơi và được bà tiết lộ, cha nó đã đi tù vì buôn ma túy từ ngày nó còn trong bụng mẹ. Người đàn ông này không phải chồng của mẹ, chỉ là tình nhân.

Sở dĩ nó có biệt danh Thắng “điếc” là bởi một bên tai bị tật bẩm sinh không còn khả năng nghe. Khi nói chuyện phải áp sát vào má, gào thật to thì nó mới nghe được. Nó không cho đó là thiệt thòi, trái lại còn thấy thoải mái vì nghề suốt ngày nghe tiếng ầm ào của xe cộ chạy trên đường. Người bình thường sẽ thấy đinh tai nhức óc, riêng nó vì “nặng thính” nên không thành vấn đề.

Thắng “điếc” vào nghề từ năm lên 6 tuổi, hoạt động gần nơi mẹ làm việc và có người dì “bảo kê”. Đầu tiên, bán vé số trong các quán võng ven quốc lộ, sau hơn một năm thì chuyển sang bán nước cho cánh tài xế xe tải đầu kéo chạy ra vào khu công nghiệp Biên Hòa, Giang Điền.

Vì không thể cạnh tranh bên ngoài, phải liều mạng ra giữa đường quốc lộ chặn đầu xe tải chào hàng. Ngày nắng cũng như mưa, chỉ mong cho tình trạng kẹt xe kéo dài để có thể đứng chân thật lâu bán nước. Trong thời gian chờ đợi, hầu như bác tài nào cũng cần uống nước nên hàng của nó bán rất chạy, thu nhập không hề nhỏ.

Một ngày ra đường của Khuôn đến tối mịt mới trở về.

Hai năm trở lại đây, công việc của Thắng “điếc” trở nên khó khăn. Đối thủ là những đứa trẻ từ nơi khác tới, khả năng buôn bán diễn xuất chuyên nghiệp. Nó tức điên lên, sục sôi “ăn miếng trả miếng”. Trong một trận tỉ thí với đối thủ, nó bị Hải “xa lộ” đánh cho một trận. Nó phải khâu 4 mũi trên má, 5 mũi ở đùi, chưa kể mắt và đầu sưng vù, tím bầm. Nó phải nghỉ ở nhà dưỡng thương gần một tháng.

Mẹ Thắng có tên thường gọi Hòa “môi”, trước kia làm nghề cắt tóc, gội đầu. Hai năm nay do ế ẩm phải dẹp tiệm. Hòa thuộc hàng gái chợ đời nên có chút nanh nọc, cô ta bán nước ở ven quốc lộ nhằm hỗ trợ, giúp sức và bảo vệ con trai.

"Diễn xuất" chuyên nghiệp

Làm ăn có mẹ có con nên Thắng “điếc” thấy rất yên tâm. Sau lần bị đánh bầm dập, nó hiểu ra lẽ sống mưu sinh trên đầu xe tải nên đã hòa hợp được với những đứa trẻ khác. Miếng ăn biết san sẻ cho nhau thì vẫn sống tốt. Nếu khó khăn, thiếu thốn quá vẫn có cách khắc phục. Lợi dụng khách tới các quán võng uống nước, nằm ngả lưng thư giãn, Thắng “điếc” đã đôi lần giở trò “hai ngón”.

Nó nhằm mấy bà mấy chị để ra tay. Chiêu của nó rất đơn giản, lê la đến mời mọc bằng một bộ dạng thê thảm, đói rách, khách động lòng trắc ẩn mua hàng, có người hỏi thăm về gia cảnh của nó. Nó tâm sự, chia sẻ các kiểu, chủ yếu là dựng chuyện nói láo. Lợi dụng sự lơ là mất cảnh giác, nó mò vào túi xách lấy trộm ví hoặc điện thoại.

Những đứa trẻ băng qua quốc lộ để tiếp cận khách.

Ví có tiền thì nó rút hết rồi vứt bỏ, còn điện thoại thì mang bán cho tiệm cầm đồ hoặc người dân nào đó ham rẻ. Giấy tờ tùy thân của khách, nó đưa cho mẹ. Ả này sau đó gọi điện cho chủ nhân dựng ra một vở kịch cao thượng “nhặt được của rơi trả người đánh mất”. Thường thì khách nhận lại giấy tờ của mình rất cảm động, sẽ gửi tiền cảm ơn.

Màn phối kết hợp ăn ý của mẹ con Thắng “điếc” rất hiệu quả nhưng một ngày xui xẻo đã gặp phải tai nạn. Cũng như mọi lần, hình ảnh đứa trẻ tội nghiệp bán nước bên vệ đường lay động lòng người. Một chuyến xe du lịch đỗ khách xuống, mọi người ào vào mua nước, nằm võng nghỉ ngơi.

Thắng “điếc” ve vãn tới, tỉ tê chào hỏi, năn nỉ mua hàng. Thấy một bà cô đang thiu thiu ngủ trên võng, chiếc ví buông thõng ra ngoài, mắt nó sáng lên đã nhanh tay hành động. Khi nó nhét được chiếc ví vào trong nách áo, những tưởng thành công khi bà cô vẫn đang quay mặt vào trong, bỗng có một cánh tay nắm chặt lấy vai áo của nó bóp thật mạnh và quát lên: “Mày ăn trộm à”.

