Những bức ảnh kể lại chuyện đời

Thứ Ba, 20/01/2015, 17:30
Trong cuộc thi ảnh "Đất và người" năm 2014 do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức, một bộ ảnh về cuộc sống đời thường, lam lũ, với những giọt mồ hôi rịn trên khuôn mặt khắc khổ của một người phụ nữ nông thôn đã thực sự lấy được cảm xúc của nhiều khán giả. Điều đặc biệt, tác giả của nó lại là một cô gái khuyết tật và người phụ nữ trong bức ảnh ấy chính là người mẹ tần tảo, quanh năm chỉ biết đến ruộng đồng. Đằng sau những bức ảnh ấy là cả một câu chuyện đời đầy cảm động của cô gái tật nguyền nhưng nghị lực Lê Thị Ngân, ở xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, Hà Nội.

T ánh mt đến trái tim

Có lẽ trong cuộc đời này, tình mẫu tử luôn là thứ tình cảm cao đẹp và thiêng liêng nhất. Nó là nguồn cảm hứng sáng tạo không bao giờ cạn của biết bao  thế hệ nhà thơ, nhà văn, nhà nhiếp ảnh… Một bức ảnh đẹp, một tác phẩm hay đôi khi chẳng cần những lời hoa mĩ, mà chỉ cần cảm xúc thực sự của người nghệ sĩ thổi hồn vào. Với tác giả Lê Thị Ngân, dù chẳng qua một trường lớp đào tạo nào, chỉ chụp ảnh theo sở thích cá nhân, nhưng bộ ảnh "Mẹ tôi" của chị đã đoạt giải nhì trong cuộc thi ảnh "Đất và người" do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức, bởi tính chân thực và đầy cảm xúc của tác giả dành cho mẹ gửi gắm trong từng khuôn hình.

Trong suốt một năm qua, Ngân đã một mình rong ruổi trên chiếc xe lăn để ghi lại từng khoảnh khắc cuộc sống. Đó cũng là cách chị tự tìm niềm vui cho mình để quên đi những mặc cảm, tự ti về số phận. Và hình ảnh người mẹ nghèo, lam lũ, tần tảo với đôi quang gánh nặng trĩu trên vai, đôi chân trần chai sạn giữa trời đông giá lạnh, hay nắng hè gay gắt trở thành trung tâm của những bức ảnh không chuyên, nhưng chất chứa tình thương, sự cảm phục dành cho người mẹ.

Tôi nhớ, trong lễ trao giải cuộc thi, Ngân đã khóc khi chia sẻ rằng: "Tôi kể câu chuyện về người đã sinh ra tôi. Bao năm mẹ cực nhọc dành dụm tiền để chữa trị cho tôi, đến chiếc xe đạp duy nhất mẹ cũng phải bán để mua thuốc cho tôi. Đời mẹ mòn mỏi vì tôi - đứa con gần 30 tuổi mà vẫn chỉ bằng đứa trẻ lên 7. Dù sao thì tôi vẫn hạnh phúc vì được sinh ra trên đời, hạnh phúc vì được làm con của mẹ".

Lê Thị Ngân với đôi chân dị tật.

Ngân đến với nhiếp ảnh rất tình cờ. Năm 2003, nhờ tham gia sinh hoạt tại Hội Người khuyết tật của huyện Ba Vì, Ngân biết đến chương trình Photo Voice dành cho trẻ em dân tộc thiểu số và những người khuyết tật. Ngân đã tham gia khóa đào tạo chụp ảnh trong 4 ngày. Bức ảnh đầu tiên của chị, thầy giáo không ưng ý vì thiếu cảm xúc. Khi thầy đưa cho Ngân xem một bức hình của một người khiếm thị chụp rất đẹp, chị chợt nhận ra rằng, chụp ảnh đẹp không chỉ bằng đôi mắt, mà quan trọng hơn là phải chụp ảnh bằng cả trái tim.

Nhờ những cố gắng, nỗ lực không ngừng, Ngân đã có những bức ảnh đẹp và được chương trình Photo Voice tặng một chiếc máy ảnh nhỏ. Chính người thầy dạy chụp ảnh cho Ngân đã động viên Ngân rất nhiều. Ngân kể: "Thầy bảo tôi hãy chụp lại tất cả những gì tôi thích, chụp lại cuộc sống quanh mình, để thấy cuộc sống của mình tươi đẹp hơn" và Ngân đã làm như thế, chụp mẹ, người thân và tất cả những cảnh vật quanh mình.

Mỗi ngày, chị đều dành thời gian để đi khắp đường làng, ngõ xóm ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống đời thường. Nhớ lại ngày đầu cầm máy, lăn xe ra ngõ, tập tễnh từng bước ngắm khuôn hình, người trong làng xì xào, bàn tán rằng "đi còn không vững thì chụp ảnh làm gì", Ngân đã khóc rất nhiều, nhưng nước mắt chẳng ngăn nổi niềm đam mê mỗi ngày một lớn dần trong Ngân. Bộ ảnh "Mẹ tôi" đoạt giải nhì là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của Ngân.

