Những đứa trẻ mồ côi lần thứ hai giữa nhịp sống hiện đại

Thứ Hai, 21/12/2020, 08:56
Mỗi năm, nước Anh có khoảng 10 ngàn thanh thiếu niên mồ côi bước vào tuổi trưởng thành. Không phải ai trong số các cô cậu bé này cũng được cha mẹ nuôi yêu thương như con đẻ. Ngày chúng trở thành người lớn, một số đứa trẻ mới thực sự nhận ra mình chỉ là người thừa ở nơi tưởng chừng như mái ấm.


Bờ vực mong manh

Mùa hè 2020, chỉ vài tháng trước khi chính thức bước sang tuổi 18, Kim Emenike nhận được thông báo từ cha mẹ nuôi: Họ muốn cô rời khỏi nhà càng sớm càng tốt. Đó là trải nghiệm vô cùng khó khăn với cô bé da màu phải chịu cảnh mồ côi từ nhỏ. Càng đau đớn hơn cho Kim, bởi những người thốt ra những lời cay nghiệt đó đã cho cô một mái ấm suốt một thập niên.

Năm Kim lên 7 tuổi, mẹ cô qua đời vì bệnh ung thư. Cô bé chưa bao giờ biết mặt cha mình, và cũng không còn người thân thích nào khác. Lựa chọn duy nhất cho Kim là trở thành con nuôi của một gia đình tại phía Nam thủ đô London, nếu không muốn dành khoảng thời gian còn lại của tuổi thơ trong cô nhi viện. Vào lúc đó, cô bé tưởng như mình đã gặp may mắn.

"Trong 5 năm đầu tiên, mọi thứ thật tuyệt vời. Tôi được đối xử, chăm chút như con ruột", Kim hồi tưởng. Nhưng đến năm Kim tròn 13 tuổi, mối quan hệ của họ dần đi xuống. Nguyên nhân chắc chắn không nằm ở cô bé này. Không đàn đúm với lũ bạn bất hảo, không nhiễm thói hư tật xấu; mà ngược lại, Kim trở thành học sinh tiêu biểu ở trường trung học. Cô có thành tích học tập rất xuất sắc và còn được bầu làm Ủy viên Hội học sinh Anh.

Mỗi năm, nước Anh có hàng ngàn thanh thiếu niên vô gia cư vì bị cha mẹ nuôi cắt trợ cấp.

Nhưng dẫu đạt được vô số kết quả đáng ngưỡng mộ trên ghế nhà trường, Kim vẫn không thể làm cho cha mẹ nuôi quan tâm đến cô nhiều hơn. Chính Kim cũng không hiểu nổi tại sao mối quan hệ giữa họ xấu đi theo thời gian. Cô bé 18 tuổi chỉ phỏng đoán nguyên nhân có lẽ do Kim và cha mẹ nuôi có quá nhiều điểm khác nhau, thế nên họ không còn coi cô như một thành viên trong gia đình nữa.

Không mất nhiều thời gian để nhà trường, cũng như các nhân viên bảo trợ xã hội nhận ra gánh nặng đè lên vai Kim. Cô bé tuổi mới lớn phải chịu một vết thương lòng quá lớn. Không có cha, mẹ mất sớm, giờ đây Kim còn bị cha mẹ nuôi ghẻ lạnh. Phải mất nhiều thời gian thuyết phục, Kim mới đồng ý tiếp tục sống chung với họ, ít ra cho đến ngày tốt nghiệp phổ thông.

Sự ghẻ lạnh không ngờ

"Tôi biết mình đã quyết định sai, bởi họ sẽ không bao giờ thay đổi suy nghĩ. Khi tôi sắp bước đến tuổi trưởng thành, họ thẳng thừng nói không cần có tôi trong nhà nữa", Kim bày tỏ. Lựa chọn duy nhất của cô gái trẻ là trở lại cô nhi viện trước kia, hoặc tìm một khu nhà trọ nào đó để tiếp tục cuộc sống tự lập của một người trưởng thành. Đó là điều vô cùng khó khăn với một người mới 18 tuổi.

Ngày Kim nhận lệnh "ra khỏi nhà" từ cha mẹ nuôi là thời điểm cô vừa hoàn thành bài thi tốt nghiệp phổ thông. Oái oăm cho cô bé là ngay cả cô nhi viện cũng từ chối tiếp nhận Kim với lý do cô đã đủ 18 tuổi. Đồng minh duy nhất bước cùng Kim trên con đường tự lập là một giáo viên tốt bụng, người giúp cô tìm chỗ trọ với giá phải chăng và một công việc bán thời gian có mức lương khá.

Ở riêng và tự nuôi bản thân, không có ai trợ giúp bên cạnh thực sự là một trải nghiệm tồi tệ với Kim. Cô bị ép ký vào hợp đồng thuê nhà với mức tiền cao chót vót vì lời dọa "muốn ở thì phải ký gấp và chuyển vào, còn không thì đi tìm chỗ khác". Nội thất nghèo nàn ở căn hộ mới khiến cô phải chi thêm không ít tiền để nơi đây biến thành một chỗ có tiện nghi tối thiểu.