Nó giật mình run bắn lên, hoảng sợ tái mặt, chiếc ví rớt xuống đất. Nó khóc lóc van xin người đàn ông thảm thiết. Bà cô muốn đưa nó ra Công an. Vừa lúc đó thì mẹ nó chạy tới quỳ gối cầu khẩn, chị ta hứa sẽ về dạy bảo con đàng hoàng, không để tình trạng này xảy ra nữa.

Nước mắt người mẹ có con hư hỏng chảy tràn ra, tỏ vẻ ăn năn như thật. Mọi người cám cảnh, người đàn ông bắt quả tang cũng nguôi ngoai. Thắng “điếc” được tha mạng, nó ba chân bốn cẳng chạy đi ngay. Sau lần bắt tận tay, day tận trán, suốt thời gian dài, Thắng “điếc” không dám ăn trộm nữa mà chỉ tập trung bán nước trên quốc lộ.

Chị Lê Thị Biên, bán tạp hóa ở khu vực Quốc lộ 51, khi chúng tôi hỏi về những đứa trẻ này thì lắc đầu ngao ngán: “Chúng nó không biết sợ là gì cả. Cứ đầu xe đang chạy mà lao ra, bán được chai nước 15 ngàn mà đánh cược cả tính mạng”.

Chị Biên cho biết, cách đây hơn một tuần, thằng bé bán nước tên là Khuôn (10 tuổi) bị vấp phải bức tường rào ngăn đường ngã chúi vào làn xe tải, văng hết bịch nước ra ngoài. May mà bác tài đạp phanh kịp không thì “thịt nát xương tan” rồi.

Dường như thằng bé không hề hấn và chẳng sợ hãi chút nào trước lằn ranh sinh tử. Chị Biên đã nhiệt tình chỉ cho chúng tôi gặp Khuôn. Đó là một đứa trẻ gai góc và cằn cỗi, nó đen và già hơn rất nhiều so với tuổi lên 10.

Khuôn không hề rụt rè trước người lạ, nó đã quá dạn dĩ và lì đòn. Khuôn ra điều kiện, phải mua cho cậu 10 chai nước thì mới ngồi nói chuyện, cậu bé tính cứ mỗi phút đèn đỏ sẽ bán được một chai nước nên thời gian của nó được đổi chác bằng nước. Đấy là sự sòng phẳng trong việc kiếm cơm.

Khuôn ra đời mới được 2 năm thì người mẹ đi Trung Quốc làm ăn. Hỏi làm gì thì cậu bé không hề biết, nó nói: “Từ ngày đi không thấy mẹ về nữa, cũng chẳng điện thoại nên hai cha con không biết mẹ làm gì”. Lúc đó, Khuôn đang học lớp 2 ở lớp học tình thương dành cho con em công nhân và dân làng chài Tân Mai (thành phố Biên Hòa).

Con chữ mới cắn làm đôi, câu tròn câu méo thì Khuôn phải nghỉ học đi làm cùng cha. Mặc dù cô giáo nhiều lần gặp gỡ, nói chuyện, thuyết phục cha của Khuôn cho em đến lớp nhưng bất thành. Người cha một mực từ chối, anh ta cho rằng, với hoàn cảnh của Khuôn thì có học thêm nữa cũng không để làm gì, chỉ mất thời gian.

Chúng tôi rất muốn biết cha Khuôn là người như thế nào, làm nghề gì mà lại nhẫn tâm với con cái đến vậy. Khuôn khuyên chúng tôi: “Gặp là ổng đập cho đó”.

Cha con Khuôn thuê một căn phòng trọ gần chợ ở phường Thống Nhất. Mỗi buổi sáng, Khuôn vuốt mặt một cái là lao ra đường, tự biết việc mà làm. Còn người cha, sau khi chắp nối vài thông tin đáng giá, chúng tôi suy đoán anh này là “chim lợn” cho cánh tài xế.

Khuôn đi làm đến tối sẩm mới trở về, tiền kiếm được phải nộp cho cha hết, không được giữ đồng nào. Khuôn không biết cha cần tiền để làm gì nhưng có ngày, giữa trưa anh ta gọi giật con trai lại đòi tiền, có lúc thì nhờ một bà cô nào đó đến lột bằng sạch. Khuôn ngoan ngoãn nghe lời, không một câu ca thán, không một lời thắc mắc. Nó mặc định, sống với cha là phải như vậy.

Bản năng sinh tồn giữa cuộc sống đầy rẫy khốn khó và cạm bẫy đã rèn cho Khuôn, Thắng và những đứa trẻ mưu sinh trên quốc lộ sự lì lợm, liều lĩnh. Tôi không biết rồi đây, kinh nghiệm trải đời dày dạn đó là hành trang tiêu cực hay tích cực cho tương lai của chúng.

Ngọc Thiện
.
.
.