Sau mi bc nh là câu chuyn đi éo le

Ngân sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của huyện Ba Vì, Hà Nội. Bố mẹ đều là những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Bố Ngân năm nay đã gần 60 tuổi, là cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam. Hai người con đầu tiên mất sớm khi mới ra đời chưa lâu, ông bà vẫn cố sinh thêm người con thứ 3 là Ngân với một niềm hi vọng lớn lao. Nhưng hi vọng để rồi một lần nữa lại đau khổ, tuyệt vọng khi Ngân ra đời với đôi chân dị tật, sức khoẻ rất yếu, không phát triển như những đứa trẻ bình thường và không thể đi lại.

Từ đó trở đi, cuộc sống của Ngân gắn liền với bệnh viện, với các loại thuốc về xương. Những tháng ngày chữa bệnh, thuốc thang triền miên khiến gia đình Ngân kiệt quệ, nhất là sau khi bố mẹ Ngân sinh thêm 2 người con nữa, dù 2 người em của Ngân may mắn hơn khi có sức khỏe bình thường.

Cuộc sống của Ngân từ nhỏ chỉ quanh quẩn trong nhà, ngoài sân. Đến tuổi đi học, được đến trường, Ngân càng nhận thức rõ ràng hơn về những thiệt thòi và sự khác biệt của mình với các bạn. Ngày đó, vì nhà nghèo nên không có xe lăn, Ngân phải đến trường bằng đôi vai gầy của bà ngoại và bố mẹ. Những lúc bố mẹ bận mùa màng, em trai lại cõng Ngân đi học. Có những hôm trời mưa to ngập sân trường, hai chị em lại kéo lê nhau đi trong nước.

Với hình hài chẳng giống ai, Ngân thường xuyên bị các bạn trêu đùa, chọc ghẹo, ai cũng nhìn Ngân với ánh mắt lạ lẫm. Đến may quần áo Ngân cũng bị dè bỉu vì "như mày thì may tốn được mấy vải, không bõ công làm". Ngân phải tự học, tự khâu quần áo cho mình. Đến khi xã mở lớp dạy cắt may cho người nghèo, Ngân xin đi học, sau đó, gia đình tích góp tiền, mua cho Ngân một chiếc máy may công nghiệp để Ngân có thể nhận hàng về nhà làm thêm.

Một bức ảnh về mẹ của Lê Thị Ngân.

Học hết lớp 9, Ngân nghỉ học ở nhà phần vì gia đình khó khăn, phần nữa quan trọng hơn là vì Ngân không chịu được sự kì thị từ xã hội. Để giúp Ngân hoà nhập với cuộc sống, mẹ đã mở một quán tạp hoá nhỏ để Ngân giao tiếp với mọi người nhiều hơn. Mẹ còn đăng ký cho chị tham gia sinh hoạt trong Hội Người khuyết tật của huyện. Lúc đầu mới tham gia hội, Ngân nhút nhát, không dám đi một mình, lúc nào cũng phải có mẹ đi cùng. Dần dần, tiếp xúc với mọi người, với báo đài, thấy nhiều người có hoàn cảnh giống mình nhưng biết vươn lên, làm chủ số phận càng khiến Ngân quyết tâm vượt lên chính mình. Nhờ sự gần gũi, hòa đồng của những người chung cảnh ngộ, Ngân tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp hơn.

Hằng ngày, Ngân ở nhà bán hàng tạp hóa và nhận may quần áo từ các xưởng tư nhân. Mùa đông, Ngân nhận đan và móc thêm khăn mũ trẻ con, mặc dù thu nhập không nhiều, nhưng công việc giúp Ngân tự tin hơn trong cuộc sống. Đó cũng là cách để chị giúp đỡ, san sẻ gánh nặng với bố mẹ. Với Ngân, mẹ là người vất vả, hi sinh cả cuộc đời vì chị. Bà đã làm đủ thứ nghề như làm ruộng, phụ xây, cấy thuê gặt thuê… để có tiền mua thuốc chữa bệnh cho Ngân. Cách đây 2 năm, bà đi khám bệnh và được kết luận là có một khối u ở cổ. Dù bệnh tật đau đớn, dằn vặt, nhưng bà không bao giờ kêu ca với ai, cũng chẳng dám đi mổ vì sợ tốn tiền và sợ mọi người lo lắng. Chính sự tần tảo, đức hi sinh của người mẹ đã tạo nguồn cảm hứng cho Ngân có được bộ ảnh "Mẹ tôi" chân thực, đầy cảm xúc như thế. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng Ngân bảo, Ngân vẫn sống hết mình với đam mê nhiếp ảnh, với công việc mà Ngân đang có, để bù đắp những hi sinh mà mẹ đã dành cả đời cho mình.

Phong Trâm
.
.
.