Nhiều bất cập trong cai nghiện ma túy

Thứ Hai, 28/09/2020, 08:13
Tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, tỷ lệ người nghiện ma túy cũng tăng và ngày càng trẻ hóa. Trong khi đó, công tác cai nghiện còn một số khó khăn, bất cập, tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện còn cao, việc giám sát người nghiện sau cai nghiện cũng không đơn giản, người nghiện sau gặp khó trong tìm kiếm việc làm... 


Đó là những thách thức, vấn đề đặt ra trong trong công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy (CNMT) và giúp đỡ người sau cai nghiện hiện nay.

Gia tăng người nghiện ma túy khiến một số cơ sở xã hội quá tải

Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tổng số người nghiện ma túy đang quản lý tại 15 cơ sở CNMT, cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện tự nguyện là 13.237 người. Trong đó, có 9.866 người thực hiện CNMT bắt buộc, có 2.433 người nghiện ma túy hiện đang quản lý tại hai cơ sở xã hội để cắt cơn giải độc, tư vấn tâm lý và có 938 người cai nghiện tự nguyện (có thu phí).

Các học viên đang lao động trị liệu tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 (đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương).

Trong khi đó, số người nghiện ma túy có nơi cư trú trên địa bàn thành phố đã thực hiện CNMT tại gia đình, tại cộng đồng là 6.491 người. Tổng số người nghiện ma túy đang tham gia điều trị Methadone 4.974 người. 

Còn với người nghiện ma túy không có nơi cư trú, kết quả thực hiện Đề án "Quản lý, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định tại các cơ sở xã hội trong thời gian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn TP Hồ Chí Minh" (do UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt), tổng số người được phát hiện có biểu hiện nghi vấn sử dụng ma túy và được xét nghiệm tìm chất ma túy là 67.771 người.

Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn đã ban hành 47.155 quyết định đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội để quản lý, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý; Tòa án nhân dân các quận, huyện đã họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 34.927 trường hợp.

Với số lượng người nghiện nhiều và xu hướng gia tăng mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp, có thể thấy đây là thách thức rất lớn đối với công tác phòng, chống ma túy nói riêng và công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố nói chung.

Trong đó, do gia tăng số người nghiện ma túy đã khiến một số cơ sở xã hội quá tải cục bộ. Cơ sở xã hội Nhị Xuân, Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2 - là hai cơ sở xã hội làm nhiệm vụ tiếp nhận ban đầu người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định để cắt cơn, giải độc trong khi tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc, luôn có trên 2.000 người/cơ sở.

Lãnh đạo Cơ sở xã hội Nhị Xuân cho biết, trong năm 2019, cơ sở tiếp nhận hơn 8.200 lượt người nghiện ma túy. Trong đó, người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định lên đến 6.200 người; người nghiện ma túy tổng hợp dao động trong tỷ lệ 80% - 90%. Tình trạng này khiến Cơ sở xã hội Nhị Xuân gặp nhiều khó khăn trong khâu cắt cơn, giải độc… Tương tự, tỷ lệ người nghiện ma túy tổng hợp đang cai nghiện tại Cơ sở CNMT Bố Lá cũng hơn 80%, gây nhiều khó khăn cho quản lý, giáo dục…

Hơn nữa, người nghiện ma túy tổng hợp gia tăng liên tục tại cộng đồng và ở các cơ sở xã hội, cơ sở CNMT. Nhưng theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, hiện nay chưa có phác đồ "dùng thuốc" CNMT tổng hợp, mà giải pháp hiện nay chỉ điều trị triệu chứng (như người bệnh được cho dùng thuốc an thần khi bị kích động, dùng thuốc chống trầm cảm khi bị trầm cảm, dùng thuốc trị tâm thần phân liệt khi bị loạn thần…).

Đặc biệt, Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị cho người dùng ma túy tổng hợp, hoàn toàn dựa vào các biện pháp hỗ trợ tâm lý, nâng đỡ tinh thần của người bệnh mà không có thuốc cai nghiện đặc hiệu…

Tìm giải pháp hiệu quả cho công tác cai nghiện

Một khó khăn nữa là hiện nay các quy định pháp luật còn khập khiễng, việc xử lý người nghiện, người sử dụng các loại ma túy tổng hợp gặp khó vì các quy định, xác định tình trạng nghiện, phác đồ điều trị… chưa cụ thể và còn nhiều bất cập.

Tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh với UBND TP Hồ Chí Minh và các sở, ngành để giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2019, Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh việc các quy định xác định tình trạng nghiện, phác đồ điều trị… chưa cụ thể, các quy định của Luật Phòng, chống ma túy với các quy định pháp luật khác cũng có sự mâu thuẫn, chồng chéo, việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn hạn chế…

Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn cũng thông tin có thực trạng người sử dụng nhiều loại ma túy nhưng không thể xác định được tình trạng nghiện do không thuộc nhóm ma túy kiểu dạng tự nhiên (opiate) hay tổng hợp (ATS). Muốn xác định tình trạng nghiện thì phải giữ người trong thời gian 48 giờ với nhóm opiate và 72 giờ với nhóm ATS tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, không có quy định nào, cơ quan nào tạm giữ người sử dụng ma túy trong khoảng thời gian này.

Về vấn đề này, theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh, có thực tế là với những quy định hiện tại, thì không cơ quan đơn vị nào dám giữ những người này và nếu có thì giữ sao cho đúng pháp luật?

Bên cạnh đó, việc các địa phương chuyển hồ sơ sang tòa án để đưa người nghiện đi cai theo trình tự là tòa tuyên xong thì người nghiện có ba ngày để kháng cáo. Tuy nhiên, thời gian này những người nghiện rất có thể sẽ trốn vì không có ai được phân công giám sát. Ngoài ra, việc quản lý sau cai lại nảy sinh vấn đề vì phường, xã không nắm được những người sau cai…

Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn cũng nêu thêm một vướng mắc nữa là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính lại không có quy định người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc...

Thủ tục đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung cũng rất phức tạp, rườm rà vì liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau nên khó thực hiện. Vấn đề này có thể thấy qua sự mâu thuẫn giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện. Bởi theo khoản 2 điều 28 Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000 quy định việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tuy nhiên, theo điều 105 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện.

Chính sự chồng chéo, thiếu tương thích của các quy định pháp luật đã dẫn đến việc quản lý người nghiện hiện nay chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Một số hoạt động thể dục thể thao của các học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3.

Bên cạnh đó, cũng cần phải thừa nhận là công tác CNMT tại gia đình và cộng đồng hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: gia đình người nghiện không tự giác khai báo tình trạng nghiện của người thân, không đăng ký các hình thức cai nghiện; cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn nhiều hạn chế, công tác phối hợp của các đơn vị trong quản lý, giáo dục người nghiện ma túy chưa được quan tâm đúng mức, môi trường cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh còn nhiều phức tạp, không đảm bảo tốt các điều kiện thuận lợi để người nghiện ngưng tiếp xúc, ngưng sử dụng ma túy và tiến đến cai nghiện thành công.

Theo Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, bên cạnh việc UBND thành phố kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính để giải quyết các bấp cập kể trên, thì trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả các mô hình quản lý cai nghiện có hiệu quả để tiếp tục chỉ đạo triển khai nhân rộng, hướng dẫn triển khai hình thức cai nghiện chủ lực đã xác định phù hợp với điều kiện sinh hoạt đô thị.

Mở rộng các điểm và điều kiện tham gia, nghiên cứu khả năng dẫn giảm liều điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone nhằm giảm thiểu tác hại do ma túy nhóm Opiat gây ra. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người sau cai nghiện và đang điều trị thay thế, tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường công tác phòng chống tái nghiện và vi phạm pháp luật của người được hồi gia, thực hiện tốt công tác quản lý sau cai nghiện tại địa phương.

Đồng thời, nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác lập hồ sơ xử lý đối tượng nghiện ma túy, tái nghiện ma túy, theo các Nghị định 111/CP, 221/CP của Chính phủ và công tác quản lý, giúp đỡ, tạo việc làm cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng hạn chế thấp nhất tỷ lệ tái nghiện.

Phú Lữ
.
.
.