Những đứa trẻ “mồ côi thời hiện đại” ở Rumania

Chủ Nhật, 21/07/2019, 15:16
Khi Liên minh châu Âu (EU) mở rộng về phía Đông, hàng trăm ngàn trẻ em Rumania đã bị biến thành trẻ “mồ côi thời hiện đại”. Các em lớn lên mà không có cha mẹ vì họ đã phải rời bỏ quê hương đến các quốc gia châu Âu giàu có khác để tìm kiếm việc làm.


Những mối quan hệ được duy trì qua WhatsApp

Ileana Tanase, 37 tuổi, mẹ của Nicoleta rất vui khi nhìn thấy con gái. "Hôm nay con học thế nào, có vui không? Con đã ăn gì chưa?”, “Mọi việc diễn ra bình thường mẹ ạ”, Nicoleta vừa nói, vừa nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại thông minh. Hai mẹ con cách xa nhau hơn 2.500km, trò chuyện với nhau qua WhatsApp. Ileana Tanase đang gọi về nhà từ London, trong khi cô bé Nicoleta, 14 tuổi, ngồi trên giường trong phòng ngủ ở Scarisoara, một thị trấn nhỏ ở Bacau, miền Đông Rumania.

Nicoletta, 14 tuổi và em trai và Andrei, 11 tuổi.

Ở phòng bên cạnh, em trai của Nicoleta, Andrei, 11 tuổi, đang chơi điện tử trên điện thoại. Cậu bé không thích nói chuyện qua điện thoại. “Hôn con gái yêu. Gửi nụ hôn của mẹ cho Andrei và ông, bà nhé”, Ileana Tanase nói. “Vâng. Tạm biệt mẹ”, Nicoleta đáp lời và cả hai cùng cúp máy.

Cuộc trò chuyện hàng ngày của hai mẹ con Nicoleta qua WhatsApp hiếm khi dài hơn vài phút. Đó là phương tiện liên lạc giữa Ileana Tanase với các con trong ba năm qua. Một mối quan hệ được duy trì bằng những đoạn video ngắn ngủi, dòng tin được nhắn vội vàng với các biểu tượng cảm xúc.

Ileana Tanase chỉ có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Cô ở nhà làm nội trợ trong một thời gian dài. Sau khi ly dị chồng vào năm 2014, Ileana Tanase quyết định đến London tìm việc. Ban đầu, cô làm việc thời vụ nhưng đến năm 2016 thì quyết định tìm việc lâu dài ở London. Ileana Tanase trải qua nhiều công việc khác nhau như giúp việc trong khách sạn, bồi bàn, giúp việc trong pha chế trong quán cà phê…

Mỗi năm, cô về thăm nhà một hoặc hai lần. Cha của những đứa trẻ đã ngừng liên lạc với gia đình sau khi hai vợ chồng ly hôn. Hai con nhỏ Nicoleta và Andrei sống với ông bà ở Scarisoara kể từ khi cô đến London tìm việc. Ileana Tanase làm việc 13 giờ mỗi ngày và kiếm được 1.700 euro/tháng. Số tiền này đủ để cô trang trải chi phí sinh hoạt và gửi tiền về nhà.

"Trẻ mồ côi châu Âu" có ở khắp mọi nơi

Các phương tiện truyền thông đã dùng cụm từ "trẻ mồ côi châu Âu” để nói về những đứa trẻ lớn lên mà không có bố mẹ bên cạnh như Nicoleta và Andrei. Ở Rumania, những đứa trẻ này được gọi là "copii singuri acasa" hay "latchkey kids". Đó là những đứa trẻ đến từ các quốc gia Trung và Đông Nam châu Âu, sống nhiều năm với ông bà hoặc người thân vì cha mẹ đến các nước Tây Âu để tìm việc làm.

Theo thống kê được công bố, khoảng từ 95.000 đến 160.000 trẻ em ở Rumania có ít nhất cha hoặc mẹ ở nước ngoài. Các nhà chức trách cho rằng, con số thực sự có thể cao hơn, thậm chí lên đến 350.000 trẻ em. Không chỉ ở Rumania, “trẻ mồ côi châu Âu” có ở khắp mọi nơi, từ Baltics đến Balkans.

Ước tính, khoảng từ 95.000 đến 160.000 trẻ em ở Rumania có ít nhất cha hoặc mẹ ở nước ngoài.

“Nguyên nhân khiến số liệu bị “vênh” là do nhiều phụ huynh không thông báo cho chính quyền khi đi ra nước ngoài và để con cái sống với họ hàng. Có thể do các bậc cha mẹ thiếu hiểu biết, sơ suất hoặc sợ mất quyền nuôi con”, Daniela Titaru, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội và trẻ em (DGASPC) ở Bacau nói.

Nicoleta kể lại, em không bao giờ quên được hình ảnh mẹ rời đi. “Đó là một ngày hè vào tháng 8, mẹ Ileana nói với hai chị em rằng, phải đến London tìm kiếm việc làm giúp gia đình thoát nghèo và để hai chị em có được một nền giáo dục tốt. Mẹ nói phải rời đi trong một thời gian dài.

Chúng cháu chờ đợi và hy vọng, một ngày nào đó có thể đến Anh. Trước ngày lên đường, cả gia đình đã đi chơi công viên và hai chị em được mẹ cho ăn kem. Mẹ và hai chị em cháu đã khóc rất nhiều. Cháu rất buồn nhưng tự nói với lòng mình rằng, mẹ đi để kiếm tiền nuôi hai chị em ăn học nên phải cố gắng”, Nicoleta nói.

Adriana Duca, 46 tuổi, hiệu trưởng một trường trung học ở Scarisoara nói rằng, nhiều học sinh lớn lên cùng với ông bà hoặc họ hàng. "Các em ăn mặc đẹp và sử dụng điện thoại thời thượng, ngoan ngoãn, lễ phép, không vi phạm nội quy, quy chế nhưng về mặt cảm xúc, gần như tất cả đều “có vấn đề”. Nhiều em ôm chặt lấy chúng tôi với mong muốn được vỗ về, trong khi những em khác luôn gọi các cô giáo trong trường là “ma ma”, Adriana Duca nói.

Phạm Tường (Tổng hợp)
.
.
.