Nhật Bản:

Tỷ lệ tù nhân cao tuổi nhiều nhất thế giới

Thứ Hai, 21/12/2015, 14:01
Là một trong những nước có người dân tuân thủ pháp luật nghiêm túc nhất thế giới Nhật Bản có tỉ lệ tội phạm, thấp số một thế giới, chỉ ở mức 49/100.000 người so với 698/100.000 người ở Mỹ. Thế nhưng, xứ phù tang cũng đang đau đầu vì một thực tế, hàng loạt nhà tù ở nước này đang có nguy cơ trở thành "trại dưỡng lão".

Theo thống kê, Nhật Bản là nước có tỉ lệ tù nhân cao tuổi nhiều nhất thế giới, với 20% phạm nhân trên 60 tuổi, và số vụ công dân cao tuổi phạm tội đã tăng gấp 4 lần so với cách đây 20 năm. Cụ thể, theo thông tin từ tờ Kyodo News Agency hồi cuối tháng 11, trong vòng 6 tháng đầu năm 2015, số lượng người cao tuổi phải tới đồn cảnh sát đã lên đến con số 23.656, so với 19.670 ở lứa tuổi 14-19.

Bloomberg cho biết, tỷ lệ người già phạm tội trong năm 2015 đã tăng gấp 6 lần kể từ 20 năm trước. Loại án giết người đang có xu hướng giảm mạnh ở Nhật, tuy nhiên số người phạm tội là người cao tuổi lại ngày một tăng. Cũng vì đối mặt với gánh nặng kinh tế, ngày càng nhiều công dân cao tuổi tại Nhật bị mắc chứng trầm cảm, lo âu nhiều hơn bình thường. Song song với đó là số lượng người già phải sống cô đơn một mình cũng trên đà tăng dần.

Khi nhà tù là chỗ dựa

Hiện tượng tù nhân cao tuổi tăng vọt được dư luận Nhật Bản chú ý từ năm 2006, khi một cụ ông 74 tuổi thiêu rụi nhà ga xe lửa phía Tây Nhật Bản. Ông này mới được ra tù 8 ngày trước, và khai với cảnh sát rằng, trong cơn đói khát, không người thân thích, ông làm vậy để được trở lại nhà tù. Năm ngoái, một cụ bà gặp khó khăn cũng đã đầu độc nhiều cụ ông để chiếm đoạt tài sản và… vào tù.

Báo chí cũng cho biết, một cụ ông 67 tuổi ở nhà tù Nagasaki, Kyushu, người đang thụ án lần thứ 14 với tội danh móc túi. Ông này sẽ mãn hạn vào tháng 1/2016, nhưng các giám thị dự đoán, ông ta sẽ sớm trở lại, bởi không có gia đình, cũng không nơi trú ngụ. Các nhân viên xã hội cho biết, tù nhân này bị bệnh béo phì, huyết áp cao, điếc và có vấn đề về nhận thức.

Mỗi khi được ra tù, ông lại ăn cắp hoặc móc túi để có tiền mua thức ăn, quần áo, đồ uống và cuối cùng chấp nhận ngồi tù để có cuộc sống thoải mái hơn. Thống kê của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, mỗi năm nước này có 6.400 tù nhân mãn hạn, trong đó có tới 30% tái phạm và bị đưa trở lại nhà tù trong vòng 2 năm.

Chi phí tăng cao cho việc chăm sóc những tù nhân lớn tuổi này đã gây thêm sức ép đáng kể cho chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe, vốn đang phải đối mặt với khoản nợ quốc tế tương đương 240% GDP. Trong tình trạng chính phủ không đủ nguồn lực để tạo công ăn việc làm cho các tù nhân sau khi được phóng thích, và cũng không ai nhận phụng dưỡng thì họ lại muốn vào tù.

Nhiều giám thị đã trở thành những "điều dưỡng viên" bất đắc dĩ.

Không lo trốn thoát

Trong khi các nước khác luôn tăng kinh phí để xây nhà tù kiên cố, không cho tù nhân thoát ra ngoài thì Nhật Bản lại đối mặt với một thách thức làm sao thuyết phục họ rời khỏi nhà tù càng sớm càng tốt. Tại nhà tù dành cho phạm nhân nữ ở Fukushima, số tù nhân hơn 60 tuổi chiếm tới 28%, và tù nhân lớn tuổi nhất là một cụ bà 91 tuổi, người liên tục phạm tội ăn cắp vặt để được vào tù, nơi bà có chỗ trú ngụ, thức ăn và điều kiện chăm sóc y tế miễn phí.

Giáo sư Koichi Hamai, chuyên gia tội phạm học thuộc Đại  học Ryukoku cho biết: "Dù hầu hết các nhà tù Nhật Bản hiện đều kém tiện nghi và không có hệ thống điều hòa hay sưởi ấm, nhưng chúng còn tốt hơn nhiều so với cuộc sống vất vưởng bên ngoài. Trong tù, các phạm nhân có bạn bè, thức ăn và được chăm sóc tốt hơn bên ngoài". Chính những lý do này đã biến nhiều nhà tù ở Nhật thành "trại dưỡng lão", nơi các giám thị trở thành điều dưỡng viên bất đắc dĩ.

Tại nhà tù ở Fukushima, các giám thị phải thường xuyên thay bỉm và quần lót cho các cụ bà, tắm rửa và dìu họ đi dạo. Theo quy định của pháp luật Nhật Bản, những người tái phạm các hành vi ít nghiêm trọng (chẳng hạn như ăn cắp vặt) có thể phải ngồi tù đến 5 năm. Về mặt lý thuyết, để trừng phạt một người ăn cắp hộp cơm trị giá 183.000 VNĐ, chính phủ Nhật sẽ phải bỏ ra 2,9 tỉ VNĐ để nuôi người này ở tù trong 5 năm, cao gấp đôi số tiền phúc lợi mà một người bình thường được hưởng.

Chính quyền Tokyo đã phải chi hơn 58.500 tỉ VNĐ để điều hành hệ thống nhà tù trong năm tài khóa 2015. Đa phần những người "vào tù ra tội" liên tục này là những người già không nơi nương tựa, không người thân thích, hoặc người tàn tật. Khi một tù nhân cao tuổi chết, nghi thức tang lễ và an táng đều do nhà tù sắp xếp. Sau đó, tro cốt của người quá cố sẽ được gửi tới họ hàng thân thích nhất.

Nguyễn Minh (tổng hợp)
.
.
.