Người tị nạn vẫn tìm cách đổ vào châu Âu

Thứ Tư, 06/04/2016, 16:19
Ngày 2-4, khi phát biểu với tờ Die Welt, Bộ trưởng Quốc phòng Áo Hans Peter Doskozil tuyên bố, nước này có kế hoạch tăng cường binh sỹ tới khu vực biên giới với Italia, đặc biệt là cửa khẩu Brenner để kiểm soát dòng người di cư. Đồng thời cho biết, Áo và các nước ở Trung Âu và Balkan sẽ đề nghị Liên minh châu Âu (EU) thành lập một lực lượng mới để hỗ trợ các nước đối phó với dòng người di cư. 


Áo cũng kêu gọi bảo vệ biên giới để đảm bảo cho chính sách an ninh châu lục, trong đó quân đội có thể tham gia đáng kể vào việc bảo vệ biên giới, cũng như quá trình đăng ký người tị nạn. Trước đó (30-3), khi phát biểu tại thủ đô Vienna, Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner và Bộ trưởng Quốc phòng Hans Peter Doskozil cho biết, biện pháp đẩy nhanh xử lý hồ sơ người tị nạn chỉ trong vài giờ ở biên giới sẽ giúp Áo hạn chế được số người tị nạn đổ vào nước này.

Theo đó, người tị nạn sẽ phải nêu lý do thuyết phục chống lại nguy cơ bị trục xuất, và chỉ có các trường hợp đoàn tụ gia đình hoặc bị truy bức mới được chấp thuận tị nạn. Theo bà Johanna Mikl-Leitner, Áo chỉ chấp thuận các đơn tị nạn theo Điều 8 Công ước châu Âu về Nhân quyền.

Trước đó (tối 1-4), với 169 số phiếu thuận, 107 phiếu chống, Quốc hội Hy Lạp đã bật đèn xanh cho việc đưa người tị nạn trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Với quyết định này, việc thực thi thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ về trục xuất người tị nạn từ Hy Lạp trở lại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được bắt đầu từ 4-4. Theo kế hoạch, trong đợt đầu tiên, 500 người tị nạn từ các đảo ở Hy Lạp sẽ được đưa về Thổ Nhĩ Kỳ. Đức đang tính đưa người xin tị nạn bị bác đơn từ Hy Lạp trở lại Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 4-4.

Người tị nạn Syria.

Theo phó phát ngôn của Chính phủ Đức Christiane Wirtz, hiện vẫn còn một số điểm cần phải hoàn tất để có thể bắt đầu lộ trình đưa người tị nạn trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Còn theo xác nhận của người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức, từ 4-4, người tị nạn Syria đầu tiên theo thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được đưa tới Đức, và nơi tới là vùng Friedland, bang Niedersachsen.

Trong khi đó, Bộ Nhập cư, Thống nhất và Nhà ở Đan Mạch vừa quyết định gia hạn kiểm soát tạm thời tại biên giới của nước này với Đức thêm 30 ngày, cho đến ngày 3-5. Và cho tới nay đã có gần 10 nước trong khu vực tự do đi lại Schengen buộc phải tái kiểm soát biên giới để đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư.

Theo một số nguồn tin, EU sẽ khôi phục hoàn toàn các quy định của khu vực Schengen vào tháng 11 tới. Theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Macedonia Zoran Jolevski, đường biên giới giữa Macedonia và Hy Lạp sẽ tiếp tục được bảo vệ và đặt dưới sự giám sát của quân đội để ngăn dòng người tị nạn tràn vào nước này. Và quân đội sẽ hỗ trợ lực lượng cảnh sát và an ninh Macedonia bảo vệ biên giới quốc gia. Ông Zoran Jolevski cũng xác nhận sẽ tham dự cuộc họp sắp tới tại Vienna (Áo) với những người đồng cấp đến từ các quốc gia Trung Âu và Tây Balkan - tuyến đường vào châu Âu chính của người di cư. Trước đó, Quốc hội Macedonia đã bỏ phiếu nhất trí kéo dài tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại các khu vực biên giới phía Bắc và phía Nam tới ngày 31-12-2016 do cuộc khủng hoảng di cư vẫn tiếp diễn.

Được biết, sau thỏa thuận đạt được giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực, số người tị nạn tìm cách tới châu Âu qua tuyến đường biển nối Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp đã giảm mạnh. Nhưng sau khi "tuyến đường Balkan" bị đóng lại, lượng người di cư đến Italia lại tăng vọt.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ Italia, kể từ đầu năm đến nay, lượng người di cư bằng đường biển từ Libya tới nước này đã tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái - từ đầu năm tới ngày 30-3 đã có 18.234 người tới Italia qua tuyến đường này, tăng 80% so với cùng kì năm ngoái. Italia đang lo ngại bọn buôn người sẽ mở tuyến đường từ Albania hoặc từ Thổ Nhĩ Kỳ vượt biển Aegea tới nước này. Dự kiến, Italia sẽ phải tiếp nhận khoảng 270.000 người di cư trong năm 2016, cao gấp 2,5 lần so với năm 2015.

Bà Carlotta Sami, phát ngôn viên nhánh Nam Âu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho biết, không chỉ xuất hiện một làn sóng di cư ồ ạt mới sang Italia với số lượng lớn, mà còn với nhiều quốc gia hơn trước đây.

Cảnh sát Pháp đã giải tỏa những lều tạm người di cư dựng lên trái phép ở phía Bắc thủ đô Paris. Trong khuôn khổ chiến dịch giải tỏa, người di cư được chở đến các khu tạm trú ở ngoại ô Paris hoặc các tỉnh khác. Đây là chiến dịch thứ 18 kể từ tháng 6-2015 và với sự hỗ trợ của cảnh sát, việc giải tỏa, sơ tán người di cư được thực hiện ổn thỏa.
Quốc Dũng
.
.
.