"Tôi thực sự cảm thấy sốc và sợ hãi nữa. Trước đây tôi chưa bao giờ được dạy để sống tự lập cả", Kim chia sẻ. Đối mặt với bước ngoặt lớn nhất trong đời, cô gái trẻ cảm thấy mọi thứ đều bất định, không có gì là chắc chắn cả. Giáo viên của Kim đã giúp đỡ cô rất nhiều trong quãng thời gian đó, tới mức khiến cô cảm thấy mình đang làm phiền bà.

Ngày Kim thu dọn đồ đạc bước khỏi nơi cô từng gắn bó suốt 10 năm ròng, điều đau đớn hơn cả là cha mẹ nuôi của cô không hề nói dù chỉ một lời. Họ lặng lẽ nhìn Kim và cô giáo thu dọn đồ đạc, chẳng buồn có một chút hành động nào thể hiện nghĩa vụ của người làm cha mẹ. "Mọi người không muốn nói gì với con ư?", Kim hỏi mẹ nuôi trước lúc lên xe. Đáp lại cô là ba từ cộc lốc "Ừ, chào nhé".

Cánh cửa đóng sầm trước mặt Kim. 10 năm chung sống cùng một mái nhà với cha mẹ nuôi của cô kết thúc theo cách không thể buồn hơn. Cô từng gọi nơi đây là nhà, gọi từng người sống cùng là cha mẹ, anh chị em. Kim từng rất biết ơn cha mẹ nuôi vì đã cho cô một mái ấm, để rồi ngày càng nhận ra mình không thuộc về nơi đó. Rốt cục, họ cũng chỉ coi cô như người dưng nước lã.

Kim Emenike bị cha mẹ nuôi đuổi khỏi nhà ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông

Vượt qua khó khăn

Kim không phải trường hợp cá biệt. Chỉ riêng tại nước Anh, mỗi năm có hàng ngàn thanh thiếu niên lâm vào tình cảnh tương tự. Điều khó khăn là những người giám hộ, cha mẹ nuôi kia hoàn toàn làm đúng luật, thế nên chính quyền không thể xử phạt họ. Cách duy nhất nước Anh có thể làm là tìm đến những cô cậu bé đang cần được hỗ trợ sống tự lập, và giúp họ thoát khỏi bỡ ngỡ khi bước vào đời.

Trong câu chuyện của Kim, rắc rối đầu tiên cô gặp phải khi ở riêng là cuộc sống nhộm nhoạm ở khu phố nghèo. Phần lớn hàng xóm sống xung quanh cô là những thành phần bất hảo. Đêm cũng như ngày, dù nắng hay mưa, luôn có tiếng người ra vào, cãi vã ở những phòng bên. Sống sát vách với Kim là một thanh niên vừa mới ra tù, và phòng ngay bên dưới cô có một phụ nữ tâm thần luôn tìm cách kết liễu đời mình.

"Ở tuổi 17, tôi đã phải chứng kiến và trải qua những điều khó khăn như thế", Kim kể lại về khoảng thời gian khó khăn nhất cuộc đời mình. Cô không nhớ có bao nhiêu đêm mình không ngủ, chỉ biết vùi vào gối và khóc vì cô đơn. Bên kia bức tường, những người hàng xóm kiêm dân anh chị bật nhạc chát chúa thâu đêm suốt sáng. Nhưng càng tìm hiểu thêm về họ, Kim lại càng không thể ghét bỏ.

Tất cả những người sống bên cạnh Kim đều là thanh thiếu niên dưới 25 tuổi. Giống như cô, phần lớn họ là trẻ mồ côi, được một gia đình nào đó nhận nuôi rồi tống khỏi nhà khi vừa bước sang tuổi 18.

Ở khu trọ, Kim không thể học vì nơi này không có kết nối Internet, cũng như luôn có hàng xóm làm phiền suốt đêm. Vì thế cô rèn thói quen thức vậy từ 6 giờ sáng để đến trường ôn tập, cũng như cố gắng hoàn tất mọi bài vở được giao trước khi về đến nhà. Cảm phục trước nghị lực của Kim, không ít bạn bè và giáo viên sẵn lòng giúp đỡ cô trong khả năng của họ.

Tuy vậy, luôn có những thứ sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Đối với Kim, đó là những khoảnh khắc hụt hẫng khi chứng kiến bạn mình được cha mẹ đón chào, chăm sóc. Cô cảm thấy mình như kẻ lạc lõng giữa cuộc sống hiện đại, khi ai cũng có cha, có mẹ, còn cô thì không. Giáng sinh đến, khi tất cả mọi người về nhà, chỉ còn mình cô vẫn đến trường, vì cô chẳng tìm được nơi nào để đi.

Không một tin nhắn hỏi thăm, không một cuộc gọi chúc mừng, mối quan hệ giữa Kim và cha mẹ nuôi trước đây hoàn toàn chấm dứt kể từ ngày cô xách va li bước khỏi nhà. Trong lúc những cô cậu thanh niên khác lo ngại chuyện bị điểm kém, Kim lúc nào cũng phải lo thon thót vì thiếu tiền trọ, bị chủ nhà đuổi đi chỗ khác. Cho đến ngày tốt nghiệp đại học và có một công việc tốt, nỗi ám ảnh đó vẫn đi vào trong giấc mơ của Kim mỗi đêm. Đó là vết thương không bao giờ lành được.

Hải Sơn
.
.
.